ARM khi về tay NVIDIA sẽ trở thành vũ khí kích hoạt một cuộc chiến tranh công nghệ khổng lồ
Một hãng chip có giá vỏn vẹn 40 tỷ USD (nhỏ hơn doanh thu QUÝ của Apple hay Google) lại có thể đe dọa đến tương lai của cả thế giới di động khi về tay một kẻ không biết chơi đẹp như NVIDIA.
Có vẻ như, sau rất nhiều tranh cãi, ARM holdings đã tìm được bến đỗ mới. Nếu không có gì thay đổi, NVIDIA sẽ chính thức công bố mua lại công ty thiết kế chip này từ Softbank với giá 40 tỷ USD vào ngày thứ hai tới đây.
Trước đó, Softbank được cho là đã quyết định bán ARM nhằm giảm bớt thiệt hại do các khoản đầu tư vào WeWork hay Uber gây ra. Nhiều gã khổng lồ như Samsung, Foxconn và TSMC được cho là đã nỗ lực mua lại ARM, song NVIDIA đã luôn là cái tên được nhắc đến nhiều nhất. Mức giá 40 tỷ USD sẽ đem lại cho Softbank khoản lợi nhuận 8 tỷ USD so với mức giá 32 tỷ USD mà hãng này bỏ ra vào năm 2016 để sở hữu ARM.
Và chắc chắn, bước đi này sẽ kích hoạt một cuộc hỗn chiến trong thế giới công nghệ.
Liệu Samsung và Qualcomm có muốn ARM về tay một công ty đã từng là đối thủ trực tiếp của họ?
Lý do đầu tiên mà ai cũng biết là bởi ARM tuy nhỏ bé nhưng lại có ảnh hưởng quá lớn lên ngành công nghiệp chip. Hiện tại, các con chip A của Apple, Snapdragon của Qualcomm, Exynos của Samsung, Helio/Dimensity của MediaTek… đều được tùy biến dựa trên thiết kế của ARM. NVIDIA tuy chủ yếu được biết đến với các sản phẩm card đồ họa hay phần cứng AI nhưng cũng lại có dính dáng đến thiết bị di động: năm 2013, công ty của tỷ phú Jen Hsun-Huang đã từng ra mắt dòng chip Tegra để cạnh tranh với Snapdragon.
Tuy rằng Tegra đã không thể giành được chỗ đứng trên smartphone và tablet, hiện tại dòng chip này vẫn đang được sử dụng trên Nintendo Switch. Về bản chất, Tegra là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Snapdragon và Helio. Vai trò của NVIDIA trong vòng đời của con chip di động không khác gì Qualcomm và MediaTek: mua thiết kế tham chiếu của ARM, tùy biến thiết kế đó, thuê các công ty gia công (như TSMC hoặc Samsung) và rồi bán sản phẩm cho các nhà sản xuất điện thoại.
Nắm ARM trong tay, NVIDIA sẽ len lỏi được vào vòng đời của chip đối thủ. Cũng không có gì đảm bảo rằng, một khi đã nắm ARM trong tay, NVIDIA sẽ không tìm cách trở lại với thị trường di động vốn có doanh số xấp xỉ 1,5 tỷ thiết bị mỗi năm.
Những gì đã từng xảy ra với Qualcomm và Samsung cho thấy ARM rất có thể sẽ bị NVIDIA biến thành vũ khí.
Video đang HOT
Kể cả trong trường hợp NVIDIA không đem Tegra trở lại cạnh tranh trên thị trường di động, việc hãng này thâu tóm ARM cũng sẽ khiến cho các công ty sản xuất/thiết kế chip di động phải lo lắng. Vòng đời của những con chip Snapdragon và Exynos sẽ bỗng dưng xuất hiện thêm một hãng chip vốn nổi tiếng là không biết “chơi đẹp”. Năm 2013, NVIDIA đem kiến trúc Kepler ra nhượng quyền. Khi Qualcomm và Samsung từ chối mua nhượng quyền kiến trúc này, họ bị NVIDIA đem ra tòa với cáo buộc vi phạm bằng sáng chế về thiết kế GPU di động.
Samsung sau đó kiện lại. Năm 2014, một thẩm phán tại Mỹ thậm chí đã đưa ra phán quyết rằng Samsung không chỉ không vi phạm bằng sáng chế của NVIDIA mà còn bị NVIDIA… vi phạm ngược. Năm 2016, 2 bên dàn hòa với thỏa thuận nhượng quyền, vụ kiện của NVIDIA nhắm vào Qualcomm cũng bị xóa bỏ.
Các nguồn tin bên lề cho rằng Apple cũng đã từng suýt bị NVIDIA lôi ra tòa giống như Samsung và Qualcomm. Xét tới việc Apple có bộ máy pháp lý gần như bất khả chiến bại, NVIDIA có vẻ đã chùn chân vào phút cuối. Nhưng, gần như chắc chắn NVIDIA cũng đã đưa ra những đòi hỏi vô lý giống như với Qualcomm và Samsung. Apple chẳng phải tay vừa, và ngay sau đó đã dần loại bỏ hoàn toàn NVIDIA khỏi máy Mac. macOS đến năm ngoái đã không còn bất kỳ dấu vết nào của NVIDIA cả.
