Áp lực ôn thi vào lớp 10, phụ huynh sốt sắng cho con học thêm
Giáo viên cho rằng việc thi 4 môn, chưa công bố khiến nhiều phụ huynh, học sinh áp lực. Tuy nhiên, cha mẹ không nên sốt sắng, ép con học thêm.
Kết thúc năm học trước, chị Mai Liên (Cầu Giấy) vội vàng tìm thầy cô cho con học thêm để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 sắp tới.
Lúc đó, Sở GD&ĐT Hà Nội chưa chốt phương án thi nên con chị tập trung học 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh.
Dù vậy, chị cũng tham khảo thêm thông tin về giáo viên uy tín của các môn khác, sẵn sàng cho con theo học khi Sở công bố phương án chính thức. Thế nhưng, gần một tuần sau khi sở chốt phương án tuyển sinh lớp 10 năm học 2019-2020, chị Liên vẫn chưa quyết định được sẽ cho con học thêm môn nào.
Áp lực lớn hơn năm ngoái
Việc phụ huynh, học sinh lo ngại trước phương án thi là điều dễ hiểu. Bên cạnh số môn tăng gấp đôi, đến tháng 3 năm sau, môn thứ 4 mới được công bố.
Theo thầy Hồng Trí Quang – giáo viên Toán trường Archimedes, điều này khiến phụ huynh và học sinh tương đối căng thẳng.
Phương án thi 4 môn khiến nhiều phụ huynh, học sinh căng thẳng. Ảnh: Nguyễn Sương.
Trong khi đó, thầy Nguyễn Quyết Thắng – giáo viên môn Vật lý, trường Liên cấp Đa trí tuệ, Cầu Giấy – cho rằng ở Hà Nội, áp lực thi cử là điều không tránh khỏi. Ít nhất, với phương án thi này, học sinh chỉ cần ôn 4 môn, thay vì 6 môn như phương án thi tổ hợp.
Trái ngược với quan điểm trên, cô Dương Thu Hương – giáo viên môn Địa lý trường THCS Alpha – cho biết nhiều học sinh tâm sự cảm thấy áp lực hơn với phương án thi 4 môn.
Trước đó, các em đã có tâm lý đón nhận việc thi 3 môn cộng bài thi tổ hợp 3 môn. Như vậy, câu hỏi trong bài tổ hợp sẽ đề cập đến phần kiến thức chính, áp lực không dồn vào một môn mà chia đều lên 3 môn. Nếu các em không học tốt một môn vẫn còn môn khác “cứu” lại.
Với cách thi đã chốt, học sinh hoang mang về môn thứ 4. Với học trò của cô Hương, nhiều em sợ môn Hóa học nên lo lắng sẽ phải thi môn này.
Tại trường cô, học sinh học hai buổi, số tiết các môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh nhiều hơn so với chương trình chuẩn. Do đó, số lượng học sinh phải học thêm không nhiều, chủ yếu do phụ huynh không yên tâm nên muốn con học nhiều hơn, đặc biệt các môn tự nhiên.
Dù không học thêm, phần lớn học sinh học tập nghiêm túc hơn. Nhà trường, giáo viên và bản thân học sinh xác định chờ đến tháng 3 mới học là quá muộn.
Ví dụ, dù phía Sở thông tin môn thứ 4 thi hình thức trắc nghiệm, 50% nhận biết, 40% thông hiểu và chỉ 10% câu rơi vào dạng vận dụng cấp thấp. nếu chỉ ôn thi Địa lý từ tháng 3 đến tháng 6, học sinh khó có đủ kiến thức để thi tốt.
“Thời gian ôn thi 3 tháng sẽ tạo áp lực tâm lý đối với học sinh lớp 9″, cô Hương nhận xét.
Do đó, cô cho học sinh làm quen từ bây giờ bằng cách ra bài kiểm tra trắc nghiệm sau mỗi chủ đề, nội dung kiến thức. Các môn khác cũng được tăng tiết dạy.
Bên cạnh đó, nhà trường quán triệt giáo viên dạy học trên tinh thần sẵn sàng cho học sinh thi môn đó khi Sở chốt môn thứ 4.
