ASEAN 25: Vấn đề Biển Đông làm nóng bàn nghị sự
Bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Tuy nhiên, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, nhất là việc bồi đắp quy mô lớn, trái với quy định của DOC.
Lãnh đạo các nước ASEAN quyết tâm xây dựng Cộng đồng, bảo đảm an ninh khu vực. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Chính vì vậy, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-25, Hội nghị Cấp cao ASEAN với các nước Đối tác: Ấn Độ, Nhật Bản, LHQ… vấn đề Biển Đông tiếp tục được các nhà lãnh đạo trong và ngoài khu vực quan tâm đặc biệt.
Trên bàn nghị sự Hội nghị Cấp cao ASEAN-25 tổ chức vào sáng 12/11, lãnh đạo các nước ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Các nhà lãnh đạo nhấn mạnh việc tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước Luật Biển của LHQ 1982, giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, thực hiện đầy đủ và hiệu quả các quy định trong Tuyên bố DOC. Đặc biệt các bên liên quan phải tuân thủ Điều 5 của Tuyên bố, thực hiện kiềm chế và không làm phức tạp thêm, mở rộng hay làm gia tăng căng thẳng. Đồng thời, đẩy mạnh thương lượng thực chất ASEAN-Trung Quốc để sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử COC.
Video đang HOT
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN với các nước Đối tác: Ấn Độ, Nhật Bản, LHQ… vào chiều 12/11, bên cạnh việc khẳng định ủng hộ ASEAN hiện thực hóa Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với ASEAN,… lãnh đạo các nước cũng đã trao đổi, thảo luận về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông.
Lãnh đạo các nước Đối tác nhấn mạnh duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực; bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển của LHQ 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử COC.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Không ngoài mối quan tâm chung của ASEAN và các Đối tác trong vấn đề này, khi tham dự các hội nghị nói trên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: ến nay, tình hình Biển Đông vẫn tiếp tục phức tạp, trong đó có việc bồi đắp quy mô lớn, làm thay đổi căn bản cấu trúc của nhiều đảo đá, bãi ngầm. Những việc làm này trái với quy định của Tuyên bố DOC.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị ASEAN cần chủ động và có trách nhiệm hơn nữa trong việc duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Theo đó, ASEAN cần tiếp tục yêu cầu các bên liên quan tôn trọng và thực hiện đầy đủ mọi quy định của Tuyên bố ứng xử ở Biển Đông (DOC), trước hết là Điều 5 của Tuyên bố DOC, thực hiện kiềm chế, không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Đồng thời, ASEAN cần triển khai mạnh mẽ những nội dung đã thống nhất, đặc biệt là việc ASEAN – Trung Quốc cần sớm cụ thể hóa các biện pháp và xây dựng cơ chế nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ Tuyên bố DOC, nhất là Điều 5 của Tuyên bố này; đi vào đàm phán thực chất nhằm sớm đạt được Bộ quy tắc COC có tính ràng buộc, cũng như sớm triển khai các biện pháp “thu hoạch sớm” song song với tiến trình đàm phán về COC.
Tại Hội nghị ASEAN với các đối tác, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực.
Đánh giá cao lập trường và sự ủng hộ tích cực của các đối tác đối với lập trường và nguyên tắc chung của ASEAN về vấn đề này, Thủ tướng cho rằng, trước tình hình Biển Đông tiếp tục diễn biến phức tạp, cần mạnh mẽ yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình; không mở rộng hoặc gia tăng căng thẳng, không làm phức tạp thêm tình hình; thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trước hết là Điều 5 về thực hiện kiềm chế, và sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử có tính ràng buộc ở Biển Đông (COC).
Thủ tướng Liên bang Nga Medvedev chia sẻ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình. Ảnh VGP/Nhật Bắc
Không chỉ trên diễn đàn cấp cao, trong các cuộc tiếp xúc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo LHQ, lãnh các quốc gia đối tác của ASEAN cũng bày tỏ quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông.
Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon khẳng định quan điểm của LHQ là các tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông cần được giải quyết trên cơ sở đối thoại, các bên không có hành động gây căng thẳng. Ông Ban Ki-moon hy vọng các hội nghị ở khu vực sẽ là cơ hội để các bên liên quan giải quyết vấn đề trên cơ sở cách tiếp cận hướng tới tương lai và LHQ sẵn sàng hỗ trợ và ủng hộ trong vấn đề này.
Trong cuộc tiếp xúc chính thức với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chiều 12/11, Thủ tướng Liên bang Nga Medvedev bày tỏ sự chia sẻ quan điểm của Việt Nam và ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế và luôn mong muốn tình hình Biển Đông ổn định.
Còn Thủ tướng Australia, Tony Abbott thì khẳng định: Australia ủng hộ mạnh mẽ lập trường của ASEAN và Việt Nam về việc giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông.
Theo PV
Chính phủ