Âm 17 độ C, học sinh Phần Lan vẫn đạp xe tới trường
Phần lớn trẻ em đạp xe, đi bộ đến trường dưới trời tuyết, bởi đường sá dễ đi lại và an toàn trong mùa đông.
Vào một ngày mùa đông gần đây ở Oulu, Phần Lan, khi nhiệt độ xuống âm 17 độ C, tuyết trắng phủ khắp nơi, khu đất bên ngoài Trường phổ thông hỗn hợp Metsokangas vẫn kín xe đạp.
Khoảng 1.000 trong số 1.200 học sinh đạp xe đi học mỗi ngày, ngay cả trong mùa đông. 100-150 em đi bộ, số còn lại đến trường bằng cách trượt tuyết, đi xe đẩy hoặc ôtô. Độ tuổi của học sinh tại Metsokangas từ 7 đến 17.
Bãi đỗ xe trước trường Metsokangas một ngày mùa đông. Ảnh: Pekka Tahkola
Theo MNN ngày 12/2, bức ảnh do Pekka Tahkola, kỹ sư của công ty Navico, điều phối viên về vấn đề giao thông bằng xe đạp ở thành phố Oulu chụp lại đã gây ấn tượng với hàng nghìn người.
Tahkola đã tổ chức một chuyến tham quan cho những người đến từ miền nam Phần Lan, chứng minh cho họ rằng điều kiện thời tiết không ảnh hưởng đến hoạt động đạp xe của trẻ em nơi đây.
“Chúng tôi đã ghé thăm một vài trường và nói chuyện với nhiều giáo viên, hiệu trưởng ở địa phương. Đây là một trong những ngôi trường tốt nhất, chắc chắn không phải nơi duy nhất ở Oulu mà phần lớn trẻ em đạp xe hoặc đi bộ đến trường”, anh nói.
Dù phụ huynh ở Mỹ có thể khó tưởng tượng về việc để trẻ đạp xe ngoài đường dưới trời tuyết, đó lại là chuyện bình thường ở nhiều khu vực Phần Lan. “Ngày bé, tôi cũng đến trường bằng xe đạp hoặc xe đẩy, ngay cả khi trời âm 30 độ C”, Tahkola chia sẻ.
Học sinh ở thành phố Oulu đạp xe đến trường. Ảnh: Pekka Tahkola
Video đang HOT
Là phó chủ tịch Liên đoàn Đạp xe Mùa đông, Tahkola cho biết việc đạp xe ở Oulu rất dễ dàng. Trời thường có tuyết từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Cơ sở hạ tầng được duy trì rất tốt, đường sá bảo trì thường xuyên, giúp bạn đạp xe nhanh chóng, dễ dàng và thoải mái ngay cả trong mùa đông mà không cần thay lốp đặc biệt.
Khi Tahkola đăng bức ảnh lên Twitter, anh choáng ngợp trước phản ứng của cộng đồng, chủ yếu là từ người nước ngoài. Họ chưa từng bắt gặp cảnh tượng này ở nơi mình sống.
Tuy nhiên, Tahkola thừa nhận không phải mọi trường học trong nước đều tiến bộ như vậy. Ở một số nơi, phụ huynh Phần Lan vẫn muốn đưa con tới trường.
Thùy Linh
Theo VNE
Học để hạnh phúc ở Phần Lan
Phần Lan và Bắc Âu nói chung hay được nhắc đến như một hình mẫu hoàn hảo với quá nhiều ưu điểm trong mơ. Liệu điều đó có phải là sự thật hay chỉ là "cỏ bên kia đồi vẫn luôn xanh hơn"?
Ở Bắc Âu mọi người ít nói về thành công mà quan tâm về hạnh phúc hơn. Bức tranh hạnh phúc cần nhiều mảnh ghép...
Nơi hạnh phúc là thành công
Trao đổi với nhiều nhà giáo dục Phần Lan, họ thường trích dẫn câu của Pasi Sahlberg, tác giả nổi tiếng của 2 quyển sách Bài Học Phần Lan - xuất thân vốn là một tiến sĩ kinh tế học: "Thật khó để tách rời hệ thống giáo dục Phần Lan ra khỏi chính sách xã hội và môi trường Phần Lan".
