Australia: Người tiêu dùng thay đổi thói quen mua sắm để ứng phó với lạm phát cao kỷ lục
Trong bối cảnh người dân Australia đang đối mặt với tình trạng lạm phát ở mức cao nhất trong nhiều thập kỷ, những siêu thị lớn nhất nước này bắt đầu nhận thấy người tiêu dùng có xu hướng mua sắm những sản phẩm giá rẻ hơn.
Người dân mua hàng tại siêu thị ở Sydney, Australia. Ảnh (tư liệu): AFP/TTXVN
Giám đốc điều hành chuỗi siêu thị Woolworths lớn nhất Australia, Brad Banducci, cho biết người tiêu dùng đang bắt đầu chuyển hướng chi tiêu sang các mặt hàng có giá thành rẻ hơn. Theo ông Banducci, tình trạng lạm phát đã tác động đến tất cả các cơ sở bán lẻ và thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang dần thay đổi.
Một số người tiêu dùng thay vì mua thịt bò đã chuyển sang các nguồn protein có giá cả phải chăng hơn và chuyển lựa chọn từ rau tươi sang các sản phẩm đông lạnh cũng như sản phẩm đóng hộp với giá thành thấp hơn. Ví dụ, cà chua đóng hộp có giá khoảng 2 AUD/kg (1,4 USD/kg), thấp hơn nhiều so với cà chua tươi có giá khoảng 15 AUD/kg.
Theo báo cáo kinh doanh trong năm tài chính 2021 – 2022 của Woolworths công bố mới đây, mức giá trung bình trong 3 tháng tính đến tháng 6 tăng 3,6%, cho thấy giá lương thực đang tăng nhanh hơn tỷ lệ lạm phát trong năm tài chính tính đến tháng 6 là 6,1%, mức cao nhất kể từ đầu những năm 2000.
Trong khi đó, đối thủ lớn nhất của Woolworths là chuỗi siêu thị Coles cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Dữ liệu từ kết quả kinh doanh của chuỗi siêu thị Coles cho thấy, người tiêu dùng đang thay đổi lựa chọn từ rau quả tươi, thịt và những sản phẩm của các thương hiệu đắt tiền, sang các mặt hàng đông lạnh, các nguồn protein rẻ hơn và các sản phẩm riêng của siêu thị có giá thành thấp hơn.
Cả 2 chuỗi siêu thị trên cho rằng lạm phát cao là do áp lực của chuỗi cung ứng toàn cầu, chi phí vận tải tăng và các yếu tố mang tính địa phương như lũ lụt làm tăng giá các sản phẩm được sản xuất ở những nơi bị ảnh hưởng. Hai siêu thị này đã áp dụng các biện pháp bình ổn giá đối với các mặt hàng chủ lực để giữ khách hàng. Coles đã phải giữ nguyên giá hơn 1.100 mặt hàng mỗi ngày trong khi Woolworths giữ giá hơn 400 mặt hàng. Theo đó, cả 2 chuỗi siêu thị này đều công bố tăng doanh số, Woolworths tăng 4,5% trong năm tài chính 2021-2022, còn Coles tăng 2%.
Tỷ lệ lạm phát tại Sri Lanka lên gần 65%
Theo Cục Điều tra và Thống kê của Sri Lanka, tỷ lệ lạm phát ở nước này đã lên mức 64,3% trong tháng 8 vừa qua.
Người dân mua thực phẩm tại một khu chợ ở Colombo, Sri Lanka, ngày 12/5/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Số liệu chính thức công bố ngày 31/8, giá lương thực đã tăng 93,7% và nhóm hàng hóa phi thực phẩm tăng 50,2%, khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Colombo - thủ đô và là thành phố lớn nhất của Sri Lanka - tăng mạnh.
Trong khi đó, Sri Lanka và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã đạt được thỏa thuận sơ bộ về khoản vay khẩn cấp nhằm giúp quốc gia Nam Á vượt qua khủng hoảng. Trước đó, quan chức nước Sri Lanka và phái đoàn của IMF đã tiến hành các cuộc đàm phán về gói cứu trợ 3 tỷ USD cho quốc gia này. Dự kiến thông báo chính thức về thỏa thuận sẽ được đưa ra trong ngày 1/9.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, 12 nghị sĩ thuộc đảng Nhân dân Sri Lanka (SLPP) cầm quyền đã chính thức tham gia phe đối lập. Trước đó 1 ngày, Tổng thống Sri Lanka Ranil Wickremesinghe kêu gọi tất cả các đảng phái chính trị tham gia 1 chính phủ gồm đại diện tất cả các đảng phái nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất hiện nay.
Những xáo trộn về chính trị tại Sri Lanka diễn ra khi nước này đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng. Chính phủ Sri Lanka đã quyết định thành lập Đơn vị tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và phân bổ khoảng 556.000 USD cho việc thành lập cơ quan mới trên.
Sri Lanka đang hứng chịu cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi giành được độc lập cách đây 74 năm. Các cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra trong những tuần gần đây khi nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, giá nhiên liệu tăng vọt và cắt điện trên diện rộng.
Nhân viên đường sắt Anh thông báo đình công trên toàn quốc Ngày 31/8, Hiệp hội các nhân viên vận tải (TSSA) - một nghiệp đoàn tại Anh - thông báo các nhân viên đường sắt nước này đang lên kế hoạch tổ chức một cuộc đình công trong 24 giờ trên phạm vi toàn quốc vào ngày 26/9 tới nhằm yêu cầu tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Nhà ga đường...