Ăn bò tái, cá sống dễ nhiễm sán dải bò, sán dải cá hơn sán lợn
Theo nhiều chuyên gia về bệnh ký sinh trùng, người dân dễ nhiễm sán dải bò, sán dải cá hơn là sán dải lợn (sán lợn). Bởi lẽ, hiện nay, các món bò tái, cá tái hoặc sống rất phổ biến và được nhiều người yêu thích.
Chu trình phát triển và xâm nhập của sán dải cá vào người – ẢNH: TRUNG TÂM KIỂM SOÁT VÀ PHÒNG NGỪA DỊCH BỆNH
Hốt hoảng khi thấy đốt sán ngọ nguậy trên giường
Buổi sáng, chị T.M.L (35 tuổi) thức dậy và vô cùng hốt hoảng khi thấy trong quần nhỏ có một đốt trắng ngà (cỡ hạt đậu đen) ngọ nguậy. Mấy ngày trước, chị cũng từng phát hiện có đốt trắng ngà như vậy trên giường chỗ mình nằm nhưng không nghĩ nó chui ra từ cơ thể mình.
Được biết, kèm theo đó, thời gian qua chị L. còn có triệu chứng hay đau bụng, ăn uống khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
Lo lắng, chị tới bệnh viện khám, cùng cầm theo mẫu vật lạ.
Tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM, qua thăm khám cho bệnh nhân và soi mẫu vật, bác sĩ nhận thấy đốt trắng ngà đó là đốt sán dải bò. Chị L. được chẩn đoán nhiễm sán dải bò.
Bệnh nhân đã được cho uống thuốc và xổ ra con sán dải bò dài hơn 5 mét.
Đây không phải là trường hợp hiếm bệnh nhân bị nhiễm sán dải bò. Nhiều trường hợp bệnh sán dải bò và sán dải cá đã được phát hiện khi bệnh nhân đến khám tại Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Thường ăn đồ tái, sống, coi chừng nhiễm sán
Theo giáo sư Trần Thị Kim Dung, chuyên gia về bệnh ký sinh trùng, hiện nay, người dân dễ nhiễm sán dải bò, sán dải cá và số trường hợp ghi nhận bệnh này cũng nhiều hơn sán dải lợn (sán lợn).
Bệnh nhân bị nhiễm sán dải do thói quen ăn đồ tái, sống. Các món bò tái, cá tái, cá sống hiện rất phổ biến và là món khoái khẩu của nhiều người.
Sán dải bò, dải heo và dải cá là những loại sán lớn, con trưởng thành đều ký sinh ở ruột non của người, có thể dài đến hơn 10 mét, với hàng ngàn đốt sán.
Video đang HOT
“Đốt sán dải lợn khi già thì thụ động, chỉ được tống ra ngoài theo phân. Còn đốt sán dải bò thì lại có khả năng tự chui ra khỏi hậu môn. Vì thế, người bị nhiễm sán dải bò thường phát hiện đốt sán ngọ nguậy trong quần trong hoặc trên giường”, giáo sư Dung cho biết.
Theo giáo sư Dung, sán dải bò chỉ phát triển thành con sán trưởng thành và ký sinh ở ruột người, chứ ấu trùng sán dải bò không ký sinh ở các mô cơ, da, mắt, não.
Người bị nhiễm sán dải bò trong ruột thường có triệu chứng buồn nôn, đau vùng thượng vị, tiêu chảy từng đợt, ăn không ngon miệng hoặc ngược lại có khi đói cồn cào, ăn nhiều nhưng sụt cân.
Về sán dải cá, theo Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM, đây là sán dài nhất ký sinh ở người, dài trung bình từ 3-10 mét, có khi dài đến 20 mét, có đến 3.000-4.000 đốt.
Ấu trùng sán dải cá ký sinh trong mô, thịt cá và “nằm chờ”.
Khi người ăn thịt cá sống, tái có nhiễm ấu trùng sán dải cá, vào ruột non, ấu trùng sẽ phát triển thành sán trưởng thành.
Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TP.HCM, khuyến cáo: Đa phần bệnh nhân bị sán dải cá thường không có triệu chứng khi nhiễm ít. Khi nhiễm nhiều bệnh sẽ có triệu chứng rõ ràng hơn như bị đau bụng, rối loạn tiêu hóa, mệt mỏi, liệt chi,… và có thể dẫn đến những biến chứng nặng như tắc ruột, ói mửa ra nhiều thước sán làm nghẹt thở, đôi khi gây trụy tim mạch.
Bệnh sán dải cá cũng gây ra hội chứng thiếu máu do thiếu hụt vitamin B12.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân nên ăn uống thực phẩm nấu chín, đảm bảo an toàn vệ sinh; khi có triệu chứng nghi ngờ nhiễm sán nên đến bệnh viện khám để được chẩn đoán, điều trị đúng.
Theo thanhnien
Giật mình cảnh sán dây rơi khi làm thịt lợn thả rông, hàng loạt người nhiễm bệnh
Hàng loạt trường hợp nhiễm bệnh sán dây lợn được phát hiện tại tỉnh Bình Phước. Ổ bệnh phát tán từ lợn (heo) bị nhiễm ấu trùng sán với mật độ rất cao đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.
Báo động: 108/904 mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn
"Khi những con lợn (heo) thả rông ngoài rẫy được người dân làm thịt, chúng tôi giật mình trước cảnh ấu trùng lợn gạo rơi ra ngoài. Tuy nhiên, người dân ở đây vẫn sử dụng nguồn thịt này trong chế biến thức ăn hàng ngày, đây là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng nhiễm sán dây từ lợn sang người khi thịt chưa được nấu chín hoặc ăn sống (món tiết canh).
Hiện nhiều xã đã ghi nhận có người nhiễm bệnh, mức độ lây lan có thể còn rộng hơn so với số ca bệnh được thống kê". Thông tin trên được PGS.TS Lê Thành Đồng, Viện Trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, TPHCM chia sẻ ngày 6/11.
Người dân tự làm thịt lợn tại nhà ở khu vực Bù Gia Mập, Bình Phước
Theo đó, qua công tác giám sát, từ đầu năm đến nay đơn vị phòng chống và điều trị bệnh ký sinh trùng (giun, sán, nấm, đơn bào) ở khu vực phía Nam đã phát hiện ổ bệnh sán dây lợn (Taenia solium) từ những con lợn ở thôn Bù Gia Phúc I, Xã Phú Nghĩa, Huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước. Sau đó phát hiện nhiều trường hợp người nhiễm bệnh sán dây lợn ở địa phương này và các xã lân cận.
Viện đã tiến hành xét nghiệm những mẫu thịt lợn nghi ngờ bị nhiễm ấu trùng sán dây lợn (lợn gạo). Kết quả xác định các mẫu thịt lợn bị nhiễm ấu trùng sán với mật độ rất cao (50 - 70 nang ấu trùng/1kg thịt). Các bộ phận của lợn như cơ, não, lưỡi đều nhiễm nang ấu trùng.
Ngay sau đó, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, TPHCM đã kết hợp với Trung tâm Y học Dự phòng Quân đội phía Nam (Bộ Quốc phòng) và các đơn vị y tế địa phương tiến hành điều tra dịch tễ, xét nghiệm máu chẩn đoán huyết thanh bệnh ấu trùng sán dây lợn ở người tại các xã Phú Nghĩa, Đắk Ơ, Bù Gia Mập của Huyện Bù Gia Mập, Tỉnh Bình Phước. Kết quả cho thấy, có 108/904 mẫu máu nhiễm ấu trùng sán dây lợn (tỷ lệ 11,95%).
Ấu trùng sán dây được tìm thấy trong cả thịt và não của lợn
Theo PGS Thành Đồng: "Đây là tình trạng nhiễm bệnh rất cao, khả năng lây lan rất lớn cho cộng đồng. Bệnh xuất hiện do tập quán chăn nuôi lợn thả rông, ăn thịt lợn chưa nấu chín.
Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng đã thông báo cho y tế địa phương về tình trạng nói trên để phối hợp tổ chức phòng chống dịch bệnh cho nhân dân. Tuy nhiên, đến nay việc điều trị cho những người nhiễm bệnh chỉ được thực hiện một số rất ít, có thể là do cơ sở y tế địa phương thiếu thuốc điều trị.
Mặt khác, các biện pháp tuyên truyền vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường đến người dân chưa được giải quyết triệt để. Bệnh có thể đã xảy ra ở nhiều địa phương khác nhưng chưa được phát hiện".
Sán dây lợn nguy hiểm ra sao?
Thông tin chuyên môn từ PGS Lê Thành Đồng cho hay: "Bệnh sán dây hoặc ấu trùng sán dây lợn hay còn gọi là bệnh sán dải, sán dải heo phân bố ở nhiều nơi trên thế giới. Tại Việt Nam, bệnh xuất hiện ở tất cả các vùng miền.
Theo số liệu được báo cáo từ những nghiên cứu và các cơ sở điều trị, đến nay có ít nhất 55 tỉnh, thành có ca bệnh sán dây hay ấu trùng sán lợn".
Những con lợn thả rông được xác định là vật lây truyền sán dây cho người
Khi chẳng may ăn phải trứng sán dây lợn, trứng sau khi vào dạ dày sẽ nở thành ấu trùng chúng tiếp tục di chuyển đến ruột non, ấu trùng có thể xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu. Lúc này, ấu trùng sẽ di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt... Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà có những biểu hiện khác nhau.
Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc (đậu phộng), di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết; nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Trường hợp ấu trùng khi đến dạ dày sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non, phát triển thành con sán dây trưởng thành trong đường ruột, khi đốt sán già rụng đi nó có thể bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột. Nếu tình huống này xảy ra cũng tương tự như người bệnh ăn phải đốt sán mới, số lượng ấu trùng sẽ rất lớn.
Sán dây trưởng thành phát triển dần bằng cách nẩy chồi, sinh đốt mới từ cổ, tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50,000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành từ 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.
Không ăn thịt sống, rau sống để tránh nhiễm sán và ấu trùng sán
Bệnh sán dây trưởng thành thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng, chủ yếu gây đau bụng, rối loạn tiêu hóa nhẹ. Nặng hơn, bệnh nhân thường có những cảm giác khó chịu, bứt rứt, có những đốt sán tự rụng theo phân ra ngoài, đốt sán là những đoạn nhỏ, dẹt, trắng ngà như xơ mít, đầu sán phẳng, một số trường hợp phát hiện thấy có trứng sán trong phân.
PGS Thành Đồng khuyến cáo: "Người bị nhiễm sán dây lợn cần được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời ngay khi phát hiện có đốt sán để tránh nguy hiểm xảy ra. Việc điều trị bệnh ấu trùng sán dây lợn phải thực hiện ở cơ sở y tế với trang bị phương tiện cấp cứu và phải được theo dõi điều trị liên tục bằng thuốc".
Để tránh nguy cơ nhiễm ấu trùng sán dây lợn, cộng đồng không ăn các thực phẩm sống như thịt lợn, nem chua, thịt lợn tái (nguy cơ nhiễm sán dây trưởng thành), rau sống (nguy cơ bệnh ấu trùng sán lợn), không nuôi lợn thả rông. Cần quản lý nguồn phân tươi, sử dụng nhà cầu hợp vệ sinh tại những vùng có người nhiễm bệnh. Cơ quan chức năng phải quản lý chặt chẽ tiêu chuẩn vệ sinh tại các các lò giết mổ.
Vân Sơn
(lược ghi)
Theo Dân trí
Không nên quá hoảng loạn vì sán heo Sau vụ việc học sinh trường mầm non ở Bắc Ninh tiêu thụ thịt heo bẩn, nhiều gia đình ở Bắc Ninh và nhiều tỉnh thành phía bắc lẫn cả TPHCM hoảng loạn đi xét nghiệm tìm sán heo. Không phải do ăn thịt heo gạo mà nhiễm sán Theo TS-BS Phạm Hùng Vân, Cựu giảng viên Bộ môn Vi sinh trường ĐHYD...