Anh và Đức cân nhắc hợp tác chế tạo tên lửa có khả năng tấn công vũ khí hạt nhân của Nga
Trích dẫn các nguồn tin ngoại giao, tờ The Times đưa tin Vương quốc Anh đang cân nhắc hợp tác với Đức để phát triển tên lửa tầm xa có khả năng tấn công vũ khí hạt nhân của Nga.
Tên lửa hành trình Tomahawk được phóng từ tàu khu trục USS Barry trên Địa Trung Hải. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo các nguồn tin, Vương quốc Anh đang để mắt đến một loại vũ khí có tầm bắn 3.200 km có thể phóng từ Berlin tới Moskva, nếu Nga quyết định sử dụng kho vũ khí hạt nhân chiến thuật của nước này.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Anh John Healey được cho là đã thảo luận về kế hoạch này trong chuyến đi tới Berlin vào đầu tuần. Chuyến thăm nhằm mục đích thúc đẩy hợp tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương ( NATO) theo một phần của chính sách phòng thủ “NATO-first” của ông Healey.
Nguồn tin cho biết các tên lửa này dự kiến được triển khai tại Đức, thay thế các tên lửa tầm xa của Mỹ được triển khai tại nước này từ năm 2026, bao gồm SM-6, Tomahawk và các tên lửa siêu thanh đang phát triển.
Trước đó ngày 24/7, Anh và Đức đã ký tuyên bố phòng thủ chung, cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nhằm thúc đẩy các ngành công nghiệp quốc phòng, củng cố an ninh châu Âu và hỗ trợ Ukraine. Tuyên bố trên được ông Healey và người đồng cấp Đức Boris Pistorius ký tại thủ đô của Đức trong chuyến thăm Berlin của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Anh.
Video đang HOT
Ông Healey tuyên bố: “Chuyến công du này phát đi một thông điệp rõ ràng rằng an ninh châu Âu sẽ là ưu tiên quốc phòng và đối ngoại hàng đầu của chính phủ mới của Anh. Tuyên bố quốc phòng mới của chúng tôi – giữa Anh và Đức – sẽ khởi động một mối quan hệ quốc phòng mới, sâu sắc, được xây dựng dựa trên các giá trị chung giữa hai quốc gia chúng ta”.
Bộ Quốc phòng Anh cũng cho biết 2 nước sẽ hợp tác để giải quyết các thách thức an ninh như lĩnh vực mạng.
Tân Thủ tướng Keir Starmer nhấn mạnh ông muốn Anh tăng cường hợp tác với các đồng minh châu Âu về quốc phòng và an ninh để hỗ trợ Ukraine tốt hơn – một thông điệp mà ông tái khẳng định tại cuộc họp thượng đỉnh của Cộng đồng châu Âu vào tuần trước. Ông Starmer cũng đã đề xuất ý tưởng về một hiệp ước an ninh Anh – EU, bao gồm một loạt lĩnh vực như năng lượng, chuỗi cung ứng, đại dịch và di cư.
Các nước phương Tây ngày càng lo ngại về khả năng xảy ra xung đột vũ trang trực tiếp giữa NATO và Nga.
Trong nhiều năm qua, Moskva đã phản đối việc NATO tiếp tục mở rộng và tăng cường quân sự gần biên giới Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố rằng Moskva sẽ không tấn công NATO. Điện Kremlin cho biết Nga không đe dọa bất kỳ ai nhưng sẽ không bỏ qua các hành động gây nguy hiểm cho lợi ích của quốc gia.
Nga cảnh báo đáp trả việc Mỹ đưa tên lửa tới Đức
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Moskva không loại trừ khả năng triển khai tên lửa hạt nhân để đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa tầm xa tại Đức.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
"Tôi không loại trừ bất kỳ phương án nào", hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Ryabkov khi được hỏi liệu Nga có khả năng triển khai tên lửa hạt nhân để đáp trả việc Mỹ triển khai tên lửa tại Đức hay không.
"Nếu các quan chức thuộc Chính phủ liên bang Đức tin rằng việc tiến hành các hoạt động gây hấn này là hợp lý, với những gì chúng tôi có trong khu vực (khu vực Kaliningrad cực tây của Nga - TASS), chúng tôi sẽ đáp trả bằng các biện pháp trả đũa mà chúng tôi cho là phù hợp", nhà ngoại giao cấp cao nhấn mạnh.
