Bắc Giang: Mở rộng mạng lưới trường mầm non quanh khu công nghiệp
Để người lao động yên tâm làm việc, tỉnh Bắc Giang đã quan tâm phát triển mạng lưới trường lớp học, đặc biệt thu hút các nguồn lực xây mới, mở rộng các trường mầm non xung quanh khu công nghiệp (KCN).
Xây mới nhiều lớp học
Toàn tỉnh hiện có 5 KCN đang hoạt động trên địa bàn các huyện Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, TP Bắc Giang. Khu vực này thu hút đông công nhân trong và ngoài tỉnh đến làm ăn, sinh sống.
Học sinh Trường Mầm non Song Khê (TP Bắc Giang).
Riêng huyện Việt Yên có 3 KCN nối liền nhau với khoảng 120 nghìn công nhân ở trọ (số liệu ước tính của UBND huyện Việt Yên ở thời điểm hiện tại). Đến tháng 9/2022, tại đây có gần 14 nghìn trẻ mầm non nhưng con số này liên tục biến động do có thời gian các bé ở cùng bố mẹ, khi lại về quê với ông bà.
Theo bà Đỗ Thị Hương, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện, số trẻ mẫu giáo tăng hằng năm, nhu cầu gửi trẻ của người lao động rất cao. Địa phương đã ưu tiên tối đa nguồn lực cho hoạt động giáo dục mầm non. Toàn huyện hiện có 26 trường mầm non, trong đó có 19 trường công lập, 7 trường tư thục và 44 cơ sở mầm non độc lập tư thục.
Năm học 2022-2023, huyện đưa thêm 2 trường mầm non tư thục Hạnh Phúc ở xã Việt Tiến và Bảo Ngọc tại xã Tăng Tiến vào hoạt động với quy mô từ 10-15 nhóm lớp. Hiện nay, UBND xã Hồng Thái tập trung đẩy mạnh giải phóng mặt bằng để xây trường mầm non ra khu đất mới tại thôn Như Thiết với diện tích gần 12 nghìn m2.
Năm học này, Trường Mầm non Quang Châu vừa đưa vào sử dụng thêm 8 phòng học mới phục vụ nhu cầu gửi trẻ của công nhân. Cảnh quan trong và ngoài lớp được bố trí sạch đẹp với nhiều thiết bị, đồ chơi sáng tạo, khơi gợi sự hứng thú học tập cho các em nhỏ.
Cô giáo Nguyễn Thị Mến, Hiệu trưởng nói: “Trường hiện có 20 nhóm lớp với hơn 500 học sinh. Lớp đông nên nhà trường mong muốn được bổ sung thêm nhân lực để đủ tỷ lệ giáo viên đứng lớp theo quy định”.
Ngoài hệ thống trường công lập, nhiều cơ sở mầm non tư thục được đầu tư xây dựng khang trang như: Vshool (xã Hồng Thái); Âu Cơ 2 (thị trấn Nếnh); Hoa Sen (xã Quang Châu).
Gần đây, các trường quanh KCN quan tâm cải thiện chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ. Phòng GD&ĐT các huyện, TP thường xuyên bồi dưỡng kiến thức mới về nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên, hỗ trợ tham gia kiểm định chất lượng, xây dựng trường chuẩn quốc gia. Số trẻ bị suy dinh dưỡng ở thể nhẹ cân và thấp còi chỉ từ 0,65-1,62%; trẻ thừa cân, béo phì chiếm 0,6%.
Video đang HOT
Trường Mầm non Nội Hoàng (Yên Dũng) cũng là một trong những cơ sở đông học sinh và phần lớn là con em công nhân. Ban Giám hiệu phân công giáo viên phụ trách từng thôn để thường xuyên nắm bắt số trẻ em từ 0-5 tuổi, nhất là các cháu chuyển đến, chuyển đi.
Luôn quan tâm đến chế độ dinh dưỡng, giáo dục thể chất cho trẻ, nhiều năm liên tục, chất lượng giáo dục được đánh giá nằm trong top các trường dẫn đầu KCN.
Chị Nguyễn Thị Việt, công nhân ở trọ tại thôn Chiền, xã Nội Hoàng cho biết: “Tôi cho 2 con học tại đây, các cháu đều được quan tâm, chăm sóc chu đáo. Năm học này, nhà trường mở thêm nhóm lớp dành cho trẻ dưới 3 tuổi và có thêm nhóm lớp đón sớm, trả muộn, tạo thuận lợi cho nhiều người lao động gửi con”.
Hỗ trợ mầm non ngoài công lập
Toàn tỉnh hiện có 366 cơ sở giáo dục mầm non ở các KCN (108 cơ sở công lập và 258 cơ sở ngoài công lập) với hơn 67,4 nghìn trẻ. Các cơ sở này bảo đảm về cơ sở vật chất, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 91,8%. Hơn 6,5 nghìn cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đang làm việc với tỷ lệ 1,86 giáo viên/lớp.
Toàn tỉnh hiện có 366 cơ sở giáo dục mầm non ở các KCN (108 cơ sở công lập và 258 cơ sở ngoài công lập) với hơn 67,4 nghìn trẻ.
