Bà giáo 83 tuổi được vinh danh công dân Thủ đô ưu tú
Bà Hồ Hương Nam dạy trẻ khuyết tật trong 17 năm qua được đề cử là công dân Thủ đô ưu tú. Bà chia sẻ: “Không ai nói trước được mệnh trời, tôi sẽ còn dạy đến khi chân chậm, mắt mờ”.
Bà Hồ Hương Nam ( 82 tuổi) đã được UBND TP.Hà Nội đề cử là công dân Thủ đô ưu tú. Vào ngày 10/10 tới, bà giáo Nam được vinh danh tại lễ kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô.
Bà Nam sinh ra và lớn lên tại thành phố Huế, sau đó ra Bắc dạy học tại trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (Hà Nội). Khi nghỉ hưu, bà tự mở lớp dạy trẻ em khuyết tật từ năm 1997 tại trường THCS An Dương.
Bà giáo Hồ Hương Nam.
Bắt đầu từ những ngày bà Nam đi vận động từng người, đến nay lớp đã có 18 học sinh như trẻ em câm, điếc, tự kỷ. Trong đó có nhiều học sinh đã gắn bó cùng bà từ những ngày đầu mới mở lớp. Vì trẻ khuyết tật có trình độ khác nhau nên bà phân chia thành từng nhóm 2-3 người để dạy. Mỗi tuần bà dạy 5 buổi từ 8-10h sáng, chủ yếu tập đọc, tập viết và làm Toán.
Video đang HOT
Bà cho biết: “Khó khăn nhất khi dạy trẻ khuyết tật là sự kiên trì. Có trẻ 7 tháng mới thuộc được chữ 0, có em 3 tháng mới cầm được bút viết. Tuy nhiên “Có công mài sắt, có ngày nên kim” nên có những cháu như Đỗ Kim Thúy (24 tuổi) bị liệt nửa người viết chữ rất đẹp, nhiều em đọc báo trôi chảy”.
Bà giáo Nam kiên trì dạy trẻ khuyết tật viết chữ.
Trong suốt 17 năm qua, bà giáo 83 tuổi dạy tình nguyện chính bằng số tiền lương hưu của mình. Bà lo cho các cháu từ sách bút, đồ dùng học tập đến phát bim bim vào mỗi buổi chiều.
Chia sẻ về nghề nghiệp, bà giáo Nam cho biết: “Cuộc đời con người có hai chữ T đó là tâm và tiền, tiền chỉ là thứ nhất thời, tâm mới là thứ không bao giờ mất đi. Tôi dạy các cháu chỉ vì cái tâm, được nhà nước công nhận là vui rồi. Hiện đã tuổi cao, tôi không còn sống được bao lâu nữa, chỉ mong mọi người quan tâm hơn đến trẻ em khuyết tật”.
Theo Zing
Bà giáo 82 tuổi và những học trò tật nguyền
Gần 20 năm qua, giữa Hà Nội có một bà giáo già cần mẫn, hàng ngày bất kể mưa nắng bà vẫn đến với những học trò khuyết tật trong một lớp học vô cùng đặc biệt.
Nơi tràn ngập tình thương
Nằm trong khuôn viên Trường THCS An Dương (quận Tây Hồ, Hà Nội) có một lớp học rất đặc biệt. Đặc biệt bởi lớp học chỉ có 15 học sinh với nhiều độ tuổi khác nhau, nhỏ mới lên 8, còn lớn đã ngoài 30; tất cả đều là học sinh khuyết tật ở nhiều dạng khác nhau, có bạn thì câm điếc, có bạn mắc bệnh tự kỷ, lại có bạn bị liệt bán thân... Đặc biệt hơn nữa, giáo viên đứng lớp lại là một cụ bà đã 82 tuổi. "Với những học sinh ở đây, không thể dùng bảng đen, phấn trắng được bởi mỗi cháu một trình độ, một dạng khuyết tật khác nhau, làm thế thì dạy cháu này các cháu khác sẽ mất tập trung", bà giáo Hồ Hương Nam chia sẻ.
Lớn nhất trong lớp phải kể đến Lưu Hồng Dương (nhà ở khu tập thể Bách Khoa, Hà Nội). Năm nay, Dương bước sang tuổi 34 và là học sinh theo học ngay từ những ngày bà giáo Hương Nam bắt đầu mở lớp. Từ khi mới sinh ra, Dương đã bị liệt tứ chi, phải ngồi xe lăn, mọi sinh hoạt tối thiểu hàng ngày đều phụ thuộc vào người khác. Rất ham học, nên trong mười sáu năm theo học ở đây, Dương hiếm khi nghỉ. Nhờ sự tận tình của bà giáo, dù không thể cầm bút viết được, nhưng Dương đã đọc thông thạo. Đó chính là kỳ tích ngoài mong đợi của gia đình Dương. Trìu mến nhìn cậu học trò hiếu học này, bà Hương Nam tâm sự: "Thương Dương lắm, mẹ Dương mất sớm, bố Dương lại đang ung thư giai đoạn cuối. Nhiều lần đến lớp thấy Dương khóc, tôi hỏi lý do thì Dương buồn rầu bảo, thời gian tới chắc con sẽ chẳng được đi học vì bố bị bệnh nặng lắm rồi, sẽ không còn ai chở đi nữa".
