Bắc Giang: Ứng dụng 5S nâng chất lượng dạy và học
Thực hiện kế hoạch số 408 ngày 29/8/2021 của UBND tỉnh Bắc Giang về ‘Nâng cao năng suất, chất lượng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025′, năm nay, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) triển khai mô hình điểm áp dụng mô hình 5S tại 12 cơ sở giáo dục.
Dù mới tiếp cận song các nhà trường đã sẵn sàng để thay đổi tạo thói quen tốt cho học sinh.
Loại bỏ những vật dụng không cần thiết
Mô hình 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc và sẵn sàng) là phương pháp quản lý của người Nhật được sử dụng trong sản xuất nhưng dần được áp dụng rộng rãi đối với nhiều lĩnh vực, mang lại hiệu quả thiết thực. Triển khai điểm tại 12 cơ sở giáo dục (10 trường THCS, 2 trường THPT) trên địa bàn tỉnh, Viện Năng suất Việt Nam hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các bước, trước hết là sàng lọc, sắp xếp các thiết bị phục vụ dạy, học, bảo đảm gọn gàng, sạch sẽ.
Giáo viên Trường THCS Nham Biền số 1 (Yên Dũng) sắp xếp lại đồ dùng phục vụ giảng dạy.
Theo đó những vật dụng không cần thiết được loại bỏ khỏi nơi làm việc, những vật dụng cần thiết được xếp ngăn nắp, đặt ở vị trí thuận tiện cho người sử dụng, dễ dàng tìm thấy và trả lại. Do đó, giáo viên, học sinh nhà trường có thể tiết kiệm thời gian tìm kiếm.
“Từ những hoạt động này, 5S nâng cao tinh thần tập thể, khuyến khích sự hòa đồng của mọi người, qua đó thầy cô giáo, học sinh có thái độ tích cực hơn, có trách nhiệm và ý thức hơn trong công việc, học tập”, ông Cao Hoàng Long, chuyên gia Viện Năng suất Việt Nam chia sẻ.
Ngay khi phát động, ký biên bản ghi nhớ, các nhà trường đã triển khai, bước đầu phát huy hiệu quả. Ghi nhận tại Trường THPT Lạng Giang số 1, sau buổi tập huấn bằng hình thức “cầm tay chỉ việc”, Ban chỉ đạo thực hiện 5S của nhà trường thành lập 4 nhóm phụ trách các khu vực (nhà xe, sân trường; phòng học; phòng chức năng và khu hiệu bộ) để rà soát lại đồ dùng, tài liệu, loại bỏ đi những thứ không còn cần thiết nhưng chiếm dụng không gian.
Nhờ đó nhiều thiết bị, đồ dùng học tập hỏng hóc, cũ nát cất giữ trong kho, gầm cầu thang, nóc tủ, góc phòng từ nhiều năm nay được dẹp dọn, thanh lý. Tương tự, chỉ trong 1 tuần sàng lọc, Trường THCS Nham Biền số 1 (Yên Dũng) đã loại bỏ hơn 2 tạ tài liệu mà theo quy định không còn giá trị; nhiều vật phẩm phục vụ thực hành hết hạn sử dụng được đưa đi tiêu hủy.
Qua bước đầu tiên này, nhà trường tiến hành sắp xếp, bố trí công năng phù hợp nhất nhưng dễ nhận biết, dễ lấy, dễ cất giữ để cán bộ, giáo viên, học sinh duy trì.
Cô giáo Ninh Thị Thiềng, Hiệu trưởng Trường THCS Nham Biền số 1 nói: “Hai công đoạn trên là đơn giản nhất trong tổng thể mô hình 5S nhưng khi bước vào thực hiện cũng gặp khó khăn bởi phần lớn cán bộ, giáo viên đều có thói quen tích lũy tài liệu, đồ dùng cá nhân nhưng ngại dọn dẹp. Khi sàng lọc, sắp xếp xong ai cũng thấy phòng làm việc, phòng học rộng rãi, gọn gàng hơn”.
Video đang HOT
Môi trường làm việc là nhân tố quan trọng, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng công việc. Với tiêu chí sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng, mô hình 5S giúp phân loại, bố trí, sắp đặt mọi thứ ngăn nắp, giữ gìn vệ sinh, bảo đảm môi trường, mỹ quan, thuận tiện cho công việc.
Do đó, xây dựng, triển khai mô hình sẽ mang lại những hiệu quả tích cực và lợi ích dài lâu. Tuy nhiên, đánh giá bước đầu thực hiện, nhiều trường đang gặp khó khăn trong xây dựng chương trình hành động, các điều kiện về cơ sở vật chất cũng khó đáp ứng được việc thay đổi ngay lập tức thói quen của giảng viên, học sinh…
Năm 2022, Sở KH&CN sẽ triển khai mô hình điểm áp dụng 5S tại 10 trường THCS gồm: Lê Lợi (TP Bắc Giang), Tân Hưng (Lạng Giang), Cao Xá (Tân Yên), Đông Phú (Lục Nam), Phì Điền (Lục Ngạn), An Châu (Sơn Động), thị trấn Thắng (Hiệp Hòa), Nham Biền số 1 (Yên Dũng), Hoàng Hoa Thám (Yên Thế), Hoàng Ninh (Việt Yên) và hai trường THPT: Lạng Giang số 1, Yên Dũng số 3.