Ở góc nhìn khác, thầy Nguyễn Phi Hùng – giáo viên môn Ngữ văn tại hệ thống giáo dục Hocmai - cho rằng phương án thi 4 môn chắc chắn gây áp lực lên học sinh. Nhưng cách thi này cũng thúc đẩy học sinh học toàn diện hơn.
Năm trước, thí sinh thi hai môn đã phải học thêm nhiều. Năm nay, số lượng môn thi tăng, môn thứ 4 chưa xác định, việc học đương nhiên nặng hơn.
Trường hợp phải theo học thêm 2-3 giáo viên cho mỗi môn không hiếm. Ngoài cho con học ở trung tâm, không ít phụ huynh mời thêm gia sư.
“Không còn cách nào khác, học sinh phải chú trọng học nhiều môn, không thể chỉ tập trung học vài môn, học lệch, học tủ như trước đây”, thầy Hùng nhận định.
Phụ huynh không nên quá sốt sắng
Hiện tại, Sở chưa công bố đề thi minh họa nên chưa thể đánh giá mức độ khó, dễ. Dù vậy, thầy Hồng Trí Quang và thầy Nguyễn Phi Hùng hy vọng sở giữ nguyên cấu trúc đề thi môn Toán, Ngữ văn như năm ngoái để tránh xáo động.
Thầy Quang nói thêm với cấu trúc đề như năm ngoái, đề thi vẫn có những câu khó. Như môn Toán, việc đạt 5-6 điểm khá dễ dàng. Nhưng để được 8,5 điểm trở lên, học sinh phải ôn tập nhiều, sâu kiến thức.
Học sinh nên học nghiêm túc các môn, tránh học lệch, học tủ. Ảnh: Việt Linh.
Thầy hy vọng số lượng môn thi tăng, Sở sẽ giảm độ khó ở các môn để giảm bớt áp lực cho thí sinh. Dù vậy, trước mắt, các em vẫn nên tập trung học tốt 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, đồng thời không lơ là các môn khác.
Cùng quan điểm, thầy Phi Hùng cho rằng Hà Nội đã thay đổi phương thức thi, nếu cấu trúc đề cũng thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi trong cách dạy và học khiến học sinh khó thích ứng.
Học sinh vẫn phải học đều các môn. Do đó, khó tránh khỏi học thêm.
Trong khi đó, cô Thu Hương khẳng định nếu học sinh học nghiêm túc, việc thi cử không quá khó khăn.
Cô thông tin trường THCS Alpha đẩy chương trình lớp 9 lên sớm hơn. Đến tháng 3, các môn cơ bản học xong. Nhà trường tập trung ôn thi cho học sinh.
Nữ giáo viên không đồng tình với việc cho học sinh học thêm nhiều. Bản thân cô chứng kiến học trò vì học thêm buổi tối mà không hoàn thành việc học trên lớp.
Với Địa lý, để có thể thi tốt, các em tập trung nghe giảng, làm bài tập, giờ nào làm việc nấy. Một số bạn lên lớp không học nhưng lại phải đi học thêm để bù lại kiến thức đấy. Điều này rất lãng phí thời gian.
Cô nói thêm nhiều phụ huynh quá sốt sắng, vô tình gia tăng áp lực tâm lý lên con cái. Cô không khuyên phụ huynh thả lỏng vì trên thực tế, một số học sinh cần thúc ép mới học tốt.
Tuy nhiên, cô hy vọng các bậc cha mẹ thấu hiểu con mình hơn, thông qua kênh tin cậy như giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn để nắm lực học của con, chứ không nghe đánh giá của người khác rồi ép con học thêm.
“Học quan trọng ở chất lượng. Nhiều phụ huynh cho con học thêm chỗ này, chỗ kia. Mỗi thầy một phương pháp khiến con bị loạn, mất hứng thú học tập. Cha mẹ ngày nay quan tâm con nhiều hơn. Nhưng nếu sai cách, họ vô tình gây áp lực lên con, tạo hậu quả đáng tiếc”, cô Thu Hương chia sẻ.
Phương án thi 4 môn nhẹ nhàng, không quá tải Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT) khẳng định phương án thi 4 môn không quá tải và không ảnh hưởng đến việc dạy, học hiện nay.
Theo Zing
Không giảm sĩ số, trẻ vẫn phải học chữ trước
Đến khi con chính thức bước vào lớp 1, nhiều phụ huynh hốt hoảng vì không cho con học chữ trước. Lớp học quá đông, cô giáo không thể nào quan tâm để chỉ dạy, uốn nắn cho từng học sinh để có thể giúp trẻ hào hứng với con chữ đầu đời.
