Ám ảnh vụ ‘xe khách lao vào vách núi’ ở ngôi trường tiểu học
“Khi xe lao vào vách núi, cô Minh giơ cánh tay kêu cứu rồi tiếng cô tắt dần, thầy Bảy văng khỏi xe nằm bất động…”, Mai, học sinh lớp 5/1 trường tiểu học Hòa Phước, Đà Nẵng nhắc lại với bạn bè vụ tai nạn 3 tháng trước ở Khánh Hòa.
Bước vào năm học mới nhưng trên khuôn mặt giáo viên và học sinh trường tiểu học số 2 Hòa Phước ( huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) hiển hiện nỗi buồn. Tiếng trống tựu trường vừa dứt, học sinh lớp 5/1 quây quanh cô bé Nguyễn Thị Ánh Mai, nhân chứng trên chuyến xe định mệnh của đoàn giáo viên và người nhà đi du lịch lao vào vách núi hôm 7/6. Vụ tai nạn đã cướp đi mạng sống của cô Mai, cô Minh, cô Thủy. 3 giáo viên khác bị thương nặng cũng không thể có mặt trong lễ khai giảng.
Bạn bè vây quanh Mai để nghe chuyện về vụ tai nạn thảm khốc cướp đi sinh mạng 3 giáo viên trường tiểu học số 2 Hòa Phước. Ảnh: Nguyễn Đông
Xúng xính trong bộ quần áo mới nhưng cô học sinh 12 tuổi bảo: “Khai giảng năm nay con buồn lắm”. Cứ nhớ đến thời khắc chiếc xe lao vào vách núi lật nhào, rồi những cánh tay của các thầy cô giữa đống đổ nát, Mai lại muốn khóc. “Từ nay con và các bạn không còn được nghe tiếng cô Minh động viên trước mỗi kỳ thi nữa rồi!”.
Là con của cô giáo trong trường, dịp nghỉ hè Mai được mẹ cho đi du lịch cùng đoàn. Khi chiếc xe khách mất thắng lao vào vách núi làm 6 người chết ở đèo Khánh Lê (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa), em bị mắc kẹt trong chiếc xe biến dạng.
Nhìn thấy cô Minh giơ cánh tay kêu cứu khi bị đá và những mảnh kính vỡ đè lên rồi lịm người đi, thầy Bảy dạy thể dục văng ra khỏi xe một đoạn nằm bất động, hay cô Bắc người bê bết máu nằm dưới dốc đèo…, Mai cố sức thoát ra ngoài và lấy điện thoại của ba gọi cho chú làm công an, báo tin về vụ tai nạn.
Mai đến bệnh viện trên xe cảnh sát giao thông với vết thương ở chân. Bố mẹ em cũng phải trải qua những ngày điều trị trong bệnh viện. “Con cũng không muốn nhớ lại nhưng vẫn luôn bị ám ảnh. Vui thì không sao, chứ cứ buồn là những hình ảnh đó lại hiện về”, cô bé tâm sự. Gần chục bạn bè vây quanh em đều nín lặng.
Nhớ về cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Mai, em Trần Quang Hiếu (lớp 4/1) kể, em biết tin về vụ tai nạn khi xem tivi. Ngày thi thể cô Mai được đưa về Đà Nẵng, Hiếu rủ các bạn đến thắp cho cô nén hương. “Chúng con đã khóc và nói với nhau mỗi tháng sẽ đến thắp hương cho cô một lần”, Hiếu nói.
Hiếu tâm sự rằng em sẽ không bao giờ quên kỷ niệm về cô Mai, người đã bỏ tiền túi để mua vở tặng mỗi học giỏi nhất lớp hai cuốn. “Cô Mai dạy dễ hiểu nên lớp con bạn nào cũng yêu quý. Cô không còn nữa, chúng con động viên nhau gắng học cho thật giỏi để không phụ lòng mong đợi của cô khi còn sống”, cậu học trò chia sẻ quyết tâm.
