Ăn bún bò Huế đường 20 Thước, quán không dao kéo vì sợ giang hồ Sài Gòn
Cô ơi, hồi xưa đường 20 Thước này nhiều giang hồ lắm hả?”, hỏi câu này khi đến ăn tại quán bún bò Huế của bà Ngọc, chúng tôi không chỉ được thưởng thức món ăn mà còn được nghe nhiều câu chuyện từ chủ quán và những vị khách sống gần đó…
Bà Lê Thị Ngọc (73 tuổi) sống ở hẻm 20 Thước (Q.4) hơn 30 năm qua. ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
Khu 20 Thước ngày xưa từng nổi tiếng là vùng đất “dữ”, nay trở thành con đường ăn vặt nổi tiếng khắp Sài Gòn. Nép mình trên con đường này, không biển hiệu, vỏn vẹn 4 cái bàn và chỉ bán từ 6 giờ đến 10 giờ sáng, quán ăn của bà Lê Thị Ngọc (73 tuổi, ngụ Q.4) vẫn chưa khi nào thôi có khách ra vào.
Quán ăn “không dao, kéo”
Bà Ngọc cho biết mình gốc Huế, vô Sài Gòn được hơn 30 năm nay. Khoảng 15 năm trước, với 2,3 cái bàn, vài cái ghế nhỏ được bày biện trong con hẻm 20 Thước nổi tiếng, bà Ngọc bắt đầu mở bán món bún bò Huế.
Bà kể, thời đó hẻm 20 Thước nói riêng và quận 4 nói chung được mệnh danh là “giang hồ”, đi đâu cũng gặp cướp giật, đánh lộn nên ai ở khu này đều sợ, đặc biệt là không dám ra đường vào ban đêm.
Mở bán lúc 6 giờ sáng mỗi ngày nên tờ mờ sáng là bà và em dâu của mình đã dọn hàng ra bán. “Lúc đó ở đây còn vắng lắm, đôi khi mất đồ nên mình phải vừa dọn đồ vừa canh. Hên có mấy ông xe ôm ra đậu sớm chờ khách nên mình cũng yên tâm chút đỉnh”, bà Ngọc nhớ lại.
Không chỉ mất đồ, có nhiều thanh niên bặm trợn, hung hăng tới ăn rồi đứng dậy đi luôn, không trả tiền nhưng bà cũng không dám đòi. “Coi như cho nó luôn chứ đòi lần khác nó lại quậy phá thì mình khỏi buôn bán gì luôn”, bà nói.
Vừa luôn tay dọn hàng, bà Ngọc vừa kể tiếp: “Tôi bán ban ngày, sáng sớm nhưng cũng sợ lắm, dao kéo gì là giấu hết, không dám bày ra, lỡ như tụi nó đánh lộn gần đây rồi chạy lại rút dao mình thì tình hình xấu hơn nữa. Thôi giấu trước cho chắc”.
Video đang HOT
Tô bún bò Huế “chuẩn Huế” giá 40.000 đồng tại quán bà Ngọc. ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
Quán ăn chỉ vỏn vẹn 4 cái bàn, khách quây quần ngồi cùng nhau ăn. ẢNH: CAO AN BIÊN
Theo bà, đó là thời mười mấy năm về trước chứ ngày nay không còn nữa, khu bà ở hiện tại rất bình yên, những thanh niên ấy người đi tù, người đi chỗ khác làm ăn. Khách từ các quận khác qua đây ăn cũng biết khu này nổi tiếng xưa vậy thôi, nay đã khác nên việc buôn bán của bà cũng không bị ảnh hưởng.
Bà Hiền Lành (60 tuổi, em dâu bà Ngọc) cùng bán với bà Ngọc hơn 10 năm nay cho biết sáng sớm hai chị em bà cùng dọn hàng ra bán, đến hơn 10 giờ thì dọn về nghỉ để trả chỗ cho người khác bán tiếp. Chồng mất sớm nên hai chị em bà Ngọc nương tựa vào nhau, cùng làm lo cho cuộc sống như chị em ruột thịt trong nhà.
“Giờ chúng tôi nghĩ đơn giản lắm, sáng ra có việc để làm, có thu nhập để tự lo cho mình là được rồi. Hôm nào mệt quá thì hai chị em nghỉ ít bữa cho khỏe rồi lại bán tiếp, cứ vậy mà lạc quan sống qua ngày, không có ráng sức chi hết”, bà Lành bộc bạch.
Anh Trường Tuân (34 tuổi, ngụ Q.4) là khách quen của quán suốt 4 năm nay, mỗi lần ăn anh đều gọi 1 tô xí quách ăn kèm. ẢNH: CAO AN BIÊN
Bà Hiền Lành (60 tuổi, em dâu bà Ngọc) đã gắn bó với bà Ngọc từ lúc quán mới mở. ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
“Mối ruột” khắp Sài Gòn
Khách đến ăn tại quán của bà Ngọc đa phần đều là “mối ruột” suốt nhiều năm qua. Chúng tôi cảm nhận được hàng bún bò Huế này là điểm đến quen thuộc của nhiều người, trẻ có, già có, trung niên cũng có.
“Khách quen của tôi ở khắp nơi tìm đến, nào là ở Q.1, Bình Thạnh, Gò Vấp, cũng có người ở Thủ Đức. Có người ăn thường xuyên, cũng có người lâu lâu ghé lại nhưng sự ủng hộ của họ chính là động lực, là niềm vui để tôi tiếp tục công việc này mỗi ngày”, bà cười.
Tuy nhiên, để có được lượng khách ổn định như hiện tại, bà chủ quán này đã phải trải qua một quá trình dài chinh phục thực khách bằng “bí kiếp” bí truyền đúc kết được. Khi được hỏi về bí kiếp này, bà chỉ cười tươi rồi nói: “Đây là bí kiếp, là chén cơm nuôi sống gia đình nên sao tôi nói được, có cho bao nhiêu tiền cũng không nói đâu. Tuy nhiên, tôi luôn lắng nghe ý kiến của khách hàng để có thể thay đổi hương vị sao cho phù hợp và có được công thức nấu như hiện tại. Tỷ lệ đó, nếu làm nhiều hơn hay ít hơn đều mất ngon”.
Quán bún bò của bà Ngọc “núp mình” trong hẻm 20 Thước từng nổi tiếng “giang hồ” Sài Gòn. ẢNH: CAO AN BIÊN
Nhiều thực khách đến ăn tại quán tâm sự với PV rằng hương vị bún bò Huế của bà Ngọc chính là hương vị gốc, nhưng cũng có những nét đặc trưng riêng không lẫn vào đâu được. Anh Trường Tuân (34 tuổi, ngụ Q.4) là khách quen của quán suốt 4 năm nay, cứ mỗi tuần anh lại ghé đây ăn 3, 4 lần như một thói quen vì “ghiền” hương vị bún bò của bà Ngọc.
“Lần nào tới đây ăn tôi đều gọi thêm một tô xí quách ăn cho đã thèm. Tôi ăn nhiều chỗ rồi, thấy chỗ này là bún bò Huế vị gốc, nước dùng thì đậm đà cộng với giá cả vừa phải nên cứ hay đến. Chưa kể, bà chủ cũng rất dễ thương, cách nói chuyện nhã nhặn của một người Huế khiến tôi cảm thấy ấn tượng”, anh Tuân nói thêm.
Trong khi đó, bà Phan Thị Hiền (63 tuổi, ngụ Q.4) lại là khách quen của quán này gần chục năm qua. Ăn nhiều nên bà cũng quen với bà chủ ở đây luôn. “Bún hợp khẩu vị của tôi, cộng với mắm ruốt ngon nên tuần nào tôi cũng ghé qua ăn thử”, bà Hiền cho biết.
“Quan trọng là mình nấu ngon thôi, còn biển hiệu hay không là ở trong lòng của khách”, bà Ngọc bộc bạch. ẢNH: LÊ NGỌC THẢO
Một điều lạ là dù “núp hẻm” kín mít trên một con đường mà nhiều của hàng ẩm thực san sát nhau, bà chủ vẫn không để biển hiệu. Hỏi về lý do, bà tâm sự rằng mỗi ngày mình chỉ bán tầm 4 tiếng nên cũng không cần thiết phải để làm gì. “Quan trọng là mình nấu ngon thôi, còn biển hiệu hay không là ở trong lòng của khách”, bà Ngọc bộc bạch.
Người phụ nữ Huế này cũng tâm sự thêm, hàng bún bò này chính là cả cuộc đời bà, cỡ nào cỡ cũng phải sống chết với nó. Bà xúc động: “Nhờ nó mà tôi nuôi lớn 5 đứa con được như bây giờ, rồi nuôi cả chính mình nữa. Nói thật, sống chết gì tôi cũng gắn bó với nó đến khi nào không còn bán được nữa thì thôi”.
Nói xong, cũng là lúc 10 giờ trưa, bà lật đật cùng em dâu thu dọn đồ đạc, chuẩn bị cho ngày mai lại phục vụ những tô bún bò đến với thực khách…
Tiệm bún bò Huế nườm nượp khách ở Sài Gòn
Nước bún bò đậm đà, dậy mùi mắm ruốc, chả cua dai sần sật hút hàng trăm lượt khách ghé ăn mỗi ngày.
Nằm trong con hẻm rộng trên đường Tô Hiến Thành, quận 10, tiệm bún bò chuẩn vị Huế luôn nhộn nhịp khách đến, giao hàng đi mỗi ngày. Tiệm hai tầng, nhưng lúc nào cũng đông nên đôi khi thiếu chỗ ngồi vào giờ ăn trưa và tối. Tầm chiều, quán bắt đầu kê thêm bốn, năm chiếc bàn lớn ngoài sân mới đủ phục vụ. Thực đơn không nhiều lựa chọn, gồm các món bún tái, giò, chả với giá thấp nhất 50.000 - 70.000 đồng/tô, vừa bụng người lớn.
Quầy bếp mở chiếm một gian nhà trước, gồm chiếc tủ đựng các loại topping cùng nồi nước dùng sôi sùng sục, cũng là thứ gây ấn tượng với thực khách ngay khi nếm thử. Nước dùng có lớp váng dầu đỏ au, được hầm từ xương. Điểm nhấn là mùi sả và mắm ruốc Huế khá đậm, xộc lên mũi. Vì thế, món ăn sẽ có hương vị hơi lạ đối với người đã quen ăn bún bò Huế nấu kiểu Sài Gòn.
Tô đầy đủ gồm thịt bò tái, nạm, giò và ba loại chả. Miếng chả heo to, dày, thơm mùi tỏi, tiêu. Chả cây mềm, vương nhẹ mùi lá chuối. Còn topping đinh của quán chính là chả cua được quết thành viên tròn, mập ú, lẫn chút gân dai sần sật, nhai sướng miệng. Thịt bò thái mỏng nên sau khi tái chín vẫn không bị dai. Nạm bò có dính chút mỡ, mềm, dễ nhai. Riêng giò heo hết khá sớm, nếu ghé quán tầm cuối buổi thì thường không còn.
Khi có khách gọi món, đầu bếp trụng sơ bún rồi mới thêm bò, chả và chan nước vào, điểm một chút hành ngò lên trên cho thơm. Bún sợi to, ăn kèm đĩa rau sống gồm rau muống, bắp chuối bào, rau kinh giới, húng quế... cho đỡ ngấy. Nếu thích ăn chua thì bạn vắt thêm lát chanh, sa tế là xong. Thực khách không cần nêm nếm gì nhiều vì vị nước dùng vốn đã đậm. Tuy nhiên, ăn bún bò đúng điệu là phải có chén chấm gồm nước mắm nguyên chất, sa tế và ớt xắt cay xè để chấm chả, bò.
Tô bún tái chả.
Giữa mùa dịch, trong khi nhiều hàng quán ế ẩm thì quán bún bò này vẫn rất hút khách. Nhân viên làm việc luôn tay, lắm lúc phục vụ không xuế khiến thực khách phật lòng. Quán mở cửa từ 8h đến 22h, nghỉ trưa từ 13h30 đến 16h. Muốn ăn đầy đủ thì bạn phải đi sớm. Dù nép mình trong hẻm, quán vẫn có chỗ để xe thoải mái, khu ngồi ngoài hiên thoáng, trong nhà hơi nực. Điểm trừ là quán khá nóng vào mùa hè, bất tiện khi trời mưa. Do đó, không ít người chọn mua mang về thay vì ngồi ăn tại chỗ.
Bún bò chuẩn vị Quảng Ngãi ngay tại Sài Gòn Bún bò luôn là món ăn nhận được sự yêu thích của người Sài Gòn, có đa dạng các loại bún bò đáng thử khác nhau và bún bò Quảng Ngãi là một trong số đó. Bún bò ở Sài Gòn thì vô cùng đa dạng thế nhưng bún bò Quảng Ngãi ở Sài Gòn thì thật sự hiếm có, điểm khác biệt...