Ấm áp những người thầy áo xanh
Họ, trên giảng đường vẫn là những sinh viên chăm chỉ học hành, phấn đấu cho tương lai. Rời khỏi ghế nhà trường, họ lại hóa thân thành những người thầy đầy trách nhiệm.
Công việc của họ không đem lại tiền bạc hay danh vọng, chỉ nhằm tưới tắm cho những mầm cây bé nhỏ đang gian khó vươn lên giữa cõi đời.
Các lớp học đặc biệt
Tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng có một lớp học rất đặc biệt. Đặc biệt không chỉ ở chỗ, học viên là các em khiếm thị, còn bởi giáo viên ở đây đều không phải là các thầy, cô giáo có chuyên môn sư phạm mà là những sinh viên giỏi giang đến từ Đội công tác xã hội (CTXH) Trường Đại học Bách khoa – Đại học Đà Nẵng.
Lớp học đã được tổ chức trong hơn 7 năm qua, nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo Trung tâm cũng như Đoàn trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng. Ban đầu, khi lớp học mới thành lập, các bạn sinh viên đảm trách nhiệm vụ, nhiều người cũng e ngại, sợ rằng các bạn còn trẻ, chưa có kinh nghiệm giảng dạy, khó lòng hoàn tất công việc với hiệu quả tốt nhất. Thế nhưng, chính cái tuổi trẻ và lòng nhiệt thành của các bạn lại “làm nên chuyện”.
Trương Thiết Lâm là Đội trưởng Đội CTXH, nhiều năm gắn bó với lớp học. Lâm chia sẻ: “Chúng mình cảm nhận được sự khó khăn của những em khiếm thị và rất mong muốn góp sức giúp các em vượt qua trở ngại để hoàn thành việc học một cách suôn sẻ. Sinh viên nào giỏi môn nào thì kèm cặp môn đó. Trong lúc dạy học thì chú ý tạo sự thân thiện, gần gũi để các em dễ tiếp thu bài học, dễ nói chuyện hơn”.
Hiện tại, dù các thành viên vẫn đang còn đi học và bận rộn với lịch thi cử, làm thêm… nhưng vẫn nỗ lực để duy trì “quân số” tại lớp học với 15-16 người mỗi buổi, 3 ngày trong tuần. Để thuận tiện cho việc chỉ dẫn học tập, lớp học được chia theo khối từ cấp tiểu học đến THPT và chia thành từng phòng.
Tại đây, những thầy, cô giáo không chuyên sẽ đọc bài trên sách giáo khoa để các em học sinh khiếm thị chuyển thành chữ nổi. Các thành viên cũng hướng dẫn các học sinh khiếm thị học bài, củng cố kiến thức đã học trên lớp, hỗ trợ các em giải bài tập về nhà theo hình thức “một kèm một”.
Ở Đà Nẵng có lớp học dành cho học sinh khiếm thị do các bạn sinh viên Đà Nẵng phụ trách thì tại Cần Thơ cũng có một lớp học cực kì đặc biệt do các bạn học sinh Đại học Cần Thơ đứng lớp.
Lớp học đặc biệt này nằm trong khuôn viên tịnh thất Phước Ân (khu vực An Hưng, phường Phú Thứ, quận Cái Răng, TP Cần Thơ). Thấy hoàn cảnh các em nhỏ trong vùng nhiều em nghèo, không có tiền đi học thêm, hổng kiến thức, không theo kịp bạn bè trên lớp, nhà chùa đã mở một lớp học tình thương miễn phí.
Các anh chị sinh viên Đại học Cần Thơ là những người đứng lớp phụ đạo các em hoàn toàn không lấy tiền công. Các em được học toán, lý, hóa, anh văn và cả tin học. Môn tin học, nhà chùa có trang bị máy tính hẳn hoi do các mạnh thường quân hỗ trợ.
