Ai quản vốn doanh nghiệp nhà nước?
“Trọn gói” những vấn đề về phát triển kinh tế, doanh nghiệp (DN) nhà nước, kinh tế tư nhân đang được thảo luận tại Hội nghị trung ương 5.
“Vẫn còn tư duy cái nào thuận lợi, “miếng nào ngon” thì DN nhà nước “xơi”, vì thế có tình trạng chậm trễ trong cổ phần hóa các DN nhà nước”
Ông NGUYỄN VĂN THÂN
PV trao đổi với các chuyên gia kinh tế để cùng tìm lời giải cho câu hỏi mà Tổng bí thư đã đặt ra: Vì sao những hạn chế, yếu kém của DN nhà nước đã được chỉ ra từ lâu nhưng qua nhiều nhiệm kỳ đến nay tình hình vẫn chậm chuyển biến, thậm chí có mặt còn trầm trọng hơn?
Tách bạch quản lý vốn với quản lý nhà nước
Cùng với việc đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, một trong những giải pháp để quản lý DN nhà nước hiệu quả hơn đó là bỏ cơ chế bộ chủ quản để thiết lập mô hình quản lý DN nhà nước phù hợp.
Ông Đặng Quyết Tiến – phó cục trưởng Cục Tài chính DN, Bộ Tài chính – cho rằng để nâng cao hiệu quả quá trình cổ phần hóa cũng như tái cấu trúc DN nhà nước, mô hình mới phải tách bạch chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng đại diện chủ sở hữu vốn.
Có nghĩa là các bộ chỉ chuyên tâm với việc nghiên cứu, ban hành các chính sách để DN, người dân yên tâm kinh doanh. Khi tách được chức năng này sẽ không còn việc tình trạng bộ máy hành chính nhà nước can thiệp vào hoạt động kinh doanh của DN.
Thực tế, mô hình DN quản lý vốn nhà nước là phù hợp vì đã bước đầu hình thành ở VN qua Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), đảm bảo yêu cầu là tách được chức năng chủ sở hữu vốn với chức năng quản lý nhà nước.
Ông Nguyễn Xuân Thành, Đại học Fulbright VN, cũng cho rằng cần tách bạch quản lý vốn và quản lý nhà nước. Bởi nếu lập ủy ban quản lý vốn nhà nước hoạt động như một cơ quan nhà nước thì khó mà xóa được nhóm lợi ích bởi các bộ ngành vẫn muốn giữ DN nhà nước.
Do đó, việc tách vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN ra khỏi vai trò quản lý nhà nước là cần thiết.
Trước hết chỉ nên tách những DN kinh doanh thuần túy, tương đương khoảng 30-40% vốn nhà nước cũng sẽ mang lại hiệu quả.
Video đang HOT
Còn theo ông Trần Hữu Huỳnh, nguyên trưởng ban pháp chế Phòng Thương mại và công nghiệp VN (VCCI), Hiến pháp 2013 đã xác lập vị trí cho kinh tế tư nhân, là được “bình đẳng, hợp pháp và cạnh tranh”.
Đây sẽ là nền tảng cho sự cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế, khi tất cả đều được bình đẳng như nhau.
Tuy nhiên, quan trọng là cần có cơ chế để kiểm soát, quản lý tốt hơn nữa về pháp luật cạnh tranh giữa kinh tế tư nhân và kinh tế nhà nước.
“Có nghĩa là DN tư nhân và DN nhà nước cần được cạnh tranh sao cho đúng về mặt bản chất, trên cơ sở rạch ròi cái gì DN tư nhân được làm, được tham gia.
Tôi đề nghị cần có một điều tra tổng thể, chặt chẽ và khoa học để đánh giá, phân loại về vấn đề này, và thiết lập những lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn nào mà DN tư nhân không được phép tham gia.
Còn lại thì mở cửa hết tất cả để khối này có thể tiếp cận được nguồn vốn, thông tin, chính sách như bao thành phần kinh tế khác một cách bình đẳng” – ông Huỳnh khuyến nghị.
Sớm chấm dứt cảnh “cha chung không ai khóc”
Khối DN tư nhân mặc dù còn nhiều hạn chế như quy mô nhỏ và sức cạnh tranh còn yếu nhưng ngày càng đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế, khi chiếm tới hơn 40% GDP, 30% tổng giá trị công nghiệp.
