Ẩn số khó đoán và những kịch bản về thành lập chính phủ mới của Israel
Có 31 đảng tham gia tranh cử, nhưng chỉ 9 đảng có khả năng giành ghế trong quốc hội 120 ghế, khiến Quốc hội Israel khóa tới sẽ có ít đảng tham gia nhất trong lịch sử nước này.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu phát biểu tại cuộc họp nội các ở Jerusalem ngày 3/9/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngày 17/9, cử tri Israel lần thứ hai đi bỏ phiếu bầu cử quốc hội trong năm 2019, sau khi Thủ tướng đương nhiệm Benjamin Netanyahu thất bại trong việc thành lập một chính phủ liên minh chiếm đa số ghế tại quốc hội được bầu trong cuộc bỏ phiếu đầu tiên hồi tháng Tư.
Có 31 đảng tham gia tranh cử, nhưng chỉ 9 đảng có khả năng giành ghế trong quốc hội 120 ghế, khiến Quốc hội Israel khóa tới sẽ có ít đảng tham gia nhất trong lịch sử nước này.
Hai đảng lớn nhất cạnh tranh với nhau là đảng Likud do Thủ tướng Benjamin Netanyahu làm Chủ tịch và đảng Liên minh Xanh-Trắng do cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội, tướng Benny-Gantz đứng đầu.
Ông Benny-Gantz là đối thủ chính trị lớn nhất của Thủ tướng Netanyahu trong cuộc bầu cử này.
Chính trường Israel hiện phân làm hai khối gồm khối cánh hữu và trung-tả.
Khối cánh hữu có đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu; đảng Yisrael-Beiteinu; đảng Yamina (tên cũ là New-Right); đảng United-Torah-Judasism (UTJ) là đảng tôn giáo Do Thái bảo thủ và đảng Shas của người Do Thái giáo chính thống.
Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Avigdor-Lieberman, Chủ tịch đảng Yisrael-Beiteinu, tuyên bố không tham gia liên minh của đảng Likud để thành lập chính phủ mới nếu ông Netanyahu tiếp tục đứng đầu đảng này.
Ông Lieberman có quan điểm không ủng hộ ông Netanyahu tiếp tục làm thủ tướng.
Khối trung-tả gồm đảng Liên minh Xanh-Trắng do hai ông Benny-Gantz và Yair-Lapid lãnh đạo; Công đảng, từng là đảng chính trị lớn nhất tại Israel, nhưng hiện nay bị suy yếu và suy giảm ảnh hưởng trong đời sống và chính trường sở tại; Liên minh Dân chủ và Joint-List là liên minh của các đảng gốc Arab.
Theo các kết quả thăm dò mới nhất, đảng Likud trung bình giành được 32 ghế, Liên minh Xanh-Trắng cũng 32 ghế, tiếp theo là Joint-List với 10,5 ghế, đảng Yisrael-Beiteinu 9,5 ghế, Yamina là 9,5 ghế, UTJ giành được 7,5 ghế, Shas được 7 ghế, Liên minh Dân chủ và Công đảng giành được 6 ghế mỗi đảng.
Như vậy, đảng Likud và khối cánh hữu có nguy cơ không giành được tối thiểu 61/120 ghế trong quốc hội để thành lập chính phủ mới nếu đảng Yisrael-Beiteinu của ông Avigdor-Lieberman không tham gia.
Khối trung tả cũng không thành lập được chính phủ mới nếu không bao gồm đảng Yisrael-Beiteinu.
Ông Avigdor-Lieberman, Chủ tịch đảng Yisrael-Beiteinu, ủng hộ thành lập chính phủ mới gồm Yisrael-Beiteinu, Liên minh Xanh-Trắng và đảng Likud, nhưng đảng Likud không có ông Netanyahu.
Ông Avigdor-Lieberman không ủng hộ chính phủ mới có các đảng tôn giáo, không ủng hộ ông Netanyahu tiếp tục làm Thủ tướng Israel.
Đảng Yisrael-Beiteinu và Liên minh Xanh-Trắng đã ký thỏa thuận trao đổi phiếu bầu thặng dư cho nhau, bước đi có thể giúp đảng của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Lieberman dồn phiếu thặng dư cho người đứng đầu đảng Liên minh Xanh-Trắng Benny-Gantz để ông này được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới.
Ông Lieberman đang là nhân tố có ảnh hưởng rất lớn đến việc ai sẽ là thủ tướng tiếp theo tại Israel.
Video đang HOT
Kết quả bầu cử ngày 17/9 sẽ tiếp tục do cử tri cánh hữu quyết định.
Trong cuộc bầu cử lần trước, tỷ lệ cử tri trung-tả là 41%, cánh hữu là 50%, trong khi 9% còn lại là cử tri có thể thay đổi quan điểm.
