Bà giáo làng thuê giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ nghèo
Bà Đặng Thanh Hương (78 tuổi, ở ấp 3, xã Tân Thạch, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) vận động con cháu góp tiền thuê giáo viên dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em ở địa phương.
“Mái ấm” tri thức của trẻ em nghèo
Bà Hương kể, ước mơ mở lớp học tình thương này có từ lâu, nhưng vì hoàn cảnh nên mãi đến ngày 3/8 năm nay mới thành hiện thực.
Thấy những đứa trẻ vùng quê nghèo không có điều kiện đi học tiếng Anh, trong khi quê hương có ngành du lịch đang phát triển mạnh, bà đã mở lớp dạy tiếng Anh cho trẻ.
Bà vận động con cháu thành đạt trong gia đình đóng góp kinh phí để mở lớp miễn phí, vừa truyền đạt kiến thức vừa để các em sau này lớn lên có điều kiện giao tiếp với khách du lịch nước ngoài.
Lớp học tình thương của bà Đặng Thanh Hương. Ảnh: Lao Động.
Tốt nghiệp sư phạm năm 1961, bà Hương về dạy tại Trường Trung học Kiến Hòa (Bến Tre). Năm 1966, bà chuyển về dạy tại Trường Trung học Lê Ngọc Hân (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đến sau giải phóng.
Những tưởng cô giáo này sẽ theo đuổi nghề giáo cho đến cuối đời, nhưng vì hoàn cảnh bà đành từ giã bục giảng để trở về quê nhà chăm nom mẹ già đau yếu. Bà Hương nói: “Lúc đó, dù tiếc lắm, không muốn buông bỏ nghề, nhưng vì hoàn cảnh nên tôi không còn chọn lựa nào khác”.
Tưởng cái duyên với nghề “gõ đầu trẻ” đã dứt, nhưng khi về già, cái nghiệp xưa cũ bỗng ùa về và thôi thúc bà Hương dồn hết tâm sức vào việc xây dựng lớp học tình thương ngay tại nhà mình.
Video đang HOT
Rồi bà thuê 2 giáo viên về dạy, mọi chi phí bàn ghế, trả lương giáo viên đều được con cháu bà tài trợ. Hiện tại, bà đã mở được 2 lớp học, gồm 1 lớp vỡ lòng và lớp 1 đàm thoại. Mỗi lớp có từ 30 -34 học sinh tham gia, học xen kẽ từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần.
Dù không trực tiếp giảng dạy, nhưng hàng ngày, bà như một “giám thị” cần mẫn, cứ đầu giờ học là lại lên lớp điểm danh, ghi sổ đầu bài, sĩ số lớp. Có hôm, dù trời mưa, nhà xa, đường lầy lội, nhưng các em vẫn đến lớp học đều đặn, học hành chăm chỉ, nghiêm túc.
Từ hơn 2 tháng nay, cứ mỗi chiều là nhà bà Hương lại tíu tít tiếng trẻ nhỏ tới học ở lớp tình thương. Nhìn lũ trẻ hồn nhiên, ham học, bà cũng thêm phần phấn khởi.
“Vui lắm, chiều nào cũng vậy, tụi nhỏ đều đến học đông kín lớp. Thương lắm những em học sinh nhà ở xa nhưng vẫn nhẫn nại đến lớp”, bà Hương nói.
Phần lớn những trẻ em tham gia lớp học của bà Hương đều có hoàn cảnh khó khăn, không có điều kiện đi học tại các trung tâm Anh ngữ. Tham gia vào lớp học tình thương miễn phí, em Đặng Thiên Phúc hồn nhiên nói: “Em thấy học tiếng Anh ở đây rất vui. Từ khi có lớp, ngày nào em cũng đi học. Em học được nhiều lắm và em có thể nói được một số câu đơn giản như: Chào hỏi, từ chối, hỏi thăm sức khỏe…. Em sẽ cố gắng học cho đến khi nói được tiếng Anh lưu loát”.
