ASUS làm mới dòng Zenbook với thiết kế 4 viền mỏng, bản lề nâng, bàn rê tích hợp phím số
ASUS đã làm mới dòng Zenbook với những thay đổi đáng chú ý về thiết kế như cả 4 viền mỏng NanoEdge, bản lề nâng ErgoLift giống như dòng ZenBook Pro và đặc biệt là phần bàn rê có tích hợp cả phím số. Zenbook mới có 3 phiên bản tương ứng với kích thước gồm 13,3″, 14″ và 15,6″, tất cả đều được trang bị vi xử lý đời mới và có cả card đồ hoạ rời.
Zenbook là dòng laptop đầu bảng của ASUS và hãng thường tập trung cải tiến, đưa những công nghệ mới nhất lên dòng máy này. Điểm ấn tượng của cả 3 phiên bản là thiết kế 4 viền màn hình mỏng từ đó khiến trải nghiệm sử dụng trở nên mới mẻ hơn, kích thước máy cũng được thu nhỏ đáng kể.
Viền nanoEdge mới khiến tỉ lệ màn hình/thân máy của các mẫu Zenbook này đạt từ 92 – 95%. ASUS vẫn giữ webcam tại vị trí chính giữa viền trên thay vì di chuyển xuống viền dưới, thậm chí mẫu Zenbook 14 UX433 còn có cụm webcam với cảm biến hồng ngoại để hỗ trợ nhận diện khuôn mặt qua Windows Hello.
Nói 4 viền mỏng thì cũng vừa đúng vừa không bởi phần viền dưới vẫn dày nhưng ASUS đã rất khéo léo khi áp dụng thiết kế bản lề ErgoLift. Hãng đã đưa phần viền dưới màn hình chìm xuống bản lề, từ đó khi sử dụng chúng ta có cảm giác như cả 4 viền đều mỏng. Chất lượng màn hình của các phiên bản Zenbook mới cũng khá tốt với tấm nền IPS, phân giải FHD và màu sắc khá tươi, độ phủ 72% NTSC đủ xài. Riêng phiên bản 13 thì được thiết kế tốt hơn với màn hình glossy phủ kính dù không cảm ứng khiến hình ảnh trở nên trong trẻo hơn.
Thiết kế bản lề ErgoLift thực sự không mới, HP là hãng đầu tiên khai sinh ra kiểu bản lề giúp nâng thân máy khi mở nắp máy trên dòng Envy nhưng ASUS lại là hãng đưa thiết kế này đến mọi phân khúc sản phẩm. ErgoLift ngoài chức năng giúp nâng thân máy lên tạo độ nghiêng gõ phím lý tưởng thì nó cũng hỗ trợ tản nhiệt bởi đáy máy thoáng hơn.
Cả 3 đều có vỏ nhôm với mặt ngoài có hoạ tiết hình tròn đồng tâm quá quen thuộc của Zenbook. Cá nhân mình nghĩ đã đến lúc ASUS nên đổi thiết kế này bởi nó không còn hiện đại và hợp xu hướng nữa.
Video đang HOT
Phiên bản Zenbook 14 UX433 là chiếc máy mình thích nhất bởi nó mang tính vừa đủ, kích thước, cấu hình, thiết kế và trang bị cũng có phần hợp lý hơn so với 2 phiên bản Zenbook 13 và 15. Nó cũng có màu vỏ đặc trưng hơn với màu xanh, y hệt màu xanh của chiếc Zenbook Pro UX480 mà ASUS vừa ra mắt tại Computex vừa qua.
Trên Zenbook 13 UX333 và Zenbook 14 UX433 thì ASUS trang bị cho nó bàn rê tích hợp phím số độc đáo. Tại góc trên bàn rê có một nút hình máy tính bỏ túi và nhấn vào thì layout phím số hiện ra trên bàn rê. Mình nghĩ tính năng này khá thú vị nhưng độ thực tế thì vẫn chưa cao bởi qua trải nghiệm, khi gõ số nhanh thì nhiều khi bị sót nên anh em nghiêm túc về bàn phím số có lẽ chỉ nên xài cho vui, nó vẫn giống một giải pháp tình thế hơn. Khi mở phím số thì chức năng di chuột vẫn hoạt động bình thường, ASUS làm rất tốt chuyện này khi chúng ta không phải mất công bật tắt phím số.
