Bài học cho Israel từ những sai lầm trong các cuộc tấn công trên bộ trước đây ở Liban
Không có trận chiến nào giống với trận chiến nào, ngay cả khi hai bên tham chiến trên cùng một địa hình.
Nhưng các bên vẫn có thể gặp phải những thách thức tương tự như họ đã từng đối mặt.
Khói bốc lên sau cuộc tấn công của Israel tại Marjeyoun, Liban, ngày 23/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo trang The Guardian (Anh), chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Israel đã tuyên bố với các binh sĩ nước này rằng các cuộc không kích sẽ tiếp tục diễn ra bên trong Liban, khi quân đội Israel chuẩn bị cho một chiến dịch trên bộ có thể xảy ra. Giới quan sát nhận định nếu lực lượng của Israel vượt qua biên giới phía bắc, họ có thể sẽ phải đối mặt với những trở ngại mà họ đã từng gặp phải trước đây.
Khi xe tăng Israel tiến vào miền Nam Liban năm 2006, họ đã gặp phải một đối thủ đã thay đổi đáng kể, kể từ khi Tel Aviv rút khỏi Liban sáu năm trước đó.
Chỉ trong thời gian ngắn đó, phong trào Hezbollah đã tổ chức và phát triển năng lực mạnh mẽ. Trong khu vực biên giới cằn cỗi được bao quanh bởi những dãy núi đá dốc, các đường hầm chiến đấu đã được chuẩn bị. Những chiến thuật và vũ khí mới cũng được điều chỉnh để gây khó khăn cho lực lượng Israel khi họ tiến vào.
Xe tăng thường dễ bị tên lửa chống tăng bắn trúng. Các binh sĩ của Hezbollah và nhóm đồng minh của họ là phong trào Amal đã bắn súng cối vào các đơn vị bộ binh Israel đang tiến quân, khi họ tìm đường vượt qua các lùm cây và những cánh đồng thuốc lá bát ngát.
Đối với những người chứng kiến cuộc chiến ở cự ly gần, thì đây là một bài học kinh nghiệm đắt giá.
Trong cuộc chiến năm 2006 – cũng như cuộc chiến hiện tại – máy bay phản lực và thiết bị bay không người lái của Israel đã kiểm soát không phận, tấn công cơ sở hạ tầng và các vị trí của Hezbollah mà không gặp phải sự kháng cự nào. Các tàu chiến của Israel hàng ngày đã pháo kích bờ biển, đe dọa tuyến đường cao tốc ven biển chính. Nhưng khi đến gần biên giới, cuộc giao tranh lại là một bức tranh rất khác.
Cảnh đổ nát sau một vụ tấn công tên lửa tại Kibbutz Saar, miền bắc Israel, ngày 25/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Video đang HOT
Trong cuộc trao đổi với các binh sĩ hôm 25/9, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF), Trung tướng Herzi Halevi, dường như thừa nhận thực tế rằng bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào, nếu được lệnh, cũng sẽ rất khó khăn và bị phản đối.
“Chúng ta đang chuẩn bị tiến hành một cuộc diễn tập, nghĩa là quân đội của các bạn, quân đội cơ động của các bạn, sẽ tiến vào lãnh thổ của kẻ thù, tiến vào các ngôi làng mà Hezbollah đã chuẩn bị làm tiền đồn quân sự lớn, với cơ sở hạ tầng ngầm, điểm tập kết và bệ phóng vào lãnh thổ của chúng ta để tấn công người dân Israel”, ông Halevi nói với các binh sĩ của IDF.
Ông cho biết thêm rằng trong cuộc tiến công vào những khu vực đó bằng vũ lực, cuộc chạm trán với các tay súng Hezbollah, các binh sĩ của Israel cần cho kẻ thù thấy thế nào là đối mặt với một lực lượng chuyên nghiệp, có kỹ năng cao và giàu kinh nghiệm chiến đấu.
“Bạn sẽ tiến vào mạnh mẽ hơn nhiều và có nhiều kinh nghiệm hơn họ. Bạn sẽ tiến vào, tiêu diệt kẻ thù ở đó và phá hủy cơ sở hạ tầng của họ một cách quyết đoán”, ông kêu gọi.
Phóng viên Peter Beaumont của trang The Guardian nhận định thực tế là bất kỳ chiến dịch trên bộ nào cũng sẽ là một nỗ lực phức tạp hơn nhiều so với các cuộc tấn công do tình báo chỉ huy, mà Israel đã tiến hành trong vụ nổ loạt thiết bị liên lạc và các cuộc không kích sau đó.
