Án oan 10 năm: Những chữ “nếu” đầy “trăn trở”….
Sau khi hung thủ thật sự xuống tay với chị Nguyễn Thị Hoan ở tỉnh Bắc Giang 10 năm trước ra đầu thú thì bức màn bí mật về vụ án dần dần hé mở.
Lúc ấy, nhiều người mới ngộ ra rằng, vụ án oan tày trời này sẽ không xảy ra nếu như, nếu như và nếu như…
Nếu những tình tiết trong vụ án được xem xét khách quan
Ngày 15-8-2003, chị Nguyễn Thị H bị chết tức tưởi bởi nhiều nhát dao chí mạng. Ngay sau đó cơ quan cảnh sát điều tra CA tỉnh Bắc Giang đã tiến hành thủ tục khám nghiệm tử thi và khám nghiệm hiện trường. Theo mô tả thì dưới chân nạn nhân có mảnh chai vỡ và một lưỡi dao mất chuôi. Trên nền nhà có nhiều vết chân trần dính máu, vết chân trái có chiều dài 23cm, chỗ rộng nhất 8,6cm. Tiến hành rà soát các đối tượng tình nghi, CQĐT đã triệu tập ông Nguyễn Thanh Chấn để xác minh. Qua kiểm tra, bàn chân trái của Chấn tính từ đầu ngón chân cái đến gót dài 22cm; chỗ bàn chân rộng bè nhất 8,8cm. Kích thước cơ học gần đúng kích thước những dấu vết để lại hiện trường của vụ án mạng. Tại phiên phúc thẩm, luật sư đã chỉ ra rằng, hai dấu chân chỉ gần trùng nhau về kích thước có nghĩa là không đúng nhưng HĐXX đã “bỏ ngoài tai” chi tiết này.
Về chứng cứ ngoại phạm, ngay từ giai đoạn điều tra, nhân chứng là bà Phạm Thị Nhâm trình bày: “Khoảng 7g20 tối 15-8-2003, tôi ra quán của ông Chấn mua kẹo thì gặp ông Nguyễn Văn Thực vào gọi điện ở quán nhà ông Chấn và chính ông Chấn là người bấm máy cho ông Thực gọi”. Ông Thực cũng xác nhận, đúng là ông có gọi điện nhờ tại quán nhà ông Chấn vào khoảng 7g30 tối xảy ra vụ án. Ông Chấn đã bấm máy cho ông gọi số 5660… Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư đã đưa bảng kê thanh toán tiền điện thoại do bưu điện cung cấp. Cụ thể, trong ngày 15-8-2003 từ số máy thuê bao nhà ông Chấn có cuộc gọi đến số 5660… , trùng với lời khai của 2 nhân chứng là bà Nhâm và ông Thực. Dù vậy, HĐXX vẫn cho rằng, cho dù tính khách quan của bảng kê điện tử kể trên là chính xác thì tài liệu này không thể là bằng chứng khẳng định vào thời điểm thực hiện cuộc gọi, ông Nguyễn Thanh Chấn là người bấm máy. Lời khai của bà Nhâm và ông Thực về việc ông Chấn bấm máy cũng không có tài liệu nào khác… để làm chứng?!
Một chi tiết quan trong khác cũng bị các cơ quan tiến hành tố tụng bỏ qua một cách khó hiểu. Dù biên bản ghi lời khai ghi rõ, ông Chấn nhận tội đã dùng dao đâm chị H nhưng CQĐT đã không thể thu hồi được chiếc chuôi dao tang vật theo lời khai của ông. Nếu thực sự ông Chấn đã giết chị H, lời khai nhận tội là đúng nhưng lời khai về con dao tang vật lại được miễn nhiêm coi là… sai?
