Bà nội trợ sợ mắm tép, ruốc làm từ thịt lợn bệnh
Nhà lúc nào cũng có sẵn mắm tép chưng thịt vì hai cô con gái rất kết món này, nhưng hôm qua, chị Thỏa (Gia Lâm, Hà Nội) đã phải bỏ đi hai hộp mới mua sau khi nghe thông tin có cơ sở dùng lợn bệnh để chế biến “đặc sản”.
“Mỗi lần có món này là nhà hao cơm lắm. Hai nhóc nhà mình vốn ăn ít nhưng chỉ cần có mắm tép chưng thịt ăn với cơm trắng là hào hứng hẳn. Vậy mà giờ phải liệt nó vào “danh sách đen” vì quá sợ”, chị Thỏa thổ lộ.
Thông tin về việc Phòng cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) vừa phát hiện một xe tải chở thịt lợn đã bốc mùi – lợn chết do dịch tai xanh – được khai là dùng để làm ruốc và mắm tép chưng thịt, đã khiến nhiều người tiêu dùng yêu thích các món này lo sợ, thậm chí không dám sử dụng nữa.
Chuẩn bị vào Sài Gòn công tác, anh Minh, 28 tuổi (Hàng Bún, Hà Nội) mua 3 kg mắm tép chưng thịt để làm quà. “Bạn bè và người thân của tôi trong ấy rất thích món này, lần nào vào cũng gửi mua”, anh kể. Thế nhưng, mấy này nay, khi thông tin sản phẩm này có thể làm từ thịt bệnh, anh băn khoăn không biết có nên mang biếu không.
“Tôi cũng đã chọn loại ngon ở cửa hàng quen, uy tín lâu năm, nhưng chỉ sợ mọi người e sợ, có khi nhận mà không vui, chẳng dám dùng thì mình cũng ngại”, anh nói.
Một người tiêu dung đang băn khoăn lựa chọn một sản phẩm mắm tép chưng thịt. Ảnh: Phan Dương.
Cũng như mắm tép chưng thịt, ruốc (hay còn gọi là chà bông) vốn được nhiều bà nội trợ hay mua về dùng trong gia đình.
“Ruốc ăn với xôi sáng, cháo trắng, nhồi thêm vào bánh mì, dùng kèm với món mướp đắng thật lạnh hay đơn giản là cho lũ trẻ ăn với cơm… rất tiện dụng và ngon nên tôi hay mua lắm. Nhưng giờ có lẽ phải nghĩ tới chuyện tự làm, sợ nếu mua phải loại họ làm bằng lợn bệnh, lợn chết”, chị Nguyễn Thị Hoa (Cầu Diễn, Hà Nội) bày tỏ.
Chị Hoa cho biết, trước đây, khi nghe thông tin về việc có cơ sở sử dụng sắn dây để làm ruốc giả, chị cũng hơi lo nhưng lại gạt đi vì nghĩ mặt hàng này chỉ bán ở chợ nhỏ lẻ, cho sinh viên và dễ phát hiện vì ăn có mùi, vị khác. Lần này, biết đích xác người ta dùng lợn bệnh để làm ruốc, chị mới hoảng thực sự. “Tất nhiên là vẫn có cơ sở làm ăn uy tín, làm ruốc từ thịt ngon thật, nhưng bây giờ mình chẳng biết làm thế nào mà phân biệt tốt – xấu, thì tốt nhất là cứ tránh xa cho lành”, chị Hoa nói.
Video đang HOT
Trên một số diễn đàn phụ nữ, nhiều thành viên cũng bày tỏ tâm lý lo sợ mua và ăn phải ruốc, mắm tép làm từ thịt “bẩn” và không muốn tiếp tục sử dụng các sản phẩm này.
“Nhà mình mê món mắm tép chưng thịt lắm, mỗi lần mua là mấy kg, giờ đọc tin có chỗ làm bằng lợn bệnh, sợ quá đi mất”, một bà nội trợ chia sẻ trên diễn đàn lamchame.
