Bài giảng độc đáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
Tham dự lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại cơ sở 2 trường trung học Đoàn Thị Điểm (Từ Liêm, Hà Nội), Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã thông qua một HS lớp 9 để tạo thành một bài giảng đầy ý nghĩa với tính nhân văn sâu sắc.
Sáng ngày 17/11, Phó Thủ tưởng Nguyễn Thiện Nhân cùng Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội đã tham dự lễ kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam tại trường trung học Đoàn Thị Điểm.
Mở đầu bài phát biểu, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ: “Hàng năm cứ đến dịp 20/11, lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, của các địa phương đều đến các trường học khắp mọi miền đất nước để khẳng định rằng, đất nước Việt Nam 4.000 năm lịch sử hôm nay cần các thầy các cô, để khẳng định rằng các HS của chúng ta vì tương lai của mình, của quê hương, của đất nước mình cần đến các thầy cô giáo”.
Thông qua câu trả lời của một HS, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có một bài giảng “độc đáo” dành cho thầy trò trường Đoàn Thị Điểm.
Xoay quanh câu chuyện học thời chiến tranh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bắt đầu bài giảng của mình với câu hỏi: “Hôm nay nhân ngày nhà giáo, tôi muốn hỏi chuyện một học sinh lớp 12 có được không?”.
Có lẽ vì lần đầu được tiếp xúc với một vị Phó Thủ tướng nên các HS lớp 12 khá cân nhắc khi giơ tay. Để tránh sự trầm lắng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân chuyển sang đối tượng là HS lớp 9. Khác với các anh chị, HS lớp 9 hồ hởi xung phong lên “giao lưu”. Để trấn an các “học trò” của mình, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Tôi sẽ hỏi một câu rất dễ thôi”.
Sau vài giây làm quen với HS mạnh dạn lên giao lưu và biết em tên là Phạm Mai Chi – HS lớp 9A2, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bắt đầu đặt câu hỏi: “Em học ở đây bao nhiêu năm rồi?”. “Dạ, cháu học ở đây 4 năm rồi” – em Mai Chi trả lời.
Nhận được lời hồi đáp, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đi vào vấn đề chính: “Em học ở đây 4 năm rồi nên thầy chỉ hỏi em một câu thôi, em thấy đất nước Việt Nam mình có 3 điều gì em thấy tự hào và thích nhất?”.
Sau hồi trầm ngâm suy nghĩ, Mai Chi trả lời: “Dạ thưa bác, cháu thích nhất là truyền thống yêu nước. Thứ 2 là đạo hiếu và truyền thống uống nước nhớ nguồn của người Việt Nam”.
Đến điều thứ 3 thấy Mai Chi bối rối và rơi vào thế “bí”, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân gợi ý để “gỡ rối”: “Những năm gần đây em thấy có điều gì phát triển mà mình cảm thấy tự hào?”. Cũng để trấn an “học trò” của mình, ông nói thêm: “Ở đây là hỏi bài chứ không không phải là nhắc bài đâu”.
Với sự quan tâm của “thầy” Nguyễn Thiện Nhân, HS Mai Chi cũng tìm được đáp án cho mình: “Thưa bác, điều thứ 3 đó chính là sự phát triển của nền kinh tế đất nước”.
Mặc dù hỏi HS Mai Chi nhưng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng không quên sự tương tác với các em ở phía dưới. Mỗi lần Mai Chi trả lời, ông đều đặt câu hỏi cho các học trò phía dưới là có đúng không và nếu đúng thì cho một tràng vỗ tay.
Video đang HOT
Sau khi mời cô “học trò” của mình về chỗ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân diễn giải: “Như vậy sau khi học gần 4 năm, Mai Chi đã đưa ra kết luận người Việt Nam có truyền thống yêu nước, điều đó rất là chính xác. Không có đoàn kết dân tộc, chia sẻ ngọt bùi, quyết tâm giữ gìn đất nước 4.000 năm qua thì không có nước Việt Nam như ngày hôm nay. Cách đây đúng 100 năm thì cứ 100 người Việt Nam thì có 95 người không biết đọc. Còn ngày hôm nay, có 95 người Việt Nam thì có… 96 người biết đọc, biết viết. Như vậy từ một dân tộc không biết chữ thành một dân tộc xóa mù chữ và phổ cập được tiểu học, THCS”.
Phó Thủ tướng tiếp tục bài giảng của mình với điều thứ 2 Mai Chi nói là truyền thống uống nước nhớ nguồn. Ông phân tích: “Điều này rất quan trọng bởi người Việt Nam chúng ta có truyền thống hiếu học. Khi biết được mình thì sẽ hỏi lại là tại sao có mình. Với cha mẹ sinh thành ra mình, nuôi nấng mình, có quê hương đùm bọc nên truyền thống uống nước nhớ nguồn hết sức quan trọng. Ở trường uống nước nhớ nguồn là nhớ ai? Đó chính là nhớ các thầy cô”.