Trao dồi ngoại ngữ cho lớp trẻ
Không chỉ những em học sinh nhỏ tuổi theo học, lớp học tình thương của bà Hương có đông đủ mọi thành phần lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau.
Chị Võ Thị Gái (33 tuổi) – học viên tham gia lớp học vỡ lòng tại đây – cho biết: “Do nghỉ học sớm nên tôi chưa từng được học tiếng Anh. Nhà tôi gần khu du lịch sinh thái nên có rất nhiều khách du lịch tới tham quan. Ngoài ra, tôi còn làm công việc lái đò nên thường xuyên tiếp xúc với du khách.
Từ lâu, tôi đã có ý định đi học tiếng Anh nhưng chưa có điều kiện, nay biết cô Hương mở lớp học tình thương này tôi liền tham gia ngay. Dù bận rộn nhưng tôi vẫn tranh thủ đi học mỗi tối”.
Từ khi tham gia lớp học, chị Gái không bỏ lỡ bất kì tiết học nào. Những lúc bận rộn việc đưa đón khách trễ, chị đều nhờ người thân thay thế và tranh thủ đến lớp.
Chị Gái còn kể vui rằng, chị làm nghề đưa đò khách du lịch đã 7-8 năm, nhưng không hề biết tiếng Anh. Có lần chèo đò đưa khách sang sông, thấy cô lái đò dễ mến, khách hỏi chị lái đò bao nhiêu tuổi, tên gì, rồi hỏi sông này có độ sâu bao nhiều,… thấy trái dừa nước là lạ họ cũng tò mò muốn biết là trái gì,… nhưng chị ngơ ngẩn không hiểu họ nói gì, chỉ lắc đầu, xua tay.
Tham gia lớp học tới nay, chị Gái cho biết, tuy mới học thời gian ngắn nhưng nhờ cô giáo dạy tận tâm nên chị cũng bắt đầu học được nhiều từ giao tiếp thông dụng.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Thu (32 tuổi, nhân viên phục vụ điểm tâm ở một nhà hàng du lịch tại TP Bến Tre) tâm sự: “Đa phần khách nơi tôi làm việc là khách nước ngoài, họ nói tôi không hiểu. Từ lâu tôi cũng có ý định đi học tiếng Anh nhưng điều kiện chưa cho phép. Từ trước tới nay, tôi thường giao tiếp với khách nước ngoài bằng cử chỉ để diễn đạt. Nay tham gia lớp học, tôi sẽ vừa được trau dồi kiến thức vừa phục vụ trong công việc của mình”.
Là giáo viên dạy môn Hóa Trường THSC Tân Thạch, chị Trần Thị Hồng Nhung chia sẻ: “Hàng ngày, sau giờ đi dạy ở trường, tôi còn tranh thủ thời gian đi học tiếng Anh tại lớp học tình thương của cô Hương, vừa để tăng kiến thức hiểu biết vừa làm “vốn” tri thức. Sau này, khi thành thạo, tôi sẽ về mở lớp dạy tình thương cho mấy trẻ em nghèo trong xóm để các em tập tành làm quen với ngoại ngữ”.
Tuy mới thành lập mấy tháng nay nhưng lớp học tình thương của bà Hương được rất nhiều người ngợi khen. Một phụ huynh có con em tham gia vào lớp học tình thương cho biết: “Thấy con tôi ham học quá, nhưng nhà không có điều kiện cho con học tiếng Anh bên ngoài, nên tôi đem con gửi vào lớp học tình thương này. Cô giáo phụ trách giảng dạy rất hay, con tôi chỉ mới học lớp 6, tập tành làm quen với tiếng Anh. Sau khi học được gần 2 tháng, cháu đã có thể nói gần như lưu loát những từ thông dụng. Học xong ở lớp, vừa về tới nhà là cháu tập tành nói với cha mẹ bằng tiếng Anh. Tôi đâu có hiểu nên cứ cười để cháu có tinh thần học hỏi cầu tiến với ngoại ngữ”.