Bà giáo Hương Nam trong một giờ dạy các em học sinh khuyết tật
Lớp trưởng Nguyễn Thị Thúy, 25 tuổi (nhà ở quận Tây Hồ) cũng là học sinh lâu năm của bà giáo Hương Nam. Nhờ bà giáo già, nhờ lớp học, cô bé liệt nửa người này có thêm niềm tin vào cuộc sống. Từ chỗ không biết đọc, biết viết, với sự kiên trì dạy dỗ của bà giáo Hương Nam và sự ham học hỏi, Thúy đã đạt đến trình độ lớp 4, đọc thông, viết thạo và làm toán nhẩm khá nhanh.
Tất cả học sinh trong lớp đều mang trong mình một căn bệnh và có hoàn cảnh vô cùng éo le. Em Phương Anh (7 tuổi, quận Tây Hồ), vừa câm vừa điếc, bố mẹ ly dị khi em mới lọt lòng. Em sống cùng bà ngoại bữa rau bữa cháo. Thương cháu thất học, bà ngoại gửi em tới lớp học của bà giáo già Hương Nam. Sau hai năm theo học, giờ Phương Anh đã biết đọc, biết viết và quan trọng hơn, em tìm thấy nguồn vui và sự sẻ chia ở lớp học này. Hay như em Nguyễn Linh, mắc bệnh tự kỷ, 17 tuổi rồi nhưng ngô nghê, hỏi gì cũng chỉ gật hoặc lắc. Thế nhưng sau nhiều năm theo học ở đây, Linh đã có thể viết chữ, làm toán...
"Còn sức, còn dạy"
Ở tuổi 82, lưng đã còng, mắt đã mờ và chân cũng đã chậm, nhưng bà giáo Nam Hương vẫn đau đáu một điều "còn sức sẽ còn dạy". Với bà, lớp học đặc biệt này như một phần ruột thịt, ngày nào vì bão gió hay vì cơn huyết áp cao, không thể tới lớp là bà thấy nhớ da diết "lũ trẻ".
Vốn là người gốc Huế, dạy học ở Quảng Bình, năm 1958, cô giáo Nam Hương lên xe hoa theo chồng ra Hà Nội và về công tác tại Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám (Ba Đình, Hà Nội). Tới khi nghỉ hưu, bà giáo lại tham gia công tác dân số tại phường Yên Phụ. Chính công việc "đến từng ngõ, gõ từng nhà" để làm công tác kế hoạch hóa gia đình, bà đã thấy nhiều đứa trẻ tật nguyền đáng thương không thể có cơ hội đến lớp, để biết cái chữ. Hình ảnh những đứa trẻ phải chịu nhiều thiệt thòi ấy cứ ám ảnh tâm trí bà. Và rồi bà quyết định mở một "lớp học đặc biệt" để dạy học cho chúng.
Ngẫm lại 17 năm gắn bó với "lớp học đặc biệt" này, bà Nam cho biết: "Khi mới manh nha ý tưởng, nhiều người đã gàn. Nhưng đã quyết thì không nản, lớp học được mở ra với 2 học sinh đầu tiên mà phải mất hơn chục ngày vận động mới có được". Nhưng rồi tiếng lành đồn xa, lớp học tình thương của bà giáo già cứ ngày một đông dần. Không chỉ có học sinh quanh khu vực quận Tây Hồ mà nhiều gia đình ở tận Bách Khoa, Thạch Thất cũng tìm đến với lớp học của bà.
Với đồng lương hưu hơn 2 triệu/tháng, cộng với các khoản con cháu biếu hàng tháng, bà dành dụm mua vở, mua bút cho học trò. Cuối tuần, bà còn mua những món quà nho nhỏ để khuyến khích học trò của mình theo học. Không nhận một đồng đóng góp nào của phụ huynh học sinh, bà giáo Nam tâm sự: "Gia đình họ cũng đã quá thiệt thòi khi có những đứa con khuyết tật, được chia sẻ với họ đã là niềm hạnh phúc rồi".
Theo TNO
Tôn vinh quần thể cây quý hàng trăm năm tuổi trên rừng Hoàng Liên Các cán bộ kỹ thuật Vườn quốc gia Hoàng Liên (Sa Pa) vừa tổ chức khảo sát và lập hồ sơ đề nghị tôn vinh quần thể cây Vân sam Phan Si Păng và cây Đỗ quyên cành thô mọc trong rừng Hoàng Liên ở độ cao 2.700 mét là Cây di sản Việt Nam. Quần thể cây Vân sam Phan Si Păng...