Apple bị điều tra chống độc quyền tại Anh
Cuộc điều tra sẽ xem xét liệu Apple có chi phối việc phân phối ứng dụng trên các thiết bị của Apple tại xứ sở sương mù hay không.
Vừa qua, Cơ quan quản lý cạnh tranh và thị trường Anh (CMA) đã thông báo đã mở cuộc điều tra đối với Apple sau khi có khiếu nại về các điều khoản và điều kiện của hãng dành cho các nhà phát triển ứng dụng là không công bằng và phi cạnh tranh.
Bên cạnh đó, CMA cũng sẽ điều tra nếu Apple áp đặt các điều khoản không công bằng hoặc phi cạnh tranh đối với các nhà phát triển sử dụng ứng dụng App Store.
Hiện nay gã khổng lồ công nghệ Mỹ quy định các nhà phát triển ứng dụng nộp mức phí lên tới 30% giá trị giao dịch hoặc bất cứ khi nào người dùng mua ứng dụng.
Về phần mình, công ty của CEO Tim Cook tuyên bố sẵn sàng hợp tác với chính quyền London để lý giải cách thức mà chính sách về quyền riêng tư, bảo mật và nội dung của App Store. Đến nay, App Store đã trở thành kho ứng dụng đáng tin cậy cho người dùng và các nhà phát triển trên toàn thế giới.
Apple trong vòng xoáy độc quyền
Hai năm qua, Apple liên tục gây khó dễ cho nhiều nhà phát triển, mới nhất là Epic Games, và bị điều tra chống độc quyền ở cả Mỹ và châu Âu.
Ngày 13/8, Apple xoá trò chơi Fornite khỏi App Store vì vi phạm chính sách thu phí trên kho ứng dụng này. Ngay sau đó, Epic Games, nhà phát triển Fornite, kiện Apple vì hành vi độc quyền. Apple cũng không vừa khi đe doạ thu hồi giấy phép sử dụng các công cụ phát triển trên iOS và máy Mac của Epic từ ngày 28/8.
Trên thị trường, luôn tồn tại những công ty lớn, chiếm thị phần áp đảo. Luật chống độc quyền ở Mỹ và châu Âu ra đời để ngăn những công ty lớn lợi dụng sự thống trị của mình để chèn ép, bắt nạt, thậm chí đe doạ các đối thủ nhỏ hơn, từ đó tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các công ty. Xung đột giữa Apple và Epic là diễn biến mới nhất trong cuộc chiến giữa Apple và các nhà phát triển ứng dụng cùng những đơn kiện Apple độc quyền, vốn đã kéo dài suốt hai năm.
Đơn khiếu nại của Spotify mở đầu cho các cuộc chiến chống độc quyền đối với Apple,
Video đang HOT
Phí bảo kê trên App Store
Apple và Google cùng yêu cầu các nhà phát triển phải nộp 15-30% doanh thu ứng dụng nếu muốn ứng dụng đó xuất hiện trên App Store và Google Play. Tuy nhiên, trong khi người dùng Android có thể tải ứng dụng, trò chơi... từ bất cứ nguồn nào, App Store gần như là con đường duy nhất để người dùng cài ứng dụng lên iPhone.
Một số nhà phát triển "qua mặt" App Store bằng cách không cung cấp tính năng đăng ký thuê bao trực tiếp trên ứng dụng mà thông qua website như ứng dụng Hey của Basecamp. Tương tự, Epic Games cho phép người dùng mua vật phẩm trong Fornite qua cổng thanh toán riêng thay vì sử dụng dịch vụ mua hàng trên kho ứng dụng Apple.
Kết quả là phiên bản cập nhật Hey 1.0.1 từng bị từ chối cập nhật trên App Store hồi tháng 6. Còn Fornite hiện bị xoá khỏi kho ứng dụng.
CEO Basecamp cho rằng Apple đang hoạt động theo mô hình "xã hội đen", ăn chặn doanh thu của các nhà phát triển. Đại diện Epic cho biết họ quyết định kiện Apple để "ngăn những chính sách bất công" và tạo môi trường cạnh tranh công bằng trong việc phân phối ứng dụng di động trong tương lai.
Apple Music và Spotify
Cuộc đối đầu kéo dài nhất liên quan tới chống độc quyền là giữa Apple và Spotity từ đầu năm 2019.