Mình thích Zenbook 14 UX433 vì bàn phím của nó ngon nhất trong 3 phiên bản, layout phím rộng rãi với các phím lớn, hành trình dài trong khi phiên bản Zenbook 13 hơi hẹp còn Zenbook 15 thì ASUS lại nhồi bàn phím full size thành ra layout bị tù. Nếu có mua mình sẽ chọn Zenbook 14 UX433.
Một điểm đáng chú ý nữa là dòng Zenbook này được thiết kế đáp ứng tiêu chuẩn độ bền MIL-STD 810G, tức là máy có thể chịu được va đập nhẹ, nhiệt độ môi trường 48 đô C và hoạt động tốt ở độ cao đến 4500 m. Thực ra nó vẫn còn thua xa về độ bền MIL-STD của các dòng máy doanh nghiệp nhưng ít ra nó đảm bảo được độ bền qua thời gian sử dụng.
Về cấu hình, 3 phiên bản Zenbook mới đều được trang bị các CPU mới thuộc thế hệ Whiskey Lake của Intel và đặc biệt là đều có GPU rời. Zenbook 13 và 14 sẽ có dòng GPU Nvidia GeForce MX150 trong khi phiên bản Zenbook 15 với kích thước lớn hơn sẽ có tuỳ chọn Nvidia GeForce GTX 15050 Max-Q 2/4 GB. CPU sẽ gồm Core i5-8265U hoặc Core i7-8565U. Bộ nhớ RAM tối đa 16 GB và sẽ là bộ nhớ hàn chết trên bo không thể nâng cấp. Ổ lưu trữ vẫn thay được với loại ổ M.2 PCIe dung lượng tối đa 1 TB.
Trang bị cổng kết nối và pin trên các phiên bản Zenbook cũng tương đương nhau với 2 x USB-A (USB 3.1 Gen2), 1 x USB-C (USB 3.1 Gen2), HDMI, khe đọc thẻ và jack âm thanh, tiếc là không có Thunderbolt 3. 2 phiên bản Zenbook 13 và 14 sẽ có pin 50 Wh trong khi phiên bản Zenbook 15 có pin 73 Wh.
Theo tinhte
Yoga Book C930 - laptop có màn hình e-ink làm bàn phím, giấy ghi chú và đọc sách
Lenovo cũng làm mới dòng laptop 2 màn hình độc đáo Yoga Book với phiên bản Yoga Book C930. Lần này thay vì có 2 màn hình cảm ứng LCD thì Yoga Book C930 có màn hình LCD lẫn e-ink - một thay đổi rất đáng chú ý và mở ra nhiều chế độ sử dụng hơn cho chiếc máy vốn đã rất đa năng này.
Yoga Book là dòng máy tính 2 màn hình với phiên bản đầu tiên ra mắt năm 2016 thu hút rất nhiều sự quan tâm về những khả năng của nó khi chiếc màn hình thứ 2 có thể vừa làm bàn phím, vừa là màn hình ghi chú và thậm chí hỗ trợ số hoá bản vẽ khi cho phép chúng ta đặt một tờ giây lên màn hình và vẽ đè lên. Trên phiên bản Yoga Book C930, Lenovo dùng màn hình e-ink cho phần màn hình phụ và đây cũng là mẫu laptop đầu tiên trên thế giới có màn hình e-ink.
E-ink là công nghệ màn hình trắng đen mô phỏng trang giấy thật vốn đã không còn xa lạ với chúng ta, nhất là những anh em thích đọc sách trên Kindle. E-ink trên Yoga Book C930 y hệt vậy với chức năng đọc sách và kích thước đến 10,8" phân giải FHD nên có thể hiển thị một lúc 2 trang giấy. Thế nhưng nó còn đóng vai trò là bàn phím/bàn rê ảo và một trang giấy ghi chú.
