Assassin’s Creed: Liberation HD – sự giải phóng
Từng nhận được phản hồi tích cực trên PS Vita, liệu Liberation có làm được điều tương tự khi lên console?
Đã hơn một năm trôi qua kể từ khi Assassin’s Creed Liberation được phát hành trên hệ máy PS Vita và mang đến nhiều điều mới mẻ cho series chủ chốt của Ubisoft. Cái mới thứ nhất đó là game thủ chưa bao giờ được trải nghiệm một tựa game Assassin’s Creed hoàn chỉnh như Liberation trên một máy chơi game cầm tay. Tuy rằng trước đó đã từng có những phiên bản phụ được ra mắt trên Nintendo DS hay PSP như Assassin’s Creed: Altair’s Chronicles và Assassin’s Creed: Bloodlines nhưng Liberation mới là phiên bản handheld đầu tiên đem lại được một trải nghiệm Assassin’s Creed thực thụ. Cái mới thứ hai và quan trọng hơn của Liberation đó là đã mạnh dạn dành vai nhân vật chính cho một nữ Sát thủ. Đây là điều chưa từng có trước đây trong series, là một sự đổi mới đáng hoan nghênh và đem tới một góc nhìn khác về cuộc giao tranh truyền kì giữa hai phe Assassin và Templar.
Trình làng vào ngày 30/10/2012, đến nay Liberation có thể được xem là một sản phẩm tương đối thành công – ít nhất là đủ thành công để nhà sản xuất có động lực tung ra một phiên bản “tân trang” HD. Ubisoft Montreal đã nhập cuộc để hỗ trợ Ubisoft Sofia chuyển tựa game độc quyền cho PS Vita của họ lên full HD – cùng với đó là một số sự tinh chỉnh và cải tiến khác. Phiên bản Liberation gốc, bên cạnh một số yếu tố khá độc đáo được bổ sung vào lối chơi cốt lõi của series, vẫn tồn tại một vài vấn đề lớn – vậy màn “chuyển giao công nghệ” này đã tác động như thế nào đến những vấn đề ấy?
Không giống như trong những tựa game Assassin’s Creed trước, cốt truyện của Liberation không chia làm hai nửa “thực” và “ảo” (hay “quá khứ” và “hiện tại”), tức không liên quan gì tới Desmond Miles ở thời điểm hiện tại cả. Thay vào đó game đặt ra tình huống giả định là cỗ máy Animus chỉ đơn giản là một hình thức kinh doanh, dành cho những khách hàng nào muốn trở về khám phá quá khứ để giải trí.
Đặt bối cảnh tại Louisiana sau cuộc chiến tranh giữa Pháp và người da đỏ, Assassin’s Creed: Liberation đưa người chơi nhập vai Aveline de Grandpré, một nữ sát thủ sống giữa ba “ thế giới” hoàn toàn khác biệt. Một ngày nọ sau khi mẹ cô đột ngột biến mất, cô được nhận nuôi và lớn lên trong vòng tay của một đôi vợ chồng thương gia giàu có – cũng trong quãng thời gian này cô được bí mật huấn luyện để trở thành một Sát thủ. Sống giữa hai vỏ bọc tiểu thư đài các và sát thủ chết chóc, Aveline quyết tâm tìm kiếm mẹ đẻ của mình, ngăn chặn cảnh chiếm hữu nô lệ diễn ra trong vùng và đảm bảo rằng những kẻ chịu trách nhiệm cho cả hai việc ấy không bao giờ có cơ hội tái diễn hành động của chúng nữa.
Sự khó hiểu nhanh chóng bao trùm lên game thủ dù cốt truyện mới chỉ “khởi động” được vài phút. Phiên bản gốc trên hệ Vita trước đây đã từng bị chỉ trích vì “quên” không giải thích thỏa đáng nhiều tình tiết cũng như nhảy qua, nhảy lại quá liên tục giữa các mốc thời gian, và mặc dù nhà sản xuất đã khẳng định phiên bản HD lần này sẽ làm rõ những tình tiết đó, mọi thứ có vẻ như vẫn chưa sáng tỏ hơn là bao.