Nếu bị dồn vào đường cùng, việc các ông lớn tìm cách từ bỏ ARM không phải là không thể nghĩ đến.
Chắc chắn, những rắc rối xung quanh NVIDIA vẫn còn nằm nguyên trong tâm trí Apple, Samsung và Qualcomm, và các công ty này sẽ có biện pháp khiếu nại khi NVIDIA tuyên bố mua ARM. Trong trường hợp xấu nhất – ARM về tay NVIDIA và bị sử dụng vào mục đích chống lại các ông lớn di động, có lẽ tương lai của nền tảng này trên chip di động sẽ bị đe dọa. Trên thị trường di động, một kiến trúc mã nguồn mở khác là RISC-V đang hứa hẹn sẽ đem lại nhiều lợi ích tương tự như ARM. Điểm yếu lớn nhất của RISC-V là không có thế lực công nghệ nào đứng sau – vì tất cả vẫn còn đang tận hưởng các lợi ích từ ARM với mức giá hợp lý.
Khi mức giá ấy không còn hợp lý nữa, Apple sẽ có đủ lý do để tự phát triển kiến trúc chip riêng từ RISC-V. Việc phát triển giải pháp thay thế cho ARM tuy “bất tiện” nhưng vẫn hoàn toàn nằm trong tầm tay của nhà Táo: công ty của Tim Cook mới đây đã chạm ngưỡng 2 nghìn tỷ USD trị giá vốn hóa, dự trữ tiền mặt vẫn ở mức trên 100 tỷ USD, doanh thu vẫn tăng đều bất chấp Covid-19. Apple đã từng chuyển đổi máy Mac từ PowerPC sang Intel x86 và hiện tại là sang Apple Silicon. Với một gã khổng lồ ở tầm cỡ này, chẳng có điều gì là không thể cả.
Google cũng thừa đủ năng lực để giảm sự phụ thuộc vào ARM. Cũng như Apple, doanh thu một quý của Google thừa đủ để thâu tóm ARM. Android được phát triển từ Linux, vốn là hệ điều hành đã có tính độc lập tương đối với kiến trúc chip. Khoảng 2013, Google cũng đã từng công khai hợp tác với Intel để đưa chip Atom lên smartphone Android. Dù cho Atom đã không thể chống chọi thành công, động thái này vẫn cho thấy Google đủ khả năng để giữ cho hệ điều hành “con cưng” không bị phụ thuộc vào một kiến trúc duy nhất. Sẽ không có chuyện Google (và các nhà sản xuất Android khác) cho phép Android trở thành con tin trong tay NVIDIA.
Điều gì xảy ra khi một gã khổng lồ không biết “chơi đẹp” được trao tiếng nói trong một thị trường tầm vóc 1,5 tỷ thiết bị mỗi năm?
Có rất nhiều kịch bản có thể xảy ra khi NVIDIA thâu tóm ARM. Một số tên tuổi lớn trong ngành chip sẽ khởi kiện để ngăn thương vụ này. Chính phủ Mỹ có thể có những biện pháp can thiệp. Hoặc, NVIDIA có thể thâu tóm ARM thành công, thúc ép các nhà sản xuất/thiết kế chip khác chuyển sang RISC-V.
Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng sự thật chắc chắn là chẳng có ai muốn ARM về tay NVIDIA cả. Bất kể điều gì diễn ra tiếp theo, đây sẽ là điểm khởi đầu cho một cuộc “hỗn chiến” mới trong thế giới công nghệ.
Nhật Bản đang hưởng lợi gì từ chiến tranh công nghệ?
Trong cuộc chiến đối đầu căng thẳng giữa hai cường quốc công nghệ Mỹ-Trung, Nhật Bản đang chứng tỏ khả năng biết tận dụng cơ hội tốt cũng như vị thế uy tín của mình.
Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau cả về mạng 5G, trí tuệ nhân tạo và nhiều công nghệ khác. Dù 2 nước đã từng có quan hệ đối tác lâu năm, nhiều diễn biến phức tạp đe dọa an ninh quốc gia thời gian vừa qua đã buộc chính phủ lẫn doanh nghiệp đôi bên phải xem xét lại.
Trong khi các quốc gia hay công ty trên thế giới đang cuốn vào vòng xoáy chưa biết hồi kết của cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung, chiến trường căng thẳng này bắt đầu xuất hiện nhiều "nạn nhân" hứng chịu thiệt hại, nhưng cũng chứng kiến sự vươn lên của các ông lớn công nghệ khác, ví dụ như Nhật Bản.
Nhật Bản nhận được nhiều tín nhiệm
Trong bài phát biểu ngày 30/6, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nhấn mạnh nước Anh cần bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng của mình khỏi các "nhà cung cấp thù địch", ám chỉ Huawei.
