Ẩm thực Việt: Bánh còn có cặp có đôi quấn quýt bên nhau nhưng chúng ta thì vẫn ế
Có những món bánh Việt Nam đi thành đôi và “thuộc về nhau” như một định lý, có món này thì không thể thiếu món kia được.
Có bao giờ bạn nhận ra, rằng trong ẩm thực Việt Nam có những món bánh mà đã gọi tên là phải gọi theo “cặp”? Như thể chúng sinh ra đã là định mệnh của nhau vậy.
Nếu để ý, bạn sẽ thấy những món bánh này thường xuyên được bán, được xuất hiện cùng nhau. Mà cho dù có không xuất hiện cùng nhau đi nữa thì người Việt Nam vẫn thường có thói quen nhắc đến bánh này kèm theo bánh kia như một cụm từ độc lập.
Bánh chưng bánh giầy
Cứ năm hết, tết đến là người ta lại hay nhắc đến cụm từ này. Do cùng nhau xuất hiện trong tích xưa mà đến hiện tại, hình ảnh bánh chưng vuông vẫn luôn được gắn với bánh giầy có hình tròn. Cụm “bánh chưng bánh giầy” vẫn thường được người ta quen miệng nói vì trong tâm tưởng người Việt, hai hình ảnh này vốn hài hòa bên nhau.
Hình tượng vuông – tròn trái ngược nhau, thể hiện được triết lý vuông tròn của người Việt, tin rằng hai hình dạng này bổ trợ cho nhau, tạo nên sự hài hoà, sung túc, tốt lành. Mặt khác, bánh chưng vuông theo truyền thuyết tượng trưng cho đất, bánh giầy tròn là trời, đi cùng nhau như tinh hoa đất trời giao hoà.
Bánh trôi bánh chay đi cùng nhau như một lẽ tự nhiên, đến mức nói bánh trôi không, hay bánh chay không cũng thấy hơi… lạ miệng. Đây là hai món bánh được ăn vào tết Hàn thực của người Việt Nam, và lúc nào cũng được bán cùng với nhau trong ngày này, không có ngoại lệ. Tết Hàn thực phổ biến hơn ở miền Bắc nên nhiều người dân vùng miền khác đôi khi không phân biệt được hai loại bánh này, bởi chúng đi với nhau đã thường xuyên, lại còn có ngoại hình tương tự.
Video đang HOT
Bánh trôi có nhân là đường phèn xắt viên nhỏ, trong khi bánh chay có nhân đậu xanh và kích cỡ to hơn. Bánh trôi không ăn cùng nước, bánh chay thì ăn cùng với nước đường thơm mùi gừng.
Nhắm mắt lại, tưởng tượng bản thân đang nằm đung đưa trên một chiếc võng vào một trong những trưa hè miền Nam, ta lại như loáng thoáng nghe được tiếng rao thiết tha: “Ai… bánh bò, bánh tiêu không…?”
Hiện tại, bánh bò và bánh tiêu hay được ăn cùng với nhau. Bánh tiêu vốn rỗng, có người hay cho bánh bò ngọt, mềm vào bên trong bánh tiêu giòn, thơm như một loại nhân.
Tuy nhiên không ai biết cách ăn này có từ bao giờ, hay vì sao mà bánh bò và bánh tiêu lúc nào cũng được bán cùng nhau. Chỉ biết, từ những tiếng rao ấy, người ta hình thành một loại “phản xạ có điều kiện”, nhắc đến bánh bò là nhớ đến bánh tiêu và ngược lại.
Có lẽ chỉ những đứa trẻ miền Tây Nam Bộ thế hệ 9x trở về trước mới quen thuộc với cặp đôi “thiên mệnh” này. Những câu rao như “ai bánh cam bánh còng hôn” kéo dài ngân nga bằng chất giọng con gái miền Tây nghe ngọt ngào mà xao xuyến, ngọt như chính bản thân hai món bánh ấy vậy. Đây là món quà vặt mà trẻ con rất ưa thích, mỗi lần thấy là xin bố mẹ, ông bà vài đồng bạc lẻ để mua. Người lớn mà đi chợ, thấy bánh cam bánh còng cũng mua về làm quà cho trẻ con ở nhà.
Bánh cam bánh còng đều là món bánh được rán lên, thường được áo bên ngoài một lớp đường chảy cùng với mè, bóng bẩy và hấp dẫn. Tuy nhiên bánh cam có nhân đậu và tròn trịa, trong khi bánh còng có hình dạng giống bánh vòng, có lỗ chính giữa.
Thường con nít đứa nào không thích ăn đậu xanh sẽ mê bánh còng, chỉ có bột và đường, còn người lớn không kén ăn sẽ ăn bánh cam nhân đậu. Bánh cam nhân đậu ăn vào bữa xế no lâu, người lao động tay chân dễ đói mà thấy ai rao bánh cam, bánh còng cũng vẫy tay gọi người bán để mua rồi nhâm nhi đôi chiếc để có sức làm việc, dằn bụng chờ đến bữa cơm chiều. Ở đâu có bánh cam, ở đấy có bánh còng, không thể khác đi được.
