Ăn như thế nào để không sợ sỏi mật?
Một số bằng chứng khoa học cho thấy bổ sung thường xuyên vitamin C cũng giúp giảm nguy cơ mắc sỏi mật.
Ảnh minh họa
Bạn đọc Hoàng Thiên Q. (hoangthi…@gmail.com), hỏi: Cha và anh trai tôi đều từng bị sỏi mật, riêng cha tôi đã phải phẫu thuật để lấy sỏi ra. Một vài người bạn tôi cũng bị bệnh này. Tôi nghe nói sỏi mật liên quan nhiều đến cách mình ăn uống. Ăn đúng cách thì phòng bệnh, sai cách thì gây bệnh, có đúng không? Tôi nên làm gì để phòng ngừa?
Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trả lời:
Sỏi mật chủ yếu hình thành do sự kết tụ của các thành phần trong dịch mật khi nồng độ của chúng quá mức bão hòa: Muối mật, bilirubin, cholesterol… Sỏi cholesterol chiếm khoảng 80% các trường hợp bị sỏi mật, do vậy điều chú ý đầu tiên là nên bảo đảm không ăn quá nhiều món giàu cholesterol.
Các món ăn khiến bạn dễ bị tăng cholesterol “xấu” có thể kể đến là mỡ động vật, các món ăn từ nội tạng (tim, gan, lòng…), các món ăn ngọt, các món được chế biến quá nhiều dầu mỡ hay quá nhiều tinh bột. Trái lại, ăn nhiều rau, củ, quả, thường xuyên các món ăn có chất nhầy (chất xơ hòa tan) như mướp hương, đậu bắp, mồng tơi, rau đay, rau dền… sẽ giúp giảm cholesterol hiệu quả.
Video đang HOT
Loại chất béo nên dùng để nấu ăn là chất béo thực vật như dầu – bơ đậu phộng, chất béo từ các loại hạt, dầu oliu… Riêng chất béo từ cá (nhất là các loại cá dầu như cá thu, cá ngừ, cá trích…) tuy là chất béo động vật nhưng vẫn được xếp loại chất béo tốt.
Cách ăn giảm cholesterol có lợi cho cả người đã bị sỏi mật, vì giúp giảm gánh nặng cho túi mật, hạn chế cơn đau do sỏi mật và ngăn ngừa sỏi gia tăng kích thước.
Một số bằng chứng khoa học cho thấy bổ sung thường xuyên vitamin C cũng giúp giảm nguy cơ mắc sỏi mật.
Ngoài ra, bạn nên ăn đúng bữa trong ngày, không ăn dồn ít bữa nhưng mỗi bữa quá nhiều đồ ăn. Ăn dồn khiến túi mật làm việc quá tải, đồng thời khiến dịch mật trở nên đặc hơn, cholesterol dễ kết tinh thành sỏi. Đó là lý do người bị sỏi mật được khuyên nên chia khẩu phần thành nhiều bữa nhỏ.
Theo nguoilaodong
Ăn thịt trắng cũng có thể hại như thịt đỏ
Ăn nhiều thịt gia cầm, còn gọi thịt trắng, cũng làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể, giống như thịt bò.
Trong nhiều năm nay cuộc tranh luận giữa thịt đỏ và thịt trắng vẫn chưa ngã ngũ, kèm theo đó là những lời khuyên về việc nên ăn thịt trắng như thịt gà để thay cho thịt đỏ như thịt heo, thịt bò để giảm lượng cholesterol cơ thể.
Tuy nhiên một nghiên cứu đăng trên American Journal of Clinical Nutrition vào tháng 6 vừa qua cho thấy thịt gia cầm, hay còn gọi là thịt trắng, vẫn có khả năng làm tăng cholesterol trong máu nếu bạn không điều chỉnh chế độ ăn của mình.
Nghiên cứu này đến từ Đại học California ở San Francisco (UCSF- Mỹ) do GS.TS Bác sĩ Ronald Krauss, tác giả nghiên cứu về xơ vữa động mạch tại Viện Nghiên cứu Bệnh viện Nhi Oakland, cùng đồng nghiệp thực hiện.
