Bác sĩ: Nên bổ sung vitamin D vào buổi sáng
Vitamin D là một loại vitamin tan trong chất béo quan trọng đối với sức khỏe của xương. Nó cũng cần thiết để duy trì một hệ thống miễn dịch mạnh mẽ.
Đối với những người có mức vitamin D thấp, tăng lượng ăn vào cũng có thể làm giảm trầm cảm và cải thiện sức mạnh.
Nếu bạn đang nghĩ đến việc bổ sung vitamin D, điều quan trọng trước hết là phải hỏi ý kiến bác sĩ xem bạn có cần bổ sung hay không và nên dùng liều lượng bao nhiêu.
Theo các chuyên gia y tế, thời điểm trong ngày cũng rất quan trọng khi bổ sung vitamin D.
1. Thời điểm thích hợp để bổ sung vitamin D
Nguồn chính của vitamin D là ánh nắng mặt trời. Sự thiếu hụt vitamin D có liên quan đến thiếu năng lượng và mệt mỏi. Ảnh SHUTTERSTOCK
Theo tiến sĩ Ross Perry, chất bổ sung “nên được uống vào buổi sáng”, theo Express UK.
Tiến sĩ Perry giải thích: “Điều này là do nếu chúng ta nhận được vitamin D tự nhiên từ ánh sáng mặt trời, chúng ta sẽ tổng hợp nó trong ngày, vì vậy tốt hơn là nên uống vào buổi sáng”.
“Nguồn chính của vitamin D là ánh nắng mặt trời. Sự thiếu hụt vitamin D có liên quan đến thiếu năng lượng và mệt mỏi”, tiến sĩ Perry nói thêm.
2. Ánh sáng mặt trời rất quan trọng
Chúng ta nhận được hầu hết vitamin D từ việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Vào mùa hè, chỉ cần tiếp xúc đơn giản ở cánh tay và chân 2-3 lần một tuần, trong 15-20 phút là đủ.
Video đang HOT
3. Nguồn thực phẩm cung cấp vitamin D
Những thực phẩm giàu vitamin D. Ảnh SHUTTERSTOCK
Vào mùa đông, đặc biệt là nếu bạn sống ở những nơi không có đủ ánh sáng mặt trời, bạn có thể nhận được nguồn cung cấp vitamin D thông qua các loại thực phẩm như: Cá hồi, thịt đỏ, lòng đỏ trứng, gan, thực phẩm tăng cường.
4. Không lạm dụng
Uống quá nhiều vitamin D cũng có thể có tác động tiêu cực đến cơ thể của bạn. Nó có thể dẫn đến tích tụ canxi, có thể làm suy yếu xương và gây hại cho tim cũng như thận.
Tiến sĩ Perry nói thêm: “Điều này áp dụng cho người lớn, bao gồm phụ nữ mang thai và cho con bú, người già và trẻ em từ 11-17 tuổi.
Trẻ em từ 1 đến 10 tuổi không được vượt quá 50 microgam mỗi ngày và trẻ sơ sinh dưới 12 tuổi không được quá 25 microgam mỗi ngày”, theo Times of India.
5. Ai dễ bị tổn thương hơn?
Mặc dù bất kỳ ai cũng có thể bị thiếu vitamin D, nhưng một số người lại dễ bị tổn thương hơn những người khác.
Thiếu vitamin D ảnh hưởng nhiều hơn đến phụ nữ sau mãn kinh, so với nam giới.
Những người béo phì và những người trên 65 tuổi cũng có thể có lượng vitamin D thấp hơn do chế độ ăn của họ, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc các yếu tố khác, theo Times of India.
Điều gì sẽ xảy ra khi dùng quá liều vitamin D để tăng chiều cao?
Sau thời gian được người lớn cho uống vitamin D nhằm mục tiêu cao lớn, khỏe mạnh, 2 trẻ đã nhập viện do ngộ độc và suy thận.
Uống theo sở thích
Theo Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư (Hà Nội), mới đây BV đã tiếp nhận 2 bệnh nhi 3 tuổi và 18 tháng tuổi (là 2 anh em ruột) nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng nhiều. Qua thăm khám, xét nghiệm cận lâm sàng và khai thác tiền sử sử dụng thuốc, các bác sĩ (BS) chẩn đoán trẻ bị ngộ độc - suy thận cấp do uống vitamin D quá liều trong thời gian dài.
Trao đổi với BS, gia đình của hai bệnh nhi này cho biết, mong muốn con phát triển khỏe mạnh, không bị còi xương nên gia đình đều đặn cho 2 bé uống vitamin D mỗi ngày từ sau sinh. Tuy nhiên, khi thấy cháu thích uống và nghĩ vitamin là thuốc bổ, uống nhiều cũng không sao nên thay vì cho cháu uống theo liều lượng quy định thì lại cho 2 cháu uống tùy thích. Khi sử dụng, 2 bé uống trực tiếp tại lọ, không sử dụng dụng cụ đong thuốc hoặc qua dụng cụ đong lấy nhiều hơn liều quy định nhiều lần trong thời gian dài. Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, 2 bé đều xuất hiện tình trạng nôn, táo bón, đau bụng từng cơn 8 - 9 lần/ngày.