Giáo dục Phần Lan phản ánh xã hội Phần Lan. Thực chất nếu sinh ra với quốc tịch Bắc Âu, bạn có thể tự do sống ở khắp thế giới mà vẫn nhận được trợ cấp của chính phủ. Vậy nên, những người sống tại Phần Lan (và Bắc Âu nói chung) là "những người ở lại". Cảm giác kiểu như ở nhà ấy, khi bạn đã ở nhà thì bạn sẽ làm mọi thứ tốt nhất, thoải mái nhất.
Tháng 12.2018, thủ đô Helsinki khai trương Oodi, là thư viện công cộng thứ 38 trong thành phố (không tính thư viện của các trường học, bệnh viện, cơ quan) nằm ở khu vực "kim cương" - bao quanh bởi Tòa nhà Nghị viện, Tòa nhà báo chí, Trung tâm Âm nhạc, Bảo tàng Nghệ thuật hiện đại và hướng ra Quảng trường Nhân dân. Bản thân Oodi cũng là một viên kim cương với tổng giá trị đầu tư lên đến 98 triệu euro và thiết kế kiến trúc đạt nhiều giải thưởng quốc tế. Thư viện này được ví như món quà Phần Lan dành tặng người dân nhân dịp 101 năm độc lập (1917-2018).
Thư viện Oodi
Người dân Phần Lan thật sự trân quý những món quà như vậy, việc học - đọc và sử dụng những không gian văn hóa được xem là nhu cầu sinh tồn thiết yếu. Helsinki chỉ có 600.000 dân nhưng năm 2017 có đến gần 7 triệu lượt ghé thăm các thư viện, riêng thư viện Oodi dự kiến sẽ đón 10.000 lượt ghé thăm mỗi ngày (ước tính khoảng 2,5 triệu lượt ghé thăm năm 2018), nâng tổng lượt ghé thăm thư viện tại Helsinki lên đến hơn 9 triệu lượt trong năm 2018. Một thông số để so sánh: năm 2017, Anh phải đóng cửa gần 500 thư viện vì có quá ít người lui tới.
Nhìn rộng hơn, cả đất nước Phần Lan có 853 thư viện công cộng đón hơn 50 triệu lượt ghé thăm (năm 2017). Tất cả nằm trong cam kết giáo dục của Chính phủ Phần Lan từ những năm 1800 (khi chưa độc lập) rằng "không có một đứa trẻ nào phải đi bộ quá 10 phút để tiếp cận giáo dục tốt". Những ngôi làng dù nhỏ nhất ở mức 200 hộ dân cũng có trường học và thư viện riêng. Hệ thống giáo dục Phần Lan được hình thành trên cam kết và nền tảng như vậy.
Tại Phần Lan, quyền được học (và hạnh phúc) cũng cơ bản và quan trọng như cơm ăn, áo mặc. "Phần Lan không thể không tạo nên một hệ thống giáo dục tốt, vì con người là tài nguyên quý giá nhất chúng tôi có", trích lời chia sẻ một thành viên Ban Giám hiệu Đại học Turku.
Toàn bộ hệ thống giáo dục đều tập trung vào học sinh làm trung tâm, phương pháp học tập có tính cá nhân hóa rất cao, kết hợp với việc hầu hết các trường tại Phần Lan đều hoạt động phi lợi nhuận (nhận trợ cấp từ chính phủ), nên kết quả tạo ra là một hệ thống giáo dục rất đồng đều về chất lượng và phục vụ được nhiều nhóm học sinh khác nhau. Trong một báo cáo của Đại học Turku, khi đánh giá chất lượng giáo dục của một trường tại trung tâm Helsinki (thủ đô) và những trường ở vùng xa (như cực Bắc hay gần biên giới Nga) thì chất lượng đào tạo không lệch nhau quá 6%. Một kết quả như phép màu.
Với đội ngũ giáo viên chất lượng và yêu nghề, kết hợp với nền giáo dục không áp lực thi cử nên cách Phần Lan cập nhật và thay đổi chính sách và chương trình giáo dục toàn quốc là theo phương pháp "từ dưới lên". Nghĩa là Bộ Giáo dục Phần Lan sẽ kết hợp cùng Đại học Helsinki tổ chức các tọa đàm giáo dục để chọn ra những giáo viên có phương pháp giảng dạy hiệu quả nhất ở từng môn, sau đó mời họ cùng nghiên cứu để viết thành bộ quy chuẩn đào tạo phổ biến toàn quốc.