Ông Chấn bên người vợ đau yếu nhưng can đảm. Ảnh: TL
Nếu ông Chấn không bị ép cung
Trong nhiều đơn kêu oan gửi các cơ quan chức năng ông Nguyễn Thanh Chấn đều khẳng định mình bị ép cung, ép nhận tội. Theo ông Chấn, các điều tra viên Nguyễn H.T., Trần N.L., Ngô Đ.D. đã đánh ông nhiều lần trong quá trình lấy lời khai, có điều tra viên đã cầm dao, búa bắt ép ông phải nhận tội. Ông viết: “Ngày 20-9-2003, tôi nhận được giấy triệu tập lần 2. Tôi lên để gặp làm việc và tiếp tục lấy dấu vân tay, dấu chân nhiều lần. Tôi vẫn trả lời không biết gì về cái chết của cô H. Sáng hôm sau, tôi đến theo hẹn thì cán bộ Nguyễn H.T. lại lấy dấu chân, dấu tay của tôi nhiều lần rồi tra hỏi, đánh tôi rất đau. Điều tra viên Trần N.L. tay cầm dao, lăm lăm đe doạ: “Mày có khai không, tao cho mày chết”. Các cán bộ: Nguyễn V.D, Ngô Đ.D, Đào V.B, Nguyễn T.T, T, Trần N.L thay nhau túc trực suốt ngày này sang đêm khác không cho tôi về và không cho tôi ngủ, dọa nạt ép buộc tôi… Cán bộ Trần N.L bắt tôi vẽ dao, tôi không vẽ loại dao gì lại bảo cho mày cái búa vào đầu cho mày chết bây giờ. Tiếp đó, cán bộ Ngô Đ.D đọc và bắt ép tôi viết đơn tự thú ngày 28-9-2003″. Ông Chấn còn viết: “Cũng trong trại Kế, tôi phải tập đâm bên nọ, đâm bên kia. Họ cho 1 tù nhân giả làm cô H. Cán bộ còn đưa cho cái thìa, cái lược để làm hung khí. Tập nhiều lần cho thành thạo. Làm đi làm lại để cho đúng ý của họ. Sau đó, họ mượn nhà dân, bắt tôi diễn lại và quay phim”….
Dù vậy, trả lời báo chí ngày 6-11-2013, Đại tá Nguyễn Văn Chức, Chánh Văn phòng và là người phát ngôn của CA tỉnh Bắc Giang cho biết, đã triệu tập và làm việc với các điều tra viên trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn. Theo ông Chức, CA tỉnh Bắc Giang đã rà soát hồ sơ về vụ án, đọc lại các lời khai của ông Chấn. “Qua đó chúng tôi kết luận hồ sơ không có gì bất thường”, ông Chức nói?!
Có việc điều tra viên CA tỉnh bức cung hay không phải đợi kết luận cuối cùng của Bộ Công an. Tuy nhiên, bất cứ ai theo dõi vụ việc cũng đều đặt câu hỏi: Nếu ông Chấn không bị đánh, bị bức cung thì tại sao ông Chấn phải làm đơn xin tự thú, phải khai nhận mình đã giết cô H? Nếu không bị ép cung thì tại sao trong các bản cung của CA ông Chấn đều nhận tội nhưng khi ra tòa, khi đã bị kết án lại liên tục kêu oan?
Nếu đơn kêu oan được xem xét thấu đáo
Bà Nguyễn Thị Chiến, vợ ông Chấn cho biết, trong thời gian chồng bà bị vướng vào vòng lao lý bà đã rất nhiều lần xuống Hà Nội gửi đơn kêu oan đến các cơ quan chức năng nhưng không được xem xét thấu đáo, thậm chí không nhận được hồi âm. Cùng lắm bà Chiến chỉ nhận được vài công văn trả lời với nội dung: “Cơ quan XY đã nhận được đơn của ông, bà… và đã gửi đến CA tỉnh Bắc Giang đề nghị xem xét, giải quyết”. Như vậy có thể khẳng định rằng, lãnh đạo CA tỉnh Bắc Giang đã nhận được đơn kêu oan của bà Chiến nhưng đã không có bất cứ động thái nào để điều tra, xác minh những lời kêu cứu từ người phụ nữ nhỏ bé này.
Video đang HOT
Từ trong tù, ông Chấn cũng đã gửi đơn kêu oan đến Thanh tra Bộ Công an, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao, Văn phòng Chính phủ… Theo ông Chấn, những lá đơn kêu oan của ông đều nói rõ việc ông bị các điều tra viên đánh đập, ép cung, mớm cung, dạy làm thực nghiệm điều tra… Trong hầu hết các lá đơn kêu oan, ông Chấn cũng trình bày việc bị các điều tra viên sử dụng nhiều biện pháp như thay nhau lấy cung, chuyển phòng giam nhiều lần để ông không được ngủ từ ngày 20 đến ngày 28-9-2003. Ông Chấn viết: “Do sợ hãi hoảng loạn bị tra tấn đánh đập nên tôi đã phải nhận và làm những gì mà cán bộ CA bắt tôi phải làm theo mà thực tế không phải như vậy”.
Vì gửi đơn kêu oan đi nhiều nơi mà không được xem xét nên ông Chấn rất tuyệt vọng, đã hai lần tìm đến cái chết để giải thoát nhưng đều không thành. Và khi kẻ giết chị H tự thú không ít người đã phải trăn trở: Nếu như đơn kêu oan của vợ chồng ông Chấn được xem xét thấu đáo thì có lẽ ở Bắc Giang đã không có vụ án oan gây chấn động cả nước như những hôm vừa rồi …
Nếu hung thủ không tự thú
10 năm trước, vào đêm xảy ra vụ án mạng tại thôn Me, bà Nguyễn Thị Lành, mẹ kế của nghi phạm Lý Nguyễn Chung phát hiện Chung là thủ phạm giết chị H nhưng bị chồng là ông Lý Văn Chúc đe dọa tước đoạt mạng sống nếu để lộ chuyện nên bà không dám hé lời.
Cái kim trong bọc lâu ngày cũng sẽ lòi ra, do liên tục bị chồng chửi bới, đe dọa, lương tâm bị cắn rứt nên sau nhiều năm cất giấu sự thật về hung thủ của vụ án, bà Lành đã kể toàn bộ sự việc với bố đẻ là ông Nguyễn Quang Hiền. Ông Hiền đã kể lại cho anh trai mình là ông Nguyễn Văn Khánh. Sau nhiều lần đấu tranh tư tưởng, ông Khánh đã quyết định hé lộ hung thủ thật sự trong vụ án 10 năm về trước cho vợ ông Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến. Từ đầu mối đó, bà Chiến đã bí mật điều tra, nhờ sự giúp sức của ông Khánh trong quá trình làm chứng với cơ quan CA, bà Chiến đã có những căn cứ để cung cấp cho CQĐT lật lại vụ án sau 10 năm.
Và cuối cùng, được sự động viên của các kiểm sát viên, của gia đình, kẻ giết người đã ra đầu thú cho dù trước đó y đã thay hàng trăm số điện thoại, đi hàng chục miền đất khác nhau…
Vụ án có thể sẽ kết thúc có hậu với ông Chấn. Nhưng, nếu hung thủ không bị những người hàng xóm phát hiện; nếu không may ông Chấn đã bị tuyên tử hình. Và đặc biệt, nếu hung thủ không đầu thú thì có lẽ ông Chấn khó có ngày về…
Còn một chữ nếu nữa, đó là nếu những người gây ra oan sai cho ông Chấn vẫn “lên là lên” ở những vị trí quan trọng và coi vụ này chỉ là “tai nạn nghề nghiệp” mà không bị xử lý hình sự, thì…
Hình ảnh xúc động 10 năm đi tìm công lý của gia đình ông Chấn
Ngày 25/1 vừa qua, Bộ Công an đã chính thức trao quyết định minh oan cho ông Nguyễn Thanh Chấn - người từng nhận án chung thân với tội danh "giết người". Xin điểm lại những mốc thời gian đáng nhớ trong hành trình đi tìm công lý của gia đình ông Chấn.
Ngày 15/8/2003: Tại thôn Me, xã Nghĩa Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, chị Nguyễn Thị Hoan, một phụ nữ đã ly dị chồng, có một con nhỏ, làm nghề bán nước bị phát hiện đã tử vong ngay trong gian phòng ngủ của gia đình.
Ngôi nhà nơi xảy ra án mạng tối 15/8/2003
Ngày 29/9/2003: Quyết định khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam đối với ông Nguyễn Thanh Chấn về tội danh giết người.
Ngày 3/12/2003: Cơ quan điều tra đã ra bản kết luận điều tra vụ án và chuyển hồ sơ để nghị Viện kiểm sát truy tố bị can Nguyễn Thanh Chấn về tội giết người.
Nhận được thông tin, cơ quan công an huyện Việt Yên và công an tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc, điều tra truy tìm thủ phạm. Ông Nguyễn Thanh Chấn (SN 1961, trú cùng thôn) được coi là nghi can của vụ việc. Trong quá trình cơ quan điều tra mời lên làm việc cũng như trong quá trình bị tạm giam, ông Chấn đã ký vào các bản cung nhận mình là người giết chị Hoan.
Ngày 26 và 27/4//2004: Tòa Phúc thẩm, Toàn án Nhân dân tối cao đã xét xử phúc thẩm vụ án trên. Trong các phiên tòa sơ thẩm cũng như phúc thẩm, bị cáo không nhận tội, nhiều lần khẳng định mình bị ép cung.
Hội đồng xét xử đã kết luận Nguyễn Thanh Chấn đã phạm tội "giết người", phải chấp hành án phạt tù chung thân. Trong thời gian chấp hành án tù, phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn đã có một số đơn kêu oan. Ban giám thị trại giam đã gửi đơn kêu oan đến các cơ quan liên quan.
