Ba Lan-Ukraine: ‘Làn đường đoàn kết EU’ lại khó kết đoàn vì những lợi ích sát sườn
Các tài xế xe tải Ba Lan ngày 6/11 đã xếp hàng dài tại trạm kiểm soát biên giới với Ukraine ở Dorohusk, khiến hầu hết hoạt động vận chuyển hàng hóa bị chặn lại.
Những người biểu tình đổ lỗi cho các quy định của Liên minh châu Âu (EU) khiến doanh thu của họ sụt giảm.
Xe tải Ba Lan xếp hàng dài tại trạm kiểm soát biên giới ở Dorohusk. (Nguồn: AFP)
Lưu lượng vận chuyển hàng hóa bên ngoài 3 trạm kiểm soát biên giới Ba Lan-Ukraine là “Korczowa – Krakovets”, “Grebenne – Rava Ruska” và “Dorohusk – Yahodyn” đã bị chặn đứng. Chủ sở hữu các công ty vận tải Ba Lan phản đối điều mà họ cho là sự cạnh tranh không công bằng từ các doanh nghiệp của nước láng giềng.
Các tài xế Ba Lan cũng phản đối điều mà họ coi là chính phủ đã không hành động trước việc cơ hội kinh doanh của họ rơi vào tay các đối thủ nước ngoài, do ảnh hưởng của cuộc xung đột Nga-Ukraine.
“Họ đã đẩy giá xuống và lấy đi hàng hóa mà chúng tôi từng vận chuyển”, một tài xế Ba Lan chia sẻ.
Ông Rafal Mekler, người đồng tổ chức cuộc biểu tình, nói với truyền thông tại Dorohusk rằng: “Chúng tôi muốn các quy tắc cạnh tranh công bằng được khôi phục”.
Theo các nhà chức trách, hiện tại, vấn đề lớn khiến giới tài xế Ba Lan bất bình là việc các xe tải từ Ukraine được miễn giấy phép qua biên giới Ba Lan, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022. Do đó, đứng đầu danh sách yêu cầu là việc khôi phục giấy phép nhập cảnh đối với các “đối thủ cạnh tranh”.
Trong số các yêu cầu được người biểu tình đưa ra, có việc tái lập giấy phép cho các hãng vận tải Ukraine; tăng cường các quy định vận tải đối với các hãng vận tải nước ngoài theo ECMT (Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải châu Âu); lệnh cấm đăng ký công ty ở Ba Lan nếu hoạt động tài chính của họ diễn ra bên ngoài lãnh thổ EU; tạo một dòng riêng trong hàng đợi điện tử dành cho các phương tiện có biển số EU; tạo ra một đường riêng ở tất cả các biên giới dành cho xe tải rỗng, cũng như đạt được quyền tiếp cận hệ thống cửa khẩu biên giới Shlyakh của Ukraine.
Yêu cầu của các tài xế xe tải Ba Lan bao gồm việc áp dụng lại các hạn chế về số lượng xe đăng ký ở Ukraine vào Ba Lan, cũng như cấm các công ty vận tải có vốn từ bên ngoài EU.
Video đang HOT
“Chúng tôi buộc phải lên tiếng phản đối vì sự gián đoạn trong vận tải đường bộ đang xảy ra ở nội bộ các hãng vận tải Ba Lan… gây ra bởi dòng vốn đổ vào không kiểm soát từ các công ty Belarus, Nga và Ukraine – dòng vốn đến từ các doanh nghiệp đến từ biên giới phía Đông”, ông Karol Rychlik, chủ một công ty vận tải và cũng là người đứng đầu Hiệp hội tài xế xe tải cho biết, khi biểu tình gần ngã tư Dorohusk.
Các tài xế xe tải này cũng đã so sánh hoàn cảnh của họ hiện nay với các nông dân Ba Lan – những người đã giành được sự nhượng bộ từ chính phủ, sau khi quyết liệt phản đối về làn sóng nhập khẩu ngũ cốc giá rẻ từ nước láng giềng.
Nhưng đối với một số tài xế Ba Lan, cuộc biểu tình của họ thậm chí là một khoảnh khắc quyết định. “Chúng tôi vẫn đang cố gắng chiến đấu, nhưng nếu kéo dài tình trạng này đến khi mọi chuyện kết thúc – và nếu không có gì xảy ra, người Ukraine sẽ tiếp quản thị trường vận tải Ba Lan”, một tài xế lo lắng.
