Bộ Giáo dục nên bãi bỏ xếp loại giáo viên bằng các giấy tờ vô bổ
Những loại giấy tờ vô bổ, chẳng có tác dụng gì đang làm khổ giáo viên ở cơ sở nhưng đó đã là quy định của Bộ nên bắt buộc người thầy phải thực hiện.
Trong bài viết Việc xếp chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông theo Thông tư 20 quá phức tạp, chúng tôi đã phản ánh những khó khăn trong việc tập hợp nguồn minh chứng của giáo viên khi xét chuẩn nghề nghiệp hàng năm ở các nhà trường.
Chính từ sự rắc rối, phức tạp như vậy nên giáo viên họ cũng không thể nào tìm được nguồn minh chứng theo những hướng dẫn của Bộ.
Sự tồn tại của Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT cho đến hết năm học 2017-2018 đã thể hiện sự bất cập này. Và bắt đầu từ năm học này, giáo viên các trường phổ thông sẽ thực hiện Thông tư 20/2018-BGDĐT để xếp loại chuẩn nghề nghiệp cho mình.
Suy cho cùng, việc xếp loại, đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên cũng chẳng có gì mới và tất nhiên cũng thể không thay đổi được chất lượng dạy và học của người thầy và trò.
Việc yêu cầu phải tập hợp minh chứng rất vô bổ và mất thời gian cho giáo viên (Ảnh minh họa: TTXVN)
Sự thay thế Thông tư 20/2018-BGDĐT20 cho Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT trước đây cũng không phải là sự tiến bộ hay giúp cho giáo viên đỡ phần rắc rối trong việc thực hiện nhiệm vụ hàng năm.
Thực tế, trong gần 10 năm thực hiện Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT để đánh giá chuẩn giáo viên thì nó cũng chẳng phát huy được tác dụng gì mà gây nhiều phiền toái cho giáo viên.
Trước đây, theo Thông tư số 30/2009/TT-BGDĐT thì việc xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông có 4 mức: “ Xuất sắc”, “khá”, “ trung bình” và “chưa đạt chuẩn- yếu”.
Quy trình đánh giá, xếp loại theo 3 bước: Giáo viên tự đánh giá, tổ chuyên môn đánh giá, Hiệu trưởng đánh giá.
Bây giờ, Thông tư 20/2018- BGDĐT bắt đầu thực hiện từ năm học này thì việc xếp loại chuẩn nghề nghiệp giáo viên cũng là 4 mức độ: “Mức tốt”, “mức khá”, “mức đạt” và “mức chưa đạt”.
Quy trình đánh giá chuẩn giáo viên cũng cơ bản theo 3 bước như trước đây cho dù một số từ ngữ, tên gọi có khác hơn một chút.
Chuẩn nghề nghiệp giáo viên là gì?
Video đang HOT
Trong Quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên của Bộ Giáo dục thì chuẩn nghề nghiệp giáo viên được giải thích từ ngữ như sau:
1. Phẩm chất là tư tưởng, đạo đức, lối sống của giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ, công viêc.
2. Năng lực là khả năng thực hiện công việc, nhiệm vụ của giáo viên
3. Chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông là hệ thống phẩm chất, năng lực mà giáo viên cần đạt được để thực hiện nhiệm vụ dạy học và giáo dục học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông…
Bởi, tựu chung lại mỗi giáo viên có 2 từ cốt lõi nhất là “phẩm chất” và “năng lực”.Nếu được định nghĩa như Thông tư 20/2018-BGDĐT của Bộ thì nó cực kỳ đơn giản trong việc đánh giá, không cần phải tìm minh chứng làm gì.
“Phẩm chất” của người giáo viên là nhân hậu, bao dung, yêu thương học trò. Đối xử với đồng nghiệp trong trường hòa thuận, tôn trọng lẫn nhau.
Những điều này không phải minh chứng bằng những tờ giấy mơ hồ ở đâu đâu mà chính là cách sống, cách thực hiện công việc ở nhà trường có hiệu quả.
Giáo viên đó không để lại điều tiếng gì xấu với đồng nghiệp, với nhà trường, được mọi người trân trọng, yêu mến là đương nhiên phải được xếp loại tốt. Bởi đó là “phẩm chất” của một nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy học trò.
Những giáo viên bị đơn thư, bị quở trách, góp ý về đạo đức, lối sống hàng ngày thì xếp loại ở mức thấp hơn.