Cha mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ vitamin nào cho trẻ. Ảnh SHUTTERSTOCK
Tại BV Nhi T.Ư, kết quả cho thấy cả 2 bé đều bị tăng can xi máu, tăng can xi niệu, nồng độ vitamin D tăng rất cao so với giới hạn bình thường, thận hai bên nhu mô tăng âm, 2 trẻ được chẩn đoán ngộ độc vitamin D, suy thận cấp.
Sai lầm của nhiều cha mẹ
Th.S-BS Nguyễn Thị Ngọc, Khoa Thận - Lọc máu, BV Nhi T.Ư, chia sẻ vitamin D có vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển xương chắc khỏe, cũng như góp phần tăng cường hệ miễn dịch của trẻ. "Vậy có phải bổ sung vitamin D càng nhiều, càng giúp con cao lớn, khỏe mạnh?", đây là thắc mắc và cũng là sai lầm của nhiều phụ huynh khi tự ý bổ sung vitamin D cho con.
Th.S-BS Nguyễn Thị Ngọc cho biết: "Vitamin D là chất khoáng có vai trò quan trọng trong quá trình hấp thu và chuyển hóa can xi giúp xương chắc khỏe. Vitamin D có trong thức ăn rất ít, chủ yếu được tổng hợp do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, hoặc cung cấp qua đường uống. Nhiều phụ huynh mong muốn con cao lớn, chắc khỏe nên bổ sung cho con từ nhỏ. Tuy nhiên, việc tăng cường bổ sung công thức vitamin D, sử dụng vitamin D liều cao kéo dài lại chính là nguy cơ tiềm tàng cho ngộ độc nếu sử dụng không đúng chỉ dẫn về liều lượng của BS".
Theo BV Nhi T.Ư, ngộ độc vitamin D là tình trạng hiếm gặp, nhưng nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến các biến chứng nặng nề.
Trẻ bị ngộ độc vitamin D thường có các triệu chứng của tăng can xi máu như ăn kém, giảm cân, đau bụng, nôn, táo bón, uống nhiều, đái nhiều, trong các trường hợp nặng có thể gây mất nước đe dọa tính mạng. Khi nồng độ can xi vượt quá ngưỡng của ống thận sẽ gây ra sự kết tủa của can xi trong ống thận và vôi hóa tháp thận. Sự mất nước, giảm mức lọc cầu thận và vôi hóa tháp thận có thể làm tổn thương chức năng thận trong nhiễm toan ống thận và suy thận.
"Các vitamin, trong đó có vitamin D, tuy rất cần thiết và có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của trẻ, song nó không phải là thuốc bổ có thể sử dụng tùy tiện hoặc dùng càng nhiều càng tốt. Việc sử dụng vitamin nên được tuân thủ chặt chẽ liều lượng theo đơn thuốc của BS đối với từng trường hợp cụ thể và cần có sự giám sát, theo dõi của nhân viên y tế để tránh nguy cơ gây ngộ độc hay ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe", Th.S-BS Nguyễn Thị Ngọc lưu ý.
Liều gây ngộ độc vitamin D là không rõ ràng, nhưng liều uống tối đa được khuyến cáo theo Hội Nội tiết, với trẻ dưới 6 tháng tuổi là 1.000 UI/ngày; trẻ 12 tháng tuổi là 1.500 UI/ngày; trẻ từ 1 - 3 tuổi là 2.500 UI/ngày; trẻ 4 - 8 tuổi là 3.000 UI/ngày; trẻ trên 9 tuổi là 4.000 UI/ngày. Trong một số trường hợp, liều gây ngộ độc có thể cao hoặc thấp hơn liều khuyến cáo.
( Nguồn: Bệnh viện Nhi T.Ư)
Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ, cha mẹ cần tham khảo ý kiến của BS, chuyên gia y tế trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc hay vitamin nào cho trẻ, đồng thời nên tuân thủ các hướng dẫn sau:
Không tự ý mua thuốc, vitamin cho con uống. Phải dùng thuốc, vitamin theo đúng đơn của BS cho mỗi lần khám. Không dùng đơn thuốc trong lần khám trước hay đơn thuốc của trẻ khác hay của người lớn cho trẻ.
Thuốc, vitamin nên được bảo quản cẩn thận trong lọ kín, có nhãn ghi tên thuốc, hạn sử dụng rõ ràng.
Để thuốc, vitamin ngoài tầm nhìn và tầm tay với của trẻ, tốt nhất là để trong tủ có khóa an toàn.
Định kỳ làm vệ sinh tủ thuốc gia đình, loại bỏ thuốc quá hạn dùng, thuốc bị hỏng.
Không nên uống thuốc trước mặt trẻ vì trẻ rất dễ bắt chước.
Người chăm sóc trẻ phải chắc chắn biết rõ và dùng đúng liều lượng thuốc, vitamin theo sự hướng dẫn của BS, dược sĩ hay trên tờ hướng dẫn sử dụng khi cho trẻ uống thuốc.
( Nguồn: Bệnh viện Nhi T.Ư)
Hai anh em bị suy thận cấp do uống vitamin D quá liều Qua thăm khám lâm sàng kết hợp xét nghiệm và khai thác tiền sử sử dụng thuốc, 2 anh em được chẩn đoán ngộ độc vitamin D - suy thận cấp. Bệnh viện Nhi Trung ương vừa tiếp nhận 2 bệnh nhi V.L (3 tuổi) và M.H (18 tháng tuổi) là 2 anh em ruột nhập viện trong tình trạng nôn, đau bụng...