Bài 1: Xét hay thi giáo viên dạy giỏi
Danh hiệu giáo viên dạy giỏi được công nhận hàng năm là niềm tự hào của những nhà giáo nỗ lực phấn đấu.
Tuy nhiên, công nhận giáo viên dạy giỏi thế nào để vừa thực chất, vừa tạo động lực cho thầy cô phát triển chuyên môn nghề nghiệp là câu hỏi được đặt ra. Loạt bài của Báo Giáo dục và Thời đại sẽ đưa ra các ý kiến khác nhau về vấn đề này từ những người trong cuộc.
Đổi mới, sáng tạo trong dạy và học là nhu cầu tự thân trong Chương trình GDPT mới. Ảnh: Hữu Cường
Cần quy định phù hợp
Với 15 năm kinh nghiệm giảng dạy, cô Vũ Thị Kim Thoa – giáo viên Trường Tiểu học Tô Hoàng, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) – thể hiện mong muốn vẫn duy trì việc thi giáo viên dạy giỏi, tuy nhiên cần có những sửa đổi trong quy định để phù hợp hơn với thực tiễn.
Cô Thoa chia sẻ: Trước thềm năm học mới, cùng niềm vui được trở lại gặp học trò sau hai tháng nghỉ hè, một trong những việc khiến cô băn khoăn nhất là chốt phương án công nhận giáo viên dạy giỏi. Bởi ngay từ đầu năm học, với việc triển khai nhiệm vụ năm học, giáo viên xây dựng kế hoạch năm học của bản thân, bao gồm nội dung có hay không đăng ký thi giáo viên dạy giỏi.
Ngoài những bất cập nêu trên, từ quan điểm cá nhân, cô Thoa cũng cho rằng, Hội thi vẫn có những ưu điểm đáng ghi nhận. Có thể nói đến: Hội thi nhằm đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt, học tốt trong nhà trường; khuyến khích các giáo viên giao lưu, học hỏi kinh nghiệm trong giảng dạy; khai thác sử dụng sáng tạo, hiệu quả phương tiện và ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; nâng cao hiệu quả dạy học và giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Nhìn xung quanh các ngành nghề khác chúng ta đều thấy có những cuộc thi thực hành năng lực nghề. Ngành Y tế có: Hội thi tay nghề bác sĩ giỏi; thi điều dưỡng giỏi, điều dưỡng trưởng giỏi; Ngành Kiểm sát có Hội thi kiểm sát viên giỏi…
Video đang HOT
Trong năm học 2018 – 2019, một số phương án công nhận giáo viên dạy giỏi được đưa ra. Có phương án muốn giữ lại Hội thi giáo viên dạy giỏi, nhưng bên cạnh đó cũng có ý kiến muốn thay đổi phương án xét công nhận giáo viên dạy giỏi, hoặc bỏ hẳn Hội thi. Đầu năm 2019, Bộ GD&ĐT cũng đã nêu dự thảo nội dung phương án xét công nhận giáo viên dạy giỏi thông qua hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí của chuẩn nghề nghiệp.
Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có phương án chính thức nào được đưa ra để thay thế. Nhận định việc đưa ra phương án này là khó khăn, theo cô Vũ Thị Kim Thoa, Hội thi hiện nay còn mang tính hình thức; nhiều giáo viên tham gia Hội thi còn mang tính chất diễn…; những bất cập trong tư duy còn nặng bệnh thành tích của chính bản thân giáo viên và các nhà quản lý; hoặc nếu xét thì cũng sẽ nặng nề và phức tạp về quy trình, hồ sơ, minh chứng…
Ảnh minh họa
Thi sẽ mang tính thực tế hơn
“Không thể phủ nhận, Hội thi đã dần mất đi tính ưu việt của mình, song quan trọng chúng ta cần tìm ra nguyên nhân. Tôi cho rằng, có hai nguyên nhân chủ yếu, đó là: Các văn bản đã được ban hành gần 10 năm trước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, do vậy một số quy định về Hội thi không còn phù hợp với thực tiễn. Nguyên nhân tiếp theo là tư duy, trình độ và cái tâm của nhà quản lý, nhà tổ chức thực hiện. Cùng một cuộc thi nhưng kết quả xấu hay tốt là do người tổ chức và cách làm” – cô Vũ Thị Kim Thoa nêu ý kiến.
Chính vì vậy, nếu xét giáo viên dạy giỏi thì dựa trên các tiêu chí nào? Dù ít hay nhiều để thỏa mãn các tiêu chí, giáo viên vẫn phải chịu áp lực. Chưa kể các loại hồ sơ giấy tờ khi xét sẽ nhiều hơn là thi. Rồi nhà quản lý vẫn mang nặng tính thành tích thì sự công nhận mang tính chất phong trào, hình thức nhiều hơn là thực chất.
Thực tế cho thấy, nhiều nơi tổ chức Hội thi rất hiệu quả và không phải ở đâu cũng diễn ra theo chiều tiêu cực. Nên chăng, chúng ta nên tìm chính xác nguyên nhân cái gì bất ổn thì sửa. Đưa ra quan điểm này, cô Vũ Thị Kim Thoa cho rằng: Có thể sửa theo hướng không bình bầu, lựa chọn, đề cử giáo viên đi thi mà cần lấy tinh thần tự nguyện; không lấy kết quả Hội thi làm căn cứ để đánh giá, xếp loại thi đua của đơn vị (Điều 21 sử dụng kết quả Hội thi, Thông tư số 21/2010/TT-BGDĐT ban hành Điều lệ thi giáo viên dạy giỏi cấp học mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên); không yêu cầu nộp sáng kiến kinh nghiệm…
“Với nhận thức của mình, để lựa chọn giữa thi và xét công nhận thì thi sẽ thực tế hơn. Bởi thi sẽ làm rõ được “độ giỏi của tay nghề” hơn. Nghề giáo là nghề dạy học, công việc của chúng ta hằng ngày đến trường là giảng dạy và giáo dục học sinh thông qua các tiết dạy, các hoạt động giáo dục tổ chức thi tiết dạy giỏi cũng chính là minh chứng thể hiện tay nghề của GV” – cô Vũ Thị Kim Thoa chia sẻ.