Nếu như game thủ chịu khó bỏ thời gian tìm kiếm những trang nhật kí của Jeanne (mẹ đẻ Aveline) được đặt rải rác trong game, sẽ biết thêm đôi chút về tiểu sử của cô – như cha đẻ của cô là ai, nguyên cớ nào mà những người da màu như cô và mẹ lại được tự do đi lại trên đường phố New Orleans ở trường đoạn mở đầu trò chơi – song đáng tiếc là tất cả những chi tiết như thế đều không được thể hiện một cách trực tiếp trong game. Ubisoft Sofia còn cố gắng chắp nối một yếu tố cốt truyện phụ thuộc về thời điểm hiện tại bên cạnh câu chuyện của Aveline, đó là có một hacker bí ẩn nào đó đang cố gắng lột trần bộ mặt thật của Abstergo bằng những virus mang tên “CitizenE”, nhưng yếu tố tương đối thú vị này nhìn chung cũng không đem lại thật nhiều điểm nhấn trong một cốt truyện tổng thể quá thiếu sự mạch lạc.
Mặc dù còn nhiều thiếu sót, cốt truyện của trò chơi đã đem tới một vài sự bổ sung quan trọng cho công thức quen thuộc của Assassin’s Creed. Đầu tiên và quan trọng nhất, như đã đề cập bên trên: Aveline là nhân vật nữ chính đầu tiên của cả series. Sau khi đã nhập vai những Desmond, Altair, Ezio, Haytham, Connor và Edward thì cô là một màn “đổi gió” cần thiết. Chứng kiến cô tương tác với các nhân vật trong game với những bộ phục trang và dáng vẻ khác nhau cũng là một trải nghiệm thú vị; Liberation thực sự đã tận dụng đến mức tối đa concept “sống giữa ba thế giới” và điều đó góp phần làm nên sự thuyết phục về tính cách cho nhân vật chính Aveline, thứ không thể “bật” lên được ở Altair, Connor hay ở chính những nhân vật khác của Liberation trong suốt cuộc hành trình của họ.
Bất cứ ai đã từng chơi qua một tựa game Assassin’s Creed đều sẽ không mất nhiều thời gian để làm quen với Liberation. Hệ thống điều khiển vẫn được bê nguyên từ các phiên bản trên console sang, cho phép người chơi ngay lập tức tham gia vào những màn hành động. Các cơ chế gameplay stealth, free – running, combat (với tính năng chain kill đặc sắc trên Vita) vẫn góp mặt trong phiên bản HD này, và quyết định chọn New Orleans làm bối cảnh đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ được chiêm ngưỡng một vài địa điểm chưa từng xuất hiện trước đây trong series. Nổi bật nhất trong số đó là Bayou – khu đầm lầy rộng lớn đầy cá sấu rình rập của tiểu bang Louisiana. Bạn sẽ phải tận dụng triệt để tất cả những kĩ năng leo trèo chạy nhảy của mình cùng với những chiếc thuyền độc mộc để vượt qua được vùng nước dữ này.
Ngoài địa điểm thì tất cả mọi thứ khác trong Liberation đều rất giống với những phiên bản Assassin’s Creed trước. Người chơi sẽ phải vận dụng hết kho vũ khí và dụng cụ trong tay để trà trộn, ám sát mục tiêu và lật tẩy bí mật của phe Templar. Bởi đây ban đầu là một tựa game phụ được phát hành song song với Assassin’s Creed III, người ta sẽ rất dễ đem hai tựa game này lên bàn cân so sánh. Trên thực tế thì thiết kế của Liberation có chịu nhiều ảnh hưởng từ Assassin’s Creed III – những thân cây hình chữ V, kết liễu thú dữ bằng QTE,… – nhưng rất may là Liberation đã tỉnh táo không lặp lại điểm trừ lớn nhất của Assassin’s Creed III: Gợi mở và hướng dẫn (tutorial) quá dài dòng.