Tại trường THPT Lạng Giang số 1, dù nhiều thiết bị phục vụ việc học như: Bàn ghế, đồ dùng thí nghiệm… đã xuống cấp song nhà trường không có điều kiện để bỏ đi, thay mới; một số phòng học đã bị bong tróc lớp sơn nhưng cũng không thể thực hiện ngay việc cải tạo, sửa chữa.
Hay như trường THCS Tân Hưng (cùng huyện Lạng Giang), do chưa hoàn thiện cơ sở vật chất nên việc bố trí các khu vực, nhất là điểm để xe của giáo viên khó khăn…
Theo kế hoạch số 408 của UBND tỉnh, giai đoạn 2021-2025 sẽ áp dụng điểm mô hình 5S tại 32 cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh.
Trong đó năm 2022 sẽ triển khai xây dựng mô hình điểm áp dụng 5S tại 12 cơ sở giáo dục ở cấp THCS, THPT; những năm tiếp theo sẽ thực hiện tại 20 cơ sở ở cấp tiểu học và mầm non. Trợ lực cho các nhà trường, từ nguồn ngân sách, UBND tỉnh hỗ trợ 100 triệu đồng/trường.
Với trách nhiệm của mình, Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng (Sở KH&CN) thành lập tổ hỗ trợ, sẵn sàng giải đáp thắc mắc cũng như hướng dẫn các đơn vị triển khai phần việc liên quan. Cùng đó giao cán bộ phụ trách các trường và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện của đơn vị mình phụ trách.
Ông Hoàng Công Bình, Chi cục trưởng Chi cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng nói: “Mục tiêu của triển khai ứng dụng 5S trong trường học nhằm thay đổi, tạo môi trường làm việc sạch sẽ, gọn gàng và ngăn nắp, qua đó tạo sự gần gũi, thân thiện giữa giáo viên và học sinh, từng bước nâng cao chất lượng dạy, học tại các nhà trường. Việc triển khai hiệu quả trong năm nay sẽ tạo tiền đề triển khai ở cấp học thấp hơn trong những năm tiếp theo”.
Mô hình đèn chiếu sáng học đường: Sáng hơn, tiết kiệm hơn
Thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các trường học trên địa bàn tỉnh, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang đã xây dựng nhiều mô hình đèn chiếu sáng học đường.
Hiện các mô hình đều phát huy hiệu quả và được nhân rộng.
Giảm chi phí sử dụng điện và tật khúc xạ mắt
Trường Tiểu học An Dương (Tân Yên) có 2 điểm trường ở thôn Bùng và thôn Giữa với 28 phòng học cho hơn 700 học sinh. Các điểm trường được trang bị bóng điện chiếu sáng, quạt trần, màn hình ti vi và một số đồ dùng liên quan đến công tác giảng dạy có sử dụng điện từ nhiều năm trước.
Cán bộ Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang cùng cán bộ Trường Tiểu học Ninh Sơn kiểm tra hệ thống đèn LED mới được lắp đặt.
Tháng 6/2021, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang hỗ trợ nhà trường thay toàn bộ 228 bóng điện huỳnh quang bằng bóng đèn LED tiết kiệm điện. Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ 114 máng điện, giá treo và chi phí nhân công lắp đặt.
Thầy Nguyễn Hữu Nam, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau 1 năm học sử dụng bóng LED, chi phí sử dụng điện của nhà trường giảm đáng kể. Nếu trước khi thay bóng, tổng số tiền điện nhà trường phải trả bình quân 5 triệu đồng/tháng, thì nay giảm còn 4 triệu đồng/tháng.
"Trường Tiểu học An Dương có kế hoạch thực hiện công nhận lại trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 vào tháng 8/2023. Việc được trang bị bóng đèn tiết kiệm chi phí sử dụng điện là một trong những tiêu chí góp phần giúp nhà trường đạt mục tiêu này", thầy Nam cho hay.
Theo em Nguyễn Xuân Tùng, học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học An Dương, trước đây, các bóng điện được lắp sát trần, trong khi đó, cánh quạt trần lại lắp thấp hơn nên khi quạt quay tạo ra bóng tối lấp lóa rất khó nhìn. Nay bóng đèn treo thấp hơn, ánh sáng vừa tập trung lại không bị cánh quạt che khuất. "Phòng đủ ánh sáng nên lớp con không có bạn nào phải đeo kính cận", em Tùng nói.
Tháng 6 vừa qua, Trường Tiểu học Ninh Sơn (Việt Yên) cũng được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang hỗ trợ 100% thiết bị và kinh phí thay mới 264 bóng điện LED và 132 máng đèn cho toàn bộ 33 phòng học. Thầy Nguyễn Văn Tám, Hiệu trưởng nhà trường thông tin, Trường Tiểu học Ninh Sơn được xây dựng từ năm 2000, đã đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.