Theo ông Ryabkov, xét đến năng lực tổng hợp của các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Nga cần điều chỉnh phản ứng của mình mà không cảm thấy bất kỳ "ràng buộc nội bộ" nào về việc triển khai những gì, ở đâu và khi nào. Tuy nhiên, có rất nhiều lựa chọn. Không phải là đe dọa bất kỳ quốc gia nào, mà là tìm ra phương pháp hiệu quả nhất để đối phó với những thách thức đang thay đổi, đặc biệt là về mặt chi phí.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga nói thêm rằng không có điều gì được xác định trước, và không thể xác định trước những căng thẳng tiếp theo.
"Thật không may, vào thời điểm này, phương Tây đang đi theo con đường leo thang, tìm kiếm những lý do xa vời để cáo buộc chúng tôi xâm phạm an ninh của họ. Điều này thật đáng chê trách, nhưng sẽ không ngăn cản chúng tôi hành động để đảm bảo an ninh dọc toàn bộ biên giới Nga, chắc chắn bao gồm cả khu vực hoạt động quân sự đặc biệt", ông Ryabkov nói.
Trước đó, trong một tuyên bố chung vào ngày 10/7, Washington và Berlin cho biết Mỹ sẽ bắt đầu triển khai từng đợt hỏa lực tầm xa của Lực lượng đặc nhiệm đa lĩnh vực ở Đức vào năm 2026.
Các hệ thống vũ khí được triển khai tới Đức sẽ bao gồm tên lửa phòng không SM-6, có tầm bắn lên tới 460 km và tên lửa hành trình Tomahawk, được cho là có thể tấn công các mục tiêu ở cách xa hơn 2.500 km.
Nhà Trắng cho biết "vũ khí siêu vượt âm đang phát triển" cũng sẽ được đặt ở Đức và sẽ có "tầm bắn xa hơn đáng kể so với các vũ khí trên đất liền hiện nay ở châu Âu".
Sau đó, phát biểu với đài truyền hình Deutschlandfunk, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết việc tiếp nhận các tên lửa tầm xa từ Mỹ sẽ cho phép Berlin có cơ hội phát triển các loại vũ khí tương tự. Ông lập luận rằng điều này sẽ giúp che đậy "lỗ hổng nghiêm trọng" trong phòng thủ của đất nước.
Việc triển khai những loại vũ khí này trước đây đã bị cấm theo hiệp ước Lực lượng Hạt nhân tầm trung (INF) thời Chiến tranh Lạnh, nhưng Washington đã rút khỏi thỏa thuận mang tính bước ngoặt này vào năm 2019. Giải thích quyết định rút khỏi Hiệp ước INF vào năm 2019, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cho rằng Nga đã vi phạm thỏa thuận với tên lửa hành trình của mình. Moskva phủ nhận những cáo buộc trên. Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo rằng việc hủy bỏ hiệp định sẽ "gây ra những hậu quả nghiêm trọng nhất".
Về phần mình, Nga vẫn tiếp tục tuân thủ INF vài năm sau khi Mỹ rút khỏi hiệp ước. Trong khi đó, Điện Kremlin hồi đầu tháng đã tuyên bố rằng ngành công nghiệp quốc phòng nước này sẽ tiếp tục phát triển các tên lửa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân tầm trung và tầm ngắn.
Đại sứ Nga tại Mỹ Anatoly Antonov cảnh báo rằng kế hoạch của Washington và Berlin chỉ làm tăng khả năng xảy ra một cuộc chạy đua tên lửa và có thể dẫn đến leo thang không kiểm soát.
Đi tìm một sự thỏa hiệp Mối quan hệ Mỹ - Iran đang trong một giai đoạn vô cùng thách thức, nhưng ngay cả khi đối đầu quyết liệt nhất, cả hai bên vẫn có thể tìm ra cách để đối thoại với nhau. Cuối cùng, không ai muốn một cuộc chiến thực sự nổ ra. Từ sự đổ vỡ trong quá khứ Mối quan hệ Mỹ và Iran...