Video đang HOT
Trường đoạn tutorial của Connor (vốn chiếm mất gần 1/4 toàn bộ thời lượng campaign của ACIII!) là một màn “tra tấn” thực sự và làm giảm đi đáng kể sự hưng phấn nơi người chơi. Aveline thì tỏ ra “nhanh nhạy” hơn một chút và thậm chí có thể nói là phần tutorial của cô quá ngắn. Đây lại là một con dao hai lưỡi khi những lính mới của dòng game Assassin’s Creed có thể sẽ không có đủ thời gian để làm quen với hệ thống điều khiển nhân vật của trò chơi.
Một trong những điểm khác biệt lớn nhất về gameplay giữa Liberation và những phiên bản khác trong series đó là “persona” – những lựa chọn trang phục hết sức độc đáo. Như đã nói, Aveline là một phụ nữ sống giữa ba thế giới khác nhau – cô vừa là một phụ nữ da màu trong thời kì chiếm hữu nô lệ, vừa là một sát thủ, lại vừa là con trong một gia đình khá giả. Mắc kẹt giữa ba thế giới xung đột đó, Aveline lại tìm ra được cách tận dụng tối đa – sử dụng ba kiểu cải trang khác nhau để tùy theo từng tình huống mà thu thập thông tin và hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mỗi kiểu cải trang này có những mức “tai tiếng” (notoriety) riêng, và thay đổi giữa hai bộ trang phục để hoàn thành một sequence là điều sẽ xảy ra trong quá trình chơi game.
Kiểu cải trang “Tiểu thư” (Lady Persona) diêm dúa sẽ khiến Aveline không thể giắt theo một vũ khí nào khác bên mình ngoại trừ cặp hidden blade và một vài vật dụng nhỏ khác sẽ được unlock dần dần theo tiến trình game (chẳng hạn như chiếc ống thổi phi tiêu có dạng chiếc ô che nắng). Bên cạnh đó, cô cũng không thể chạy nhanh hay leo trèo mà phải mượn đến vẻ duyên dáng, sắc đẹp và tiền của mình để quyến rũ hoặc hối lộ lính canh mở đường cho cô. Địa vị là con gái của một thương gia quyền lực trong vùng cho phép cô đặt chân tới những địa điểm mà một người bình thường không thể, để thu thập thông tin.
Trái ngược với hình ảnh tiểu thư là bộ trang phục “Nô lệ” (Slave Persona). Khoác lên mình bộ áo tầm thường này, “nô lệ” Aveline có thể chạy và tự vệ, sẽ bị lính canh săm soi nhất cử nhất động nhưng đồng thời lại có thể trà trộn dễ dàng hơn vào đám đông, đặc biệt là nếu như cầm trên tay một chiếc hộp hay thùng tô nô. Cuối cùng, Aveline có thể “là chính mình” với bộ y phục “Sát thủ” (Assassin Persona) – bộ trang phục không giống với bất cứ một sát thủ nam nào trước đây với chất liệu da và một chiếc mũ ba sừng. Dưới hình thái này, Aveline sẽ rất dễ bị lính gác phát hiện, nhưng lại có thể di chuyển, chạy và ám sát hết sức nhẹ nhàng.
Hệ thống persona là một phát kiến rất mới lạ và đặc sắc của series. Nhưng vấn đề nằm ở chỗ hệ thống này chưa thực sự làm thay đổi cách tiếp cận mỗi nhiệm vụ của game thủ, và có thể là nếu thời lượng của game dài hơn hay game có nhiều nhiệm vụ đặc trưng hơn nữa thì hệ thống persona đã có thêm đất diễn. Tuy vậy, người viết vẫn hi vọng nhà sản xuất sẽ tìm ra cách để tiếp tục khai thác hệ thống này trong những phiên bản Assassin’s Creed tiếp theo.