Với vấn đề ý thứ 3 đó là nền kinh tế đất nước phát triển, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bắt đầu “làm khó” HS trường Đoàn Thị Điểm. “Điều này là đúng nhưng xin cho thầy một ví dụ” – ông đề xuất.
Tưởng rằng HS sẽ cân nhắc trước khi trả lời nhưng Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân hoàn toàn bất ngờ khi Huệ Chi – HS lớp 6 tiến nhanh về sân khấu đưa ra đáp án: “Cháu thấy nền kinh tế Việt Nam phát triển nhất đó chính là xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới”.
Câu trả lời của cô HS lớp 6 Huệ Chi đã khiến cho Phó Thủ tướng thật sự bất ngờ.
Để khẳng định đây là kiến thức “thật” của Huệ Chi, Phó Thủ tướng bắt đầu dò xét: “Vì sao con biết điều này?”. “Dạ, con đọc thông tin ở trên báo mạng”. Phó Thủ tướng đặt câu hỏi tiếp: “Con đọc hay bố mẹ đọc hộ con?”. Chỉ khi nghe lời hồi đáp là “con đọc”, ông mới thở phào và đề nghị HS toàn trường hoan nghênh, biểu dương Huệ Chi.
“Huệ Chi là một bất ngờ của ngày hôm nay, mới học lớp 6 mà biết Việt Nam là đất nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Mọi năm chúng ta đứng thứ nhì nhưng năm nay là nhất thế giới. Em biết là do tự đọc báo mạng chứ không phải là bố mẹ đọc” – Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói.
Sau lời biểu dương, ông tiếp tục: “Tôi rất vui khi gặp gỡ các thầy cô, nghe các em HS nói chuyện. Như vậy, trường chúng ta đã chú trọng được việc giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức và đặc biệt hơn cả là các em mới học lớp 6 có thể tự vào mạng Internet để tìm kiếm thêm kiến thức. Đây là điều rất tốt”.
Bài giảng của Phó Thủ tướng kết thúc với sự ủng hộ nhiệt tình của cô và thầy trường trung học Đoàn Thị Điểm. Trước khi rời ngôi trường này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã gửi những lời chúc tốt đẹp nhất đến đội ngũ thầy cô cùng như toàn HS nhà trường. Phó Thủ tướng cũng tặng quà, trồng cây và chụp ảnh với thầy trò nhà trường.
Dưới đây là một số hình ảnh của buổi lễ kỷ niệm 30 năm ngày Nhà giáo Việt Nam tại trường Đoàn Thị Điểm:
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có mặt khá sớm để chung vui với thầy trò trường Đoàn Thị Điểm nhân kỷ niệm 30 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam.
HS trường Đoàn Thị Điểm đón chào Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân.
Buổi lễ bắt đầu với nghi lễ truyền thống đó là chào cờ và hát quốc ca. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cùng tham gia nghi lễ này.
Những tiết mục ca nhạc với đạo lý uống nước nhớ nguồn trong lễ kỷ niệm.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân “giảng bài” cho thầy và trò trường Đoàn Thị Điểm.
Nữ giáo viên trẻ thay mặt nhà trường tặng hoa chúc mừng Phó Thủ tướng.
Phó Thủ tướng tặng món quà nhỏ cho thầy trò trường Đoàn Thị Điểm.
Phó Thủ tướng cùng lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội trồng cây lưu niệm.
Phó Thủ tướng chụp ảnh lưu niệm với thầy cô trường Đoàn Thị Điểm.
Phút giây gần gũi của Phó Thủ tướng với “học trò” của mình trước lúc chia tay.
S.H
Theo dân trí
GS Roger B. Myerson giảng bài tại ĐH Ngoại thương
Chiều 15/11, GS Roger B. Myerson, người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2007, đã có bài giảng tại ĐH Ngoại thương Hà Nội với chủ đề "Cơ chế lãnh đạo, nền dân chủ và chính quyền địa phương". Hơn 1.000 giảng viên, sinh viên đã tham dự sự kiện này.
Đây là sự kiện mở đầu cho chuỗi sự kiện "Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình" lần thứ 2 tại Đông Nam Á do Quỹ Hòa bình Quốc tế có trụ sở tại thủ đô Vienna (nước Áo) và Bộ GD-ĐT tổ chức. Trong chuyến thăm Việt Nam này, ngoài bài giảng tại ĐH Ngoại thương, GS Roger B. Myerson cũng sẽ tham gia gặp mặt riêng các nhà hoạch định chính sách tại Học viện Chính trị và Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh vào ngày mai 16/11.
