Ai là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp?
Nghị định hướng dẫn Luật Chứng khoán 2019 đang được khẩn trương xây dựng để kịp thời ban hành trước thời điểm Luật có hiệu lực vào ngày 1/1/2021. Một vấn đề được thị trường quan tâm là những hướng dẫn xung quanh quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán. Ảnh: Dũng Minh.
Mở rộng khái niệm
Luật Chứng khoán 2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 và đang có hiệu lực có quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo đó, nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, chỉ có một số tổ chức đặc thù được xác định là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm các ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tổ chức kinh doanh bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán. Các nhà đầu tư cá nhân được coi là nhà đầu tư “không chuyên”.
So với quy định hiện hành, Luật Chứng khoán mới mở rộng quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm cả các cá nhân và các tổ chức khác.
Theo đó, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là nhà đầu tư có năng lực tài chính hoặc có trình độ chuyên môn về chứng khoán.
Đối với tổ chức, ngoài các ngân hàng, công ty bảo hiểm, công ty tài chính… như quy định hiện hành, Luật mới thừa nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp của các pháp nhân là các công ty có vốn điều lệ đã góp đạt trên 100 tỷ đồng, các doanh nghiệp niêm yết, doanh nghiệp đăng ký giao dịch.
Ngoài ra, một số cá nhân đạt điều kiện nhất định cũng được công nhận là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bao gồm người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán; cá nhân nắm giữ danh mục đầu tư ít nhất 2 tỷ đồng hoặc cá nhân có thu nhập chịu thuế ít nhất 1 tỷ đồng.
Theo Luật mới, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được tham gia các đợt chào bán chứng khoán (bao gồm cổ phiếu và trái phiếu) riêng lẻ của công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán. Đối với quỹ thành viên, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được tham gia góp vốn.
Tiêu chí xác định
Video đang HOT
Luật mới giao Chính phủ quy định chi tiết cách xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Chứng khoán 2019.
Điều thị trường quan tâm là vấn đề xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng như các thủ tục, tài liệu cần có để chứng minh và xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với các cá nhân.
Dự thảo Nghị định lần 2 quy định trách nhiệm xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thuộc về 2 nhóm: một là tổ chức phát hành, công ty quản lý quỹ chào bán chứng khoán riêng lẻ; hai là công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư giao dịch mua chứng khoán, tổ chức lưu ký trái phiếu chào bán riêng lẻ.
Hiện nay, các nhà đầu tư thoải mái tham gia các đợt phát hành trái phiếu cũng như cổ phiếu riêng lẻ, nhưng sắp tới có thể sẽ khác.
Xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đối với tổ chức có phần dễ dàng khi chỉ cần căn cứ vào giấy phép, vốn điều lệ hoặc tình trạng niêm yết, đăng ký giao dịch của tổ chức, đối với cá nhân có chứng chỉ hành nghề mối giới chỉ cần nộp chứng chỉ.
Đối với các nhà đầu tư còn lại, để xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cần có xác nhận của các công ty chứng khoán nơi nhà đầu tư mở tài khoản giao dịch chứng khoán về giá trị thị trường của các danh mục đầu tư để chứng minh giá trị đầu tư từ 2 tỷ đồng trở lên.
Với trường hợp thu nhập chịu thuế từ 1 tỷ đồng trở lên, cần có hồ sơ khai thuế đã nộp cho cơ quan thuế hoặc chứng từ khấu trừ thuế trong năm gần nhất trước thời điểm xác định tư cách là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đánh giá về các quy định này, ông Nguyễn Kim Long, Giám đốc Luật và Kiểm soát nội bộ, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, dự thảo lần 2 đã quy định khá cụ thể về ai sẽ là người xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp và tài liệu cần để chứng minh.
Theo ông Long, còn một số vấn đề nhỏ đang được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn thiện, chẳng hạn nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đã được xác định khi mua chứng khoán chào bán riêng lẻ thì không phải xác định lại khi bán chứng khoán đã mua để tiết kiệm thời gian, công sức của các bên.
Nhà đầu tư đã được một công ty chứng khoán xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong vòng một năm thì có thể dùng xác nhận này để giao dịch ở công ty khác mà không cần phải nộp lại tài liệu chứng minh đủ điều kiện.
“Tôi nghĩ đây là một ý hay để giảm bớt việc một nhà đầu tư phải xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp nhiều lần. Giải pháp tốt hơn nữa là có cơ sở dữ liệu nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tập trung để các bên tham gia giao dịch truy cứu mà không phải xác định hoặc xác nhận lại, tuy nhiên, có lẽ chưa có giải pháp kỹ thuật khả thi ở thời điểm này”, ông Long nhận xét.
Giảm bớt rủi ro cho các bên
Đối với các quy định liên quan nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, một nhà đầu tư cho biết, về cơ bản, danh mục đầu tư của ông đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật.
Theo nhà đầu tư này, ngoài yếu tố định lượng là giá trị đầu tư lớn theo quy định, nếu đã gọi là chuyên nghiệp thì cần yếu tố định tính để đảm bảo tiêu chí chuyên nghiệp. Nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng cần có chuyên môn phù hợp, có kiến thức chuyên sâu nhất định.
Liên quan đến vấn đề này, ông Long cho rằng, thuật ngữ chuyên nghiệp không có nghĩa là giỏi hơn hoặc các nhà đầu tư khác thì không chuyên nghiệp bằng.
Trong ba tiêu chí để xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân thì chỉ có một tiêu chí người có chứng chỉ hành nghề chứng khoán là nói đến trình độ chuyên môn.
Mục đích của việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là để phân loại, xác định các nhà đầu tư chứng khoán có khả năng chịu rủi ro cao hơn và như thế họ có thể đầu tư vào các sản phẩm tài chính có mức độ rủi ro cao.
Quy định phân loại nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cũng giúp nhà đầu tư nâng cao trách nhiệm về các quyết định đầu tư. Một số nước dùng thuật ngữ nhà đầu tư có tài sản lớn (high-net-worth individuals) cũng cho mục đích này.
Trước mắt, theo quy định của Luật Chứng khoán 2019, chỉ có các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được tham gia vào các đợt chào bán chứng khoán riêng lẻ (bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu), góp vốn vào quỹ đầu tư chứng khoán thành viên.
“Các tiêu chí để xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo Luật Chứng khoán không quá khắt khe, do đó, tôi nghĩ sẽ không thiếu hụt nhà đầu tư cho các đợt phát hành chứng khoán riêng lẻ. Về lâu dài, quy định này giúp giảm bớt rủi ro cho nhà đầu tư, giảm bớt rủi ro cho tổ chức phát hành và các tổ chức tư vấn nên sẽ có lợi cho sự phát triển chung của thị trường”, ông Long nói.
Nghị định 81/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 9/7/2020 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 163/2018/NĐ-CP quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2020 có điểm đáng lưu ý: Giữ nguyên quy định về số lượng nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp tham gia giao dịch trái phiếu. Trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ vẫn được giao dịch trong phạm vị dưới 100 nhà đầu tư (không kể nhà đầu tư chuyên nghiệp) trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành đợt phát hành.
Tuy nhiên, Luật Chứng khoán mới chỉ cho phép nhà đầu tư chuyên nghiệp được tham gia đầu tư trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ.
"Mạnh tay" đình chỉ hoạt động của các công ty chứng khoán
Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 210/2012/TT-BTC ngày 30/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán. Tại dự thảo Thông tư này, một trong những vấn đề hiện được thị trường quan tâm là việc đình chỉ hoạt động của công ty chứng khoán.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Hướng dẫn hoạt động của công ty chứng khoán. Ảnh: ST
Quy trình đình chỉ hoạt động chặt chẽ
Dự thảo Thông tư quy định, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quyết định đình chỉ một, một số hoặc toàn bộ hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán trong các trường hợp quy định tại Điều 94 Luật Chứng khoán như sau: hồ sơ đề nghị cấp, bổ sung Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán có thông tin sai sự thật; không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt theo quy định tại Điều 92 Luật Chứng khoán; hoạt động sai mục đích hoặc không đúng với nội dung quy định trong Giấy phép; không đáp ứng được điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật Chứng khoán hoặc điều kiện vốn chủ sở hữu không thấp hơn vốn điều lệ tối thiểu sau thời hạn khắc phục quy định tại khoản 2 Điều 85 của Luật Chứng khoán.
Theo thống kê của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trên thị trường hiện có 83 công ty chứng khoán có giấy phép hoạt động, trong đó 74 công ty chứng khoán là thành viên của các Sở Giao dịch Chứng khoán. Số lượng và quy mô của các công ty chứng khoán thay đổi theo hướng giảm dần về số lượng và gia tăng về chất lượng (thời điểm năm 2010 trên thị trường có tới 105 công ty).
Sau khi nhận được giấy đề nghị đình chỉ hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán, phương án xử lý tài khoản của khách hàng, quyết định của đại hội đồng cổ đông về việc đình chỉ hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán, trong thời hạn 7 ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán.
Trường hợp công ty chứng khoán không đáp ứng điều kiện kinh doanh chứng khoán, trong thời hạn 15 ngày, công ty chứng khoán phải có phương án xử lý tài khoản khách hàng gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời hạn 10 ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đình chỉ một, một số hoặc toàn bộ nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán.
Trường hợp công ty chứng khoán không khắc phục được tình trạng kiểm soát đặc biệt, trong thời hạn 15 ngày, công ty chứng khoán phải có phương án xử lý tài khoản khách hàng gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Trong thời hạn 10 ngày, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đình chỉ toàn bộ hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán.
Trường hợp công ty chứng khoán vi phạm các quy định của pháp luật, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận được quyết định/thông báo của Tòa án, Viện Kiểm sát về việc vi phạm pháp luật của công ty chứng khoán hoặc người đại diện theo pháp luật của công ty chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định đình chỉ hoạt động kinh doanh của công ty chứng khoán.
Sau 6 tháng kể từ ngày quyết định đình chỉ có hiệu lực, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ra quyết định rút nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán bị đình chỉ trong trường hợp công ty chứng khoán không khắc phục được tình trạng bị đình chỉ.
Quản lý chặt "hậu" đình chỉ hoạt động
So với Thông tư số 210/2012/TT-BTC, những quy định về việc đình chỉ hoạt động của công ty chứng khoán tại dự thảo đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đã chặt chẽ và cụ thể hơn rất nhiều. Trong đó, cơ quan soạn thảo quy định rõ hơn những biện pháp khắc phục hoặc hạn chế hoạt động của công ty sau khi bị đình chỉ. Cụ thể, không được ký mới, gia hạn các hợp đồng có liên quan đến các nghiệp vụ kinh doanh bị đình chỉ hoạt động; phải thực hiện tất toán, chuyển tài khoản theo yêu cầu của khách hàng (nếu có). Cùng với đó là có phương án khắc phục và báo cáo tình hình thực hiện phương án theo yêu cầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Dự thảo cũng quy định, trường hợp bị đình chỉ nghiệp vụ tự doanh, công ty chứng khoán chỉ được bán, không được tăng thêm các khoản đầu tư kinh doanh, trừ trường hợp buộc mua, vay để sửa lỗi giao dịch, giao dịch lô lẻ hoặc thực hiện các quyền có liên quan đến chứng khoán đang nắm giữ theo quy định của pháp luật.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm công bố thông tin về việc đình chỉ hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán và việc rút nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán (nếu có), bao gồm những nội dung như: số quyết định đình chỉ và thời hạn đình chỉ hoạt động kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán; số giấy phép điều chỉnh về việc rút nghiệp vụ kinh doanh chứng khoán của công ty chứng khoán.
Thực tế, trong cơ cấu các sản phẩm tài chính, các công ty chứng khoán tập trung chủ yếu vào các sản phẩm như: cho vay ký quỹ, ứng trước tiền bán chứng khoán... Việc thiếu đa dạng trong cơ cấu sản phẩm, nghiệp vụ kinh doanh dẫn đến những thách thức lớn trong việc cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán với nhau như: chấp nhận đánh đổi chất lượng, tính an toàn, kiểm soát rủi ro, thậm chí giảm giá dịch vụ để giữ thị phần. Theo đánh giá của các chuyên gia, với quy mô và năng lực tài chính hạn chế hiện nay, sẽ kéo theo nhiều hệ lụy cản trợ sự phát triển, tính an toàn và khả năng hội nhập của các công ty chứng khoán và thị trường chứng khoán Việt Nam. Chính vì vậy, với những biện pháp quản lý chặt chẽ và cụ thể, khi Luật Chứng khoán năm 2019 chính thức có hiệu lực (1/1/2020), việc hoạt động của các công ty chứng khoán sẽ "chuẩn chỉ", an toàn và tối ưu hóa lợi ích của nhà đầu tư
Bị tước quyền tự quyết room ngoại, ngân hàng bị dồn vào thế khó - Bài 3: Nghị định "xoay" chóng mặt, ngân hàng không kịp trở tay Các kế hoạch dài hơi của các ngân hàng có nguy cơ đổ bể, nếu quyền định đoạt về room bị tước mất. Nhiều ngân hàng tỏ ra hoang mang. Với nhiều điểm mới, Luật Chứng khoán 2019 (có hiệu lực đầu năm 2021) hứa hẹn làm tăng tính minh bạch của thị trường chứng khoán, bảo vệ tốt hơn nhà đầu tư....