Ảnh: Nhiều điểm trường xuất hiện băng giá, thầy trò quây quần đốt lửa sưởi ấm
Điều kiện cơ sở vật chất tại nhiều điểm trường miền núi còn khó khăn, vì thế trong những ngày rét đậm thầy trò một số nơi phải đối lửa sưởi ấm để học bài.
Băng giá xuất hiện tại nhiều điểm trường thuộc tỉnh Lai Châu khiến học sinh đi học và giáo viên đi dạy rất vất vả. (Ảnh: GVCC)
Tại trường tiểu học Dào San (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu), cô và trò quây quần bên đống lửa vừa sưởi ấm, vừa học bài. Mặc dù thời tiết lạnh, nền nhiệt thấp nhưng phụ huynh vẫn gửi con đến trường để đi làm. (Ảnh: GVCC)
Học sinh tại điểm trường Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai) quây quần bên đống lửa sưởi ấm trong cái lạnh 4 độ C. Giáo viên tại điểm trường cho biết phải thường xuyên đốt củi trước và trong giờ học để sưởi ấm cho học sinh. (Ảnh: GVCC)
Mùa đông tại điểm trường Xín Cái (Mèo Vạc, Hà Giang) gió lùa qua những lớp học tạm bợ được dựng bằng tre, nứa, cô trò đều cảm nhận cái rét thấu xương. (Ảnh: GVCC)
Video đang HOT
Cách duy nhất để sưởi ấm trong những ngày đông là đốt lửa. Ở điểm trường Xín Cái, hàng năm phụ huynh đều chủ động quyên góp củi cho nhà trường. Trong nền nhiệt chỉ vài độ C, giáo viên và học sinh vẫn đến trường. (Ảnh: GVCC)
Cô và trò sưởi ấm sau tiết học ngoại khóa ngoài trời. (Ảnh: GVCC)
Giáo viên tại huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) chia sẻ hình ảnh học trò sưởi ấm bên bến lửa. Thầy cô mong nhận được sự hỗ trợ của các nhà học tâm, giúp học sinh thêm chăn, quần áo ấm, găng tay, giày tất. (Ảnh: GVCC)
Mặc dù điều kiện phòng học nhiều nơi còn khó khăn nhưng thầy cô vẫn quyết tâm cao bám trường, bám lớp, vận động học sinh đi học. (Ảnh: GVCC)
Giáo viên tại một điểm trường (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) tranh thủ đốt lửa sưởi ấm giữa giờ nghỉ. Một số giáo viên lần đầu nhận công tác tại các trường miền núi chia sẻ họ phải bỏ ngang việc dạy vì không chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt. (Ảnh: GVCC)
Mong muốn của nhiều thầy cô là các em học sinh nhận được quan tâm, hỗ trợ hơn nữa về điều kiện sinh hoạt, học tập. (Ảnh: GVCC)
Phụ huynh góp củi, thầy cô góp công sưởi ấm mùa đông buốt rét
Theo quy định, khi nhiệt độ xuống dưới 7 độ C, HS được nghỉ học ở nhà. Nhưng thương đám trò nghèo không ai chăm sóc, các trường vùng núi cao đã giữ chân HS ở lại để chở che.
Học sinh Trường Tiểu học Dào San quây quần bên bếp lửa học bài. Ảnh: Ngọc Diệp
Cũng vì thế, việc học được duy trì, bảo đảm, HS cũng được an toàn... Thầy cô chấp nhận vất vả vì tương lai con trẻ.
Lá lành đùm lá rách
Phong Thổ là huyện miền núi, biên giới khó khăn của tỉnh Lai Châu. Nơi đây thời tiết khắc nghiệt hơn bất cứ địa phương nào bởi địa hình núi cao, heo hút. Tầm tháng 10, một vài nơi ở địa phương này đã không thấy ánh mặt trời, ví như xã Sì Lở Lầu, Dào San... Trời cứ âm u, lạnh lẽo cho đến ra Giêng.
Vì thế, cứ đầu năm học, GV các trường vùng cao ở huyện Phong Thổ lại đôn đáo khắp nơi xin đồ dự trữ. Họ gom từng tấm áo, manh quần cũ cho đến những chiếc chăn chiên mà người thân, bạn bè có để mang về giặt sạch, cất kỹ chờ rét đậm đem chia cho học trò.
Mấy hôm trước, đống quần áo cô Phạm Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Dào San (Tiểu học Dào San, Phong Thổ) cùng thầy cô trong trường xin được chia hết trong chốc lát. Cô Xuân cùng tập thể nhà trường cũng ấm lòng hơn vì trò nghèo có thêm tấm áo, manh quần để chống chọi với cái rét cắt da cắt thịt nơi này.
"Chúng tôi phải chủ động từ đầu năm học. Mỗi người đều có trách nhiệm tìm kiếm, kêu gọi, quyên góp quần áo của con em mình để cho HS. Ở đây đa số HS nghèo, có hôm trời rét căm căm, nhiều em đến lớp chỉ phong phanh tấm áo mỏng, nhìn rất tội nghiệp. Vì vậy, hoạt động quyên góp quần áo ấm để tặng các con luôn được thầy cô trong trường ủng hộ, chủ động thực hiện", cô Phạm Thị Xuân chia sẻ.