Thành viên có nick Ratchanee thì chia sẻ trên Webtretho: “Tốt nhất mọi người không nên ăn các loại ruốc làm sẵn, hoặc ăn thì chỉ nên ăn của những cơ sở có uy tín. Hồi trước mình từng có thời gian làm bên mảng thú y và thức ăn gia súc, đi đến rất nhiều trại nuôi lợn, nuôi gà từ các khu vực miền Bắc và miền Trung. Ít có trại nuôi lợn nào mà đảm bảo là sạch bệnh 100%.
Thành viên này kể, các con lợn bị bệnh này theo quy định là phải bị chôn, trên phải rải vôi để tránh lây lan nguồn bệnh, nhưng thường các chủ trại hoặc người chủ trại thường lén bán những con bệnh và chết cho các cơ sở chết biến hoặc các nơi thu mua lợn bệnh chết để chế biến ruốc, thịt quay, làm giò chả… và các sản phẩm thịt sấy khô mà người tiêu dùng không thể nhận ra được.
“Cứ ở khu vực nào nuôi nhiều lợn mọi người để ý sẽ thấy có nhiều cơ sở ghi rõ biển là thu mua lợn bệnh, chết. Mình đã cạch các thể loại lợn chế biến sẵn này từ lâu lắm rồi, từ hồi đi thực tế thấy như thế càng sợ”.
Thực tế trên thị trường rất khó để phát hiện đâu là hàng dùng từ thịt ngon hay nguyên liệu dởm. Hàng Bè nổi tiếng với món mắm tép chưng thịt. Nhiều người bán hàng cho biết, tại đây người mua chủ yếu là người quen, đã sử dụng sản phẩm lâu năm, nên vẫn tin tưởng chọn mua.
Chủ một cửa hàng mắm tép ở Cầu Gỗ, Hà Nội, cơ sở chuyên kinh doanh mắm tép Hàng Bè cho biết, đây là loại thực phẩm vốn nổi tiếng từ lâu, có thương hiệu, bản quyền, tất cả quy trình sản xuất đều được Cục vệ sinh an toàn thực phẩm kiểm nghiệm.
“Tôi cũng có nghe nói có chuyện sử dụng thịt lợn bị bệnh tai xanh để chế biến mắm tép chưng thịt và làm ruốc nhưng chỗ chúng tôi người mua đều là khách quen nên họ tin tưởng rồi, vẫn dùng đều”, bà nói.
Chủ một cửa hàng chế biến đồ ăn sẵn trên khu phố cổ cho biết, cơ sở này chỉ dùng thịt nạc vai còn tươi nguyên để làm mắm tép chưng thịt, ruốc, với giá bán khoảng 25.000-27.000 cho 100 gr.
Tại một cửa hàng khác ở chợ Kim Liên (Hà Nội), giá bán thịt chưng mắm tép là 25.000 đồng 100 gr, ruốc là 35.000 đồng 100 gr. “Nhà tôi không có thương hiệu gì nhưng đã bán hai món này mấy chục năm nay, cho cả người mua lẻ lẫn các đầu mối nhỏ, mỗi ngày hết vài chục kg, chưa thấy ai phàn nàn gì”, chủ cửa hàng cho biết.
Bà Ngọc Phương – một người chuyên làm mắm tép chưng thịt theo đặt hàng hàng của người quen, cho biết, muốn món này thực sự ngon, phải sử dụng loại thịt tươi, mới, mua từ sáng sớm, thường là thịt nạc vai có chút mỡ dăm hay thịt đầu rồng (phần nối giữa thịt mông và thịt thăn). Thịt cần được rửa thật sạch trước khi chế biến để khi ăn không bị sạn. Mắm tép chưng thịt của gia đình bà thường bán với giá 360.000 đồng một kg.
“Cần cảnh giác nếu món này được bán quá rẻ, nhìn bên ngoài có màu quá đỏ thường do dùng phẩm màu và quá nặng mùi mắm tép, mắm tôm vì có thể người làm cố sử dụng mắm và các gia vị khác để át vị ôi của thịt không tươi”, bà Phương chia sẻ cách để chị em tránh chọn phải mắm tép chưng thịt “bẩn”.