Liberation vốn ban đầu được thiết kế cho lối chơi “mỗi lúc một chút”, không liền mạch đặc thù của những hệ máy portable, và ngay cả khi đã “lên đời” HD thì điều này vẫn rất rõ ràng. Những nhiệm vụ chính trong game đều rất ngắn và hơi có phần vụn vặt, với tổng thời lượng chỉ rơi vào khoảng 9 giờ chơi. Mặc dù đây không phải là một con số nhỏ song những tựa game Assassin’s Creed từ trước tới nay đều nổi tiếng có mảng campaign tương đối dài (ở phiên bản gần đây nhất Assassin’s Creed IV: Black Flag, con số này là… xấp xỉ 30). Người chơi hoàn toàn có thể “băng băng” qua phần chơi theo cốt truyện, các sidequest cộng với thu thập toàn bộ các vật phẩm phụ trong game mà chỉ mất không đến 15 giờ đồng hồ, đồng nghĩa với việc giá trị chơi lại của game là rất thấp. Bản thân các nhiệm vụ thì lại khá dễ nếu đem so với những nhiệm vụ trong Assassin’s Creed III hay bất cứ một phiên bản nào ra đời trước đó.
Hầu hết bạn sẽ được giao nhiệm vụ chạy từ điểm A tới điểm B, hạ hoặc bám đuôi một vài mục tiêu rồi tiếp tục đi tới điểm C. Các nhiệm vụ này không chỉ dễ, chúng còn có các quest phụ để đạt 100% synchronize khá… vô nghĩa. Ví dụ điển hình nhất là khi bạn được giao một quest phụ “Do not swim” trong một mission thậm chí còn không bắt người chơi phải tới gần nước một giây nào! Những quest phụ kiểu “Do not…” này chiếm đại đa số, lượng quest phụ còn lại thuộc mô típ đếm ngược thời gian. Phong cách gameplay nhỏ, vụn vặt này vận hành rất hiệu quả với những hệ máy handheld như Vita hay DS, nhưng tỏ ra không thật sự phù hợp với những cỗ máy console lớn như Xbox 360 hay PlayStation 3.
Cải tiến hiệu ứng hình ảnh luôn luôn là khâu cần được đầu tư nhất trong quá trình “nâng cấp” một trò chơi và về mặt này, Ubisoft Sofia đã hoàn thành xuất sắc công việc của họ. Assassin’s Creed: Liberation HD sở hữu chất lượng hình ảnh không thua kém bất cứ tựa game Assassin’s Creed trên console nào ra đời trước nó ngoại trừ Assassin’s Creed IV: Black Flag. Thậm chí cả các chi tiết nhỏ nhất trên khuôn mặt nhân vật và vân bề mặt cũng đã được cải tiến – đây không chỉ là một sản phẩm được nâng cấp thuần túy về mặt kích thước.
Ở một số khu vực môi trường nhất định game thủ vẫn có thể nhận ra hệ thống đồ họa trong game được “đôn” lên từ một máy chơi game với sức mạnh phần cứng hạn chế hơn, chẳng hạn như ở Bayou, nơi tông màu tối cùng hiệu ứng blur đặc sệt của những khu đầm lầy dần trở nên nhạt nhòa theo thời gian và texture bị lặp lại nhiều đến mức thấy rõ. Tuy nhiên thì về tổng quan, tốc độ khung hình của Liberation HD là tương đối ổn định (luôn giữ ở 50 fps với mức thiết lập đồ họa gần như cao nhất – chỉ để khử răng cưa 2x – rất ấn tượng nếu so với việc Assassin’s Creed III chỉ đạt không quá 25 fps ở mức thiết lập đồ họa thấp hơn trên cùng một cấu hình PC như vậy) và những pha hành động tốc độ cao trong game diễn ra cũng trơn tru chẳng kém gì các “đàn anh” được xây dựng với mức phân giải cao ngay từ đầu. Sự đa dạng về mặt hình ảnh cũng rõ ràng hơn rất nhiều so với một số phiên bản trong dòng game; sự tương phản giữa New Orleans và khu đầm lầy dữ dằn Bayou giúp hình thành nơi Liberation một diện mạo rất đặc trưng.