Thảo Đan
Theo GDTĐ
Thi dạy giỏi như... đấu vật
Tại buổi tọa đàm bàn về việc bỏ thi giáo viên dạy giỏi, một hiệu trưởng tiểu học ở Hà Nội nói rằng, mỗi lần một giáo viên đi thi là cả trường đều "xung trận" để hỗ trợ giáo viên có tiết dạy đạt điểm cao nhất, mang thành tích vinh quang về cho cả trường, cả huyện...
Ảnh minh họa
Một đại biểu khác vốn là hiệu trưởng trường cán bộ quản lý giáo dục thì ví von thi giáo viên (GV) dạy giỏi như... đấu vật, ai khỏe sẽ thắng.
Nhưng cũng chính những người này khi được Bộ GD-ĐT hỏi ý kiến về việc bỏ thi GV dạy giỏi, thì lại tiếc nuối, lo bỏ thi rồi GV không còn động lực để dạy tốt nữa.
Xem ra, nền giáo dục nặng về ứng thí, không chỉ ảnh hưởng đến động lực học để thi của học sinh (HS) mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả động cơ dạy học của GV khi mà dạy tốt chỉ để đi thi lấy danh hiệu GV dạy giỏi. Từ bao giờ, niềm hạnh phúc, tiến bộ và năng lực của HS, đã không phải là "trái ngọt" đáng được mong đợi nhất trong sự nghiệp "trồng người"?
Nhưng đáng mừng là cũng buổi tọa đàm này, một vài ý kiến đã thẳng thắn đề nghị bỏ thi GV giỏi và gọi cuộc đua này như "luyện gà nòi" và chỉ nặng về "trình diễn". Trong hàng chục bài viết phản ánh thực trạng về áp lực nặng nề nhưng hiệu quả chẳng là bao của cuộc thi GV dạy giỏi đăng trên Thanh Niên, điều mà PV nhớ nhất là lời một trưởng phòng GD-ĐT một quận nội thành Hà Nội khi ông thốt lên: "Đã đến lúc không thể cứ tung hô những thứ vốn không có trong đời sống dạy học!".
Cũng chính vị này nói: "Chúng tôi muốn mỗi bài giảng mà các thầy cô mang đến hội thi sẽ là một sáng tạo, được thử nghiệm và được trình bày với một kỹ năng hoàn hảo. Nhưng cũng rất sợ sau tiếng "trống hội" rộn rã là hàng dài của những tiết học buồn tẻ không thể giúp HS".
Người viết bài này đã thấm thía "nỗi sợ" về sự đối lập của tiếng "trống hội" rộn rã và "hàng dài những tiết học buồn tẻ" mà ông nói, bởi cũng có con từng là HS của một GV dạy giỏi cấp TP. Vì danh hiệu lừng lẫy ấy, học trò của chính cô lại là người... thiệt thòi nhất. Thay vì được học bằng những phương pháp tốt nhất thì học trò của GV ấy, hoặc sẽ mất thời gian vào việc học đi học lại một bài với vai trò là "diễn viên quần chúng" trong những giờ thao giảng mà cô là "diễn viên chính" để các đoàn kiểm tra, các trường khác đến đánh giá, học tập; hoặc chúng sẽ phải chịu sự thiếu vắng cô liên tục bởi cô phải thay mặt cả trường, thậm chí cả TP đi thi dạy giỏi, đi chia sẻ kinh nghiệm dạy giỏi...
GV đi thi dạy giỏi đang phải gánh trên mình áp lực thành tích của cả một trường, một huyện, một tỉnh. Áp lực đó khiến họ quên bẵng hàng trăm HS đang chờ đợi thầy cô của mình, trong đó có những em học chậm cần phương pháp dạy giỏi để tiến bộ, có những em mong được cô tạo động lực để phát huy niềm yêu thích của mình với môn học nào đó; và không chừng còn có những em đang cần sự giúp đỡ của cô vì bị bạn bạo hành...
Một hiệu trưởng trường ngoài công lập luôn nói "không" với việc cử GV đi thi dạy giỏi, đã tâm sự với người viết: "Điều chúng tôi hướng đến tiết dạy không hề được chuẩn bị công phu nhưng chứa đựng tình yêu, trách nhiệm và trí tuệ của người thầy. Những tiết dạy mang đến niềm vui và hạnh phúc cho học trò".
Theo Thanh Niên
Bộ Giáo dục nên bãi bỏ xếp loại giáo viên bằng các giấy tờ vô bổ Những loại giấy tờ vô bổ, chẳng có tác dụng gì đang làm khổ giáo viên ở cơ sở nhưng đó đã là quy định của Bộ nên bắt buộc người thầy phải thực hiện. Trong bài viết Việc xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo Thông tư 20 quá phức tạp, chúng tôi đã phản ánh những khó khăn trong...