Theo VNE
Ngon lạ với mắm tép quê nhà
Giữa cái lạnh của tiết trời đông, bưng bát cơm trắng, chan thìa mắm tép, có thể cảm nhận được từng hạt gạo dẻo thơm, quện với vị đậm đà của của mắm tép đồng, khiến người ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Tép đồng thường sinh sôi nhiều sau những trận mưa rào mùa hạ, chúng sống trong những mương nước, ao hồ đục. Muốn cất tép đồng, chỉ cẩn buộc tấm vải màn rộng vào bốn góc của hai thanh tre được uốn cong hình dấu nhân, sau đó cho ít cám bột vào nhử mồi. Mùi thơm của bột cám sẽ thu hút đàn tép, đợi khoảng 10 phút thì cất "te" lên, đảm bảo sẽ có một mẻ tép như ý.
Tép được cất về có thể chế biến thành nhiều món khác nhau. Nhưng phần lớn ở nông thôn, người ta sẽ đem đi làm mắm để ăn dần. Làm mắm tép rất phức tạp, không chỉ đỏi hỏi người làm phải khéo léo mà còn phải có kinh nghiệm, nếu không cẩn thận rất dễ bị hỏng. Theo kinh nghiệm của người dân Vĩnh Lộc- Thanh Hóa quê tôi thì làm mắm tép trải qua những công đoạn sau.
Tép được cất về phải còn tươi sống, đem đãi thật sạch, không để một vết bùn hoặc hạt sạn nào vương trong rổ. Nếu rửa không sạch, vại mắm rất dễ bị hỏng, mắm ngả màu thâm xỉn là coi như phải đổ bỏ. Tép sau đãi sạch phải để ráo nước hoàn toàn, cho tép vào cối đá giã đều tay, như thế mắm mới nhuyễn.
Tiếp đó là đến công đoạn làm thính, khá công phu. Đầu tiên là chuẩn bị một lượng gạo ngon, hạt đều. Khi rang phải chú ý để lửa không quá to hoặc nhỏ, tay đảo đều để gạo không cháy khét. Khi thấy hạt gạo vàng rộm nở đều như bông hoa cau thì đem đi giã thật mịn.
Chuẩn bị một vại sành được lau chùi sạch sẽ (to hay nhỏ tùy vào lượng tép làm mắm), sau đó cứ bỏ một lớp tép đồng vào thì lại rải một lớp thính gạo phủ lên trên (rắc đều để mắm được chín đều), cứ rải đều tay như thế cho đến khi hết tép và thính là xong. Trong quá trình muối mắm tép nên cho một ít muối trắng vào, để khi ăn mắm có vị đậm đà không quá nhạt.
Tiếp theo là bịt kín vại sành bằng lá chuối khô hoặc bì gai, rồi đem ra phơi ngoài trời nắng cho mắm tép nhanh đượm vị và thơm ngon hơn (nắng càng to thì mắm càng nhanh chín).
Phơi được một tuần thì mở nắp, trộn đều mắm rồi đóng nắp lại phơi tiếp. Sau đó đợi khoảng 10 ngày hoặc hơn, khi vại mắm đã dậy lên mùi thơm lừng, không còn mùi tanh và kiểm tra vại mắm thấy sắc màu đỏ tươi là mắm đã chín, có thể lấy ra ăn được.
Mắm tép rất dễ kết hợp với nhiều món ăn khác, có thể làm nước chấm cho đồ luộc, hoặc chỉ cần chan không vào bát cơm ăn khô, và cũng có thể chế biến thành món mắm tép chưng thịt khoái khẩu.
Trong bữa cơm gia đình, có bát mắm tép trên bàn, sẽ tạo không khí gần gũi của bữa cơm đoàn viên. Mùi thơm dậy đặc trưng của mắm tép, cái vị ngọt ngọt của con tép đồng, mùi thơm bùi của thính gạo rang và có thêm cái vị đồng quê rất riêng ấy, sẽ khiến nhiều người khi ăn cảm nhận sâu sắc hương vị dân giã mà đậm tình quê.
Trọng Nguyễn
Theo VNE
Cần xử lý nghiêm những "biến thịt lợn tai xanh thành thực phẩm" Mấy ngày qua dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng trước thông tin lực lượng chức năng Hà Nội vừa triệt phá đường dây tiêu thụ lợn bị bệnh tai xanh tại thôn Thanh Trì, xã Đông Sơn, Chương Mỹ. Tại sao việc tồn tại lò mổ này, cũng như việc hơn 10 ngày nay chủ hộ Nguyễn Bá Trọng thu gom lợn...