“Năng lực” của giáo viên được hiểu là kiến thức, là khả năng truyền đạt của giáo viên trước công việc giảng dạy của mình.
Giáo viên dạy tốt, dạy học sinh hiểu bài, kết quả giảng dạy cao hơn các giáo viên trong trường, có các phiếu dự giờ của cấp trên, của đồng nghiệp xếp loại giỏi.
Giáo viên đó sẵn sàng chấp hành công việc đoàn thể giao như thực hiện tốt các công việc của mình, thực hiện tốt các tiết thao giảng chuyên đề, đi đầu trong đổi mới giáo dục thì họ phải được xếp loại tốt.
Những người khác, hoàn thành ở mức độ công việc thấp hơn thì xếp loại, đánh giá ở mức thấp hơn. Chỉ thế thôi là đủ, cần gì phải làm phức tạp vấn đề như hướng dẫn của Thông tư 20.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cứ nhìn cách xếp loại công chức, viên chức theo Nghị định 56 và Nghị định 88 sửa đổi của Chính phủ sẽ thấy nó đơn giản và bao hàm hơn rất nhiều Thông tư 20/2018-BGDĐT.
Trong khi, Hiệu trưởng là công chức, giáo viên là viên chức thì có cần phải xếp chuẩn nghề nghiệp nữa không?
Những tờ minh chứng vô nghĩa để làm gì?
Theo quy định và hướng dẫn của chuẩn nghề nghiệp giáo viên phổ thông thì: “ Minh chứng là bằng chứng (tài liệu, tư liệu, hiện tượng, nhân chứng) được dẫn ra để xác nhận một cách khách quan mức độ đạt được của tiêu chí”.
Những tiêu chí về chuyên môn như bản kế hoạch dạy học, biên bản họp tổ chuyên môn, họp Hội đồng sư phạm, phiếu dự giờ, kết quả học tập của học sinh có cần phải photo không khi các loại văn bản này giáo viên đã nộp hoặc nhà trường, tố chuyên môn đang lưu giữ? Vậy, những tiêu chí như bằng cấp, chứng chỉ mà giáo viên đã nộp cho nhà trường từ khi được tuyển dụng và bổ sung hàng năm để làm gì mà bây giờ mỗi năm xếp chuẩn nghề nghiệp lại phải photo mấy loại giấy tờ này để nộp?
Đó là bất cập khi những nguồn minh chứng đã có mà Bộ lại yêu cầu minh chứng cho hàng năm để xếp chuẩn nghề nghiệp.
Trong khi đó, có những nguồn minh chứng không thể nào tìm được đó là:
“ Thư cảm ơn, khen ngợi của cha mẹ học sinh/ đồng nghiệp/ nhóm chuyên môn/ tổ chuyên môn/ ban giám hiệu/ các tổ chức cá nhân phản ánh tích cực về giáo viên có phẩm chất đạo đức mẫu mực ..”.
Những loại minh chứng nàythì giáo viên lấy ở đâu ra để làm bằng chứng cho các tiêu chí đã được quy định?
Chính vì bất cập như vậy nên giáo viên người ta cũng đánh bừa, đánh thí “dấu x” vào các ô tương ứng của phiếu tự đánh giá, xếp loại. Tổ chuyên môn cũng vậy mà Hiệu trưởng nhà trường cũng thế.
Giỏi lắm thì mỗi giáo viên tìm được được mỗi tiêu chí một vài minh chứng đã là quý lắm rồi.
Những loại giấy tờ vô bổ, chẳng có tác dụng gì đang làm khổ giáo viên ở cơ sở nhưng đó đã là quy định của Bộ nên bắt buộc người thầy phải thực hiện. Vì thế, những văn bản mà Bộ ban hành mới đây về việc giảm tải cho giáo viên phỏng có ích lợi gì?
Những tờ giấy vô bổ cứ được giáo viên bổ sung thêm trong hồ sơ lưu của nhà trường hàng năm có thay đổi được chất lượng giáo dục hay không, có nâng được trình độ, nghiệp vụ của người thầy hay không?
Hay chỉ khiến cho giáo viên phải tất bật làm những điều vô nghĩa khi bước vào những ngày gần kết thúc năm học với vô vàn công việc đang đợi chờ người thầy?