Trời trở rét đậm, rét hại, có lúc nhiệt độ xuống 3 - 4 độ C song Vàng Thị Trang - HS lớp 5A2, Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Dào San vẫn co ro đến lớp. Gia đình Trang là hộ nghèo ở bản Sểnh Sảng A. Thương cảm với gia cảnh của Trang, giáo viên chủ nhiệm lớp đã động viên, cho em áo ấm mà các cô xin được. Cũng vì thế Trang yên tâm học tập và ở lại bán trú tại trường cùng các bạn.
Bếp lửa "thần kì"
Các lớp học đều được bố trí đèn sưởi giữ nhiệt.
Trường Tiểu học Dào San có 976 HS là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Các em được chia ra học ở 2 điểm trường trung tâm và 5 điểm bản lẻ. Những nơi này thường xuyên hứng chịu sự khắc nghiệt nhất của thời tiết. Theo cô Xuân, có nơi xuống đến 2 - 3 độ C, song HS cũng không thể về nhà.
"Cũng muốn cho trò nghỉ học nhưng không thể vì thực tế bố mẹ các em chưa thực sự quan tâm đến con em mình. Về nhà, bố việc bố, mẹ việc mẹ, con làm gì là việc của con. Các cháu lại chân trần vào rừng kiếm củi, chăn trâu hoặc đi lang thang khắp nơi để chơi. Quần áo ấm không có, ăn uống cũng kham khổ. Vì thế, nhà trường đã giữ HS ở lại. Ở trường, các con vừa có cơm ngon để ăn theo chế độ của Nhà nước, vừa được học, các cô giữ ấm nên các em rất thích", cô Xuân tâm sự.
Để chống chọi với đợt rét đậm, Trường Tiểu học Dào San đã huy động đèn sưởi từ các nguồn có được. Nhà trường bố trí mỗi lớp tối thiểu có 2 - 3 chiếc để sưởi ấm cho học trò.
Mới đây, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Dào San tổ chức họp bàn với phụ huynh. Mọi người thống nhất, mỗi phụ huynh sẽ đóng góp cho trường 2 thanh củi/ngày, góp chung vào lớp của con mình để đốt lửa, sưởi ấm vào ban đêm tại phòng nội trú. Theo cô Xuân, mỗi lần đốt lửa, không cần gọi, HS từ muôn ngả bỗng chốc đổ dồn về bếp để vừa học bài, sưởi ấm tránh rét. Tuy có vất vả khi phải trông coi bếp lửa, song lại dễ quản lý, đôn đốc HS học bài, các thầy cô giáo ở đây cũng thấy ấm lòng hơn với lũ trò nghèo hiếu học.
"Chúng tôi chuẩn bị nhiều chăn. Mỗi HS phải có 5 - 6 chiếc. 2 chiếc để trải làm đệm, 1 chiếc gối đầu và 2 - 3 chiếc để đắp. Thấy ở trường ấm áp, đông vui nên không em nào muốn về nhà. Giáo viên toàn trường tuy có vất vả song vì tình yêu học trò nên rất vui vẻ chấp nhận thiệt thòi để bám trường, bên trò", cô Xuân bộc bạch.
Trường Tiểu học Sì Lở Lầu (xã Sì Lở Lầu, huyện Phong Thổ) nằm trên địa bàn có cùng điều kiện khí hậu với Dào San. Cả trường có 484 HS theo học. Từ đầu mùa rét đến nay, ngày nào nhà trường cũng phải huy động đèn sưởi từ các thầy cô giáo trong trường, mang lên lớp để sưởi ấm cho trò. Điểm trường trung tâm có 9 lớp, nhà trường mượn đủ cho mỗi lớp 1 chiếc để dùng. Tối về, HS nội trú được mượn về phòng để sử dụng.
"Chúng tôi không dám đốt lửa vì sợ mất an toàn. Vì thế, tan học các con lại mang đèn sưởi về phòng ở để dùng. Do các em ngủ ghép nên chỉ cần 1 đèn là có thể sưởi cho nhiều HS rồi. Do vậy, thầy cô có đèn cũng vui vẻ nhường lại cho các con sử dụng", thầy Phạm Xuân Trường - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sì Lở Lầu chia sẻ.
Ở địa bàn vùng núi cao, nếu cứ rét dưới 7 độ C mà cho HS nghỉ thì nhiều nơi không thể duy trì học tập, bảo đảm chương trình vì điều kiện thời tiết hết sức đặc thù. Hơn nữa, nếu cho các con nghỉ, thầy cô không yên tâm bởi ở nhà bố mẹ không dành nhiều sự quan tâm cho con cái. Ở trường các con vừa được ăn ngon, được sưởi ấm, mặc ấm, ngủ ấm và học hành. Biết là thầy cô sẽ vất vả, thêm việc nhưng họ luôn vui vẻ vì tương lai của các con. - Ông Nguyễn Vương Hùng - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ
Thú vị giờ học giáo dục địa phương: Học trò được ra vườn cà phê, trồng rau, hát quan họ... Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, ngoài nội dung thống nhất 80% trong cả nước sẽ có 20% giáo dục địa phương để học sinh tìm hiểu về vùng đất nơi mình đang sinh sống. Buổi học ngoại khóa tại Bảo tàng Đà Nẵng của học sinh TP Đà Nẵng vào sáng 11-12 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG Dựa vào quy định...