Ngoài đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, từ năm 2021, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-HĐND quy định một số chính sách phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập giai đoạn 2021-2025. Theo Nghị quyết này, các trường mầm non ngoài công lập thành lập mới phù hợp với quy hoạch được thuê đất và miễn tiền thuê đất, được hỗ trợ giải phóng mặt bằng, xây phòng học.
Con của người lao động đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp được hỗ trợ 160 nghìn đồng/trẻ/tháng. Giáo viên dạy tại nhóm lớp có từ 30% trẻ em là con công nhân trong các khu, cụm công nghiệp trở lên được hỗ trợ 800 nghìn đồng/tháng.
Cùng đó, tỉnh thực hiện đồng bộ, hiệu quả các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa giáo dục mầm non, tạo hành lang pháp lý và môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi về đất đai, tín dụng, thuế và các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển trường lớp mầm non phục vụ nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ là con công nhân, người lao động ở KCN.
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, hằng năm số trẻ mầm non ở KCN tiếp tục gia tăng. Trong khi khu vực này còn 59 phòng học tạm, 27% công trình vệ sinh chưa đúng quy cách và một số bếp ăn chưa đạt chuẩn. Ngành giáo dục đang thiếu giáo viên mầm non, riêng KCN thiếu khoảng 1 nghìn người.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên ở các cơ sở tư thục, đặc biệt là các nhóm lớp độc lập không ổn định do thu nhập chưa cao, công việc vất vả, nguồn tuyển giáo viên rất khó. Nhiều cơ sở đang đối mặt với tình trạng giáo viên bỏ đi làm công nhân, ảnh hưởng không nhỏ đến việc tổ chức các hoạt động nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ.
Dự báo đến năm 2025, trên địa bàn các KCN có khoảng 75 nghìn trẻ (tăng hơn 7 nghìn trẻ so với năm 2022). Để đáp ứng nhu cầu học tập, chăm sóc trẻ, thời gian tới, các huyện, TP thường xuyên rà soát mạng lưới trường lớp, dự báo mức gia tăng quy mô học sinh trong những năm tiếp theo để có kế hoạch đầu tư phù hợp.
Trường nào chưa bảo đảm diện tích sẽ mở rộng hoặc chuyển địa điểm, đầu tư theo hướng trọng điểm để xây dựng trường hiện đại, chuẩn hóa.
Ông Tạ Việt Hùng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Sở tham mưu với UBND tỉnh tiếp tục có cơ chế ưu đãi đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân triển khai dự án phát triển giáo dục ngoài công lập; quan tâm bổ sung giáo viên và hỗ trợ để giữ chân đội ngũ này tại các xã, thị trấn có KCN.
Ngành giáo dục hiện đang khuyến khích mở các nhóm trẻ độc lập theo quy định ở các khu dân cư; phối hợp chặt chẽ với UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về hoạt động tại các nhóm, lớp để trẻ được chăm sóc, phát triển toàn diện.
Khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển giáo dục mầm non tại khu công nghiệp
Ngày 23/8, đoàn công tác của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm làm trưởng đoàn có buổi giám sát 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với giáo dục mầm non (GDMN) tại khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất' trên địa bàn huyện Việt Yên (Bắc Giang).
Cùng dự có các đồng chí: Hoàng Thị Hoa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Đỗ Thị Việt Hà, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, Giám đốc Sở Tư pháp; đại diện lãnh đạo Vụ Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo).
Theo báo cáo của UBND huyện Việt Yên, trên địa bàn hiện có 26 trường mầm non, trong đó có 19 trường công lập và 7 trường tư thục; ngoài ra, còn có 44 cơ sở mầm non độc lập tư thục. Kết quả huy động trẻ em đến trường, lớp mầm non đạt hơn 14,1 nghìn trẻ, trong số này có 10,5 nghìn cháu học tại trường công lập. Trẻ được huy động đến trường là gần 2,4 nghìn cháu, đạt tỷ lệ 31% trong độ tuổi.
Đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa chủ trì buổi làm việc với UBND huyện Việt Yên.
Về công tác quy hoạch, UBND huyện đã mở rộng quy mô các trường mầm non công lập; quyết định thành lập 10 trường tư thục, đến nay, đã có 9 trường hoạt động. Tỷ lệ giáo viên đạt 1,8%/lớp, cơ bản đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn. Việc thực hiện chính sách pháp luật, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học đều được quan tâm đầu tư; chất lượng GDMN được bảo đảm, 17/17 xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn phổ cập GDMN cho trẻ 5 tuổi.
Qua khảo sát thực tế tại Công ty TNHH Luxshare ICT Việt Nam (KCN Vân Trung); Trường Mầm non Hoàng Ninh và một số trường mầm non tư thục, cơ sở mầm non trên địa bàn huyện, các thành viên đoàn giám sát đã chỉ ra một số khó khăn, tồn tại trong thực hiện chính sách pháp luật với GDMN ở KCN. Trước hết, một số văn bản quy phạm pháp luật của T.Ư về GDMN, nhất là quy định về chế độ làm việc, phụ cấp với giáo viên bậc học này khi được triển khai đã phát sinh bất cập, chưa thực sự đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Sau khi sáp nhập, một số trường địa bàn rộng, nhiều điểm lẻ, số lớp đang vượt quá quy định.