Tuy nhiên, trước đây, toàn bộ đèn chiếu sáng tại các phòng học đều sử dụng bóng huỳnh quang dạng ngắn, công suất 40 W/bóng. Mỗi phòng lắp 10 bóng, nhiều phòng lắp cả bóng LED tròn (dạng đui xoáy) nhưng vẫn tối vì bóng áp sát trần nhà.
Nay toàn bộ bóng điện huỳnh quang được thay bằng bóng tuýp LED công suất 20 W, giúp giảm 50% lượng điện tiêu thụ, lại có máng chụp hạ độ cao cho bóng nên phòng luôn đủ ánh sáng cho học sinh và giáo viên.
Nhân rộng mô hình
Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, hầu hết hệ thống chiếu sáng tại các phòng học ở các trường phổ thông trong tỉnh đều chưa bảo đảm yêu cầu dạy và học vì vị trí lắp đặt chưa phù hợp, loại bóng sử dụng tiêu tốn điện năng.
Thay đổi thực trạng này, từ năm 2015 (thời điểm bắt đầu tham gia chương trình chiếu sáng học đường) đến nay, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang đã hỗ trợ lắp đặt hệ thống đèn LED chiếu sáng học đường cho 42 trường trên địa bàn 8 huyện, TP. Tổng kinh phí hơn 3 tỷ đồng, từ nguồn Quỹ khuyến công của tỉnh.
Năm 2022, Trung tâm xây dựng mô hình đèn chiếu sáng học đường tại 8 trường tiểu học và THCS trên địa bàn các huyện Lạng Giang, Yên Dũng và Việt Yên. Tổng số bóng đèn được lắp đặt là 770 bóng; tương ứng với số điện sẽ tiết kiệm là 62.347 kWh/năm.
Tổng số điện tiết kiệm đạt gần 200 nghìn kWh/năm. Riêng năm 2022, Trung tâm xây dựng mô hình đèn chiếu sáng học đường tại 8 trường tiểu học và THCS trên địa bàn các huyện Lạng Giang, Yên Dũng và Việt Yên.
Tổng số bóng đèn được lắp đặt là 770 bóng; tương ứng với số điện sẽ tiết kiệm là 62.347 kWh/năm.
Ông Phạm Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Bắc Giang khẳng định, hiệu quả của chương trình chiếu sáng học đường đó là: Cải tạo việc lắp đặt không hợp lý của hệ thống chiếu sáng tại các lớp học; tăng cường chiếu sáng đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh; góp phần giảm hiện tượng cận thị của học sinh; giảm chi phí tiền điện cho các trường học; đưa việc sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng với mục đích sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả thành nét văn hóa học đường.
"Thời gian tới, trung tâm tiếp tục xây dựng phương án khảo sát các điểm trường dự kiến triển khai trong năm 2023, trong đó có một số trường học tại 2 huyện còn lại chưa được hỗ trợ là Sơn Động và Yên Thế", ông Tuấn cho hay.
Nhận thức được hiệu quả của việc sử dụng bóng đèn LED trong các trường học, vừa qua, huyện Việt Yên đã đi đầu trong việc đầu tư cải tạo, lắp mới hệ thống chiếu sáng cho các trường học trên địa bàn.
Bà Đỗ Thị Hương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Việt Yên cho biết, để bảo đảm ánh sáng cho học sinh và tiết kiệm năng lượng, năm nay, huyện Việt Yên đầu tư 13 tỷ đồng hỗ trợ các trường tiểu học và THCS trên địa bàn huyện thay mới toàn bộ hệ thống chiếu sáng trong phòng học.
Hệ thống ánh sáng mới được lắp đặt theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Tất cả đều có máng phản quang, đồng thời cũng là loại bóng đèn chống cận thị, độ cao treo bóng dưới quạt trần, phù hợp với các độ tuổi học sinh từ lớp 1 đến lớp 9.
Bà Hương khẳng định: "Qua kiểm tra thực tế, nhìn chung thông tin phản hồi của giáo viên, các bậc phụ huynh và học sinh đều đồng tình. Trong tháng 8 này, toàn bộ hệ thống đèn sẽ được lắp đặt xong, đưa vào phục vụ năm học 2022-2023".
Huyện Việt Yên (Bắc Giang) đạt giải Nhất tập thể cuộc thi tìm hiểu Luật An ninh mạng Ban Tổ chức Cuộc thi đã trao giải cho 11 tập thể và 20 cá nhân có thành tích xuất sắc, trong đó giải Nhất tập thể thuộc về huyện Việt Yên (tỉnh Bắc Giang). Bà Lê Thị Thu Hồng - Chủ tịch HĐND tỉnh Bắc Giang trao hoa, Giấy chứng nhận giải Nhất cho huyện Việt Yên và Thiếu tá Nguyễn Ngọc...