Án oan được phát hiện trong năm 2015: Nhiều hệ lụy nặng lề
Thời gian qua, dư luận cũng như bạn đọc đặc biệt quan tâm tới những vụ án oan được phát hiện trong năm 2015.
TS.Trần Văn Dũng, Phó vụ trưởng vụ Pháp luật Hình sự- hành chính, bộ Tư pháp cho rằng: “Để xảy ra các vụ án oan sai, có thể lý giải bởi nhiều nguyên nhân, nhưng một phần do năng lực trình độ và thái độ chủ quan của người tiến hành tố tụng cũng như sự thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, dù ở góc độ nào, việc kết án oan một người là không thể chấp nhận được”.
Nhiều hệ lụy nặng nề
Trong năm 2015, liên tiếp các vụ án oan được công bố, đây là vấn đề nóng khiến dư luận đặc biệt quan tâm. Tiến sỹ đánh giá như thế nào về các vụ án oan đó?
Thực tế, năm 2015 vừa qua, chúng ta đã phát hiện ra một số vụ án oan, thu hút sự quan tâm, chú ý của bạn đọc trong cả nước như vụ ông Huỳnh Văn Nén… Những sai sót này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến thành tích của các cơ quan tư pháp, gây ra nhiều hệ lụy nặng nề cho bản thân và gia đình người bị oan. Đồng thời là bài học sâu sắc cho các cán bộ làm công tác điều tra, truy tố, xét xử hai vụ án này nói riêng và các vụ án hình sự nói chung. Kể cả các vụ án có tính chất đơn giản, mức phạt ít nghiêm khắc, chúng ta cũng không thể lơ là vì việc kết án oan người vô tội là một điều không thể chấp nhận được.
Chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận về một trong những nguyên nhân dẫn đến việc kết án oan: Đó là sự nóng vội, chủ quan, quá tin tưởng vào kinh nghiệm của bản thân mà chưa kiểm tra kỹ các chứng cứ của vụ án, dẫn đến tình trạng oan. Mặt khác, sự phức tạp của vụ án, áp lực về thời hạn điều tra, sự chưa đồng bộ của hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật hình sự và tố tụng hình sự cũng là một trong những lý do dẫn tới oan.
Gia đình ông Chấn tại tòa soạn báo ĐS&PL. Ảnh Thành Long.
Theo tiến sỹ, vấn đề mấu chốt để xảy ra oan sai là do quy định của pháp luật còn hạn chế hay do trình độ, năng lực của những người thực thi pháp luật?
Video đang HOT
Tôi cho rằng, nguyên nhân dẫn đến án oan bao gồm cả hai: Do quy định của pháp luật còn hạn chế, chưa đồng bộ và do trình độ, năng lực của những người thực thi pháp luật còn hạn chế, chủ quan. Nhưng nguyên nhân căn bản có tính chất quyết định xuất phát từ yếu tố chủ quan. Không thể vì nóng vội, mà chủ quan trong việc đánh giá đầy đủ, toàn diện các tình tiết của vụ án. Nếu vì thành tích, nóng vội hay do sức ép công việc mà sử dụng những biện pháp điều tra trái pháp luật như bức cung, mớm cung là không thể chấp nhận được và điều này không chỉ khiến dư luận bức xúc mà người tiến hành tố tụng còn bị xử lý nghiêm theo pháp luật.
Cần cơ quan trung gian
Được biết vụ Pháp luật Hình sự, bộ Tư pháp có trách nhiệm xây dựng, sửa đổi pháp luật Hình sự. Theo tiến sỹ, cần có biện pháp gì để giảm thiểu án oan?
Trong năm qua, bộ Tư pháp được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Bộ luật Hình sự (BLHS) và phối hợp với VKSND Tối cao xây dựng Bộ luật Tố tụng Hình sự, luật Tạm giữ, tạm giam. Tôi cho rằng, các Luật này có nhiều quy định có tính chất đột phá, nhằm giảm thiểu tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm. Cụ thể, quy định về ghi âm, ghi hình trong quá trình xét hỏi, lấy lời khai; quy định cho phép luật sư có quyền thu thập chứng cứ, hay việc bãi bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa, tăng cường trách nhiệm của VKS trong quá trình tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố. Mặt khác, Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 thể hiện theo hướng minh bạch hơn quá trình điều tra, truy tố, xét xử và đề cao nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng hình sự.
Dưới góc độ luật ở phần nội dung, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có nhiều quy định nhằm làm giảm tình trạng oan sai. BLHS năm 2015 có tính chất minh bạch hơn để cán bộ thừa hành thuận tiện trong việc áp dụng, đồng thời để người dân, tổ chức, doanh nghiệp thấy được sự bảo hộ của BLHS đối với hành vi hợp pháp, chính đáng của mình, cũng như nhận diện được rõ ràng hành vi phạm tội để phòng ngừa.
Hiện vẫn còn nhiều vấn đề tranh cãi trong việc đảm bảo quyền lợi của người bị oan. Theo tiến sỹ, có nên thay đổi trình tự, thủ tục trong việc xác định thiệt hại và giá trị bồi thường cho người bị oan?
