Áp lực ‘khủng khiếp’ trong kì thi đại học tại Trung Quốc
Ở Trung Quốc, rất nhiều học sinh đã tự tử vì không chịu được áp lực của kỳ thi đại học. Đây là một trong những cột mốc quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi học sinh Trung Quốc.
Kỳ thi đại học tại Trung Quốc không chỉ mang tính quyết định tới sự nghiệp học hành của học sinh mà còn là một trong những sự kiện quan trọng nhất của cả xã hội Trung Quốc. Kì thi đại học là con đường duy nhất giúp các học sinh có thể tìm được một công việc tốt trong tương lai. Chính vì vậy kì thi đem lại áp lực lớn cho cả thí sinh và gia đình họ. Áp lực đặt nặng trên vai các thí sinh với suy nghĩ kì thi đại học sẽ mở ra một tương lai mới.
Trường Trung học Hengshui là trường có tỉ lệ học sinh đỗ đại học cao nhất trong nhiều năm liên tiếp ở tỉnh Hà Bắc. Tại trường, mỗi ngày học sinh phải học từ 5h30′ – 22h30′. Học sinh bị cấm sử dụng điện thoại di động. Đặc biệt, trong các lớp học có gắn camera để theo dõi các học sinh lười học. Một tháng học sinh chỉ có duy nhất một ngày được nghỉ học.
Một cựu học sinh chia sẻ với China Daily: “Tôi thường chỉ dành 3 đến 5 phút để ăn tối. Có lần tôi chỉ ăn tối trong vòng đúng 2 phút”. Mỗi thí sinh sẽ được coi là tâm điểm của cả gia đình. Học sinh được cha mẹ đưa đi tiêm hay uống thuốc bổ để đảm bảo sức khỏe. Thậm chí các bạn gái còn được mẹ đưa đi tiêm một loại Hormone hay uống thuốc tránh thai để trì hoãn kỳ kinh nguyệt.
Sĩ tử luyện thi trước ngày diễn ra kỳ thi tuyển sinh đại học ở Trung Quốc. (Ảnh: Beijing Cream)
Các gia đình có điều kiện thì thuê nhà gần các địa điểm thi trên cả nước, không phải tại các nhà trọ mà là ở phòng cao cấp. Và trong văn hóa Trung Quốc thì các phòng này thường gắn với con số may mắn như số 6 tượng trưng cho sự thành công, số 8 cho sự may mắn… Thậm chí một dịch vụ chăm sóc đặc biệt có tên “gaokao baomu” hay “vú em mùa thi” (tức là những người được thuê để chăm sóc thí sinh) cũng ra đời. Thường thì các “vú em mùa thi” đã có bằng đại học để mang lại may mắn cho thí sinh.
Kỳ thi đại học tại Trung Quốc thường diễn ra vào tháng 6 hàng năm, khoảng 8 đến 9 triệu học sinh tham gia. Năm nay, dự kiến 9 triệu sĩ tử sẽ đua tranh vượt qua cánh cổng đại học. Vì cạnh tranh lớn, học sinh phải chịu rất nhiều áp lực khủng khiếp về sức khỏe, thể chất và tinh thần. Nhiều em không thể chịu đựng nổi đã lựa chọn giải pháp tiêu cực.
Trang Hindustan Times dẫn khảo sát hồi tháng 5/2010 cho hay, 75% học sinh chịu áp lực rất lớn trước kỳ thi đại học (từ tháng 2 đến tháng 4). Ngoài ra, 63% phụ huynh cũng chịu áp lực không kém trước ngưỡng cửa quan trọng của con em mình. Bên cạnh thống kê, truyền thông Trung Quốc cũng dẫn những vụ việc cụ thể.
Tháng 8/2014, một nam sinh tại tỉnh Tứ Xuyên nhảy từ vách đá tự tử vì điểm thi quá thấp. Cậu đã nói dối bố mẹ đang đi làm xa rằng, được 470 điểm, cao hơn điểm đầu vào các trường đại học hàng đầu trong thành phố 20 điểm. Tuy nhiên thực tế, học sinh này chỉ được 170 điểm.
Ngày 25/6/2014, học sinh họ Wang (18 tuổi, tại thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy) nhảy từ tầng 27 chỉ vài giờ sau khi nhận được kết quả thi đại học. Trước đó, tháng 6/2013, 4 học sinh (2 em từ tỉnh Liêu Ninh, 1 ở Hồ Bắc và 1 người thuộc tỉnh Tứ Xuyên) đã tự sát sau khi nhận được điểm thi kém. Một nữ sinh ở thành phố Sùng Châu, tỉnh Tứ Xuyên, uống thuốc sâu vì không đỗ đại học.
Danh sách những vụ việc đau lòng dài hơn khi ngày 7/6/2010, nam sinh tại Quảng Thủy, Hồ Bắc, nhảy từ tầng thượng của bệnh viện 12 tầng. Một nữ sinh tại thành phố Ngạc Châu, Hồ Bắc cũng tự tử, nhưng sau đó không được báo cáo chi tiết. Cùng năm, tại thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, một nữ sinh treo cổ tự tử bằng dây mạng chỉ khoảng bốn giờ trước thời điểm thi (7/6). Nữ sinh này vốn bất ổn về tâm lý, đã không chịu được áp lực của kỳ thi lớn.
Mỗi năm, hàng triệu thí sinh vẫn cạnh tranh nhau một cách quyết liệt để giành được một chiếc vé vào các trường đại học. Bởi một lẽ vô cùng đơn giản, với đa số học sinh Trung Quốc hiện nay, trượt đại học vẫn là một thứ ác mộng khiến họ “tàn đời”.
Theo giadinhvn.vn