Trong cuộc chiến năm 2006, những thất bại, bài học kinh nghiệm của Tel Aviv đều đã được nêu ra trong Ủy ban Winograd – Cơ quan điều tra chính thức về cuộc chiến của Israel chống lại Hezbollah ở Liban vào thời điểm đó. Những thất bại đó có một phần trách nhiệm của các nhã lãnh đạo thời chiến thiếu kinh nghiệm của Israel khi đó – gồm Tổng tham mưu trưởng Dan Halutz, cựu phi công chiến đấu đã phải vật lộn để điều phối các hoạt động trên bộ, cùng cựu Thủ tướng Ehud Olmert và Bộ trưởng Quốc phòng khi đó là Amir Peretz.
Năm 2016, một thập kỷ sau cuộc chiến, phóng viên quân sự của Haaretz Amos Harel đã viết: “Các sư đoàn IDF đã di chuyển xung quanh một cách vô định. Trong khi đó, chính phủ và quân đội không có khả năng xác định cuộc điều động nào sẽ giành được thế thượng phong”.
Và trong khi IDF đã cải thiện hệ thống giáp để phòng thủ tốt hơn trước các vũ khí chống tăng di động và chuẩn bị cho cuộc chiến ở Liban, thì vẫn chưa rõ liệu cuộc tấn công trên bộ của Israel có thể tránh được những cạm bẫy tương tự hay không. Hoặc liệu mục tiêu của họ có thực tế hơn không.
Hơn nữa, Hezbollah ở thời điểm hiện tại đã được trang bị vũ khí tốt hơn nhiều so với năm 2006. Các tay súng của họ đã có nhiều kinh nghiệm chiến đấu hơn sau nhiều năm chiến đấu ở Syria, nhưng Israel dường như đang rơi vào cùng một cái bẫy khái niệm là hiểu sai bản chất của phong trào này.
Trong khi cuộc tấn công máy nhắn tin và các cuộc không kích của Israel đã thành công trong việc “loại bỏ” loạt lãnh đạo, chỉ huy của Hezbollah, thì bản chất của phong trào này với tư cách là một lực lượng của Liban, cuối cùng vẫn còn nguyên vẹn.
Về bản chất, Hezbollah vẫn là một lực lượng rải rác tại địa phương, phân bổ khắp các thành phố, làng mạc và vùng nông thôn với nhiệm vụ duy nhất và được hiểu rõ – chống lại quân đội Israel.
Hezbollah đã phải trải qua những thời khắc “bất ngờ và kinh hoàng” trong các cuộc tấn công máy nhắn tin và bộ đàm, cùng các cuộc không kích sau đó. Trong khi đó, Israel cũng có những thách thức phải đối mặt. Những thách thức này không chỉ là sự quá tải về năng lực quân sự, mà còn là sự kiệt quệ ngày càng tăng trong xã hội Israel sau một năm chiến tranh.
Nhiều đơn vị của Israel chiến đấu ở Gaza đã được điều động về phía bắc. Một cuộc khủng hoảng sâu sắc hơn ở Bờ Tây cũng đang làm cạn kiệt nguồn lực của Tel Aviv khi cuộc xung đột ở Gaza vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Hệ thống phòng không Israel đánh chặn các tên lửa phóng từ Liban ngày 25/9/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Lực lượng Phòng vệ Israel từ lâu luôn tự hào về khả năng chiến đấu trên nhiều mặt trận, nhưng chiến dịch kéo dài và ảm đạm chống lại Hamas vẫn chưa hoàn thành và không có kế hoạch rõ ràng hàng ngày. Chiến dịch đó cũng đã chứng minh những thiếu sót trong tư duy quân sự của Israel, đặc biệt là quan niệm cho rằng chiến tranh cơ động có thể đánh bại các tác nhân phi nhà nước – đôi khi hành động giống như các lực lượng thông thường, nhưng cũng có thể chuyển thành cuộc chiến không theo quy ước.
Israel từng tấn công Liban quy mô lớn vào năm 1978 và 1982, bao vây phía tây thủ đô Beirut để đánh bật Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) của Yasser Arafat. Họ kiểm soát miền Nam Liban từ năm 1982 đến năm 1985, và hoàn toàn rút quân khỏi Liban năm 2000. Vào năm 2006, một cuộc chiến tranh khác đã nổ ra giữa lực lượng Hezbollah và Israel. Cuộc chiến kéo dài một tháng trước khi hai bên chấp nhận đình chiến theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Và nếu lịch sử có thể để lại cho chúng ta những bài học đắt giá, thì bất kỳ chiến dịch tấn công trên bộ nào cũng có nhiều khả năng không đạt được mục tiêu.
