Anh sắp trải qua ngày nóng nhất trong năm
Theo phóng viên TTXVN tại London, ngày 12/8 có thể là ngày nóng nhất trong năm tại Anh với nhiệt độ cao nhất dự kiến đạt 34-35 độ C.
Người dân thư giãn cuối tuần trên đồi Primrose ở London, Anh, trong lúc nhiệt độ tăng cao, ngày 17/6/2022. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN
Cơ quan Khí tượng Quốc gia Anh ( Met Office) cho biết gió áp suất cao mang theo không khí ấm từ châu Âu khiến nhiệt độ tăng vào ngày 11/8 và duy trì ở mức cao vào ngày 12/8, nhưng dự kiến sẽ trở lại mức trung bình vào ngày 13/8.
Các chuyên gia dự báo nhiệt độ khó có thể vượt quá mức 40,3 độ C được ghi nhận tại Coningsby, Lincolnshire vào ngày 19/7/2022, đây là mức nhiệt cao nhất từng được ghi nhận tại Anh.
Những ngày qua, Anh đã trải qua thời tiết nóng bức với nhiều nơi ghi nhận nhiệt độ ở mức cao là 20 độ C. Dự báo nhiệt độ sẽ đạt đỉnh trong ngày 12/8. Chuyên gia dự báo thời tiết Craig Snell của Met Office cho biết tại nhiều nơi, thời tiết oi nóng sẽ đi kèm với độ ẩm cao.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời tiết nóng như vậy có thể cực kỳ nguy hiểm đối với những người dễ bị tổn thương. Số liệu từ chiến dịch Warm this Winter cho thấy trong 12 tháng qua, thời tiết là nguyên nhân khiến 4,5 triệu người Anh (8% dân số) bị ốm. Met Office khuyến cáo người dân nên kéo rèm cửa vào lúc cao điểm nắng nóng trong ngày và uống nhiều nước.
Dự báo London, Đông Anglia và một số khu vực sẽ hứng chịu thời tiết oi nóng, với nhiệt độ cao nhất dự kiến là 33 độ C ở London, 26 độ C ở Manchester và 21 độ C ở Edinburgh. Cho đến nay, ngày nóng nhất của năm 2024 là ngày 19/7, khi nhiệt độ ở trung tâm thủ đô London lên tới 31,9 độ C.
Ngoài ra, Met Office đã ban hành cảnh báo thời tiết màu vàng cho các khu vực chịu ảnh hưởng của giông bão trong 24 giờ tới, thông báo cho các tài xế về nguy cơ tầm nhìn hạn chế do mưa và một số tuyến đường sẽ bị đóng. Theo chuyên gia Snell, giông bão đã bắt đầu vào Cộng hòa Ireland, tiếp đó hướng về Bắc Ireland, di chuyển qua Scotland và miền Bắc nước Anh.
Thế giới ghi nhận ngày nóng nhất từ trước đến nay
Theo dữ liệu sơ bộ của Cơ quan Giám sát biến đổi khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU), ngày 21/7 vừa qua là ngày nóng nhất từ trước đến nay trên toàn cầu.
Trẻ em chơi đùa tại khu vực đài phun nước ở quảng trường Schwarzenberg (Áo) để tránh nắng nóng. Ảnh: THX/TTXVN
Nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu đo được vào ngày 21/7 vừa qua là 17,09 độ C, cao hơn một chút so với mức kỷ lục trước đó được ghi nhận vào tháng 6 vừa qua là 17,08 độ C. Trong tuần qua, các đợt nắng nóng đã thiêu đốt nhiều vùng rộng lớn ở Mỹ, châu Âu và Nga.
Theo C3S, kể từ tháng 6/2023, đã 13 tháng liên tiếp nhiệt độ trung bình hằng tháng đều được ghi nhận là cao nhất lịch sử. Riêng tháng 6 vừa qua ghi nhận nhiệt độ không khí bề mặt trung bình toàn cầu là 16,66 độ C - nóng nhất từ trước đến nay.
Một số nhà khoa học cho rằng năm 2024 có thể vượt qua năm ngoái trở thành năm nóng nhất kể từ khi các dữ liệu được ghi chép đến nay do tình trạng biến đổi khí hậu và hiện tượng thời tiết El Nino vốn kết thúc vào tháng 4 năm nay đã đẩy nhiệt độ tăng cao chưa từng thấy trong năm 2024 này.
Dự báo thời tiết mát mẻ hơn nhờ sự trở lại của La Nina Trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang chật vật ứng phó với tình trạng nhiệt độ tăng cao kỷ lục, Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) ngày 3/6 nhận định, sự trở lại của hiện tượng thời tiết La Nina trong năm nay sẽ có thể đem lại thời tiết mát mẻ hơn cho một số khu vực trên Trái...