“Bà ngoại vừa là cha, là mẹ, cũng là cả thế giới của em”
Thiếu hơi ấm, vòng tay chở che của bố mẹ từ tấm bé, Nguyễn Thị Trà lớn lên bằng tình yêu thương, sự chăm sóc của bà ngoại.
Cuộc sống hết sức khó khăn, nhưng cô học trò nhỏ lớp 8B, Trường THCS Phan Đình Giót ( xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) đã nỗ lực vươn lên trở thành tấm gương sáng cho bạn bè noi theo.
Nghị lực vượt khó học giỏi của cô học trò nghèo
Gặp Trà khi em đang phụ bà cắt cỏ cho bò, ấn tượng đầu tiên của tôi về em là một cô bé có dáng người nhỏ nhắn nhưng cực kỳ nhanh nhẹn, đôi mắt sáng ánh lên sự thông minh, nổi bật trên gương mặt với nước da ngăm đen vì mưa, nắng.
Dẫu thiếu thốn đủ trăm bề nhưng năm nào Trà cũng được nhà trường tuyên dương học sinh nghèo vượt khó, học giỏi.
Không chỉ có thành tích học tập tốt, Trà còn tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua do đoàn, đội và nhà trường phát động.
Ngoài ra, em còn được biết đến là một cô gái giỏi võ, năm học 2018-2019, em đạt giải nhất môn võ cổ truyền đồng đội nữ.
Hằng ngày Trà vẫn phụ bà chăn bò, cắt cỏ lúc rảnh rỗi.
Tuổi thơ của Trà không được may mắn như bạn bè cùng trang lứa. Sinh ra sau những bồng bột tuổi trẻ của mẹ, cho đến bây giờ, em vẫn chưa một lần được biết mặt bố.
Vì hoàn cảnh khó khăn và không chịu nổi những lời đàm tiếu, dị nghị của dân làng, mẹ Trà phải bỏ xứ ra đi, để con cho bà ngoại chăm sóc khi em chỉ vừa tròn 6 tháng tuổi.
Khi em được 18 tháng, mẹ đi lấy chồng và từ đó cũng thưa dần những lần về thăm em. Trà lớn lên trên lưng bà, trưởng thành từ khoản thu nhập ít ỏi bà kiếm được từ ve chai, giỏ tôm, tép, cua đồng…
Đối với cô bé, bà ngoại vừa là cha, vừa là mẹ và cũng là cả thế giới của em.
Thương và thấu hiểu được những khó khăn vất vả của bà, ngay từ nhỏ, Trà đã có ý thức chăm chỉ học tập. Suốt những năm tháng cắp sách đến trường, em luôn nỗ lực, phấn đấu để đạt được thành tích cao.
Căn phòng đơn sơ vừa là góc học tập vừa là nơi nghỉ ngơi của Trà và bà ngoại
Ngoài thời gian lên lớp, học bài ở nhà, Trà còn đỡ đần phụ bà làm việc. “Từ chăn bò, cắt cỏ, đi bắt cua đồng hay nhặt ve chai… việc gì em cũng làm được hết” – Trà nói với ẩn sâu bên trong vẻ bề ngoài hồn nhiên, trong sáng là những suy nghĩ rất chững chạc.
Không nản lòng trước điều kiện học tập khó khăn, cô học trò nghèo luôn có ý chí vươn lên và cố gắng tìm tòi, học hỏi, bổ sung thêm kiến thức mới cho bản thân. Lúc ở trường cũng như ở nhà, em luôn sắp xếp công việc nhà để học tập. 7 năm liền cấp sách đến trường em đều đạt học sinh giỏi, học sinh tiên tiến.
Bảng thành tích của Trà khiến thầy cô và bạn bè đều ngưỡng mộ, tự hào. Nhiều năm liền là học sinh giỏi, tiên tiến, Trà học đều ở tất cả các môn, đặc biệt là môn Ngữ văn.
Chia sẻ về những ước mơ trong tương lai, Trà tâm sự: “Em mơ ước sau này sẽ là giáo viên giảng dạy môn môn Ngữ Văn, có thể đem con chữ đến những học sinh miền núi có hoàn cảnh khó khăn”.
Cô Lê Thị Minh Huệ – giáo viên chủ nhiệm của Trà chia sẻ: “Trà là một trong những học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhưng đã biết vươn lên trong học tập, được thầy cô và bạn bè yêu mến. Không chỉ chăm ngoan học giỏi, em còn nhiệt tình, tích cực tham gia các hoạt động của trường, lớp, là tấm gương sáng cho các bạn noi theo”.
Theo baohatinh
Bùi Thị Tuyết Mai - Tấm gương vượt khó học giỏi
Tham dự lễ trao học bổng của Giáo sư Lê Viết Ly mới đây, chúng tôi được gặp gỡ nhiều tấm gương học sinh, sinh viên nghèo vươn lên học tập khá, giỏi.
Ấn tượng nhất trong số đó là cô sinh viên Bùi Thị Tuyết Mai (thôn Chính Đa, xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương).
Sinh viên Bùi Thị Tuyết Mai xã Quảng Chính, huyện Quảng Xương - tấm gương vượt khó học giỏi.
