Apple, Google, Meta đối mặt với điều tra theo đạo luật mới của EU
Ngày 25/3, các cơ quan chức năng của Liên minh châu Âu (EU) đã mở cuộc điều tra về việc liệu các công ty công nghệ Apple, Google và Meta có vi phạm quy định trong Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của EU hay không.
Đây là cuộc điều tra đầu tiên được triển khai theo DMA vốn có hiệu lực từ đầu tháng 3 nhằm ngăn chặn những “gã khổng lồ” công nghệ kiểm soát thị trường kỹ thuật số.
Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số là một bộ quy tắc rộng rãi nhắm vào các công ty công nghệ lớn cung cấp “dịch vụ nền tảng cốt lõi” mà đạo luật này gán mác là “người gác cổng”, theo đó yêu cầu các công ty tuân thủ một loạt quy định. Vi phạm các quy định của DMA có thể khiến các công ty phải đối mặt những khoản phạt tài chính nặng nề.
Mặc dù có phần chưa rõ ràng, song các quy định của DMA nhằm thiết lập thị trường kỹ thuật số mang tính “công bằng hơn” và có “tính cạnh tranh hơn” bằng cách phá vỡ các hệ sinh thái công nghệ khép kín vốn bó buộc người tiêu dùng vào các sản phẩm hoặc dịch vụ của một công ty duy nhất.
Trong một thông báo, Ủy ban châu Âu (EC) cho biết cơ quan này cho rằng những “người gác cổng” chưa tuân thủ hiệu quả các quy định của DMA. Vì vậy, cuộc điều tra nhằm đánh giá liệu Google và Apple có tuân thủ các quy định của DMA yêu cầu các công ty công nghệ cho phép nhà phát triển ứng dụng hướng người dùng đến các phần mềm hoặc ứng dụng có sẵn bên ngoài các nền tảng kho ứng dụng của họ hay không. EC quan ngại hai công ty trên đang áp đặt những “hạn chế và giới hạn khác nhau” bao gồm cả việc tính phí nhằm ngăn cản các ứng dụng xuất hiện trong danh mục các ứng dụng không phải trả tiền.
Ngoài ra, EC cũng đang điều tra xem liệu Apple có tuân thủ đúng quy định trong việc cho phép người dùng iPhone dễ dàng thay đổi trình duyệt web hay không. Cơ quan này cũng đang xem xét liệu tùy chọn “‘trả tiền hoặc đồng ý” của Meta để người dùng trả phí hằng tháng cho các phiên bản Facebook hoặc Instagram không có quảng cáo có vi phạm việc sử dụng dữ liệu cá nhân người dùng hay không.
Hiện các công ty công nghệ trên chưa đưa ra phản ứng của mình.
Booking.com đối mặt khoản phạt 530 triệu USD vì vi phạm luật cạnh tranh
Ngày 22/2, Ủy ban cạnh tranh và thị trường quốc gia (CNMC) của Tây Ban Nha đã đưa ra mức phạt 530 triệu USD đối với Booking.com vì cho rằng nền tảng đặt phòng trực tuyến này đã vi phạm luật cạnh tranh.
Đây là khoản phạt lớn nhất từ trước đến nay của CNMC.
Thông tin trên được đưa ra sau khi CNMC - cơ quan giám sát chống độc quyền của Tây Ban Nha, tiến hành cuộc điều tra từ năm 2022 để xác định Booking.com có các hoạt động phản cạnh tranh hay không.
Booking.com phản đối các kết luận điều tra sơ bộ, cũng như quyết định về khoản phạt của CNMC, đồng thời cho biết sẽ kháng cáo nếu đây là quyết định cuối cùng của CNMC. Tuy vậy, Booking.com nêu những quan ngại về khả năng bị phạt cấp quốc gia theo Đạo luật Thị trường kỹ thuật số (DMA) của Liên minh châu Âu (EU). Booking.com đánh giá DMA rất phù hợp để thảo luận và đánh giá các mối quan ngại chính mà CNMC nêu ra, tạo cơ hội thống nhất về các giải pháp áp dụng trên khắp châu Âu thay vì theo từng quốc gia.
DMA sẽ có hiệu lực vào tháng tới, áp dụng cho các công ty ở các nước EU và những bên vi phạm sẽ phải đối mặt với những hình phạt khắc nghiệt. Mục đích của DMA là đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng thông qua các quy định về điều nên làm và không nên làm đối với các công ty trực tuyến. Các công ty có thời hạn đến ngày 7/3 tới để hoàn tất các điều kiện đáp ứng việc tuân thủ.
Hiện các nền tảng thuộc diện điều chỉnh của DMA đang cung cấp dịch vụ cho hơn 45 triệu người dùng hoạt động hằng tháng ở EU và cho hơn 10.000 doanh nghiệp hoạt động tại khối này mỗi năm. Các công ty kỹ thuật số có doanh thu hằng năm ở EU từ 7,5 tỷ euro (8,1 tỷ USD) trở lên hoặc giá trị thị trường trên 75 tỷ euro thuộc diện điều chỉnh của DMA. Trong đó, 6 công ty hàng đầu trong danh sách phải tuân thủ DMA gồm Alphabet -công ty mẹ của Google, Amazon, Apple, Meta, Microsoft và ByteDance - chủ sở hữu TikTok.
Chuyên gia bảo vệ việc Google chi hàng tỷ USD để duy trì vị thế Một chuyên gia được Google mời ra làm chứng đã lập luận khoản tiền lên tới hàng tỷ USD mà công ty thanh toán cho Apple, các nhà mạng không dây và các nhà cung cấp dịch vụ khác là hành vi cạnh tranh bình thường, không phải lạm dụng vị thế độc quyền. Trụ sở của Google ở New York, Mỹ. Ảnh...