Âm thanh trong game cũng đã được nâng lên một tầm cao mới. Mọi hiệu ứng tiếng động nghe đều rõ ràng, đanh và tự nhiên hơn. Giọng lồng tiếng cho các nhân vật rất chính xác và phù hợp với thời gian, không gian mà game lấy bối cảnh. Trong phiên bản gốc, đôi khi ngữ điệu nặng Louisiana hay Tây Ban Nha khiến những đoạn hội thoại trở nên rất khó nghe, nhưng vấn đề đó giờ đây đã được giải quyết triệt để. Aveline hay Jeanne vẫn nói đặc sệt giọng vùng xong giờ đây những cuộc trò chuyện giữa họ đã dễ “tiếp thu” hơn.
Đây là phiên bản hoàn thiện nhất về đồ họa, âm thanh và gameplay cho câu chuyện của Aveline. Bạn là một fan trung thành của series nhưng lại chưa có cơ hội chơi qua phiên bản Liberation gốc vì không sở hữu một chiếc PS Vita thì đây là dịp có một không hai để được đóng vai thành viên hết sức đặc biệt của Hội Sát thủ này. Đáng tiếc thay, câu chuyện của Aveline không hấp dẫn và mạch lạc như hứa hẹn ban đầu, và khiếm khuyết đáng kể nhất của Liberation đó là nó được thiết kế theo kiểu của những hệ máy handheld. Nếu chỉ “an phận” một tựa game Assassin’s Creed với phong cách nhanh, lẻ tẻ, Liberation HD có thể xem là một thành công. Nhưng giờ đây, những cơ chế gameplay được phát triển để “chống lưng” cho phong cách chơi ngắn – nhanh ấy lại vô tình khiến cho trò chơi và thế giới mở của nó trở nên nhỏ bé.
Tương tự là với các nhiệm vụ trong game khi chúng đều thiếu đi chiều sâu, độ thử thách và độ dài hợp lí cho một tựa game console. Rất nhiều sequence trong game chỉ kéo dài… bằng một mission rất dài trong những tựa game phiêu lưu – hành động khác và tất cả những thiếu sót đó biến Liberation HD trở thành phiên bản yếu kém nhất của series Assassin’s Creed từ trước đến nay.
Theo VNE
Top 6 game "đỉnh" không thể bỏ qua trên hệ máy Xbox One
Năm 2014 được đánh giá là năm bùng nổ của các thế hệ máy chơi game. Chiếc máy Xbox Oneđang thể hiện những biến chuyển tích cực khi lượt tiêu thụ đầu năm vừa qua đạt con số khả quan: 1 triệu bản được bán ra. Dĩ nhiên, khi game thủ muốn mua hệ máy next -gen này, ắt hẳn đã đầu tư rất kỹ các trò chơi nổi bật nhất ở nó. Ngay bây giờ, hãy cùng Gosu chúng tôi điểm qua top 6 game không thể bỏ qua trên chiếc máy Xbox One của bạn.
Dead Rising 3
Dead Rising 3 là một trong những trò chơi kinh dị độc quyền hiếm có trên hệ máy game Xbox One. Nổi lên sau sự kiện ở E3, Dead Rising biết đến là một tựa game zombie chặt chém hoành tráng không khác gì các đàn anh như Dead Island hay Dying Light. Bối cảnh của trò chơi sẽ lấy tiếp các sự kiện của Dead Rising 2, bạn sẽ được nhập vai vào nhân vật một thơ cơ khí trẻ có tên là Nick Ramos. Điều mà anh chàng này làm chính là cùng hung khí là chiếc rìu trên tay để trốn thoát thành phố Los Perdidos ghê rợn. Bản đồ trong game Dead Rising sẽ rất lớn, phù hợp với cảnh rượt chạy thường thấy ở các tựa game zombie. Với lối chơi đa sắc màu, từ chơi đơn, mạng hay co - op Dead Rising 3 sẽ mang lại trải nghiệm cực kỳ hấp dẫn cho game thủ.