Với vai trò là bàn phím, layout khá chật và bên dưới có một phần bàn rê nhỏ. Điều thú vị là mình có thể gõ khá nhanh trên chiếc bàn phím này, chỉ cần quen layout tí là có thể gõ tốt được dù nó chỉ là phím ảo. Vừa gõ vừa di trỏ chuột vẫn được, bàn rê đa điểm và thậm chí hỗ trợ các thao tác cử chỉ 3 ngón, 4 ngón trên Windows 10 rất mượt.
Ngoài ra nó còn hỗ trợ chức năng vẽ vời và ghi chú tay, dĩ nhiên là cần dùng bút cảm ứng riêng. Điều mình thấy thú vị là màn hình e-ink có nhược điểm là tốc độ làm tươi rất thấp nhưng khi vẽ thì nét vẽ xuất hiện ngay, cảm giác như đang vẽ trên giấy vậy mà không thấy nét vẽ bị chậm.
Mình có hỏi anh kỹ sư của Lenovo thì được câu trả lời: Khả năng này đến từ cây bút cảm ứng mới dùng công nghệ tĩnh điện chủ động AES - đầu bút dẫn điện khi chạm vào mặt cảm ứng sẽ tạo ra những phản ứng làm thay đổi trạng thái trong màn hình e-ink, kết quả là tốc độ phản hồi của màn hình khi viết vẽ nhanh hơn rất nhiều. Độ trễ gần như bằng không vì cây bút này không kết nối Bluetooth hay hoạt động bằng công nghệ EMR thông thường mà trái lại nó gây ra phản ứng điện hoá trực tiếp lên màn hình.
Bên cạnh điểm nổi bật nhất là màn hình e-ink thì Yoga Book C930 vẫn có màn hình chính với kích cỡ 10,8" tấm nền IPS cao cấp với độ phân giải QHD cảm ứng đa điểm. Thêm nữa chiếc máy cũng có thể xoay gập màn hình 360 độ quanh bản lề thiết kế dạng đồng hồ đặc trưng của dòng Yoga.
Khi gập lại, Yoga Book C930 rất mỏng, chỉ 9,9 mm và trọng lượng cũng rất nhẹ, chỉ 775 g nên rất lý tưởng để dùng như máy tính bảng đọc sách. Để mở nắp máy, Lenovo thiết kế tính năng gõ 2 lần (double knock) tức là chúng ta chỉ cần gõ 2 lần lên nắp máy thì nắp máy tự mở hé ra và dĩ nhiên chúng ta vẫn có thể mở như cách bình thường.
Chiếc Yoga Book C930 này được trang bị cấu hình rất cơ bản với vi xử lý Core i5 - Lenovo nói phiên bản bán ra sắp tới sẽ dùng Core i5 dòng Y (dòng siêu tiết kiệm điện của Intel Core I cho laptop) thuộc thế hệ Whiskey Lake thay vì Core m3. Với mức TDP chỉ 5 W thì chiếc Yoga Book C930 này cũng không cần dùng đến quạt tản nhiệt. Máy sẽ có 4 GB RAM cùng với 256 GB bộ nhớ PCIe SSD. Máy chạy Windows 10 và sẽ không có tuỳ chọn Android như thế hệ trước. Thời lượng pin ước lượng khoảng 10 tiếng.
Theo tinhte
ASUS Zenbook Flip 13 và 15 mới: Màn hình NanoEdge, màu chuẩn Pantone, bền chuẩn quân sự Bên cạnh bộ ba Zenbook, tại IFA 2018 ASUS cũng trình làng bộ đôi laptop Zenbook Flip 13 và 15 với thiết kế 4 viền màn hình siêu mỏng NanoEdge. Cơ chế xoay gập 360 độ cho phép người dùng có thể sử dụng Zenbook Flip với nhiều chế độ laptop truyền thống hoặc máy tính bảng, kết hợp màn hình đạt chứng...