Không học trước thì học thêm!
Giữ vững lập trường không cho con học chữ trước, tôn trọng sự phát triển của trẻ, chị Phan Linh Nga, ở Gò Vấp ,TPHCM đang "vật vã" những tuần đầu con đi học. Phần lớn các bạn trong lớp đã đọc viết trôi chảy, con gái chị cùng rất ít bạn giờ mới tập viết từng nét chữ. Cô giáo cũng chia sẻ chân tình với những trường hợp không biết chữ trước, cha mẹ cần hợp tác để kèm cặp con thêm.
Chị Nga ở chung cư, buổi tối, các bé cùng tuổi với con chị thỏa sức vui chơi, trượt patin, có gia đình thì đọc sách cho con, chỉ mất vài phút để xem bài thì mẹ con chị "căng mình" viết chữ. Cháu viết không ra nét, đọc bị nhầm, còn chị cáu gắt, căng thẳng vì bản thân cũng không có chuyên dạy chữ cho con. Hai mẹ con tối nào cũng như đấu vật mà viết không ra hồn vài nét chữ.
Nhiều đứa trẻ phải tăng tốc học thêm vì không học chữ trước khi vào lớp 1. (Ảnh mang tính minh họa)
"Tôi toàn nghe phân tích, chưa học chữ trước các cháu sẽ hứng thú, háo hức. Nhưng hứng thú ở đâu không thấy, để bắt đầu với những con chữ khi các bạn trong lớp đã biết thì căng thẳng, áp lực vô cùng. Lẽ ra giờ này con có thể vui chơi, chạy nhảy, mẹ không phải mệt mỏi đến thế này", chị Nga thẳng thắn.
Chị Nga cho biết, tình hình này, có thể chị sẽ phải thuê gia sư về dạy chữ cho con khi lớp gần 60 em, cô không thể quan tâm đến con mình, còn chị không biết cách dạy.
Thực tế không học chữ trước không nhẹ nhàng như hình dung, mới đây, chị Nguyễn Ngọc Trinh, có con học tiểu học ở Bình Thạnh đã phải nhờ vả cô em gái học Sư phạm qua nhà kèm cặp thêm cho cháu đọc, viết chữ. Chị Trinh từng rất tin tưởng vào quyết định không cho con học chữ trước để nuôi dưỡng ở con sự phấn khích, thích thú với những con chữ đầu tiên.
Thế nhưng, áp vào thực tế thì trật lất. Lớp học đông nghịt, các bạn đã biết hết thì mẹ con chỉ còn nước chạy đua để học kịp chương trình. Đến giờ con chị vẫn ngắc ngứ viết không được, đọc không xong. Giờ chị mới biết, mình không thể kỳ vọng vào cô giáo khi mỗi tiết học chỉ có 35 phút, mà lớp thì có tới 56 em.
"Tôi không áp lực việc học của con nhưng cũng không thể né tránh. Ngày lễ các bạn đi chơi, du lịch, khám phá đó đây, học được bao nhiêu thứ hay ho thì con mình è lưng ra học chữ", chị Trinh bực bội vì mình đã tin vào các lý giải tốt đẹp về việc không nên cho trẻ học chữ trước. Bà mẹ khẳng định: "Đứa sau, chắc chắn tôi cho học trước".
Bệnh... áp lực sĩ số
Nhiều năm qua, Bộ GD-ĐT yêu cầu các địa phương chỉ đạo chấm dứt ngay tình trạng dạy chữ trước cho trẻ vào lớp 1. Về lý thuyết, đây là một yêu cầu hợp lý, thế nhưng ngành quên mất ngoài việc yêu cầu, thay đổi suông thì cần có những điều kiện hợp lý cho thầy và trò thực hiện quy định đó.
Cô Nguyễn L.Th., giáo viên tiểu học ở Q. Phú Nhuận, TPHCM cho hay, cô cũng dạy con chữ trước khi vào lớp 1. Tuổi này mới bắt đầu đi học, cháu cần rất nhiều hoạt động như làm quen với trường lớp, bạn bè, cách giao tiếp, xử lý các vấn đề cá nhân... mất quá nhiều thời gian học chữ thì sẽ tước đi nhiều trải nghiệm, học hỏi quý giá của trẻ.
Học sinh trong một lớp của lớp 1 tại Trường tiểu học Hồng Hà, Bình Thạnh, TPHCM xếp hàng dài dằng dặc tập đi vệ sinh, uống nước.
Cô giáo thẳng thắn: "Tôi không hiểu các nhà giáo dục, quản lý nói học chữ trước là trẻ chủ quan, mất hứng thú như thế nào nhưng thực tế các con có thời gian để tìm tòi nhiều vấn đề khác, trẻ tự tin hơn rất nhiều. Con trẻ bắt đầu từ đầu khi vào lớp 1, giáo viên và gia đình phải xác định là sẽ cực hơn".
Nhiều người cho rằng, trẻ học chữ trước vì giáo viên, phụ huynh mắc bệnh thành tích nhưng điều này xuất phát từ thực tế là "bệnh" áp lực sĩ số. Cô Th. cũng phân tích, trên lý thuyết, giáo viên sẽ dạy theo hướng cá thể hóa, chia nhóm học sinh nhưng với lớp học toàn trên 50 em thì... cũng chỉ là nói cho có.
Ông Đỗ Thế Phương, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hồng Hà, Q. Bình Thạnh, TPHCM chia sẻ, lớp học đã từ 50 trở lên thì 50 hay 60, 70 em đi nữa cũng như nhau. Giáo viên chỉ có thể dạy theo cách truyền thống, không thể nào dạy theo nhóm, hoạt động nhóm hay áp dụng các phương pháp đổi mới. Chỉ khi nào lớp dưới 40 em thì mới có thể tổ chức hoạt động giáo dục theo hướng cá thể hóa.
Giảm áp lực sĩ số, trả lớp học về đúng điều lệ tiểu học, sĩ số không quá 35 học sinh là việc ngành Giáo dục cần làm để phụ huynh có niềm tin không cho con học chữ trước. Với sĩ số như hiện nay thì chắc chắn mọi kêu gọi, yêu cầu trẻ không học chữ trước sẽ không có hiệu quả mà còn làm cho phụ huynh thêm lúng túng, hoang mang, con trẻ thì vật vã với những con chữ đầu đời.
"Với chương trình học nhanh và sĩ số lớp đông như hiện nay, tôi hoàn toàn đồng tình với việc cho con học chữ trước. Năm ngoái khi con chuẩn bị vào lớp 1, tôi cũng đã cho học trước 2 tháng. Học trước ở đây chỉ là cô giáo hướng dẫn cách ngồi đúng, cách cầm bút, viết vào dòng nào, ô nào, các nét cơ bản cũng như rèn luyện cho con có thói quen ngồi vào bàn học nghiêm túc... chứ không phải nhồi nhét kiến thức hay gây áp lực tâm lý cho con. Vì vậy khi vào học chính thức, con bắt nhịp khá thuận lợi.
Nếu tình hình sĩ số không cải thiện, tôi xác định bé sau cũng sẽ học chữ trước".
Chị Tào Thanh Nga, phụ huynh trường tiểu học Thanh Liệt, Hà Nội
"Bây giờ phụ huynh nào cũng cho con đi học trước, sĩ số lớp học lại đông thì rất cần có sự chuẩn bị trước cho con, nếu không vào lớp trẻ sẽ rất "ngợp". Nhưng quan trọng nhất là phải chuẩn bị đúng cách, có thể mua vở tập tô, viết theo các nét. Nếu học trước với giáo viên thì nên tìm giáo viên tiểu học, tốt nhất là cô dạy lớp 1 để hướng dẫn bé.
Chị Nguyễn Bích Thanh, phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, TPHCM
Hoài Nam
Theo Dân trí
Thi vào 10 tại Hà Nội: Phải kết hợp cả 3 phương án mới đem lại hiệu quả Hà Nội vừa công bố 3 phương án thi vào 10 năm 2019 để lấy ý kiến và dự kiến chốt phương án thi chính thức trong học kỳ 1 năm học 2018 - 2019. Thầy Hồng Trí Quang - Giáo viên Toán tại Hà Nội cho rằng 3 phương án đều có nhưng ưu điểm và nhược điểm, do đó có thể...