Lego Marvel Heroes
Trò chơi mang đến nhiều cảm xúc nhất cho game thủ chính là Lego Marvel Heroes. Các nhân vật, bối cảnh trong game được dựng hình theo kiểu mảnh ghép LEGO rất độc đáo. Cho dù là lửa, cây cối, tòa nhà hay phương tiện, vũ khí... mọi thứ đều là những hình khối lạ mắt, bảo đảm sẽ gây ấn tượng với bạn. Những màn chơi trong game được ghép hình từ LEGO rất tuyệt. Bạn sẽ bắt gặp những địa điểm quen thuộc như cánh cổng Asgard, con tàu Helicarrier của S.H.I.E.L.D hay cao ốc Stark... Chúng đều được xây dựng khá ấn tượng và bắt mắt. Lego Marvel về cơ bản là một tựa game hành động nhưng các yếu tố trong game thật sự rất đa phong cách. Với một đồ họa next -gen cỡ như Xbox One, người chơi sẽ cảm nhận vẻ đẹp tuyệt vời thông qua tựa game này.
Powerstar Golf
Nếu như bạn là một trong những người thích các trò chơi thể thao như chơi golf. Powerstar Golf là trò chơi không thể lý tưởng hơn trên Xbox One. Trong trò chơi này, game thủ sẽ được thử sức với các dàn ngôi sao thượng hạng ở trò chơi golf nổi tiếng. Được dựa trên nền tảng golf như Sony's Hot Shots Golf, Powerstar Golf sẽ cho bạn những giây phút thoải mái bên cạnh người thân lẫn bạn bè khi tích hợp đầy đủ các lối chơi mạng, đơn đầy hấp dẫn.
Assassin's Creed: Black Flag
Có lẽ với một đồ họa quá tuyệt trên next -gen như Xbox One không thể thiếu các trò chơi bom tấn giúp hệ máy này luân chuyển nhanh nhất. Assassin's Creed: Black Flag là cái tên xứng đáng nói lên điều đó. Game sẽ đưa người chơi với những trận chiến combat đầy hoành tráng trên sóng biển Caribates huyền thoại. Với tên tuổi đã hình thành từ lâu, Assassin's Creed không chỉ được đầu tư mạnh mẽ trên thế hệ next -gen mà còn được port trên tất cả thế hệ đa nền khác.
Game sẽ được chạy hoàn toàn với độ phân dải mượt mà 1080p trên Xbox One.
Need for Speed: Rivals
Trò chơi đua xe Need for Speed: Rivals được game thủ hầu như chú ý đến với đồ họa cực kỳ sống động và đẹp mắt dựa trên nền tảng next - gen Xbox One. Những pha rượt đuổi đầy tốc độ giúp game khá hot trên các phiên bản PS4 và Xbox. Bạn sẽ được trải nghiệm các lối chơi co-op, các pha đua xe với các chặng đường đua dài hơi khiến game thủ phải cực kỳ có bãn lĩnh đề cầm tay lái. Game cũng sẽ được chạy hoàn toàn trên đồ họa 1080p trên Xbox One.
Ryse: Son of Rome
Ryse: Son of Rome là quả bom tấn được Microsoft mong chờ nhất trên thế hệ Xbox One. Nhưng có lẽ đồ họa thôi thì trò chơi chưa làm game thủ hài lòng. Phải công nhận một điều răng, Microsoft đã quá chú trọng đến đồ họa mà quên đi sự tương tác nhân vật, gameplay là lối truyện hấp dẫ. Dẫu sao đi nữa, với những gì xây dựng dựa trên đồ họa Engine đẹp mắt, game thủ hãy thử trải nghiệm một trò chơi La MÃ cực kỳ hoành tráng về đồ họa này.
Theo VNE
Những tựa game hay nhất trong tuần (16-22/12/2013) Trong tuần mới này, tuy không được xem như các trò chơi bom tấn, nhưng 4 tựa game dưới đây cũng đủ hâm nóng bạn với tình yêu bất diệt game. Đó là các tựa game được chúng tôi preview từ trước như : The Walking Dead hay Assassin's Creed: Freedom Cry. Ngoài ra còn có 2 tựa game DLC hấp dẫn khác...