Học sinh lớp 5/2 trường tiểu học Hòa Phước đến thăm và giúp cô Bắc tập đi để nhanh bình phục trở lại bục giảng. Ảnh: Nguyễn Đông
Video đang HOT
Rủ nhau xuống thăm cô giáo Bùi Thị Hoài Bắc đang nằm điều trị tại nhà, nhóm học sinh lớp 5/2 cho biết cô Bắc nhận chủ nhiệm lớp khi năm học trước kết thúc. Nhưng chấn thương ở đầu, gãy xương vai… nên cô không thể đứng trên bục giảng. “Trong trường con, cô Bắc lớn tuổi nhất. Dù chưa được cô đứng lớp làm chủ nhiệm nhưng chúng con vẫn luôn quý mến cô”, học sinh Lê Nguyễn Quốc Huy nói.
Gặp cô, những cánh tay bé bỏng đặt lên vai, hay xoa đều đôi bàn tay cô đang xưng tấy. Trên khuôn mặt cô giáo 54 tuổi không giấu nổi xúc động. Gắng tập luyện, đến giờ cô đã có thể đi lại chậm chạp nhưng thị lực còn yếu, không nhìn rõ mặt chữ. “Còn một năm nữa nghỉ hưu nhưng tôi chỉ mong mình chóng khỏe để được tiếp tục đứng trên bục giảng”, cô Bắc tâm sự và cho biết thương tâm nhất vẫn là gia đình cô giáo Mai khi tai nạn đã cướp đi sinh mạng của cô và cậu con trai bốn tuổi.
Nhà cô Mai nằm khuất trong con hẻm nhỏ ở thôn Miếu Bông (xã Hòa Phước). Cạnh bàn thờ của vợ nghi ngút khói hương, thầy Phạm Công Hải (giáo viên trường THCS Hòa Châu) chia sẻ: “Vào đầu năm học mới nhưng tôi thực sự thấy hụt hẫng. Những năm trước, cứ sau lễ tựu trường của học sinh là hai vợ chồng lại cùng nhau nấu bữa cơm trưa, chiều tối chở hai con đi chơi, động viên nhau cố gắng dạy tốt. Nhưng giờ…”. Bỏ lửng câu nói, thầy Hải đưa mắt nhìn cô con gái Phạm Thị Minh Giang ngây ngô chơi đùa trước nhà.
Năm nay bé Giang vào lớp 1. Trước khi cô Mai đi du lịch, hai vợ chồng bàn tính sẽ cho con đi học tại trường tiểu học số 2 Hòa Phước để tiện đón đưa, chăm sóc. Nhưng sau đại nạn, thầy Hải đành phải cho con nhập học ở trường tiểu học gần nhà. Sáng 5/9, thầy phải dậy từ lúc 5 giờ sáng lo cho con gái ăn, việc mà trước đây cô Mai vẫn thường làm. Thắp nén hương trước di ảnh vợ, người chồng trẻ báo cáo con đã vào lớp một, gương mặt hằn nét đau đớn.
“Con bé vẫn còn ngây thơ lắm. Nhiều đêm nó khóc đòi mẹ mà tôi lại không cầm được nước mắt”, bà ngoại bé Giang nói, mắt ngấn nước.
Bé Minh Giang thắp nén hương trên bàn thờ mẹ, cô giáo Nguyễn Thị Mai, khoe: “Mẹ ơi hôm nay con vào lớp 1 rồi ạ!”. Ảnh: Nguyễn Đông
Thầy Trần Sơn, Hiệu trưởng trường tiểu học số 2 Hòa Phước, cho biết vì “khuyết” 3 giáo viên nên đầu năm học mới nhà trường được huyện bố trí thêm 4 giáo viên. Năm học này, ngoài việc dạy chương trình của Bộ, nhà trường cũng sẽ trú trọng đến giáo dục kỹ năng sống, phòng ngừa rủi ro, thảm họa, đặc biệt là tuyên truyền về Luật An toàn giao thông cho học sinh.