Tuổi già, bóng xế, giờ đây nhìn đám trẻ chăm chỉ học hành, cô Hương mỉm cười hạnh phúc: “Thấy tụi nhỏ ham đi học tôi vui lắm. Chiều nào tụi nhỏ tới học tôi đều khóa cổng trông xe cẩn thận để các cháu yên tâm học hành. Thỉnh thoảng đứng bên ngoài nhìn vào lớp học qua cửa sổ, tôi thấy các cháu ham học thấy cảm động lắm, chúng làm tôi nhớ lại hồi tuổi trẻ mình cũng y như vậy”.
Dù không trực tiếp giảng dạy nhưng bất kì chuyện gì trong lớp cô đều biết, em nào nghỉ học, em nào bệnh không đến lớp được, nhà học sinh nào đang khó khăn…, bà Hương đều tường tận.
“Tôi già rồi nên cũng mong muốn làm cái gì đó cống hiến cho xã hội và tương lai lớp trẻ sau này. Tôi vẫn mong sẽ chấp cánh cho lớp học tình thương này được duy trì lâu bền để không chỉ các em ở địa phương theo học mà các em ở những địa phương lân cận cũng được học tiếng Anh miễn phí”.
Theo Thanh Huyền/Lao Động
Cộng đồng DOTA 2 chung tay giúp đỡ trẻ em nghèo ở châu Phi
Những game thủ DOTA 2 đã có những hoạt động stream liên tục để có thể có tiền gây quỹ xây dựng trường học cho trẻ em nghèo không có đủ điều kiện đến trường.
Mới đây theo chúng tôi được biết, cộng đồng DOTA 2 nói chung và các game thủ chuyên nghiệp nói riêng đang cùng nhau chung tay để làm những việc rất có ý nghĩa với thông điệp:"Hãy bước ra thế giới và giúp đỡ mọi người".
Để thực hiện, những game thủ DOTA 2 đã có những hoạt động stream liên tục để có thể có tiền quyên góp, gây quỹ xây dựng trường học cho trẻ em nghèo không có đủ điều kiện đến trường. Hành động này được khởi nguồn từ TeachTheFuture Foundation và cụ thể là Synderen - caster/player kỳ cựu.
Nếu bạn đọc chưa biết thì TeachTheFuture Foundation là một tổ chức từ thiện được thành lập bởi Kaushik Ravikumar, hiện đang là học sinh trường trung học Lynbrook Highshools. Kaushik cùng 2 người bạn của mình đã chung lý tưởng và muốn tạo nên những thứ có ích cho cộng đồng.
Dù là mới giai đoạn đầu với mục tiêu là đạt được 8.000 USD nhưng hy vọng rằng trong tương lai, số tiền thực tế sẽ còn tăng lên nhiều lần. Tất cả số tiền đó sẽ được chuyển đi cho dự án đầu tiên là ở Kenya, nơi TTFF sẽ hợp tác với Build African Schools - tổ chức từ thiện đã xây 19 trường học tại đây, trong đó có 2 đến từ tài trợ của tay vợt nổi tiếng Serena Wiliams.
Mỗi ngôi trường có tổng chi phí cơ bản gần 70.000 USD với 4 phòng lớn, 2 phòng tắm riêng biệt cho học sinh nam và học sinh nữ, bàn, sách vở cùng một số đồ dùng cần thiết khác. Ngôi trường dự kiến dành cho hơn 200 trẻ em nghèo mỗi năm nhận được một nền giáo dục cấp tiến để theo đuổi ước mơ của mình.
Theo Gamek
Ở nơi 27 học sinh ăn bữa cơm trị giá...18.000 đồng Giờ ra chơi, đám trẻ ùa về khu nhà bếp, mắt thèm thuồng nhìn vào miếng thịt, khúc cá trên khay cơm của các bạn gia đình có điều kiện hơn. Nỗi khao khát đơn giản ấy mãi là giấc mơ. Đều đặn ba bữa mỗi ngày, 27 em học sinh người Trường tiểu học Kiên Thành, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên...