Ai mua Zalo?
Bên cạnh thông tin đồn đoán VNG đã bán Zalo cho công ty Tencent của Trung Quốc, lại có thông tin cho rằng Tập đoàn Viễn thông Quân đội ( Viettel) cũng ngỏ ý mua Zalo…
Ở trường hợp thứ nhất, ông Vương Quang Khải, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần VNG (đơn vị sở hữu Zalo) khẳng định là không chính xác, cho dù, trước đây có thông tin Tencent của Trung Quốc là cổ đông lớn của VNG (không rõ tỉ lệ sở hữu).
Trong khi, với thông tin Viettel ngỏ ý mua Zalo, theo ông, “VNG đã khá ngỡ ngàng trước đề nghị mua lại Zalo của lãnh đạo Viettel trong năm 2013, dù đây là sự công nhận của thị trường đối với vị thế của sản phẩm”.
Xây để bán?
VNG chính thức cung cấp dịch vụ OTT (ứng dụng nhắn tin, gọi miễn phí) với thương hiệu Zalo ra thị trường tháng 8/2012 (bản thử nghiệm) và 4 tháng sau ra bản chính thức. Đến thời điểm giữa tháng 1/2014, VNG công bố đạt 7 triệu người dùng, đứng thứ 2 tại thị trường trong nước, sau Viber. Một tốc độ phát triển người dùng có thể coi là khá thành công.
Theo đại diện một mạng viễn thông, chưa nói đến công nghệ hay tính năng của sản phẩm, nếu số thuê bao trên là chính xác và người dùng sử dụng dịch vụ thường xuyên thì có thể đánh giá mạng OTT này tương đối là ổn và rất tốt ở số lượng thuê bao. Vì thế, theo ông, Zalo hoàn toàn có cơ sở để nhà mạng mua để bổ sung, đa dạng hóa các phương thức kinh doanh và thích ứng với xu hướng phát triển công nghệ.
“Nếu mua OTT để kinh doanh, các telco (nhà mạng) sẽ điều chỉnh để đảm bảo lợi ích, phù hợp với chiến lược kinh doanh, chứ không triệt tiêu và có thể điều chỉnh bằng nhiều cách”, đại diện nhà mạng trên nói.
Sự sốt sắng thông tin liệu VNG có bán Zalo hoặc có ai mua Zalo càng được cộng hưởng, khi những OTT hàng đầu trên thế giới dồn dập được các công ty công nghệ lớn mua lại trong thời gian gần đây. Như Facebook mua WhatsApp với giá 19 tỉ USD, còn Viber bán cho hãng thương mại điện tử Rakuten (Nhật Bản) với giá 900 triệu USD. Tất nhiên, so về giá trị thương hiệu cũng như số người dùng thì Zalo còn thua xa.
Video đang HOT
Theo ông Vương Quang Khải, OTT là xu hướng nổi bật của ngành mobile thế giới thời gian qua. Các sản phẩm OTT đã cung cấp khả năng liên lạc miễn phí, đưa ra một mô hình kinh doanh các mạng, vì vậy, một số tập đoàn công nghệ lớn mua lại các OTT là con đường tốt nhất để nhanh chóng đuổi kịp làn sóng mobile. Bởi vậy, ông nói, động thái quyết liệt mua OTT của Facebook và Rakuten là để tránh trở thành lỗi thời trước xu hướng công nghệ mới.
Nhưng, vị Phó tổng giám đốc VNG cũng từ chối xác nhận khả năng VNG xây Zalo để bán. Ông chỉ nói đơn giản, VNG coi việc cạnh tranh giữa Zalo với các sản phẩm quốc tế là một sự “lãng mạn” lớn của những người làm kĩ thuật.
Dĩ nhiên, nếu được mua bằng rất nhiều tiền, biết đâu VNG có thể sẽ nghĩ lại việc bán Zalo. Đây là điều không thể nói trước.
Nhà mạng nói gì về việc mua OTT?
Cho dù có thông tin Viettel đề nghị mua lại Zalo như đã nêu trên, mới đây, trao đổi với VnEconomy, một vị Phó tổng giám đốc Viettel vẫn cho rằng, việc mua một doanh nghiệp OTT để cùng hợp tác kinh doanh là rất khó, vì một bên là cho khách hàng sử dụng dịch vụ miễn phí, còn một bên là bán dịch vụ thu tiền.
Trong khi MobiFone và VinaPhone đã tiết lộ thông tin dự kiến cung cấp dịch vụ OTT của chính nhà mạng, thì việc nhà mạng lớn Viettel cũng tự đầu tư phát triển OTT là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
“Nếu VNG bán Zalo sẽ chỉ được một khoản tiền nhất thời nhưng mất một phần trong hệ sinh thái và khi hệ thống mà không đầy đủ thì sẽ không chạy được hoàn hảo và mất đi hiệu quả về sau. Hoặc nếu bán thì VNG sẽ phát triển một OTT khác”, đại diện một nhà mạng khác nói.
Hơn nữa, ông nói, xu hướng doanh nghiệp viễn thông mua OTT hiện chưa rõ ràng, cũng như “cuộc chiến” giữa nhà mạng và OTT chưa có thắng thua phân bại.
Theo ông, về lâu về dài thì chưa biết “cuộc chiến” trên sẽ như thế nào. Nhưng, trong khi bây giờ, một số OTT như Viber hay WhatsApp tạm gọi là bán mình rồi. “Nếu có tiềm năng hơn giá trị mà các doanh nghiệp bỏ ra thì chắc gì các OTT trên đã đã bán”, ông nói.
Và nhìn nhận, khi các nhà mạng cung cấp OTT của mình, cộng với lợi thế là có hạ tầng mạng 3G sẵn có mà OTT sẽ phải “chạy” qua, nếu có được công nghệ tốt và chất lượng dịch vụ phong phú, ổn định, xem ra OTT của nhà mạng có thể có cơ thắng nhiều hơn.
Theo VnEconomy
Những "người mới" ở thị trường OTT Việt liệu còn cơ hội?
Với sự kiện cả 3 nhà mạng đại gia ở Việt Nam và một ứng dụng ngoại công bố sẽ tham gia thị trường ứng dụng OTT trong khoảng thời gian gần đây, có thể thấy "mảnh đất" OTT ngày càng chật chội và có thể sẽ chứng kiến cuộc cạnh tranh của các đối thủ mới và cũ. Liệu các đối thủ mới có lợi thế gì trong cuộc chiến này?
Nhà mạng đang chuẩn bị làm OTT
Lợi thế của các đối thủ mới
Rõ ràng là những người đang nắm đằng chuôi ở thị trường OTT Việt Nam chính là các nhà mạng. Với vũ khí 3G trong tay, các nhà mạng có thể cạnh tranh vớicác đơn vị OTT bằng nhiều cách. Nhắc thêm rằng, Viettel và VNPT (chủ quản Vinaphone và Mobifone) hiện đang là hai trong số ba nhà mạng internet lớn nhất Việt Nam. Khi đó, nếu sở hữu một ứng dụng OTT, các nhà mạng Viettel, Vinaphone, Mobifone chỉ đơn giản là miễn phí lưu lượng dịch vụ nào đó cho "con cưng" của mình là đủ khiến các đối thủ khác liêu xiêu.
Hơn nữa, nguồn vốn trong tay các nhà mạng là không hề nhỏ. Với doanh thu hàng trăm nghìn tỷ đồng mỗi năm, cũng như lợi nhuận ngót nghét vài nghìn tỷ đồng, họ có nguồn vốn lớn nếu muốn hỗ trợ cho ứng dụng OTT và "thay máu" kinh doanh của mình.
Một lợi thế khác của các nhà mạng là vấn đề chính sách. Nhìn ở mặt tổng quan có thể thấy các nhà mạng là người có thể tác động tới các vấn đề chính sách tốt hơn các doanh nghiệp OTT cả nội lẫn ngoại ở Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng không loại trừ khả năng nhà mạng sẽ "mua đứt" các ứng dụng hiện đang có mặt ở Việt Nam để kinh doanh. Ví như tin tức về việc Viettel mua Kakao Talk thời gian vừa rồi có thể được hiểu là Viettel muốn mua quyền kinh doanh của Kakao Talk ở riêng thị trường Việt Nam.
Một doanh nghiệp OTT ngoại mới tham gia thị trường Việt là BeeTalk, một công ty từ Singapore có mối liên hệ với Garena. BeeTalk sở hữu một cộng đồng khá lớn ở Việt Nam, thông qua việc "hợp tác" với Garena. Tại một số quốc gia, người dùng cài đặt hàng loạt BeeTalk chỉ bởi lý do họ sẽ được miễn phí một trang phục (skin) của nhân vật trong Liên Minh Huyền Thoại (LOL) hoặc một số ưu đãi khác. Việc sở hữu cộng đồng của tựa game hot nhất Việt Nam và đa số lứa tuổi của họ là giới trẻ là thế mạnh của BeeTalk.
Garena Việt Nam đang có động thái quảng bá BeeTalk rất tích cực.
Một thị trường ít rào cản
Không giống như ở các trang web, rào cản cho các ứng dụng OTT gia tăng người dùng không lớn. Nếu như trước kia các mạng xã hội ở Việt Nam muốn cạnh tranh với Facebook phải chịu rào cản lớn là không thể lôi kéo người dùng vốn đã có "cộng đồng" sẵn trên Facebook qua sản phẩm của họ. Thì nay các ứng dụng OTT mới ra đời không có khó khăn như vậy khi gia nhập thị trường Việt Nam. Bởi vì phần nhiều việc kết bạn của người dùng với các thành viên khác trên OTT thông qua 2 dữ liệu: dữ liệu danh bạ điện thoại di động và bạn Facebook.
Trừ khi ở Việt Nam có một ứng dụng OTT thâu tóm thị trường và thâm nhập sâu vào đời sống mới khiến các ứng dụng mới tham gia thị trường gặp. Ví dụ như sự thành công của Line ở Nhật Bản, Kakao Talk ở Hàn Quốc có thể gây khó khăn nhất định cho các ứng dụng mới.
Còn hiện tại ở Việt Nam, chưa có ứng dụng nào có ưu thế áp đảo với số còn lại. Chỉ có vài ba ứng dụng có lượng người dùng lớn hơn các đối thủ còn lại. Vì thế, trong cuộc sống thường nhật, người dùng thường sử dụng song song. Ví như các shop bán hàng thường sử dụng 1 số liên lạc cho Zalo, LINE, Viber và người dùng dùng app nào thì gọi tới số đó mà thôi.
Cũng chính vì ít rào cản gia nhập, nên những đối thủ mới không phải quá khó khăn để giành giật thị trường với các đối thủ lớn, nhất là khi họ có các lợi thế kể trên.
Vì thế, hứa hẹn là với sự tham gia của 3 nhà mạng đại gia và đối thủ BeeTalk, thị trường OTT Việt Nam sẽ có những cạnh tranh gay gắt trong những tháng tiếp theo.
Theo Trí thức trẻ
Nokia X chính thức cập bến thị trường Việt Với mức giá vừa công bố 2.549.000 đồng, Nokia X chính thức trở thành chiếc smartphone cảm ứng giá rẻ nhất của nhà sản xuất Phần Lan. Nokia X là một trong ba model thuộc dòng điện thoại thông minh đầu tiên được trang bị các ứng dụng Android, tích hợp các dịch vụ Microsoft và tiện ích độc quyền từ Nokia. Cảm...