Khối DN tư nhân cũng chiếm tới 35% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và thu hút 51% lực lượng lao động của cả nước.
Thế nhưng trong việc tiếp cận nguồn lực thì DN tư nhân luôn bị yếu thế, bị đối xử thiếu công bằng và gần như phải “tự bơi” trên thương trường.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thân, chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa trong đó chủ yếu là khối tư nhân, đã thẳng thắn chỉ ra thực tế DN nhà nước được xem là những “ông lớn” nên được tiếp cận nguồn lực ưu đãi tốt hơn DN tư nhân.
Điều đặc biệt là trong khi DN tư nhân nếu rơi vào thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả thì phải tự chịu trách nhiệm, nhưng với DN nhà nước dù sử dụng vốn ngân sách nhà nước lãng phí, để thất thoát vốn nhưng vẫn không bị xử lý rõ trách nhiệm.
“Chính phủ, Thủ tướng luôn kêu gọi tạo mọi điều kiện để các thành phần kinh tế tiếp cận các nguồn lực được bình đẳng.
Tuy nhiên, việc triển khai xuống dưới rất chậm trễ và có sức ì lớn. Vẫn còn tư duy cái nào thuận lợi, “miếng nào ngon” thì DN nhà nước “xơi”, vì thế có tình trạng chậm trễ trong cổ phần hóa các DN nhà nước.
Nói là cổ phần hóa các DN nhà nước, mở cửa cho các thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là tư nhân, nhưng thực tế việc cổ phần hóa rất chậm” – ông Thân nhìn nhận.
Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP cơ điện lạnh REE, cho rằng việc cần làm ngay là phải xây dựng một môi trường pháp lý sao cho công bằng, minh bạch giữa DN tư nhân và DN nhà nước.
Gắn với đó là cần phải tạo thêm cơ hội cho khối tư nhân được phát triển song hành cùng DN nhà nước, trên cơ sở quyết liệt cổ phần hóa, thoái vốn ở những lĩnh vực mà Nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối.
“Nếu làm như vậy, khối DN tư nhân sẽ được tham gia quản trị các DN lớn đã không còn của Nhà nước.
Tôi tin chắc tình trạng đổ vỡ vì quản lý yếu kém, thua lỗ, “cha chung không ai khóc” sẽ giảm đi, thậm chí không tái diễn khi các thành phần kinh tế khác được tham gia vào DN nhà nước sau khi cổ phần hóa.
DN cổ phần sẽ hoạt động hiệu quả hơn, qua đó xã hội, người dân và cả Nhà nước được hưởng lợi khi các DN này tạo ra việc làm, có lợi nhuận, đóng góp thuế cho Nhà nước” – bà Thanh nói.
(Theo Tuổi Trẻ)
Bộ Công an "điểm mặt" tham nhũng tiềm ẩn trong khối doanh nghiệp nhà nước
Nói về tình hình tội phạm kinh tế và tham nhũng tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình phòng, chống tội phạm đến năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo 138/CP diễn ra sáng 7/3, đại diện Bộ Công an nhấn mạnh những tiêu cực, tham nhũng tiềm ẩn trong quản lý, vận hành ở các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước...
Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu tại hội nghị.
Theo báo cáo tổng kết do Trung tướng Đỗ Kim Tuyến - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an, năm 2016, toàn quốc xảy ra 54.500 vụ phạm pháp hình sự (giảm 4,4% so với 2015). Nổi lên là vấn đề hoạt động của tội phạm có tổ chức có dấu hiệu phức tạp trở lại trên nhiều địa bàn. Nhiều băng nhóm lưu manh, côn đồ sử dụng vũ khí, hung khí để thực hiện hành vi phạm tội, có vụ vài chục đối tượng tham gia, gây bức xúc, lo lắng trong xã hội. Tội phạm giết người gia tăng, nhất là các vụ giết người do mâu thuẫn, thù tức cá nhân, bột phát xảy ra nhiều, một số vụ đặc biệt nghiêm trọng gây phẫn nộ dư luận.