NGUYỄN CAO
Theo giaoduc.net
Thi dạy giỏi như... đấu vật
Tại buổi tọa đàm bàn về việc bỏ thi giáo viên dạy giỏi, một hiệu trưởng tiểu học ở Hà Nội nói rằng, mỗi lần một giáo viên đi thi là cả trường đều "xung trận" để hỗ trợ giáo viên có tiết dạy đạt điểm cao nhất, mang thành tích vinh quang về cho cả trường, cả huyện...
Ảnh minh họa
Một đại biểu khác vốn là hiệu trưởng trường cán bộ quản lý giáo dục thì ví von thi giáo viên (GV) dạy giỏi như... đấu vật, ai khỏe sẽ thắng.
Nhưng cũng chính những người này khi được Bộ GD-ĐT hỏi ý kiến về việc bỏ thi GV dạy giỏi, thì lại tiếc nuối, lo bỏ thi rồi GV không còn động lực để dạy tốt nữa.
Xem ra, nền giáo dục nặng về ứng thí, không chỉ ảnh hưởng đến động lực học để thi của học sinh (HS) mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả động cơ dạy học của GV khi mà dạy tốt chỉ để đi thi lấy danh hiệu GV dạy giỏi. Từ bao giờ, niềm hạnh phúc, tiến bộ và năng lực của HS, đã không phải là "trái ngọt" đáng được mong đợi nhất trong sự nghiệp "trồng người"?
Nhưng đáng mừng là cũng buổi tọa đàm này, một vài ý kiến đã thẳng thắn đề nghị bỏ thi GV giỏi và gọi cuộc đua này như "luyện gà nòi" và chỉ nặng về "trình diễn". Trong hàng chục bài viết phản ánh thực trạng về áp lực nặng nề nhưng hiệu quả chẳng là bao của cuộc thi GV dạy giỏi đăng trên Thanh Niên, điều mà PV nhớ nhất là lời một trưởng phòng GD-ĐT một quận nội thành Hà Nội khi ông thốt lên: "Đã đến lúc không thể cứ tung hô những thứ vốn không có trong đời sống dạy học!".
Cũng chính vị này nói: "Chúng tôi muốn mỗi bài giảng mà các thầy cô mang đến hội thi sẽ là một sáng tạo, được thử nghiệm và được trình bày với một kỹ năng hoàn hảo. Nhưng cũng rất sợ sau tiếng "trống hội" rộn rã là hàng dài của những tiết học buồn tẻ không thể giúp HS".
Người viết bài này đã thấm thía "nỗi sợ" về sự đối lập của tiếng "trống hội" rộn rã và "hàng dài những tiết học buồn tẻ" mà ông nói, bởi cũng có con từng là HS của một GV dạy giỏi cấp TP. Vì danh hiệu lừng lẫy ấy, học trò của chính cô lại là người... thiệt thòi nhất. Thay vì được học bằng những phương pháp tốt nhất thì học trò của GV ấy, hoặc sẽ mất thời gian vào việc học đi học lại một bài với vai trò là "diễn viên quần chúng" trong những giờ thao giảng mà cô là "diễn viên chính" để các đoàn kiểm tra, các trường khác đến đánh giá, học tập; hoặc chúng sẽ phải chịu sự thiếu vắng cô liên tục bởi cô phải thay mặt cả trường, thậm chí cả TP đi thi dạy giỏi, đi chia sẻ kinh nghiệm dạy giỏi...
GV đi thi dạy giỏi đang phải gánh trên mình áp lực thành tích của cả một trường, một huyện, một tỉnh. Áp lực đó khiến họ quên bẵng hàng trăm HS đang chờ đợi thầy cô của mình, trong đó có những em học chậm cần phương pháp dạy giỏi để tiến bộ, có những em mong được cô tạo động lực để phát huy niềm yêu thích của mình với môn học nào đó; và không chừng còn có những em đang cần sự giúp đỡ của cô vì bị bạn bạo hành...
Một hiệu trưởng trường ngoài công lập luôn nói "không" với việc cử GV đi thi dạy giỏi, đã tâm sự với người viết: "Điều chúng tôi hướng đến tiết dạy không hề được chuẩn bị công phu nhưng chứa đựng tình yêu, trách nhiệm và trí tuệ của người thầy. Những tiết dạy mang đến niềm vui và hạnh phúc cho học trò".
Theo Thanh Niên
Giáo viên ứng xử với học sinh: Được làm và không được làm gì? Bộ Giáo dục và Đào tạo lần đầu tiên ban hành thông tư quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Mục đích xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử này nhằm điều chỉnh cách ứng xử của các thành viên trong cơ sở giáo dục...