Ẩm thực Việt: Người Huế có thêm 'bữa lỡ' ngoài ba bữa chính, họ ăn gì?
Ta biết ba bữa cơ bản là ăn sáng, ăn trưa, ăn tối, nhưng "bữa lỡ" là khái niệm mà không nhiều người quen thuộc lắm. Bữa lỡ, theo như định nghĩa thì là bữa ăn "giữa chừng" hai bữa chính, thường là bữa ăn với mục đích bổ sung năng lượng cho những người lao động chân tay mỏi mệt để có thể làm việc hiệu quả hơn.
Có thể xem bữa lỡ ở Huế như cách gọi khác của "ăn xế", "ăn nhẹ" tại nhiều vùng miền khác.
Nét văn hóa "ăn lỡ" của người Huế
Vào tầm đầu giờ chiều, những "o" (cách gọi tương tự dì hoặc cô) mang đòn gánh, tay xách nách mang các loại quà bánh. Và thế là giữa không gian tĩnh lặng ngày trưa lười biếng bỗng chốc vang lên nhiều tiếng rao ngọt ngào, uyển chuyển gây thương nhớ. Thực khách đang nằm giấc trưa nghe được sẽ biết rằng đã đến giờ "ăn lỡ", và nếu thích thì có thể thong thả ra đường tìm chút gì đó để lót dạ và chờ đến bữa cơm tối.
Thời xưa, những "o" bán hàng rong thường sẽ mặc áo dài, áo bà ba, đội nón lá kiểu Huế duyên dáng và cũng có "thương hiệu riêng". Công thức để tìm món quen của người Huế thường là từ "o" kèm theo tên của người phụ nữ đã chế biến ra món ăn đó.
Người ta chỉ nương theo những tiếng rao, tiếng hò mang âm hưởng rất riêng của xứ Kinh Kỳ để lựa chọn các món ngon. Bữa lỡ của người Huế bao gồm những loại thức ăn rất "nhẹ" vì ít béo, ít đạm và không nhiều chất dinh dưỡng để không ảnh hưởng đến khẩu vị vào bữa sau.
Bữa lỡ có gì để ăn?
Từ trên đòn gánh của những "o" Huế, người ta sẽ thấy cơ man là các loại bánh như bánh bèo, bánh nậm, bánh bột lọc, bánh ít ram... Đây là những món bánh "bữa lỡ" rất nổi tiếng xứ Huế, nhưng sang đến nhiều vùng miền khác thì lại được ăn trong nhiều bữa ăn khác chứ không chỉ ăn "lỡ". Những món bánh này đều có đặc điểm chung là rất nhỏ, mảnh và vừa miệng.
Trong đó, phổ biến nhất có lẽ phải kể đến món bánh bèo mặn làm từ bột gạo tẻ, ăn kèm nước mắm ngọt. Bánh nhỏ, mềm dẻo và có một đặc điểm là... ăn bao nhiêu cái cũng chẳng thấy no. Ấy là vì là món ăn bữa lỡ nên bánh bèo cùng nhiều loại bánh khác được "thiết kế" sao cho đủ lót dạ, chống buồn miệng chứ không làm cho no, ảnh hưởng đến khẩu vị bữa tối.
Đây được xem là là món bánh "con nhà nghèo" vì có giá rất rẻ nhưng lại đủ no. Còn nhà nào khá giả hơn thường sẽ ăn những món như bánh lá chả tôm - loại bánh gần giống bánh nậm, nhưng ăn kèm chả tôm, loại chả tôm tươi được chế biến công phu bằng cách quết nhuyễn cùng gia vị và hấp chín.
Kiểu ăn "lấy hương lấy hoa"
Ví như bánh nậm làm từ bột gạo tẻ, lúc múc bột cho vào lá chuối, người ta chỉ múc một muỗng cà phê bột bé tí rồi trải dẹt ra. Mỗi chiếc bánh này chỉ làm vừa đúng một miếng ăn, có thể cho ngay vào miệng.
Song, người Huế cũng không vì bánh nhỏ mà ăn quá nhanh. Theo như quyển Ẩm thực Việt Nam và Thế giới của Tiến sĩ Nguyễn Thị Diệu Thảo, người dân xứ Kinh Kỳ có thói quen "ăn lấy hương lấy hoa", nghĩa là ăn để thưởng thức chứ chẳng để no.
Ẩm thực Việt: Món cơm có tên đậm chất kiếm hiệp, là đặc sản nức tiếng Đồng Tháp Cơm huyết rồng có màu đỏ nâu nổi bật, khiến thực khách không khỏi tò mò. Trải dọc ba miền đất nước, nền ẩm thực Việt Nam có nhiều nét đặc sắc, biến đổi đa dạng từ bắc chí nam. Chính nhờ sự đa dạng ấy làm nên sức hút của ẩm thực nước nhà đối với du khách quốc tế. Nhưng cũng...