Cụ thể, tội phạm kinh tế và tham nhũng được đánh giá vẫn diễn ra phức tạp, tinh vi, xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, lĩnh vực với tính chất nghiêm trọng, nhất là tội phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng vẫn là nguy cơ lớn đối với hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
Đáng lo ngại, theo đại diện Bộ Công an, là tiềm ẩn tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư công, quản lý, vận hành ở các tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, gây thất thoát lớn nguồn vốn của nhà nước.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra ngày càng phổ biến trên nhiều lĩnh vực, nhất là lợi dụng kinh doanh đa cấp lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo công nghệ cao, đánh bạc qua internet. Báo cáo của Bộ Công an nhấn mạnh hiện tượng gần đây xảy ra vụ tin tặc tấn công mạng máy tính của sân bay tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp về an ninh, an toàn hàng không.
Tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường được khái quát là diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc biệt, năm 2016, liên tiếp xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt trên biển, sông, kênh rạch; nổi cộm nhất là thảm hoạ môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.
Tình hình tội phạm mua bán người mặc dù giảm 6% số vụ nhưng tăng 12% số nạn nhân. Việt Nam vẫn là điểm nóng của tình trạng mua bán người và di cư bất hợp pháp, nhất là mua bán phụ nữ, trẻ em gái để hoạt động mại dâm; đưa người trái phép ra nước ngoài lao động thời vụ, du lịch, học tập, thăm thân, chữa bệnh... tiềm ẩn nguy cơ bị mua bán. Hiện tượng lợi dụng quy định về hiến gáp tạng để mua bán tạng trái phép cũng được đề cập.
Tội phạm về ma tuý tiếp tục gia tăng với những vụ vận chuyển ma tuý số lượng lớn, các đối tượng luôn sử dụng vũ khí nóng trên tuyến biên giới Lào vào Việt Nam. Các vụ học viên cai nghiện đập phá, gây rối tại các trại cai nghiện rồi trốn ra ngoài gây hoang mang trong dư luận, cộng đồng.
Cơ quan công an cũng nhắc đến hiện tượng xuất hiện nhiều loại ma tuý mới như "cỏ Mỹ", "lá Khát", "tem giấy", "bùa lưỡi" có xu hướng gia tăng, đang trở thành trào lưu trong giới trẻ, học sinh, sinh viên nhưng chế tài xử lý còn gặp khó khăn, ảnh hướng đến công tác phát hiện, điều tra xử lý về hình sự.
Những con số cụ thể được thống kê, cả năm 2016, lực lượng bảo vệ pháp luật đã khám phá gần 42.600 vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý 80.200 đối tượng, đạt tỷ lệ trên 78%. Trong đó, có 16.800 vụ phạm tội về kinh tế, 244 vụ tham mĩnh được phát hiện; gần 700 vụ liên quan đến sử dụng công nghệ cao phạm tội, xử lý 17.600 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; triệt phá trên 18.700 vụ án ma tuý; khám phá 204 vụ mua bán người.
Tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP khẳng định, năm 2016 công tác phòng, chống tội phạm đạt được những kết quả tích cực với con số nổi bật là tỷ lệ 4,4% số vụ phạm pháp hình sự được kéo giảm. Công tác tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố có chuyển biến tích cực, đạt 90,15%, tăng 0,15%;
Công tác đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, nhất là tội phạm có tổ chức ở 18 địa bàn trọng điểm được tăng cường, có chiều sâu; tỷ lệ điều tra, khám phá các loại tội phạm đạt 81,8%, tăng 0,5%, vượt nhiều chỉ tiêu Quốc hội đề ra; trong đó đã tập trung điều tra, khám phá nhanh nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng về hình sự, kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, ma túy phức tạp, được nhân dân đồng tình và đánh giá cao.
"Kết quả trên, đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo ra môi trường xã hội lành mạnh, phục vụ có hiệu quả sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội và đối ngoại của đất nước" - Tướng Lê Quý Vương khẳng định.
P.Thảo
Theo Dantri
Chuyên gia 'mổ xẻ' tài sản 'khủng' của bà Hồ Thị Kim Thoa "Nếu bà Thoa là đại diện cho vốn Nhà nước tại công ty thì câu chuyện ở đây rất đáng bàn cho ra nhẽ" - ông Đỗ Thiên Anh Tuấn. LTS: Xung quanh câu chuyện đang được dư luận quan tâm về khối tài sản &'khủng' của bà Hồ Thị Kim Thoa, thứ trưởng Bộ Công thương, Tuần Việt Nam có cuộc trao...