Tim Cook, CEO Apple, khẳng định hãng không bắt nạt các đối thủ nhỏ.
Cũng liên quan tới khoản phí nói trên của App Store, Spotify cho biết họ và Apple Music cung cấp dịch vụ phát nhạc như nhau trên kho ứng dụng. Tuy nhiên, trong khi họ phải nộp 30% doanh thu thì Apple Music không phải trả khoản tiền này, từ đó có thể đưa ra mức thuê bao giá rẻ hơn so với Spotity.
Nếu Spotify triển khai cước thuê bao bằng Apple Music, lợi nhuận họ thu về sẽ rất thấp bởi họ đã mất 30% doanh thu cho Apple. Ngược lại, nếu tăng giá để đạt lợi nhuận mong muốn, dịch vụ của họ sẽ trở nên kém cạnh tranh.
"Apple là chủ sở hữu của cả nền tảng iOS lẫn kho ứng dụng App Store, sau đó họ tiếp tục cung cấp các dịch vụ cạnh tranh với chính các ứng dụng đang hoạt động trên đó. Về lý thuyết, mọi thứ đều ổn. Trong trong trường hợp của Apple, hãng này đã tự tạo cho mình một lợi thế thiếu công bằng", Spotity nêu trong đơn khiếu nại gửi Uỷ ban châu Âu hồi tháng 3/2019.
Chống độc quyền Apple Pay
Tháng 9/2019, Apple đối mặt với những khiếu nại về độc quyền khác tại châu Âu liên quan tới Apple Pay. Apple bị cho là cố tình hạn chế quyền truy cập vào tính năng NFC trên iPhone và Apple Watch, khiến các ngân hàng và nhà cung cấp dịch vụ tài chính khác không thể cung cấp tính năng thanh toán NFC qua ứng dụng của riêng họ.
Apple bị cáo buộc vì đã đặt ra những điều kiện khiến người dùng phải sử dụng Apple Pay thay vì các dịch vụ thanh toán di động khác. Trong khi đó, hãng giải thích rằng việc hạn chế quyền truy cập NFC sẽ cung cấp bảo mật chặt chẽ hơn cho dữ liệu ngân hàng nhạy cảm.
Các cuộc điều tra chống độc quyền
Tháng 6/2019, Uỷ ban Thương mại Liên bang Mỹ và Bộ Tư pháp Mỹ bắt tay điều tra bốn công ty công nghệ lớn là Apple, Google, Amazon và Facebook, nhằm đánh giá "những mối quan tâm rộng rãi mà người tiêu dùng và doanh nghiệp về tìm kiếm, phương tiện truyền thông xã hội và một số dịch vụ bán lẻ trực tuyến". Khi đó, chi tiết của cuộc điều tra chưa được cung cấp cụ thể.
Đến tháng 9/2019. Uỷ ban Tư pháp Hạ viện Mỹ cũng tuyên bố tham gia điều tra, xem xét "các vấn đề cạnh tranh trong thị trường kỹ thuật số" và liệu các công ty thống trị có "hành vi chống cạnh tranh trực tuyến" hay không. App Store cũng được đưa vào danh sách điều tra.
Trong khi đó, sau hơn một năm xem xét đơn khiếu nại của Spotify, ngày 16/6, Cơ quan chống độc quyền của Liên minh châu Âu tuyên bố tiến hành điều tra hành vi độc quyền của App Store và Apple Pay.
Margrethe Vestager, người đứng đầu bộ phận chống độc quyền của EU, nói: "Apple tự cho mình vai trò 'người gác cổng', được quyền phân phối ứng dụng và nội dung cho người dùng các thiết bị phổ biến của họ".
Án phạt 1,2 tỷ USD tại Pháp
Hồi tháng 3, Cơ quan giám sát cạnh tranh Autorité de la Concurrence của Pháp phạt Apple 1,1 tỷ euro (1,2 tỷ USD) vì hành vi chống cạnh tranh trong mạng lưới phân phối và lạm dụng sự phụ thuộc kinh tế của các đại lý.
Cụ thể, Apple tạo ra các thỏa thuận bất hợp pháp với hai nhà bán sỉ Tech Data và Ingram Micro kèm một số điều khoản "ngầm" nhằm đảm bảo hai công ty này không cạnh tranh nhau. Hành vi của Apple được đánh giá là khiến thị trường bán lẻ sản phẩm Apple bị tê liệt, do đại lý không thể điều chỉnh giá, tức giá bán lẻ sản phẩm trên thị trường giống hệt nhau và giống với niêm yết của Apple.