Bắt đầu từ tháng 11/2012, Chương trình "Cầu nối" lần thứ 4 tại Đông Nam Á sẽ bao gồm các sự kiện được tổ chức liên tục từ tháng 11/2012 đến tháng 3/2013. Các chủ đề của chuỗi sự kiện sẽ nằm trong khuôn khổ nội dung "xây dựng văn hóa hướng tới hòa bình và sự phát triển của một thế giới toàn cầu hóa", kết nối các quan điểm từ Việt Nam và quốc tế. Chương trình bao gồm một loạt các chủ đề đa dạng như chính trị, kinh tế, khoa học, văn hóa và báo chí.
GS Roger B. Myerson giảng bài cho giảng viên và sinh viên trường ĐH Ngoại Thương, Kinh tế Quốc dân và HV Ngoại giao.
Chuỗi sự kiện có sự tham gia của các diễn giả đoạt giải Nobel trong lĩnh vực Kinh tế, Vật lý, Hóa học và Y học. Tham gia sự kiện còn có GS Romano Rodi, nguyên Thủ tướng Ý và nguyên Chủ tịch Hội đồng liên minh Châu Âu, và GS Ngô Bảo Châu - chủ nhân giải thưởng Toán học danh giá Fields năm 2010.
Chuỗi sự kiện "Cầu nối" được tổ chức với mục đích xây dựng cầu nối thông qua những người đạt giải Nobel, những trường ĐH trong nước và những tổ chức khác trong khu vực Đông Nam Á để thiết lập mối quan hệ lâu dài trong việc hợp tác những chương trình nghiên cứu chung và các chương trình khác. Với việc nâng cao khoa học, công nghệ và giáo dục như là một cơ sở cho hòa bình và phát triển, các sự kiện "Cầu nối" có thể giúp tăng cường sự hợp tác hướng tới hòa bình, tự do và an ninh trong khu vực với sự tham gia tích cực của thế hệ trẻ - tương lai của Đông Nam Á.
Bài giảng của GS Roger B. Myerson thu hút sự quan tâm của hơn 1.000 giảng viên và sinh viên.
ĐH Ngoại thương Hà Nội là trường ĐH đầu tiên được tham gia vào chuỗi sự kiện "Cầu nối - Cuộc đối thoại hướng đến văn hóa hòa bình" tại Việt Nam. Bài giảng của GS Roger B. Myerson được thực hiện tại Hội trường ĐH Ngoại thương và truyền trực tiếp ra ngoài sân trường để tiện cho SV theo dõi, lắng nghe.
Sinh viên được tạo điều kiện nghe trực tiếp bài giảng của GS Roger B. Myerson thông qua hệ thống truyền trực tiếp từ Hội trường ra ngoài sân trường.
Nhân sự kiện này, Trường ĐH Ngoại thương vinh dự trao bằng Tiến sỹ danh sự cho GS Roger B. Myerson. Bên cạnh đó, nhà trường cũng trao học bổng cho 5 sinh viên có thành tích xuất sắc trong học tập, nghiên cứu khoa học và các hoạt động xã hội.
GS. TS. Hoàng Văn Châu - Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương trao bằng Tiến sỹ danh dự tới GS Roger B. Myerson.
Được biết, GS Roger B. Myerson hiện giảng dạy và nghiên cứu tại Trường ĐH Chicago (Mỹ). Ông có những đóng góp to lớn trong các lĩnh vực kinh tế và khoa học chính trị, và đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2007 cho công trình nghiên cứu về lý thuyết thiết kế cơ chế.
GS Roger B. Myerson lấy bằng Tiến sỹ toán học ứng dụng tại ĐH Havard với luận án Lý thuyết về Hợp tác trong Trò chơi. Ông tham gia giảng dạy trong vòng 25 năm tại trường Quản trị Kellogg tại ĐH Northwestern. Đây là nơi ông phát triển công trình nghiên cứu sau này đoạt giải Nobel trước khi trở thành GS Kinh tế ĐH Chicago vào năm 2001.
S.H
Theo dân trí
Để sinh viên không còn "sợ" Logic học Môn học này hiện nay còn rất hạn chế, một phần do sinh viên "sợ", "ngại" môn học trừu tượng, khô khan; giảng viên cũng chưa có sự đầu tư thỏa đáng để tăng hấp dẫn trong bài giảng của mình. Logic được nhận định là môn học có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc giúp sinh viên rèn luyện và...