Có tới 59% cử tri người Do Thái tự nhận là cánh hữu, tỷ lệ cử tri này dẫn tới 8 đảng cánh hữu có mặt trong quốc hội sau cuộc bầu cử ngày 9/4.
Cử tri Do Thái giáo chính thống ủng hộ ông Netanyahu vì nếu nhân vật khác lên cầm quyền, cộng đồng này có khả năng không còn được hưởng nhiều quyền ưu tiên như hiện nay.
Thủ tướng Netanyahu đang gặp những thách thức rất lớn, nhưng với kinh nghiệm chính trường dày dạn, ông đã có những bước đi nhằm bảo đảm vị trí trong đảng Likud cũng như sự ủng hộ của cử tri cánh hữu.
Các thành viên cấp cao trong đảng Likud đã ký cam kết chỉ giới thiệu duy nhất ông đứng ra thành lập chính phủ mới sau bầu cử.
Thủ tướng Netanyahu cũng tiếp tục thể hiện quan điểm cứng rắn nhằm làm hài lòng cử tri cánh hữu với chính sách đặt an ninh quốc gia lên trên hết, tiếp tục thể hiện thành tựu trong đối ngoại với các chuyến thăm cấp cao đến nhiều nước, tiếp tục cho thấy mối quan hệ đặc biệt với Tổng thống Mỹ Donald-Trump, mối quan hệ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và nhiều nhà lãnh đạo khác.
Đặc biệt, để bảo đảm sự ủng hộ của cử tri cánh hữu, ông Netanyahu mạnh mẽ cam kết sáp nhập các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và thung lũng Jordan, coi đây là một trọng tâm trong hoạt động tranh cử.
Quang cảnh Thung lũng Jordan ở giữa thành phố Beit Shean của Israel và Jericho thuộc Bờ Tây, ngày 23/6/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ông Netanyahu khai thác vấn đề tương lai của các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây để tạo ra sự khác biệt đối với các đảng và ứng cử viên khác.
Hiện có khoảng 500.000 người định cư Do Thái tại Bờ Tây và 200.000 người định cư sống sát với các khu Arab tại Đông Jerusalem và 11.000 người Do Thái sống tại thung lũng Jordan.
Theo thăm dò của Viện Dân chủ Israel, có 48% người Do Thái và 11% người gốc Arab ủng hộ sáp nhập nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ.
Kết quả bầu cử quốc hội chưa quyết định được ai sẽ làm thủ tướng do không có đảng chính trị nào có khả năng giành được đa số ghế để tự đứng ra thành lập chính phủ mới.
Do đó, vấn đề đàm phán, thỏa hiệp để thành lập chính phủ mới sẽ thực sự gay cấn sau khi kết quả bầu cử được chính thức công bố.
Với thực tế hiện nay, kết quả bầu cử có thể dẫn tới một số kịch bản về thành lập chính phủ mới.
Kịch bản thứ nhất, khối cánh hữu do đảng Likud lãnh đạo giành được ít nhất 61/120 ghế.
Kết quả này cho phép ông Netanyahu thành lập được chính phủ mới và tiếp tục giữ chức thủ tướng.
Kịch bản này sẽ trở thành hiện thực nếu tỷ lệ cử tri đi bầu cho các đảng cánh hữu (ngoại trừ đảng của ông Lieberman) đạt mức cao, trong khi tỷ lệ này dành cho các các đảng trung-tả ở mức thấp.
Theo một số ước tính, nếu cử tri trung thành với đảng Likud và cử tri Do Thái giáo chính thống đi bầu trên 90%, trong khi cử tri gốc Arab đi bầu dưới 50% (49% trong cuộc bầu cử ngày 9/4, giảm từ 64% năm 2015), khối cánh hữu sẽ giành được thêm 3-4 ghế, dẫn tới ông Netanyahu thành lập được chính phủ mới.
Kịch bản thứ hai, Tổng thống Israel Reuven-Rivlin chỉ định ông Benny-Gantz đứng ra thành lập chính phủ liên minh mới.
Theo thông lệ, Tổng thống Israel sẽ tham khảo ý kiến các nghị sỹ trúng cử trước khi chỉ định một nghị sỹ đứng ra thành lập chính phủ mới, nghị sỹ này thường là người đứng đầu đảng giành được nhiều ghế nhất sau bầu cử, có khả năng cao nhất tập hợp được liên minh đa số để thành lập chính phủ mới.
Trong trường hợp Liên minh Xanh-Trắng không giành nhiều ghế nhất, Tổng thống Reuven-Rivlin vẫn có thể lấy lý do tránh cho Israel phải tiến hành bầu cử lần ba để thuyết phục các nghị sỹ ủng hộ chỉ định ông Benny-Gantz đứng ra thành lập chính phủ mới.