Theo Điều 7, Điều 8 luật Trách nhiệm bồi thường Nhà nước hiện nay, cơ quan nào làm oan sai, thì cơ quan đó phải chịu trách nhiệm bồi thường và dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa người bị oan và cơ quan làm oan. Có thể nói, từ khi Luật này ra đời đã góp phần bảo vệ quyền lợi của người bị làm oan. Tuy nhiên, logic mà nói, việc để cơ quan làm oan thương lượng với người bị oan để thực hiện sẽ không đảm bảo tính công bằng, vì cơ quan làm oan thì không muốn bồi thường nhiều, người bị oan thì có thể do bực tức, uất ức mà buộc cơ quan làm oan phải bồi thường cao. Điều này dẫn đến hệ lụy là việc bồi thường sẽ chậm được thực hiện và người bị oan muốn được bồi thường nhanh thì sẽ phải “xuống thang” khiến người bị oan bị thiệt. Do đó, theo tôi, cần nghiên cứu sửa đổi quy định này theo hướng cần có cơ quan trung gian để xác định mức bồi thường và thời gian bồi thường. Để đảm bảo công bằng, cơ quan này không nên là một trong những cơ quan trong hệ thống cơ quan điều tra, truy tố và xét xử.
Ông Trần Văn Dũng.
Trách nhiệm giám sát của Quốc hội
Hiện tại có nhiều vụ án kêu oan trong nhiều năm mới được giải quyết. Quan điểm của tiến sỹ, có nên thành lập một hội đồng độc lập để xem xét đánh giá những vụ án đang bị kêu oan?
Theo tôi thì không, vì theo quy định của hệ thống pháp luật hiện hành, trách nhiệm này trước tiên thuộc về Quốc hội và Hội đồng Nhân dân, thông qua hoạt động giám sát. Vấn đề là phải làm sao cho hoạt động này thực chất hơn và thường xuyên hơn. Mặt khác, Bộ luật Tố tụng Hình sự vừa được Quốc hội thông qua cũng cho phép Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, trên cơ sở ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền, có quyền xem xét lại các quyết định của chính mình (chương XXVII). Theo đó, khi có căn cứ xác định quyết định của Hội đồng Thẩm phán, TAND Tối cao có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc phát hiện tình tiết quan trọng mới, có thể làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định mà Hội đồng Thẩm phán, TAND Tối cao không biết được khi ra quyết định đó. Nếu Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Viện trưởng VKSND Tối cao kiến nghị, Chánh án TAND Tối cao đề nghị thì Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao phải mở phiên họp để xem xét lại quyết định đó. Tôi cho rằng, đây cũng là một cơ chế để có thể xem xét đánh giá các vụ án oan, sai.
Làm thế nào để giải quyết triệt để vấn đề oan sai, thưa tiến sỹ?
Tôi cho rằng, để hạn chế oan, sai, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp. Tuy nhiên, điều cần làm đầu tiên là làm sao để nâng cao nhận thức, lương tâm, trách nhiệm của cán bộ điều tra, truy tố và xét xử, nhất là cán bộ điều tra ban đầu, vì có những chứng cứ, nếu không được thu thập đầy đủ ngay từ đầu hoặc bị làm sai ngay từ đầu thì không thể khắc phục được. Mặt khác, việc triển khai quy định ghi âm, ghi hình trong hoạt động điều tra cũng cần được triển khai đồng bộ, cần đảm bảo tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo trong hoạt động tố tụng.
Xin cảm ơn tiến sỹ!
HÀ MY (thực hiện)
Theo doisongphapluat
Điều tra vụ oan sai Huỳnh Văn Nén
Ngày 22.1, ông Huỳnh Văn Nén (KP 2, thị trấn Tân Minh, H.Hàm Tân, Bình Thuận), cho biết ông đã nhận được thông báo bằng văn bản của Viện KSND tối cao (công văn số 38/VKSTC -C1 (P5).
Ông Huỳnh Văn Nén (phải) - Ảnh: Quế Hà
Theo đó, cơ quan này cho biết, đã thụ lý đơn tố cáo về hành vi của các cán bộ đã từng gây oan sai cho ông, khiến ông phải ngồi tù oan hơn 17 năm.
Công văn do ông Nguyễn Duy Dũng - Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, thuộc Viện KSND tối cao ký ngày 18.1.
Nội dung công văn ghi rõ, sau khi kiểm tra đơn tố cáo của ông Huỳnh Văn Nén và một số người trong gia đình ông tố cáo những người tiến hành tố tụng trong hai vụ án "Vườn điều" và vụ giết chết "bà Bông" ở Tân Minh, H.Hàm Tân, đã gây oan sai cho ông và người nhà của ông, Cơ quan điều tra thuộc Viện KSND tối cao trả lời như sau: " Vụ việc nêu trên đã được chúng tôi thụ lý, đang tiến hành xác minh, điều tra để giải quyết theo thẩm quyền... ".
Ông Huỳnh Văn Nén là trường hợp hi hữu của ngành tố tụng VN khi bị oan sai trong hai vụ án giết người, cùng một cơ quan CSĐT, cùng một Viện KSND tỉnh và cùng một tòa án tỉnh tiến hành tố tụng.
Các cơ quan pháp luật tại Bình Thuận đã tiến hành công khai xin lỗi ông Huỳnh Văn Nén.
Ông Nén cũng đã gửi đơn yêu cầu bồi thường oan sai với số tiền 17 tỉ đồng.
Trước đó, ông Nén đề nghị xin được ứng 1 tỉ đồng để sửa chữa nhà cửa nhưng không được chấp nhận.
Quế Hà
Theo Thanhnien
Chuyên gia: "Coi nhẹ hoạt động bào chữa sẽ dẫn đến oan sai" Theo PGS.TS Nguyễn Thái Phúc, việc Bộ luật TTHS sửa đổi đề cao, mở rộng hơn quyền của người bị bắt, bị can, bị cáo, quyền của luật sư... là một bước tiến trong hoạt động tố tụng hình sự Bước tiến rất lớn trong khoa học pháp lý "Tôi đánh giá cao việc Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng Hình...