“Tai nạn giao thông là nỗi đau lớn, mà chuyến xe định mệnh của giáo viên và người thân trong trường là một dẫn chứng cụ thể nhất, nên việc giáo dục ý thức cho học sinh khi tham gia giao thông là điều vô cùng cần thiết và không bao giờ thừa”, thầy Sơn nói.
Khoảng 9h ngày 7/6, xe khách chở 29 người gồm các giáo viên trường tiểu học Hòa Phước 2 ( Hòa Vang, Đà Nẵng) và thân nhân đi du lịch tại Đà Lạt về lại Đà Nẵng. Khi đến đường đèo Khánh Lê (xã Sơn Thái, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa), xe chạy với tốc độ nhanh, tài xế hoảng hốt thông báo với hành khách xe bị mất thắng. Sau đó chiếc xe lao vào vách núi làm 6 hành khách (trong đó có 3 giáo viên) cùng tài xế tử vong.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Khi cử nhân xem mình như "sao"
Ra trường với tấm bằng trong tay, không ít cử nhân đặt mình ở vị trí quá cao đi kèm những thái độ, đòi hỏi thiếu thực tế là một trong những nguyên nhân họ không kiếm được việc làm hoặc mất việc.
"Ngôi sao" đi xin việc
Chị Nguyễn Anh Thư, quản lý một công ty sữa tại TPHCM cho hay mỗi lần tuyển người, họ đều phải gác hồ sơ của không ít sinh viên (SV) vừa tốt nghiệp do những đòi hỏi không phù hợp với công ty. Nhiều bạn chưa có kinh nghiệm đã yêu cầu ngay vào vị trí quản lý hay đưa ra mức lương ngất ngưởng.
Chị Thư đã từng gặp trường hợp, cử nhân quê ở Ninh Thuận, từng cộng tác cho công ty nằng nặc đòi gặp quản lý sau khi hồ sơ mình bị đánh trượt. Và đội ngũ nhân sự không khỏi choáng váng khi nghe cậu ta hỏi: "Anh chị xem, trong hàng chục hồ sơ trúng tuyển có ai bằng nổi em không?". Chỉ với thái độ đó, chị Thư cho rằng họ đã đánh rớt không nhầm người.
Nhiều cử nhân đánh mất cơ hội vì "đánh giá bản thân quá cao so với năng lực" (Ảnh minh họa).
"Không phải tất cả nhưng một khá nhiều bạn đạt bằng Giỏi cho mình ở vị trí rất cao khi đi xin việc. Các bạn có những lợi thế nhất định nhưng đưa ra những yêu cầu công ty không đáp ứng được thì đã tự mình tước mất cơ hội", chị Thư cho hay.
Tốt nghiệp tại một trường ĐH có tiếng, đặt ra yêu cầu rất cao khi xin việc như phải làm quản lý nhóm, lương không dưới 20 triệu nên hơn nửa năm nay, T.Nguyên, cử nhân Kinh tế vẫn nằm nhà. Bạn bè giới thiệu, nhìn vào quy mô công ty và mức lương là Nguyên cũng bĩu môi, chê bai đủ điều.
Cậu tuyên bố "nơi nào trả lương trên 20 triệu mới cân nhắc xin vào hay không". Cũng vì yêu cầu này mà Nguyên gửi hồ sơ đi nhiều nhưng đến vòng phỏng vấn là... ngưng. Sau mỗi lần trược, trên Facebook của Nguyên đăng ngay những nội dung "công ty cỏn con mà bày đặt" hoặc chê người tuyển dụng "không biết nhìn nhân tài".
Mất việc vì cho mình "giỏi hơn người"
Từng đồng ý mức lương trả mức lương cao ngất ngưởng cho T., cử nhân một trường Kinh tế ở TPHCM, cuối cùng ông Nguyễn Minh, chủ công ty chuyên về sản xuất bàn kệ kính tại TPHCM buộc lòng để cậu ta thôi việc.