Lớp học đã hoạt động hơn hai năm, có nhiều lứa tuổi. Vì vậy, các em được chia làm nhiều lớp khác nhau để tiện kèm cặp cho hiệu quả. Nhờ những buổi học đều đặn hằng tuần như thế mà hàng trăm em nhỏ nơi đây dù khó khăn vẫn không tốn kém chi phí học phụ đạo, được nâng cao kiến thức, thành tích học tập cải thiện hơn rất nhiều.
Những lớp học thiện nguyện, miễn phí do các bạn sinh viên đứng lớp có ở khắp nơi trên cả nước. Tại một xã nghèo thuộc huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, những năm gần đây, vào dịp hè sẽ có các bạn sinh viên tình nguyện đến mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho các em nghèo. Hay tại một số vùng núi, miền sâu, miền xa trên cả nước, có không ít sinh viên tình nguyện tận tâm, tận lực, cứ mùa hè lại lặn lội đến, mở lớp dạy cho các em ở bản, trong làng.
Và những gia sư áo xanh
Gia sư áo xanh là một chương trình sinh viên tình nguyện do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM phối hợp với Ban Công nhân lao động Thành Đoàn, Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Công nhân TP HCM tổ chức.
Video đang HOT
Chương trình nhằm hỗ trợ, giúp đỡ những học sinh là con em gia đình có hoàn cảnh khó khăn, con em công nhân tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu vực quận, huyện ngoại thành có học lực trung bình, có tinh thần vượt khó, phụ đạo kiến thức cho các em. Sinh viên tham gia hoạt động sẽ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP HCM có học lực từ loại khá trở lên, hạnh kiểm tốt.
Những gia sư áo xanh trên mọi miền Tổ quốc.
Trước khi đứng lớp, gia sư sẽ được tập huấn nghiệp vụ sư phạm cơ bản, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng trình bày vấn đề, phương pháp tiếp cận và tư vấn hướng nghiệp cho học sinh.
Năm nay, gia sư áo xanh ra quân vào thời điểm cuối tháng 2 vừa qua. Hiện nay, ban tổ chức đang tiếp nhận đăng ký của các khu lưu trú, khu nhà trọ công nhân và các gia đình khó khăn có con em đang học cấp 1, 2, 3. Sinh viên tình nguyện sẽ được giới thiệu đến gia đình, các khu lưu trú công nhân để tổ chức các lớp gia sư trong suốt năm học, chương trình tăng cường hỗ trợ các đợt cao điểm như hè, cuối học kỳ.
Có những trường đại học, phong trào sinh viên mạnh, hội sinh viên trong trường tổ chức các lớp học miễn phí, quy mô không nhỏ cho các em hoàn cảnh khó khăn ở địa phương. Cũng có những trường hợp, sinh viên âm thầm mở những lớp học nhỏ hữu duyên. Như trường hợp hai bạn Ngô Thị Mỹ và Nguyễn Thị Lan Anh, 21 tuổi. Cả hai bạn đều là sinh viên trường đại học thuộc khối Đại học Quốc gia TP HCM.
Hoàn cảnh gia đình khá giả, cha mẹ không khuyến khích làm thêm, nhưng thi thoảng, Mỹ và Lan Anh vẫn tham gia các công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập và kinh nghiệm. Nhưng kể từ năm ngoái, hai cô bạn thân hầu như đã bỏ các công việc làm thêm cuối tuần vì bận rộn cho một lớp học “mini” ở công viên.
Hai cô sinh viên thường ra công viên 23/9 ở khu vực quận nhất để cùng nhau ôn luyện ngoại ngữ. Tình cờ, tại đây, Lan Anh và Mỹ làm quen các em nhỏ bán hàng rong cũng khát khao học ngoại ngữ. Các em là dân nhập cư theo cha mẹ, sống nay đây, mai đó, chưa được đi học. Các em muốn học ngoại ngữ trước mắt là để công việc bán hàng, đặc biệt cho khách Tây được tốt hơn.
Mỹ và Lan Anh đã dạy cho các em không chỉ giao tiếp tiếng Anh mà còn học mặt chữ, học nhiều môn học khác. Cứ mỗi sáng chủ nhật, lớp học nho nhỏ ấy lại được thành lập ở một góc công viên. Sách, vở viết các “cô giáo” cũng sắm sửa cho các em. Đến nay, có 3 em nhỏ đã làm quen với mặt chữ, bắt đầu tập viết, hai em đã có thể giao tiếp sơ bằng tiếng Anh.