Các thành viên trong đoàn tặng quà Trường Mầm non Hoàng Ninh.
Bên cạnh đó, dù được quan tâm đầu tư xây dựng nhưng một số công trình chưa đáp ứng yêu cầu về đổi mới, chưa bảo đảm quy cách theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thiếu thiết bị dạy học thông minh. Với dân số tăng khoảng 100 nghìn người/năm, tương ứng với bình quân mỗi năm có khoảng 3,1 nghìn trẻ trong độ tuổi mầm non đi học thì quy mô các trường công lập hiện mới chỉ đáp ứng được cơ bản trẻ ở lớp mầm non (3-5 tuổi). Cơ sở vật chất, giáo viên các trường tư thục và cơ sở độc lập tư thục thì mới tiếp nhận được khoảng 60% số trẻ từ 1-2 tuổi.
Theo các đồng chí: Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên Thường trực; Nguyễn Thị Tuyết Nga, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, với số lượng lao động, nhất là người ngoại tỉnh tăng nhanh như hiện nay, huyện Việt Yên cần khảo sát, đánh giá sát nhu cầu ra lớp mầm non của con em công nhân theo từng năm, từng giao đoạn. Từ đó, có cơ chế, chính sách khuyến khích phù hợp trong công tác huy động các nguồn xã hội hóa đầu tư phát triển GDMN.
Qua khảo sát thực tế, hiện thu nhập, các chế độ chính sách với giáo viên mầm non còn nhiều hạn chế. Bên cạnh đó, hằng năm, địa phương vẫn phải cân đối để bảo đảm tỷ lệ tinh giản biên chế trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Vì vậy, sẽ rất khó để giữ chân đội ngũ nếu không có giải pháp khuyến khích, chăm lo đời sống, tạo điều kiện giúp họ gắn bó với ngành.
Đồng chí Hoàng Thị Hoa trao đổi tại buổi làm việc.
Để đáp ứng nhu cầu ra lớp của trẻ trong độ tuổi trên địa bàn, đồng chí Hoàng Thị Hoa đề nghị UBND huyện nghiên cứu, có cơ chế khuyến khích để phát triển cơ sở mầm non độc lập tư thục, song phải quản lý chặt nhằm bảo đảm về cơ sở vật chất, điều kiện chăm sóc trẻ và chất lượng đội ngũ giáo viên. Đặc biệt, quan tâm liên kết, kêu gọi các DN đầu tư xây dựng trường mầm non, phục vụ cho chính con em công nhân của họ, giúp thu hút, giữ chân lao động.
Tiếp thu các ý kiến trao đổi của đoàn công tác, Chủ tịch UBND huyện Việt Yên Nguyễn Đại Lượng khẳng định, địa phương luôn quan tâm đến công tác giáo dục, trong đó có bậc học mầm non. Xác định khó khăn trong triển khai nhiệm vụ ở GDMN trước tốc độ tăng dân số cơ học của địa bàn công nghiệp trọng điểm của tỉnh, UBND huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, có cơ chế khuyến khích, chính sách ưu tiên phù hợp với kêu gọi các nguồn xã hôi hóa nhằm phát triển cơ sở vật chất, đáp ứng tối đa nhu cầu của trẻ đến tuổi ra lớp.
Chủ tịch UBND huyện Việt Yên tiếp thu các ý kiến trao đổi của đoàn công tác.
Phát biểu kết luận, đồng chí Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh, nội dung, kết quả đợt giám sát sẽ là căn cứ thực tế quan trọng để Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội có những tham mưu, đề xuất phù hợp với Quốc hội về GDMN ở KCN. Từ đó, xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách nhằm phát triển, phát huy hiệu quả của bậc học này.
Ghi nhận những kết quả nổi bật của huyện Việt Yên trong hiệu quả đầu tư, nâng cao chất lượng GDMN, đồng chí đề nghị địa phương tiếp tục quan tâm bố trí ngân sách, huy động các nguồn xã hội hóa và đầu tư phù hợp nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu gửi con của công nhân, từng bước nâng cao chất lượng đời sống cho người lao động; quan tâm triển khai chính sách ưu đãi của nhà nước với đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện để họ gắn bó, tâm huyết với nghề.
Mở cửa trở lại, nhiều trường mầm non tư thục ở Hà Nội 'vật vã' tìm giáo viên Sau 1 năm phải đóng cửa do dịch Covid-19, nhiều giáo viên mầm non tư thục phải tìm công việc khác để kiếm thu nhập. Nay trường học được mở cửa trở lại, nhiều trường phải đỏ mắt tìm giáo viên. UBND TP Hà Nội đã đồng ý đề xuất của Sở GD&ĐT về việc cho trẻ mầm non được trở lại trường...