Nghiên cứu của UCSF- Mỹ cho hay nếu tiêu thụ quá nhiều thịt trắng cũng gây ra nhiều cholesterol xấu. Ảnh: Internet
"Tôi rất ngạc nhiên khi tác động của thịt trắng lên lượng cholesterol giống hệt như thịt đỏ", bác sĩ Ronald Krauss nói.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên loại thịt tưởng lành mạnh nhưng lại làm tăng cholesterol xấu được dùng trong thử nghiệm của UCFS; lại vô cùng phổ biến và thậm chí được nhiều người áp dụng cho thực đơn ăn kiêng: thịt gà nạc.
113 tình nguyện viên được chỉ định ngẫu nhiên ăn theo ba chế độ khác nhau. Chế độ đầu tiên nhiều thịt bò nạc, chế độ thứ hai nhiều thịt gà hoặc gà tây nạc, chế độ thứ ba nhiều protein thực vật. Cứ 30 ngày, tình nguyện viên lại thay đổi chế độ dinh dưỡng để đến cuối công trình thử đủ cả ba loại.
Sau mỗi tháng, các nhà nghiên cứu đo lượng cholesterol LDL hay còn gọi là cholesterol xấu của tình nguyện viên. Kết quả cho thấy chế độ ăn nhiều thịt, dù là gà hay bò, đều làm tăng lượng cholesterol LDL so với chế độ ăn giàu protein thực vật.
Các tác giả nhận định phát hiện này có thể không ảnh hưởng đến những người khỏe mạnh. Tuy nhiên, người đang muốn giảm lượng cholesterol LDL nên cân nhắc giảm bớt cả thịt đỏ lẫn thịt trắng và sử dụng nhiều protein thực vật hơn.
Không chỉ thế, các tác giả này cũng nhấn mạnh thêm rằng kết quả trên chỉ cho thấy bạn không nên ăn quá nhiều một loại thịt nào, chứ không khuyến cáo loại bỏ thịt trắng hay thịt đỏ trong khẩu phần vì mỗi loại thịt đều có giá trị dinh dưỡng riêng. Ví dụ như thịt đỏ là nguồn cung cấp protein, kẽm, sắt, vitamin B12 chất lượng cao. Một miếng thịt nạc khiêm tốn trong khẩu phần sẽ đem lại lợi ích sức khỏe tối ưu.
Để bảo vệ sức khỏe tim mạch, Hiệp hội Tim mạch Mỹ (AHA) khuyến nghị chế độ dinh dưỡng kết hợp cân bằng giữa thịt gia cầm, cá, protein thực vật và thịt đỏ nạc. Ngoài ra, nên duy trì cân nặng hợp lý và chăm vận động.
Ngoài ra nếu là tín đồ của thịt, người tiêu dùng có thể hạn chế phần nào tác động của cả 2 loại thịt này lên mức cholesterol bằng cách chọn loại chất béo tốt. Những người dùng chất béo không bão hòa (có trong dầu ô liu, dầu ăn ép từ các loại hạt như đậu nành, hướng dương, đậu phộng, dầu cải, trái bơ...) có mức tăng cholesterol xấu rất ít cho dù họ ăn thịt trắng hay thịt đỏ. Trái lại, nếu dùng chất béo bão hòa (có trong bơ, mỡ, các loại dầu nhiệt đới như dầu cọ, dầu dừa...) dường như gặp một tác động "cộng dồn" khiến mức tăng cholesterol cao hơn nhiều ở cả 2 nhóm ăn thịt trắng- thịt đỏ.
HẠ QUYÊN
Theo plo.vn
Nhậu xong bỏ cơm Bạn đọc Trần T.T (40 tuổi) hỏi: "Sau những cuộc nhậu, thường tôi thấy khá mệt, bỏ cơm dù lúc nhậu không ăn gì nhiều. Tôi đọc trên báo nói rằng như vậy có hại, không biết đúng không?". Ảnh minh hoạ: Inverse.com Lương y Đinh Công Bảy, Tổng Thư ký Hội Dược liệu TP HCM, trả lời: Nhậu đến bỏ cơm đúng...