Người phát ngôn của chính phủ Ba Lan chưa đưa ra bình luận. Tuy nhiên, theo Bộ Cơ sở hạ tầng Ba Lan, Warsaw hiện không thể đáp ứng yêu cầu của các công ty vận tải là khôi phục hệ thống cấp phép cho các hãng vận tải Ukraine, do chiếu theo các quy định của EU.
Trong khi đó, trên thực tế, Dữ liệu từ Bộ Biên phòng Ba Lan cho thấy, trung bình có hàng trăm xe tải đi qua mỗi hướng mỗi ngày tại ba cửa khẩu ở biên giới Ba Lan-Ukraine.
Những người biểu tình yêu cầu chỉ được một xe tải đi qua mỗi giờ, ngoại trừ một số chuyến hàng chuyên chở trang thiết bị cho quân đội Ukraine, viện trợ nhân đạo, các chất dễ bay hơi và vật nuôi.
Trong khi đó, Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine Oleksandr Kubrakov xác nhận, các cuộc phong tỏa của Ba Lan đã được triển khai và cho biết Kiev tin rằng, hành động này đang “gây tổn hại đến lợi ích và nền kinh tế của cả hai nước”, đồng thời cản trở xuất khẩu nông sản.
“Chúng tôi đã sẵn sàng cho một cuộc đối thoại mang tính xây dựng, nhằm xem xét lợi ích của các hãng vận tải ở cả hai nước”, ông Kubrakov viết trên nền tảng xá hội X (trước đây là Twitter).
Bộ đội Biên phòng Ukraine, thông báo trên Telegram rằng, “Lưu ý, giao thông từ Ba Lan đang bị cản trở do cuộc đình công của các tài xế nước này”.
Số liệu của Bộ Cơ sở hạ tầng Ukraine xác nhận, trung bình có từ 40.000 đến 50.000 xe tải qua biên giới với Ba Lan mỗi tháng, thông qua 8 cửa khẩu, gấp đôi so với trước cuộc xung đột với Nga. Hầu hết hàng hóa được vận chuyển bởi đội xe vận tải của Ukraine. Họ cũng cho biết, Ukraine hiện đang xuất khẩu nhiều hàng hóa qua Ba Lan, bằng tổng số hàng hóa xuất khẩu qua tất cả các nước láng giềng khác cộng lại.
“Việc chặn các con đường dẫn đến cửa khẩu biên giới giữa Ba Lan và Ukraine… là một “vết thương đau đớn” vào lưng Kiev – quốc gia đang hứng chịu tổn thất lớn từ cuộc xung đột với Nga”, Đại sứ Ukraine tại Warsaw Vasyl Zvarych viết trên nền tảng mạng xã hội X.
Trước tình hình này, trên sóng truyền hình quốc gia, ông Mykhailo Podolyak, cố vấn cho người đứng đầu Văn phòng Tổng thống Ukraine kêu gọi Ba Lan cần đàm phán để giải quyết bất đồng trong lĩnh vực vận tải hàng hóa dẫn đến việc phong tỏa biên giới. Ông này cũng lên tiếng khẳng định, “Ba Lan vẫn là đối tác quan trọng của Ukraine”.
“Bất chấp mọi khó khăn kinh tế, chúng ta nên bình tĩnh, tiến hành đàm phán’. Theo ông Mykhailo Podolyak cũng cho biết, Kiev cũng quan tâm đến việc nâng cao chất lượng thị trường vận tải hàng hóa này.
Ông Podolyak nhấn mạnh rằng, đối với Ukraine, Ba Lan là “đối tác trung chuyển quan trọng” qua đó mọi thứ cần thiết đều được cung cấp.”Chúng ta phải tìm ra sự cân bằng và tôi nghĩ chúng ta sẽ thành công”, ông Podolyak lên tiếng thuyết phục.
Sức ép từ nhiều phía của Tổng thống Ukraine trong xử lý nạn tham nhũng
Hàng loạt bê bối tham nhũng và các vụ quan chức lạm dụng quyền lực trong bối cảnh thâm hụt ngân sách dự kiến lên tới 38 tỷ USD trong năm nay đang khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky rơi vào thế khó.
Cả quân đội Ukraine và Mỹ đang hối thúc ông Zelensky xử lý nạn tham nhũng.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (trái) trong cuộc gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington, D.C. ngày 21/9 Ảnh: AFP/TTXVN
Tờ Politico (Mỹ) dẫn lời cựu Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Ukraine nhiệm kỳ 2016-2019 hiện đang công tác trong quân đội Ukraine - ông Vladimir Omelyan: "Chúng tôi tức giận khi một số quan chức gian lận và ăn trộm trong khi binh sĩ bỏ mạng trên chiến trường. Chúng tôi cho rằng Tổng thống Zelensky nên phân tích điều đang xảy ra quanh ông ấy và nhóm cộng sự của ông ấy".
Hãng TASS (Nga) cho biết thông tin Bộ Quốc phòng Ukraine cắt giảm mua thực phẩm cho binh sĩ, quân trang không đạt tiêu chuẩn, Bộ Văn hóa chi tiêu không hợp lý, chính quyền địa phương tham ô... đã thu hút nhiều chú ý.
Vấn đề này cũng gây ra bất bình ngày càng tăng ở phương Tây. Politico ngày 2/10 đưa tin rằng chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden quan ngại sâu sắc về mức độ tham nhũng ở Ukraine, điều có thể khiến các nước phương Tây từ chối cung cấp viện trợ cho Kiev.
Theo Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ (CRS), Washington đã cung cấp cho Kiev hơn 23 tỷ USD hỗ trợ ngân sách trực tiếp kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát. Số tiền này tách biệt với viện trợ quân sự và tạo điều kiện để Ukraine tiếp tục cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân như lực lượng cấp cứu, chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Khoản tiền này được Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) giải ngân thông qua Ngân hàng Thế giới (WB) cho Bộ Tài chính Ukraine.
Mỹ đang đẩy mạnh thúc giục Ukraine hành động nhiều hơn để chống tham nhũng. Nhiều quan chức Nhà Trắng tiết lộ với kênh CNN rằng trong vài tuần qua, Washington còn thông báo cho Kiev ngỏ ý rằng một số viện trợ kinh tế nhất định của Mỹ sẽ liên quan đến tiến trình cải cách thể chế của Ukraine.
Cam kết của chính quyền Biden hỗ trợ quân đội Ukraine vẫn không hề suy giảm. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ gần đây nói rõ rằng các hình thức viện trợ khác của Mỹ có thể gặp nguy hiểm nếu Ukraine không hành động nhiều hơn để giải quyết nạn tham nhũng.
Chính quyền Tổng thống Biden công khai mong muốn giúp Ukraine chống tham nhũng. Thảo luận ngoại giao về vấn đề này đã tăng lên trong những tuần gần đây với câu hỏi xoay quanh việc liệu Quốc hội có chấp thuận đề nghị tài trợ dành cho Ukraine hay không. Quốc hội vẫn chưa chấp thuận yêu cầu của chính quyền Tổng thống Joe Biden cấp 24 tỷ USD tài trợ bổ sung cho Ukraine. Một số thành viên đảng Cộng hòa cảnh giác với việc cung cấp số tiền lớn như vậy mà không có giám sát chặt chẽ và các điều kiện kèm theo.
Binh sĩ Ukraine làm nhiệm vụ tại vùng Donetsk ngày 12/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo nguồn tin của CNN, Bộ Ngoại giao Mỹ đã trao công hàm ngoại giao chính thức tới Ukraine vào cuối mùa Hè vừa qua, trong đó đề cập rằng Washington hy vọng Kiev sẽ tiếp tục theo đuổi nỗ lực chống tham nhũng và minh bạch tài chính để tiếp tục nhận được hỗ trợ ngân sách trực tiếp. Công hàm ngoại giao cũng nhấn mạnh Ukraine cần phải thực hiện cải cách quan trọng theo chương trình Quỹ Tiền tệ Quốc tế của Ukraine, bao gồm cả những cải cách liên quan đến chống rửa tiền/chống tài trợ cho khủng bố.
Vào tháng 9, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan đã gặp một phái đoàn gồm các quan chức chống tham nhũng Ukraine để thảo luận về nỗ lực của họ. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đã thảo luận vấn đề này với Tổng thống Ukraine Zelensky ở Kiev vào đầu tháng 9.
Khi được CNN hỏi về nỗ lực của Mỹ nhằm thúc đẩy Ukraine giải quyết tham nhũng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller nói rằng ông sẽ không nêu chi tiết "các cuộc trò chuyện cụ thể, nhưng nó vẫn là ưu tiên hàng đầu mà chúng tôi nêu ra với đối tác Ukraine". Ông Miller cũng nhấn mạnh rằng chống tham nhũng cũng là ưu tiên hàng đầu của Ukraine: "Chúng tôi thấy trong vài tuần qua họ đã hành động để đáp lại những yêu cầu cụ thể mà chúng tôi đưa ra gần đây".
Nhà Trắng đã soạn thảo một danh sách những cải cách mà Ukraine nên thực hiện để tiếp tục nhận được hỗ trợ tài chính của Mỹ và tiến tới hội nhập vào châu Âu. Tài liệu của Nhà Trắng nêu rõ những thay đổi mà Ukraine có thể thực hiện trong vòng ba tháng, sáu tháng, một năm và 18 tháng. Trong các đề xuất có bao gồm nội dung củng cố Văn phòng Công tố viên Chuyên trách Chống Tham nhũng, tăng cường tính độc lập của ban giám sát các công ty nhà nước Ukraine và cải cách tòa án hiến pháp vốn cũng là những yêu cầu cho tư cách thành viên EU và các tiêu chuẩn đối với IMF.
Đại sứ quán Ukraine xác nhận với CNN rằng các quan chức Ukraine đã ký một "bản ghi nhớ năng lượng" trong chuyến thăm Washington vào tháng 9 và Ukraine đã thông qua luật nhằm ngăn chặn lạm dụng trên thị trường năng lượng bán buôn. Theo tài liệu của Nhà Trắng, Ukraine sẽ thực thi luật này trước tháng 4/2024.
Về phần mình, Tổng thống Zelensky luôn mong muốn cho Mỹ, EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) thấy rằng ông đang trấn áp nạn tham nhũng, đặc biệt là sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Gần đây, ông Zelensky đã có những động thái mạnh tay với Bộ Quốc phòng Ukraine khi sa thải Bộ trưởng Quốc phòng và một số quan chức cấp cao, đồng thời tiến hành rà soát vào đầu năm nay nhằm vào các quan chức bị nghi ngờ tham nhũng.
Nhà Trắng lưu ý trong dự thảo danh sách ưu tiên đối với Ukraine rằng Bộ Quốc phòng Ukraine nên "thiết kế lại" quy trình mua sắm và vũ khí để phản ánh tốt hơn các tiêu chuẩn của NATO về "tính minh bạch, trách nhiệm, hiệu quả và cạnh tranh trong mua sắm quốc phòng".
Một vấn đề khác nảy sinh trong những tuần gần đây là câu hỏi liệu ông Zelensky có tổ chức bầu cử tổng thống vào tháng 3/2024 hay không. Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham ủng hộ tổ chức bầu cử và cho rằng nó sẽ thể hiện cam kết của Ukraine đối với tự do và dân chủ khi đối mặt với tình trạng bất ổn. Nhưng Tổng thống Zelensky nói rằng việc tổ chức một cuộc bầu cử trong thời chiến sẽ phức tạp và tốn kém, đồng thời lưu ý rằng các quan sát viên quốc tế phải được phép nhập cảnh để đảm bảo kết quả được quốc tế công nhận. Nhưng vào tháng 9, nhà lãnh đạo này nói rằng ông sẵn sàng làm như vậy "nếu cần thiết".
Nga: Mỹ cung cấp bom chùm cho Ukraine càng làm xung đột leo thang Theo Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia, việc Mỹ cung cấp bom chùm cho Ukraine sẽ càng làm xung đột leo thang. Sputnik dẫn lời Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vassily Nebenzia nêu rõ, Mỹ và đồng minh đã cung cấp nhiều loại vũ khí cho Ukraine sau hơn một năm xung đột, giờ đây họ sắp chuyển...