T. nhanh nhẹn, làm được việc nhưng từ đầu vào làm việc luôn tự cho mình hơn hẳn mọi người trong công ty, cho rằng họ bằng cấp không bằng mình. Một hai lần T. yêu cầu tăng lương, ông Minh đồng ý. Cho đến khi T. tiếp tục đòi tăng lương một cách vô lý đi kèm yêu cầu phải... cho một số người nghỉ việc vì "tôi không chấp nhận làm dưới trướng mấy người này, có họ thì không có tôi" thì người được ông Minh cho nghỉ là T, dù ông thừa nhận T. là người có khả năng.
Lúc đó cậu ta vẫn rất tự đắc bảo sẽ làm riêng, lấy hết mối khách. Ra ngoài làm chủ vài tháng T. muốn quay lại nhưng ông Minh không đồng ý. "Nhiều bạn có bằng ĐH trường này trường nọ luôn tỏ thái độ cho mình giỏi hơn người khác. Không chịu khổ, thiếu tinh thần hợp tác, khiêm tốn thì giỏi mấy cũng không dùng được", ông giám đốc này khẳng định.
Đánh giá đúng bản thân giúp người lao động có thái độ tích cực trong công việc.
Bà Nguyễn Thị Mai (Hội Doanh nhân trẻ Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, bà đã từng gặp nhiều cử nhân ra trường đi làm, làm được chút gì đó đã xem mình là trung tâm, hơn hẳn những người khác. Đánh giá quá cao bản thân, họ quay sang có đòi hỏi hoặc chê bai công ty không trả công xứng đáng cho mình.
"Đánh giá mình quá cao thì mức độ gắn bó, cống hiến của họ đối với công ty trở nên hạn chế. Ai đòi hỏi không phù hợp, thái độ thiếu thiện chí tôi không giữ lại. Doanh nghiệp thà giữ một người chuyên môn chưa thật giỏi mà có tinh thần học hỏi hơn là một người luôn cho mình là số 1", bà Mai phân tích.
Thái độ của cử nhân tốt nghiệp là điều mà nhiều nhà tuyển dụng phàn nàn, trong đó đặc biệt những bạn có kết quả học tập cao dễ cho mình là "ngôi sao". Họ bị ảo tưởng về khả năng, dẫn đến sự ngộ nhận, thổi phồng về năng lực, đóng góp của mình và trở nên ngại chịu khó, khổ luyện.
Theo ông Lý Trường Chiến - Chủ tịch Trí Tri Group có thể trong quá trình học tập hay trải qua một vài cuộc thi nào đó, các bạn nhận được sự đánh giá cao của gia đình, nhà trường. Đồng thời do thiếu rèn luyện, nghèo vốn sống lẫn va chạm cuộc sống nên nhiều bạn ra trường dễ ngộ nhận về giá trị bản thân, đánh giá thiếu thực tế.
Ngoài ra, thái độ đó bắt nguồn từ tâm lý nôn nóng thể hiện mình, mong muốn có vị trí công việc, mức thu nhập như mơ. Họ quên mất rằng kết quả lẫn giá trị bản thân chỉ đến sau quá trình nỗ lực, cống hiến.
Điều này làm cho nhiều cử nhân dù học giỏi, có khả năng nhưng vẫn đánh mất nhiều cơ hội việc làm và bỏ lỡ lộ trình thăng tiến, như một tổng giám đốc điều hành trong lĩnh vực tài chính chia sẻ lựa chọn giữa đức và tài của nhân sự: "Sẽ tận dụng người giỏi vào những kế hoạch ngắn hạn để đạt được kết quả. Còn để gắn bó lâu dài, sẽ đặt vấn đề đạo đức lên trên, còn chuyên môn có thể bổ sung dần".
Hoài Nam
Theo Dantri
Bài 11: Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ kỳ án oan khuất của gia đình liệt sỹ Trong lúc huyện Thanh Trì và TP. Hà Nội chần chừ "sửa sai" vụ cấp sổ đỏ trái pháp luật ở xã Đông Mỹ, Văn phòng Chính phủ tiếp tục có văn bản chỉ đạo gửi TP. Hà Nội giải quyết quyền lợi của gia đình mẹ liệt sỹ 12 năm chìm trong đau khổ. Văn bản số 6944/VPCP-V.I ngày 20/8/2013 do ông...