Có không ít bạn sinh viên như thế, âm thầm tham gia vào các câu lạc bộ thiện nguyện, các lớp học tình thương. Thay vì dành thời gian vui chơi cùng bạn bè, đi làm kiếm thêm thu nhập, họ dành thời gian cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, có khiếm khuyết trong cuộc sống.
Đem nhiệt huyết thanh xuân của mình trao truyền cho các em những kiến thức quý báu. Nhiều “thầy cô” không chuyên cũng rất nhiệt tình vận động bạn bè mình cùng tham gia dạy dỗ các em, vận động quyên góp quần áo, bút sách để hỗ trợ việc học tập của các em tốt hơn.
Họ là những người còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa thực sự là “thầy” với nghĩa đen. Nhưng, những người trẻ ấy xứng đáng với danh xưng “thầy” đầy trân trọng. Bởi, họ trao đi tri thức, trao đi tình thương yêu, góp phần dạy dỗ một thế hệ thiếu niên, trao truyền những bài học làm người với lòng nhiệt thành, với lương tâm và trách nhiệm. Những người thầy trẻ tuổi, thầm lặng ấy đã và đang trao đi những đóa hồng của tuổi 20 rực rỡ…
Lớp học không giáo án và hành trình chinh phục 'thế giới bóng tối'
Cô giáo Nguyễn Thị Hoài (trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu, Hà Nội) giúp nhiều trẻ khiếm thị dạng đa tật hoà nhập với cuộc sống bình thường.
Khác với những lớp học bình thường, lớp học can thiệp kỹ năng dành cho học sinh khiếm thị đa tật do cô giáo Nguyễn Thị Hoài (sinh năm 1984) chủ nhiệm không bảng đen, không phấn trắng, không bút, không thước kẻ. Thay vào đó chỉ là những đồ vật hình tròn, hình vuông, hình tam giác đủ kiểu. Lớp học ấy được giáo viên trong trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu (Hà Nội) đặt cho cái tên thân thương "Lớp học hy vọng".
Cô Nguyễn Thị Hoài ân cần chỉ bảo học sinh nhận biết đồ vật.
Lớp học không giáo án
Đều đặn mỗi ngày, cô Hoài vượt hơn 15km từ nhà đến trường từ sớm để chuẩn bị đồ chơi, lau dọn lớp học sạch sẽ trước khi đón học sinh vào học.
Lớp học can thiệp kỹ năng của cô Hoài có 7 học sinh. Ngoài việc kém may mắn bị khiếm thị bẩm sinh, 7 em trong lớp còn mắc thêm các chứng đa tật như tự kỷ, liệt, bại não, không thể tập trung... khiến việc dạy kỹ năng vô vùng khó khăn.
Trong lớp hai học sinh Đức Anh (6 tuổi) và Minh Châu (8 tuổi) là nặng nhất, các em không thể đứng vững, luôn phải có người đỡ bên cạnh và não không phát triển bình thường.
Nhớ lại lần đầu tiên tiếp xúc với học sinh lớp khiếm thị đa tật, cô Hoài bật khóc khi thấy em thì vịn vào cây để đi, có em lại lết chân, giơ cả 2 tay lên trời để dò dẫm di chuyển từng bước một, tất cả các em vừa đi vừa la hét, kêu gào không kiểm soát...
"Vốn trẻ khiếm thị tương lai đã mịt mờ, giờ các em mắc thêm chứng đa tật như vậy thì không biết cuộc đời sau này sẽ đi đâu về đâu" , cô tâm sự.
Các em rất đáng thương, hoàn cảnh gia đình khó khăn và không được tới trường, vì hầu hết các trường đều không nhận trẻ khiếm thị đa tật. Những ngày thời tiết thay đổi, các em đau đớn, khó chịu trong người mà không thể nói thành lời nên chỉ có thể gào thét, tự cào cấu bản thân và những người xung quanh. "Những ngày như vậy tôi không sao ngủ được, cứ nhắm mắt là lại hình dung ra gương mặt của học trò, với hốc mắt đỏ hoe, những con mắt trắng dã...", cô Hoài nói.
Dạy kỹ năng cho học sinh khiếm thị vốn đã khó, với học sinh khiếm thị đa tật thì khó hơn gấp trăm lần. Không ít lần cô mệt mỏi vì dạy mãi mà các em không tiếp thu được. Nhưng mỗi lúc như vậy cô không cho phép bản thân bỏ cuộc.
Cô hiểu các em cần sự giúp đỡ của mình để có thể phát triển bản thân. Sức lực bỏ ra cho một lớp can thiệp kỹ năng sớm đôi khi gấp 2, gấp 3 lần so với một lớp dạy hoà nhập bình thường. Bởi hầu hết trẻ đều chậm phát triển không tự chủ được hành động, vệ sinh cá nhân, cô giáo thường xuyên phải kiêm luôn nhiệm vụ dọn dẹp "bãi chiến trường" cho học trò.
"Trẻ kiếm thị đa tật rất chậm phát triển, các em luôn thường thờ ơ, không hợp tác với cô giáo. Vì vậy bản thân tôi phải như một người mẹ, thấu hiểu những tâm tư tình cảm của trẻ, thì lúc đó mới tìm ra cách giáo dục tốt nhất.
Thế giới của học sinh khiếm thị rất nhỏ bé, chúng chỉ là một mảng màu đen kịt; các em nhìn, cảm nhận thế giới bằng đôi bàn tay, đôi tai. Do vậy, người giáo viên phải luôn ân cần, nhẹ nhàng nói lời yêu thương, chỉ cần to tiếng quát mắng là trẻ sẽ gào thét, phản kháng lại và thậm chí còn ghét bỏ cô giáo" , cô Hoài chia sẻ.
Mỗi lúc học sinh không tập trung, gào thét, cô Hoài và phụ huynh phải nhẹ nhàng dỗ dành với tất cả tình yêu thương.
Yêu nghề, yêu trẻ là vậy, nhưng trong lòng cô Hoài vẫn canh cánh nỗi lo, sau 12 năm năm bám nghề, nhà nước vẫn chưa có chính sách để đón nhận và hỗ trợ dạy học với những trẻ khiếm thị đa tật này dài hạn. Chỉ một vài năm học nếu không tiến bộ thì buộc lòng nhà trường phải để các em theo học ở các trung tâm ngoài trường để nhường chỗ cho các bạn mới khác.
Vì chưa có chính sách hỗ trợ nên đồng lương của cô Hoài cũng quá thấp, chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Không những vậy, giáo viên dạy trẻ khiếm thị cũng không có trong biên chế. Hiện mức lương cô nhận được tại trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu hoàn toàn được trích từ các quỹ dự án dạy trẻ khiếm thị hoà nhập cộng đồng chứ không có lương của nhà nước trả.
Cô Hoài có hai con nhỏ, một bé 5 tuổi và một bé đang học lớp 3. Với mức lương như hiện nay, cô luôn phải chi tiêu tằn tiện nhưng vẫn rất chật vật trong cuộc sống. Chồng cô nhiều lần phản đối việc vợ dạy học vất vả nhưng lương không đủ sống và không có biến chế ổn định.
Nhiều người cũng từng trêu chọc cô rằng nghề vất vả ấy xã hội tránh không được thì cô lại lựa chọn. Những lúc như vậy cô Hoài chỉ cười và đáp: " Tôi nhận được nhiều bài học về sự kiên nhẫn, thấu hiểu, lòng yêu thương hơn là mất đi. Dù vất vả đến đâu tôi cũng không bao giờ từ bỏ nghề, từ bỏ các em".
Thiếu thốn trăm bề
Bà Phạm Thị Kim Nga, Hiệu trưởng trường Nguyễn Đình Chiểu cho biết, lớp học can thiệp kỹ năng sớm được xây dựng cách đây 4 năm. Lớp học nhằm mục đích can thiệp sớm với trẻ từ 2 tuổi trở lên những kỹ năng cơ bản như nhận biết đồ vật, làm chủ hành vi, nhận biết mặt chữ, số trước khi vào lớp 1.
Các em học sinh khiếm thị đa tật tiếp thu rất chậm, nhiều kĩ năng không thể đáp ứng được theo đúng độ tuổi. Đa phần các em học sinh bị rối loạn về hành vi, thiếu tập trung, tự kỷ, không tương tác với thầy cô, các em không thể ngồi học lâu quá 20 phút.
Do vậy, lớp học luôn yêu cầu phụ huynh phải cùng học, cùng tham gia với giáo viên để lắng nghe sự hướng dẫn của cô giáo cùng đồng hành với nhà trường để về nhà cũng có thể tự dạy con học.
Học sinh khiếm thị phân biệt đồ vật vuông tròn, nặng nhẹ theo cảm nhận của tay, các em tập nhận biết chữ nổi và số.
Trước đây khi chưa có lớp can thiệp kĩ năng, phụ huynh rất vất vả vì không biết phải gửi con vào đâu học. Bởi khi trẻ khiếm thị mắc chứng đa tật, gần như không có cơ sở giáo dục nào muốn tiếp nhận các em.
Chính vì vậy nhà trường đã mở lớp can thiệp kỹ năng sớm với mong muốn giúp các con có thể được trang bị các kỹ năng cần thiết trước khi bước vào lớp hoà nhập cùng học sinh trong đúng độ tuổi.
Mỗi học sinh được trang bị một cuốn sổ theo dõi cá nhân, hàng ngày giáo viên và phụ huynh sẽ cùng ghi chép những bài học, những tiến bộ của học sinh. Dù những chi tiết rất nhỏ như con nhận biết hình dạng đồ vật hình tròn, hình vuông, vật nặng, vật nhẹ...cũng đều được ghi chép chi tiết và cẩn thận để theo dõi quá trình tiến bộ. Sau khoảng thời gian 1 tháng, 2 tháng, 6 tháng giáo viên sẽ tổng hợp lại và cùng trao đổi với gia đình để tìm kiếm thêm những giải pháp giúp trẻ tiến bộ hơn.
Việc dạy học trẻ khiếm thị đa tật không có giáo án cụ thể, giáo viên và nhà trường phải tự xây dựng kế hoạch giảng dạy và thường xuyên điều chỉnh theo từng cá thể học sinh.
Do đó, để dạy được những trẻ đặc biệt này rất cần những giáo viên được đào tạo bài bản từ khoa giáo dục đặc biệt ở các trường đại học lớn trên cả nước. Chỉ có các cô giáo này mới hiểu được những khó khăn, vất vả và điều gì cần đối với trẻ trong quá trình dạy kỹ năng, hình thành nhân cách trước khi bước vào hoà nhập.
Học sinh khiếm thị đa tật học cách nhận biết đồ vật.
Tuy nhiên, khó khăn lớn rất là biên chế cho những giáo viên dạy lớn can thiệp kỹ năng sớm, tất cả đều chỉ là hợp đồng dài hạn, mức lương quá thấp. Nguyên nhân, giáo viên dạy lớp này chỉ tốt nghiệp ngành giáo dục đặc biệt, không có bằng giáo dục tiểu học nên không có điều kiện tham gia xét tuyển biên chế. Chính vì vậy, phần lớn các thầy cô không mặn mà với nghề và rất khó tìm giáo viên dạy mỗi đợt đầu năm học mới, bà Nga chia sẻ.
Để trẻ tự kỷ có cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn Số lượng trẻ ở Việt Nam mắc chứng tự kỷ gia tăng đáng kể và trở thành một vấn đề xã hội rất đáng quan tâm, cho đến nay người tự kỷ vẫn chưa thể hòa nhập cộng đồng do những rào cản định kiến xã hội. Chương trình thể thao thân thiện giúp trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng tại Ngày...