Thủ tướng Netanyahu: Israel đã tấn công Hezbollah theo cách không ngờ tới
Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel gần đây đã tấn công lực lượng Hezbollah ở Liban theo những cách mà phong trào này không thể ngờ tới.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu họp báo tại Jerusalem. Ảnh: THX/TTXVN
"Trong những ngày gần đây, Israel đã giáng loạt đòn tập kích vào Hezbollah theo cách họ không thể ngờ tới. Nếu Hezbollah trước đây chưa hiểu thông điệp này, tôi cam kết họ sẽ phải hiểu thông điệp đó", ông Netanyahu nói.
Thủ tướng Israel cũng cam kết sẽ cho phép người dân phía Bắc trở về sau khi phải sơ tán do các cuộc tấn công của Hezbollah ở Liban.
"Không quốc gia nào có thể dung thứ cho việc phóng rocket vào công dân và các thành phố của họ. Israel sẽ không dung thứ cho điều đó. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ cần thiết để khôi phục an ninh", ông Netanyahu nói.
Ông Netanyahu đã đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh căng thẳng giữa Hezbollah và Israel đang gia tăng. Ngày 22/9, Israel và Liban đã có cuộc đọ súng dữ dội khi các chiến đấu cơ của Israel thực hiện cuộc ném bom dữ dội nhất ở phía Nam Liban trong gần một năm chiến tranh. Trong khi đó, Hezbollah tuyên bố đã tấn công tên lửa vào các mục tiêu quân sự ở phía Bắc Israel.
Quân đội Israel cho biết họ đã tấn công khoảng 290 mục tiêu vào ngày 21/9, bao gồm hàng nghìn súng phóng tên lửa của Hezbollah. Tel Aviv tuyên bố họ sẽ tiếp tục tấn công các mục tiêu của lực lượng ở Liban.
Các cuộc tấn công này diễn ra chưa đầy 48 giờ sau cuộc không kích của Israel nhằm vào các chỉ huy Hezbollah ở vùng ngoại ô thủ đô Liban. Bộ Y tế Liban cho biết số người thiệt mạng trong cuộc không kích này đã tăng lên 45 người vào ngày 22/9.
Trước đó, hàng nghìn máy nhắn tin và các thiết bị liên lạc khác của Hezbollah đã phát nổ trong một cuộc tấn công mà phong trào này đã cáo buộc Israel đứng sau vụ việc. Số người thiệt mạng trong các cuộc tấn công này đã tăng lên 39 người với trên 3.000 người bị thương.
Israel vẫn chưa xác nhận hay phủ nhận đứng sau các cuộc tấn công trên.
Hezbollah tuyên bố sẽ tiếp tục chiến đấu với Israel cho đến khi nước này đồng ý ngừng bắn ở Gaza. Song chức lập luận điều này khó có thể xảy ra trong thời gian tới. Israel cũng muốn Hezbollah ngừng bắn và rút quân khỏi khu vực biên giới, tuân thủ nghị quyết của Liên hợp quốc đã ký với Israel vào năm 2006, bất kể thỏa thuận nào về Gaza.
Tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant, tuyên bố Israel sẽ mở giai đoạn chiến tranh mới ở biên giới phía bắc. Ông nói: "Trình tự các hành động trong giai đoạn mới sẽ tiếp tục cho đến khi đạt được mục tiêu của chúng tôi: Người dân phía Bắc được trở về nhà an toàn".
Hàng chục nghìn người đã rời bỏ nhà cửa ở cả hai phía biên giới Israel - Liban kể từ khi Hezbollah bắt đầu nã tên lửa vào Israel hồi tháng 10/2023 để bày tỏ sự ủng hộ người Palestine ở Gaza.
Chuyên gia: Cơ quan tình báo Mỹ có thể đứng sau vụ nổ máy nhắn tin ở Liban Ông Alexei Leonkov, nhà phân tích quân sự và biên tập viên tạp chí Arsenal Otechestva, cho rằng vụ nổ máy nhắn tin gần đây ở Liban có thể do hành động can thiệp vào phần mềm chịu trách nhiệm sạc thiết bị. Các nạn nhân bị thương trong vụ nổ máy nhắn tin được đưa tới Trung tâm y tế AUBMC ở...