Ông Nguyễn Thanh Chấn ngồi tù oan 10 năm
Cũng từ năm 2004, vợ ông Chấn là bà Nguyễn Thị Chiến, cùng với một số người thân quen của gia đình, đã kiên trì gửi đơn kêu oan đến nhiều cơ quan: Công an huyện Việt Yên, Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, Tòa án nhân dân Tối cao...Trong các lá đơn của bà Chiến từ năm 2011, bà đã nêu thông tin tố giác tội phạm. Cụ thể, theo bà Chiến, thủ phạm thực sự của vụ án mà ông Chấn bị kết tội giết người là Lý Nguyễn Chung, trú cùng thôn Me, huyện Việt Yên, Bắc Giang
Ngày 5/7/2013: Bà Chiến đã có đơn kêu oan gửi Cục Điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (KSNDTC). Ngay khi nhận được đơn, cơ quan điều tra của Viện KSNDTC đã tổ chức điều tra, xác minh, lần theo dấu vết chỗ ở của Chung. Phối hợp với các cơ quan Bộ Công an, bằng các biện pháp nghiệp vụ, cùng với sự kiên trì, khéo léo trong vận động đầu thú, đối tượng Chung đã chấp nhận trình diện trước pháp luật.
25/10/2013: Đối tượng Lý Nguyễn Chung đã đến đầu thú tại Công an huyện và khai nhận đã thực hiện hành vi giết chị Hoan vào năm 2003 để cướp tài sản.
Đối tượng Lý Nguyễn Chung, hung thủ giết chị Nguyễn Thị Hoan tại cơ quan công an
29/10/2013: VKSNDTC đã có quyết đình khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lý Nguyễn Chung (SN 1988, sinh tại Lạng Sơn, thường trú tại huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk), với tội danh "giết người" và "cướp tài sản").
Cùng ngày, Cơ quan điều tra có lệnh bắt khẩn cấp ông Lý Văn Chúc, bố của Lý Nguyễn Chung - vì hành vi "Đe dọa giết người" (Ông này đã đe dọa giết bà Nguyễn Thị Lành, mẹ kế của Chung, khi bà này có ý định tố cáo hành vi của Chung).
Ngày 4/11/2013: Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã ký quyết định kháng nghị bản án đối với Nguyễn Thanh Chấn, cùng ngày, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ra quyết định tạm đình chỉ thi hành án với phạm nhân Nguyễn Thanh Chấn.
Ông Chấn được tạm tha, trở về với gia đình từ trại giam Vĩnh Quang (tỉnh Vĩnh Phúc).
Ông Chấn được trả tự do hôm 4/11/2013
Ngày 6/11/2013: Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình, thay mặt Hội đồng tái thẩm ký Quyết định tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hủy hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm từng kết tội giết người đối với ông Nguyễn Thanh Chấn. Theo đó, hồ sơ vụ án sẽ được chuyển về VKSNDTC để điều tra lại theo thủ tục chung.
Quyết định tái thẩm của Tòa án nhân dân tối cao
Ngày 19/11/2013: Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Chấn đã bày tỏ nguyện vọng của gia đình ông Chấn là mong muốn được đền bù thỏa đáng tổn thất về tinh thần cũng như vật chất trong 10 năm ông phải ngồi tù oan. Như vậy, gia đình ông mới có thể thoát khỏi hoàn cảnh nghèo túng, đồng thời vợ ông có điều kiện đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe để điều trị bệnh sau thời gian dài lao lực đi khắp "hang cùng ngõ hẻm" để kêu oan cho chồng.
Vợ chồng ông Chấn tại văn phòng luật sư Công lý Việt nhờ trợ giúp pháp lý
Ngày 25/1/2014: Sau hơn 10 năm chịu án oan, ông Chấn được đại diện Bộ Công an trao quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ bị can, chính thức được trả lại các quyền công dân.
Ông Chấn xúc động rơi nước mắt khi nhận Quyết định đình chỉ vụ án
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thanh Chấn cho biết, sẽ thực hiện các thủ tục yêu cầu bồi thường oan sai ngay sau Tết nguyên đán Giáp Ngọ.
Theo Đời sống Pháp luật
Nuôi gái mại dâm trong trong "chuồng" để tiếp khách Nhằm che mắt các cơ quan chức năng về hành vi môi giới, chứa chấp gái mại dâm tú bà Nguyễn Thị Nguyệt đã xây nhiều phòng nhỏ đằng sau nhà, có các lớp cửa sắt bảo vệ để phục vụ việc "mua vui" cho khách làng chơi. Khoảng 13h ngày 18/12/2013, phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã...