Ampli công suất 1.000 Watt chỉ dày 4 cm
Statement M1 có nhiều ưu điểm về thiết kế và hiệu năng nhưng có mức giá không rẻ, khoảng 3.500 USD.
Hình ảnh chiếc ampli công suất lớn cồng kềnh có thể sẽ được Anthem xóa bỏ bằng ampli mono-block mới của mình mang tên Statement M1. Series Statement của nhà sản xuất Canada bao gồm những thiết bị hi-end, như một “khẳng định” của Anthem về công nghệ và thiết kế trong các sản phẩm này.
Ampli siêu mỏng của Anthem. Ảnh: Ecoustics.
Cụ thể, Statement M1 có khả năng đưa mức công suất khuếch đại lên đến 1.000 Watt ở trở kháng 8 ohm, dải tần 20Hz-20kHz cùng hiệu ứng sai lệch nhỏ hơn 0,06%, ở mức mà tai người thường không thể phát hiện được. M1 còn là một ampli “double-down” thực sự khi có thể đáp ứng công suất 2.000 Watt ở trở kháng 4 ohm mà vẫn giữ được những thông số “an toàn” kể trên.
Điểm đặc biệt ở M1 là thiết kế siêu mỏng đối với một ampli, sản phẩm chỉ dày vỏn vẹn 4 cm với đầy đủ các chi tiết như ở các ampli thông thường. Để có được độ mỏng này, Anthem đã kết hợp một số công nghệ độc đáo, trong đó nổi bật là hệ thống tản nhiệt bằng chất lỏng ở các ống được bố trí xen kẽ bên trong. Cách tản nhiệt này không mới, nhưng được ứng dụng khá hạn chế trên các thiết bị âm thanh hi-end vốn không cần sự nhỏ gọn.
Ampli mono-block chia 2 kênh âm thanh thành hai phần để xử lý trên 2 hệ thống riêng biệt, khác với ampli stereo cùng xử lý các kênh trên cùng một bảng mạch. Ưu điểm của việc chia tách này là giảm thiểu xung nhiễu tín hiệu phát sinh trong khi vận hành, ngược lại, nhược điểm chính là giá thành.
Theo Số Hóa
Sản phẩm điện tử bằng... bìa các tông
Như chúng ta đã biết, bìa các tông là một loại vật liệu có thể dễ dàng tái chế và hiện đang ngày càng được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp bởi tính thân thiện với môi trường. Sau khi chứng kiến sự thành công của ngành công nghiệp đồ nội thất, các hãng sản xuất đồ điện tử cũng đã bắt tay vào việc tạo ra một loạt các loại sản phẩm, mà trong đó, các lớp vỏ nhựa được thay thế hoàn toàn bằng các lớp bìa các tông.
Video đang HOT
1. USB
Những chiếc USB 1GB có lớp vỏ bằng giấy ép này do hãng Colin Garceau - Tremblay của Pháp sản xuất. Trông nó không bắt mắt được như các loại USB vỏ kim loại và vỏ nhựa đang lưu hành trên thị trường, bởi bạn khó có thể bị thu hút bởi một chiếc USB có lớp vỏ xù xì bằng giấy tái chế, tuy nhiên, nếu bạn là một người quan tâm đến môi trường, có thể đây sẽ là một sự lựa chọn.
2. Recompute
Là ý tưởng của nhà thiết kế Breden Macaluso, Recompute là một cách suy nghĩ mới mẻ về việc tạo ra những chiếc cây máy tính với tuổi thọ và độ bền cao, đặc biệt thân thiện với môi trường nhờ nguyên liệu chính là bìa các tông tái chế.
3. Loa di động
Loại loa di động do hãng MUJI (Nhật Bản) sản xuất rất dễ sử dụng và bạn có thể mang nó theo bất cứ đâu mà bạn muốn. Các linh kiện điện tử được tích hợp trong lớp vỏ mỏng, nên khi không cần sử dụng đến, bạn có thể gập gọn nó lại như gấp một mảnh giấy bìa.
4. Máy ghi đĩa
Được tạo ra bởi các kỹ sư âm thanh tại công ty GGRP Sound, chiếc máy sao chép đĩa này cho phép bạn ghi đĩa chỉ với một cây bút chì và hướng dẫn sử dụng được in một cách chi tiết trên lớp vỏ.
5. Ampli
Với bộ Box Amp với giá 30 USD, bạn có thể biến bất cứ chiếc vỏ thùng các tông nào bạn thích trở thành một chiếc Ampli. Bạn sẽ chỉ cần một số kỹ năng cơ bản về điện, một con dao, và một cuộn băng dính là có thể tạo được một chiếc Ampli như ý cho riêng mình. Thêm nữa, bạn có thể trang trí lớp vỏ để trông cho nó được bắt mắt hơn.
6. Máy tính xách tay chỉ dùng một lần
Đây là ý tưởng của kỹ thuật viên đồ họa Je Sung Park của Yanko Design. Trên thực tế, điện thoại hay máy ảnh dùng một lần đã xuất hiện từ lâu. Nhưng để đóng gói toàn bộ các linh kiện phần cứng cần thiết trong một khung máy laptop bằng giấy hoặc bìa các tông sẽ là một thách thức lớn với bất kỳ chuyên gia thiết kế đồ họa nào. Những chiếc máy tính như này có nhiều điểm tích cực trong việc bảo vệ môi trường nhưng đảm bảo sự tiện dụng khi chỉ dùng một lần.
7. Máy nhắn tin
Chiếc máy B&D messenger, được thiết kế bởi Okada Noriaki, là chiếc máy nhắn tin mà những người khiếm thính và khiếm thị có thể sử dụng để giao tiếp thông qua tin nhắn dạng văn bản. Chi phí của nó cũng được hạ xuống đáng kể khi sử dụng lớp vỏ bằng bìa các tông.
8. Radio
Những chiếc đài radio bằng bìa các tông là một phần trong bộ sưu tập lấy cảm hứng từ đài phát thanh của nhà thiết kế Ewa Bochen. Những chiếc radio này đã được trưng bày tại triển lãm DNY Berlin 2008.
Theo VCTV