Hồi tháng 1/2020, Anh vẫn coi Huawei là nhà cung cấp viễn thông đáng tin cậy. Trước nhiều sức ép của Mỹ trên cương vị đồng minh, chính phủ Anh đã chính thức cấm các nhà mạng nước này mua mới thiết bị mạng 5G của Huawei kể từ ngày 31/12 tới đây, đồng thời dần loại bỏ các thiết bị 5G có liên quan đến công ty Trung Quốc này từ nay cho tới năm 2027.
Tuy chỉ nắm 1% thị phần mạng 5G trên thế giới, Anh vẫn chọn Nhật Bản làm đối tác chiến lược.
Sau khi nói lời "chia tay" với Huawei, chính phủ Anh đã tìm đến Nhật Bản nhằm hợp tác hỗ trợ xây dựng mạng lưới viễn thông 5G.
Theo Nikkei Asian Review, ngay hôm 16/7, giới chức Anh đã liên hệ với chính phủ Nhật Bản để thông báo các hãng công nghệ Nhật như NEC và Fujitsu có thể thế chân Huawei. Chính quyền London đề nghị Tokyo hỗ trợ công nghệ để phát triển mạng 5G tại Anh.
Quyết định này được cho là cơ hội vàng cho đất nước "mặt trời mọc" vươn lên trong bối cảnh nhiều công ty lẫn quốc gia đang phải hứng chịu nhiều thiệt hại của thế chiến công nghệ.
Tuy vậy, đây sẽ là thách thức lớn cho các công ty Nhật Bản khi phải cạnh tranh với nhiều đối thủ mạnh đến từ châu Âu như Ericsson, Nokia. Trong khi hai nhà phát triển viễn thông này cùng Huawei nắm giữ 80% thị phần 5G toàn cầu, NEC và Fujitsu chỉ có trong tay chưa đầy 1%.
Đến nay, chính phủ Nhật Bản đã cam kết đầu tư 654 triệu USD để hỗ trợ các công ty như NEC phát triển mạng lưới và thiết bị 5G.
Tụt hậu về công nghệ, Nhật Bản cần nắm bắt cơ hội
Ngày 15/5, chính quyền Mỹ đã cho toàn thế giới chứng kiến sự nghiêm túc của mình trong việc trừng phạt Huawei khi thay đổi quy định và yêu cầu mọi công ty bán dẫn sử dụng công nghệ Mỹ, dù ở Mỹ hay nước ngoài, phải có giấy phép đặc biệt mới được bán hàng cho công ty Trung Quốc.
Nhà sản xuất và gia công vật liệu bán dẫn Đài Loan (TSMC), đối tác gia công bán dẫn lớn nhất thế giới năm 2019, ngay sau đó đã ngừng mọi hợp đồng đặt hàng mới từ Huawei Technologies.
Nếu được bắt tay với TSMC, ngành công nghiệp gia công vật liệu bán dẫn Nhật Bản sẽ được hồi sinh sau nhiều năm tụt hậu.
Những quyết định đơn phương được TSMC đưa ra nhằm tuân thủ các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mới của Mỹ công bố vào ngày 15/5, với mục đích cản trở các công ty sản xuất chip bán dẫn của nước này cung cấp các sản phẩm cho Huawei.
Theo The Yomiuri Daily đưa tin hôm 19/7, đứng trước những động thái đó, Nhật Bản đang nhắm đến việc mời TSMC và các nhà sản xuất chip bán dẫn khác hợp tác để xây dụng một nhà máy sản xuất chip tiên tiến. Đây được coi như một bước đi đầy tham vọng của quốc gia này.
Chính phủ Nhật Bản hy vọng có thể khai thác chuyên môn của các nhà sản xuất chip trên thế giới để làm trẻ hóa ngành công nghiệp nội địa đang tụt hậu. Giữa diễn biến của cuộc chiến tranh công nghệ, ngành gia công và sản xuất chip bán dẫn đã trở thành tâm điểm chính trong các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia.
Phía Nhật Bản đang lên kế hoạch cung cấp gói hỗ trợ vài tỷ USD trong nhiều năm cho các nhà sản xuất chip nước ngoài đồng ý hợp tác tham gia dựa án.
Tuy đại diện của TSMC lên tiếng phủ nhận các thông tin liên quan đến vấn đề này, công ty cũng cho biết thêm sẽ không loại trừ bất cứ khả năng nào có thể xảy ra trong tương lai.
Nguy cơ bùng phát chiến tranh công nghệ thế giới Nhiều quốc gia và doanh nghiệp bị cuốn vào cuộc đối đầu Mỹ - Trung, buộc họ chọn phe và gây nguy cơ gián đoạn ngành công nghệ toàn cầu. Ngày 14/7, chính phủ Anh công bố lệnh cấm Huawei, chấm dứt mối quan hệ hợp tác kéo dài hai thập kỷ. Nhà khai thác mạng BT và Vodafone sẽ phải loại bỏ...