Do bất kỳ quy chuẩn hay nội dung giáo dục nào tại Phần Lan đều đã được thực nghiệm trước, nên rất ít tình trạng không áp dụng được. Đồng thời, Ban Biên soạn nội dung cũng là những người đã trực tiếp đứng lớp nên họ có trách nhiệm liên tục hỗ trợ các giáo viên trên toàn quốc để triển khai, cũng như cập nhật chương trình liên tục. Chu kỳ cũ của Phần Lan là 7 năm một lần cho đổi mới quy chuẩn giáo dục (giống như cập nhật sách giáo khoa tại Việt Nam) và họ dự kiến rút ngắn còn 3 năm một lần.
Mang được gì về Việt Nam?
Đến đây ắt hẳn bạn sẽ nghĩ "thật khó để mang giáo dục Phần Lan về Việt Nam". Đây là một nhận định đúng. Vì nền tảng sẵn có (phúc lợi xã hội, chất lượng giáo viên, hệ thống giáo dục) cộng với ưu thế về dân số thấp nên hệ thống giáo dục của Phần Lan rất đặc thù. Ngay cả những phương pháp học tập theo dự án (project-based learning) hay hiện tượng (phenomenon-based learning) với tính cá nhân hóa rất cao cũng khiến việc phát triển diện rộng (đặc biệt cho nhóm học sinh có cách tiếp thu khác như ở châu Á) cũng khó khăn hơn triển khai những chương trình chuẩn, đo lường bằng kiểm tra.
Một điểm khó khăn khác là rất hiếm có quốc gia nào (kể cả Anh, Mỹ) có đội ngũ giáo viên chất lượng cùng hệ thống giáo dục hỗ trợ học sinh và giáo viên như Phần Lan. Đã có nhiều dự án luân chuyển giáo viên Phần Lan sang dạy tại Anh, Mỹ nhưng vẫn chưa đạt nhiều thành công. Người viết cũng có dịp trao đổi với nhiều đơn vị xuất khẩu giáo dục Phần Lan sang châu Mỹ Latinh.
Họ đều loay hoay trước một đội ngũ giáo viên được đào tạo rất ít và chỉ có thu nhập tầm 300-400USD (so với mức lương trung bình khoảng 4.000USD tại Phần Lan), chưa kể đến sỉ số lớp học thì đông gấp 5-8 lần so với Phần Lan.
Hiện giáo dục Phần Lan mới có vài thành công trong xuất khẩu tại châu Âu (nơi có hạ tầng xã hội khá tương đồng) và Trung Quốc (được định vị là giáo dục cho tầng lớp siêu giàu, với toàn bộ đội ngũ giáo viên và quản lý đều từ Phần Lan sang). Vì vậy, người viết không nghĩ giáo dục Phần Lan có thể xuất hiện tại Việt Nam với hình thái trọn vẹn trong thời gian gần (trừ khi có những đối tác hay chính sách đặc biệt).
Cá nhân người viết nghĩ rằng có 3 điểm các nhà quản lý và vận hành giáo dục cũng như phụ huynh có thể áp dụng ngay từ bài học Phần Lan. Trước hết, luôn lấy người học làm trung tâm - ưu tiên cao nhất cho việc kích thích trí tò mò và đam mê học hỏi. Trung bình một học sinh Phần Lan chỉ cần tốn 30 phút mỗi ngày để làm bài tập nhưng thời lượng tự nguyện học tập và tìm hiểu luôn cao hơn rất nhiều. Điểm khác biệt đó là điều học sinh muốn làm, chứ không phải bị ép làm.
Bên cạnh đó, đầu tư vào đội ngũ giáo viên, trao cho họ công cụ, kiến thức, niềm tin và đặc biệt cần có phúc lợi tương xứng. Cuối cùng là học cách kiểm soát kỳ vọng của bản thân và đồng hành cùng con cái, đừng chỉ đánh giá qua điểm số. Điểm số là cách dễ nhất và lười biếng nhất mà người lớn có thể dùng để đánh giá con trẻ. Nếu bạn muốn có những đứa trẻ đặc biệt, đừng cư xử với chúng một cách tầm thường.
(*): Chương trình Vietnam Market Access Program do Chính phủ Phần Lan tổ chức
Theo nhipcaudautu
10 lý do giáo dục Phần Lan đứng top đầu thế giới Phần Lan không có các bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa, không có trường học tư, không dạy và học kiểu nhồi nhét kiến thức... nhưng thường xuyên đứng đầu thế giới về giáo dục. Học sinh Phần Lan thường bắt đầu giờ học trên lớp vào lúc 9h sáng. Ảnh: Riku Isohella. Nhiều chuyên gia giáo dục phương Tây đã tổng kết...