Tuy nhiên, khối của ông Benny-Gantz hiện chỉ nhận được chưa quá 50% cử tri ủng hộ và khả năng các đảng Arab tham gia chính phủ liên minh do ông Benny Gantz lãnh đạo là không cao.
Ngoài ra, nếu ông Benny Gantz làm thủ tướng sẽ phát sinh vấn đề ông và ông Yair-Lapid luân phiên đảm nhận vị trí thủ tướng trong nhiệm kỳ 4 năm (theo cam kết khi thành lập đảng Liên minh Xanh-Trắng), gây phức tạp trong hệ thống chính trị sở tại.
Kịch bản thứ ba, thành lập chính phủ thống nhất (chính phủ đoàn kết) gồm đảng Likud (cánh hữu), Liên minh Xanh-Trắng (trung tả) và đảng Yisrael-Beiteinu (cánh hữu nhưng không ủng hộ ông Netanyahu làm thủ tướng).
Để bảo đảm đảng Likud vẫn là đảng lãnh đạo của chính phủ mới, các thành viên đảng này không loại trừ khả năng phế truất ông Netanyahu để giới thiệu một nhân vật khác lãnh đạo đảng, đứng ra thành lập chính phủ thống nhất.
Đây là kịch bản có nhiều khả năng xảy ra. Tổng thống Israel có thể yêu cầu ông Benny-Gantz, một nhân vật khác trong đảng Likud hoặc một nhân vật khác đứng ra thành lập chính phủ mới.
Chính phủ mới sẽ bao gồm đảng Likud (không có ông Netanyahu), Liên minh Xanh-Trắng, Yisrael-Beiteinu làm nòng cốt và một số đảng khác sẽ gia nhập sau đó.
Tuy nhiên, do đặc trưng liên minh và bầu cử trực tiếp đầu phiếu nên bất ngờ hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình các bên đàm phán, thỏa hiệp người đứng ra thành lập chính phủ mới.
Đương kim Thủ tướng Netanyahu vẫn có khả năng thành lập được chính phủ mới vì đảng Likud là một trong những đảng giành được nhiều phiếu bầu nhất.
Thủ tướng tiếp theo tại Israel dù là ai thì khả năng cao là người của đảng Likud hoặc Liên minh Xanh-Trắng.
Ông Lieberman cũng có tham vọng làm thủ tướng, nhưng đảng của ông là đảng nhỏ, nên bản thân ông khó có khả năng nhận được sự ủng hộ từ các đảng khác để được chỉ định đứng ra thành lập chính phủ mới.
Dù vậy, với vị thế có ảnh hưởng đến người sẽ là thủ tướng Israel sau bầu cử, ông Lieberman sẽ đóng vai trò đáng kể trong chính trường sở tại thời gian tới./.
Theo Công Đồng (TTXVN/Vietnam )
Tổng thống Trump sẽ không mãi ưu ái "trao quà" cho Thủ tướng Israel
Thủ tướng Israel dường như luôn được ông Trump "ưu ái" tặng các "món quà" vào những thời điểm quyết định song lần này có thể là một câu chuyện khác.
Ngay khi ngày Shabbath (ngày nghỉ và là ngày thứ bảy trong Do Thái giáo) vừa kết thúc vào tối 14/9, từ thủ đô Washington, Tổng thống Trump đã có những tuyên bố liên quan đến Israel trước thềm bầu cử.
Một tấm banner bầu cử khổng lồ của đảng Likud của Thủ tướng Netanyahu được treo trước một tòa nhà tại Tel Aviv, Israel. Ảnh: CNN
Nhà lãnh đạo Mỹ viết trên Twitter rằng ông đã trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu "để thảo luận về khả năng tiến tới" một hiệp ước quốc phòng giữa hai nước. Đáp lại, Thủ tướng Netanyahu đã cảm ơn Tổng thống Mỹ và cho biết Israel chưa bao giờ có một người bạn nào tốt hơn ông Trump ở Nhà Trắng.
Tuy nhiên, giám đốc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel Amos Yadlin cho biết tuyên bố trên "rõ ràng là một chiến dịch tuyên truyền tranh cử".
Chuyên gia này cũng nhận định một hiệp ước quốc phòng giữa 2 nước sẽ đem lại một số lợi ích song chúng sẽ bị ảnh hưởng bởi các chi phí và hạn chế sự tự do trong hành động của Israel khi nước này cần tự vệ.