CEO Apple điều trần trước Quốc hội Mỹ
Ngày 29/7, cùng với CEO Google, Amazon và Facebook, Tim Cook, CEO Apple tham gia phiên điều trần trực tuyến với Hạ viện Mỹ.
Cook tiếp tục giữ quan điểm rằng họ "không có ưu thế xét về thị phần tại bất kỳ thị trường nào mà Apple tham gia kinh doanh", đồng thời "đối xử với mọi nhà phát triển như nhau với các quy tắc mở và minh bạch".
"Các nhà phát triển có thể viết ứng dụng cho Android, Windows, Xbox hoặc Play Station. Chúng tôi đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ cả phía nhà phát triển lẫn phía khác hàng. Về cơ bản tính cạnh tranh rất cao, tôi nghĩ nó như một cuộc chiến đường phố vậy", CEO Apple bác bỏ quan điểm rằng Apple đưa ra những quy định quá khắc nghiệt trên App Store.
Trước đó, Apple cũng nhiều lần nói việc họ kiểm soát chặt chẽ App Store là nhằm đảm bảo các phần mềm chạy trên iPhone đủ an toàn về mặt bảo mật. Họ đối xử công bằng với các ứng dụng và nhiều phần mềm cạnh tranh với Apple, như ứng dụng email của Microsoft, vẫn rất ăn khách trên App Store.
"Chúng tôi tuân thủ luật trong mọi hoạt động và khuyến khích sự cạnh tranh bởi tin rằng điều này sẽ thúc đẩy chúng tôi tạo ra những kết quả tốt đẹp hơn", phát ngôn viên của Apple khẳng định.
Cuộc đối đầu Apple - Epic
Từ sau phiên điều trần, các nhà phát triển ứng dụng vẫn tiếp tục chỉ trích Apple về những quy định thiếu công bằng trên App Store.
Ngày 24/7, Tim Sweeney, Giám đốc điều hành Epic Games, phàn nàn về mức phí trên các kho ứng dụng của cả Apple và Google. Ông cho rằng nếu nhà phát triển có thể hỗ trợ người dùng thực hiện các giao dịch qua kênh thanh toán riêng, tránh được mức thuế 30% thì người dùng sẽ được hưởng lợi khi đăng ký thuê bao và mua vật phẩm với giá rẻ hơn.
Sau vài lần rào đón, ngày 13/8, Epic cập nhật phiên bản iOS và Android của game Fornite, triển khai tính năng mua vật phẩm và thanh toán qua kênh riêng với mức chiết khấu tốt hơn so với khi thanh toán qua App Store. Chỉ vài giờ sau đó, Apple gỡ ứng dụng Fornite khỏi App Store. Cùng ngày, Epic khởi kiện, tố Apple có hành vi "phản cạnh tranh".
Tuần này, Apple còn tiến xa hơn khi doạ rút giấy phép sử dụng các công cụ phát triển trên iOS và máy Mac của Epic, trong đó có Unreal Engine, từ ngày 28/8. Nếu điều này xảy ra, các ứng dụng sử dụng công cụ của Epic sẽ không được chứng nhận để chạy trên iOS và máy Mac.
Unreal Engine hiện không chỉ được dùng để xây dựng ứng dụng của Epic. Nó còn là công cụ đang được sử dụng rộng rãi bởi các nhà phát triển game khác. Việc engine này không được cấp phép có thể khiến các nhà phát triển rời bỏ Epic, cô lập công ty này trên thị trường. Đầu tuần này, Epic tiếp tục gửi kiến nghị lên toà án để ngăn nguy cơ này xảy ra.
Anh điều tra kế hoạch quyền riêng tư của Google Cơ quan chống độc quyền của Anh đã mở một cuộc điều tra về công nghệ Privacy Sandbox của Google Theo báo cáo, Google trở thành mục tiêu chống độc quyền quy mô lớn đầu tiên sau Brexit. Cơ quan chống độc quyền của Anh, Cơ quan Cạnh tranh và Thị trường (CMA), đã mở một cuộc điều tra về chương trình quyền...