Tuyết Mai sinh năm 1998, trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Năm lên 3 tuổi, em đã vĩnh viễn mất đi người cha thân thương của mình vì căn bệnh hiểm nghèo. Từ đó, em sống trong tình yêu thương, đùm bọc, chở che của mẹ và ông bà nội. Nhưng bất hạnh thay, mẹ em mắc phải bệnh tim. Căn bệnh này đã lấy đi bao mồ hôi nước mắt, tiền bạc của gia đình em. Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, mẹ đã đi theo bố khi em lên 8 tuổi. Em lớn lên trong vòng tay che chở của ông bà nội.
Tưởng chừng ông bà sẽ khỏe mạnh, dõi theo từng bước đi của em, nhưng nỗi đau mất đi người thân lại ập đến khi em 13 tuổi. Bà nội đã ra đi do tai nạn giao thông, để lại gánh nặng trên đôi vai gầy yếu của ông. Thương ông, Mai tự nhủ phải thật chăm chỉ, nỗ lực học tập, để ông được vui lòng. Ngoài giờ học trên lớp, Mai thường phụ giúp ông việc nhà. Thời gian rảnh Mai lên thư viện đọc sách. Không có tiền mua nhiều sách nghiên cứu Mai đã mượn sách của thư viện và các bạn để đọc, tự trau dồi kiến thức. Mai thường học từ 19h đến 24h. Nhờ đó mà 12 năm học, Mai luôn là học sinh giỏi, xuất sắc. Đặc biệt, có đam mê với bộ môn mỹ thuật, Mai đã tiết kiệm tiền ăn sáng để mua giấy, bút màu, chì đề luyện vẽ. Mai chia sẻ: Yêu thích môn mỹ thuật từ bé, luôn nhận được sự động viên, ủng hộ của ông và thầy cô, bạn bè, nhất là cô giáo bộ môn mỹ thuật và cô giáo chủ nhiệm nên em được bồi dưỡng, luyện tập và có nhiều thành tích trong bộ môn mỹ thuật. Từ lớp 1 - 9, em thường đi thi giải mỹ thuật của huyện và đạt nhiều giải cao như: Giải nhì năm lớp 4, giải nhất năm lớp 5 và 9. Ngoài ra, Mai còn đạt giải học sinh giỏi các môn văn hóa như: Đạt giải ba cấp huyện môn Lịch sử năm lớp 8; giải ba môn Vật lý năm lớp 9.
Cuộc sống lặng lẽ trôi qua, nhiều khó khăn là thế nhưng Mai vẫn thấy hạnh phúc vì được ông yêu thương, chăm sóc chu đáo. Ông đã làm cả vai trò của người cha, người mẹ, bảo ban em chăm chỉ học hành, dạy dỗ em từ lời ăn, tiếng nói đến tinh thần mạnh mẽ vượt lên mọi khó khăn. Nhưng cuộc sống quá nghiệt ngã với em, năm lên lớp 12, ông nội - chỗ dựa tinh thần cuối cùng của em đã ra đi vì tuổi cao, sức yếu. Sau đó, em được bác cả cưu mang và nuôi dưỡng.
Vượt qua nỗi đau, xác định phải học, phải thành công để không phụ lòng ông bà, bố mẹ, người thân Mai đã tập trung cao độ vào việc học. Được đánh giá là một học sinh giỏi, gương mẫu lại hòa đồng, thân thiện nên Mai luôn được thầy cô tin tưởng, được bạn bè quý mến, thương yêu. Năm 2016, Mai đã đậu vào ngành kinh tế xây dựng Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội. Khi vào trường đại học, Mai vẫn luôn cố gắng hết mình, chăm chỉ học tập, thường xuyên nghiên cứu tài liệu, hoàn thành tốt việc học. Năm học 2016-2017, em được nhận danh hiệu sinh viên 5 tốt Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội.
Thương cảm trước hoàn cảnh khó khăn của em, hội khuyến học xã đã quan tâm, hỗ trợ và Mai đã được nhận học bổng của gia đình Giáo sư Lê Viết Ly ngay từ năm thứ nhất đại học với mức 10 triệu đồng/năm. Đó không chỉ là món quà vật chất rất có ý nghĩa mà còn là sự động viên tinh thần vô giá để em có động lực, niềm tin trong quá trình học tập.
Bác Bùi Minh Mạnh, Chủ tịch Hội Khuyến học xã Quảng Chính cho biết: Bùi Thị Tuyết Mai là một trong những học sinh rất quyết tâm, nỗ lực vươn lên trong học tập và rèn luyện. Mặc dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng Mai vẫn luôn quyết tâm cao, được bạn bè, thầy cô, hàng xóm tin yêu.
Thế Sơn
Theo baothanhhoa
Ngưỡng mộ nam sinh 13 tuổi, mồ côi cha, vượt khó vươn lên trong học tập Từ nhỏ đã thiếu vòng tay che chở của cha và mẹ, cuộc sống của em Phạm Hải Long tuy vất vả nhưng em không lơ là việc học tập, vẫn nỗ lực học giỏi, chăm ngoan. Em Phạm Hải Long sinh ra và lớn lên trong gia đình nghèo ở xã Đình Phùng, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Cách đây 5...