Ngoài ra, một hiệp ước như vậy cũng sẽ khiến Israel phải chiến đấu trong các cuộc chiến tranh của Mỹ ngay cả khi những cuộc chiến này hầu như không có gì liên quan đến an ninh của Israel, ông Yadlin cho biết thêm.
Tuy nhiên, đằng sau các tuyên bố của ông Trump hôm 14/9 là những câu hỏi được đặt ra, đặc biệt là việc liệu Tổng thống Trump có sẵn sàng làm mọi thứ cho ông Netanyahu trước thềm bầu cử ở Israel hay không?
Trước cuộc bầu cử hồi tháng 4/2019, Tổng thống Trump đã công nhận chủ quyền của Israel ở Cao nguyên Golan, "đảo ngược" chính sách ngoại giao của Mỹ trong hàng thập kỷ.
Tổng thống Mỹ cũng điều Ngoại trưởng Pompeo tới thăm Bức tường phía Tây cùng với ông Netanyahu. Đây là động thái chưa từng có do tính chất nhạy cảm về ngoại giao ở thành phố cổ Jerusalem.
Ngoài ra, ông Trump còn liệt lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) là một nhóm khủng bố và đây cũng là lần đầu tiên Mỹ liệt một tổ chức chính phủ nước ngoài vào danh sách này.
Thủ tướng Israel Netanyahu dường như luôn được Tổng thống Trump "ưu ái" tặng những "món quà" vào những thời điểm quyết định, song đề xuất về một hiệp ước quốc phòng mới đây của lãnh đạo Nhà Trắng có thể lại là một vấn đề khác. Nó không chỉ khiến các chuyên gia an ninh lo ngại mà còn khiến các chính trị gia của Israel đặt ra nhiều câu hỏi.
Moshe Ya'alon - người từng hoạt động trong đảng Likud của ông Netanyahu và hiện là một quan chức cấp cao trong đảng Xanh và Trắng đối lập đã viết trên Twitter rằng liệu mỗi chiến dịch của Israel có cần sự chấp nhận của Washington và liệu những người lính Israel có phải chiến đấu trên các chiến trường Afghanistan và Iraq hay không?
Tổng thống Trump vẫn rất được ủng hộ ở Israel, thậm chí còn hơn cả ở Mỹ. Cho tới gần đây, chỉ có một số đảng chính trị cực tả ở Israel chỉ trích ông. Tuy nhiên, việc các chính trị gia trung lập chỉ trích kế hoạch về hiệp ước quốc phòng đã cho thấy những cử tri Israel không còn sẵn sàng chấp nhận mọi thứ Tổng thống Trump làm hoặc nói là "tốt cho Israel" nữa.
Và điều đó chắc chắn khiến Thủ tướng Netanyahu phải lo ngại. Nhà lãnh đạo Israel đã rơi vào tình thế khó xử bởi 2 động thái của Tổng thống Trump vào tuần trước.
Thứ nhất, việc sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ John Bolton là một tổn thất với ông Netanyahu khi mà cả ông Bolton và Thủ tướng Israel đều có cùng quan điểm cứng rắn đối với Iran. Việc ông Bolton rời Nhà Trắng đã cho thấy lập trường mềm mỏng hơn của chính quyền Tổng thống Trump với Tehran - một "tin xấu" dành cho Thủ tướng Netanyahu.
Chỉ 1 giờ sau khi ông Netanyahu tiết lộ hôm 9/9 rằng Israel tìm thấy 1 cơ sở hạt nhân bí mật ở Iran, Tổng thống Trump cho biết ông sẵn sàng gặp người đồng cấp Iran Rouhani.
Ngoài ra, việc sa thải ông Bolton cũng ảnh hưởng đến lời hứa trước tranh cử của ông Netanyahu về việc sáp nhập phần Bờ Tây nếu ông giành chiến thắng.
Dù vậy, có thể Tổng thống Trump vẫn sẽ đưa ra một vài tuyên bố ủng hộ ông Netanyahu trong ngày bầu cử song nhìn từ viễn cảnh của Thủ tướng Israel, có thể mọi thứ ông Trump dành cho ông không phải lúc nào cũng là một "món quà"./.
Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch)
Theo CNN
Chiêu trò tung hỏa mù: Vì sao không nhận được "cái gật đầu" của Nga, Israel vẫn "ra vẻ thắng lớn" ở Syria? Sau 4 năm gây dựng quan hệ, có 13 cuộc gặp mặt với Tổng thống Nga, chưa kể một số cuộc điện đàm - có vẻ như Thủ tướng Netanyahu không thể lay chuyển được lập trường của ông Putin. Chuyến thăm của ông Netanyahu đến Moscow dường như chỉ mang ý nghĩa cho cuộc bầu cử trong nước. Vào ngày 12/9, chỉ...