Ai là người trường thành?: Hành trình đi tìm căn tính
“Cha mẹ đặt đâu con (cần) ngồi đấy”, nhiều phụ huynh Việt vẫn tin rằng phương châm này sẽ dẫn tới cuộc đời của con mình sung sướng, tương lai được đảm bảo.
Việc áp đặt lên con quan điểm và mong muốn của cha mẹ, họ hàng về ngành học, nơi làm việc, hay bạn đời, có thể có tác động tiêu cực gì tới sự phát triển của người trẻ?
Bài viết của tác giả Đặng Hoàng Giang về quá trình trưởng thành của người trẻ, liên quan hình thành căn tính và vai trò hỗ trợ cần thiết của gia đình, được trích từ cuốn Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ, Nhã Nam phát hành đầu năm 2020.
Tôi là ai, con đường nào cho tôi, điều gì làm tôi hạnh phúc, đó là những trăn trở lớn của người trẻ, và chúng đều liên quan căn tính, tới cách người trẻ định nghĩa bản thân mình.
Quá trình tạo dựng căn tính của người trẻ
Căn tính, theo Erik Erikson, một trong những cha đẻ của lĩnh vực tâm lý học phát triển, đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình trưởng thành. Ở đây, căn tính được hiểu như tập hợp các lựa chọn và cam kết cho các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống.
Người trẻ cân nhắc về con đường nghề nghiệp, suy nghĩ vai trò và chỗ đứng của mình trong cộng đồng. Họ tìm hiểu những cảm giác và cảm xúc liên quan cơ thể, tình dục và tầm quan trọng của nó trong cuộc sống của mình.
Họ tạo dựng quan điểm về tình bạn, tình yêu và hôn nhân, về chính trị và tín ngưỡng, về các giá trị đạo đức. Căn tính là cầu nối cần thiết giữa tuổi thơ và tuổi người lớn, để người trẻ có thể bước vào các giai đoạn sau của cuộc đời, tạo dựng mối quan hệ gia đình và xã hội vững chắc, khỏe mạnh. Căn tính cho người ta cảm giác vững vàng, được neo đậu, mình tìm được bản thân.
Thiếu nó, không biết mình là ai, mình đang đi đâu, mình đóng vai trò gì trong cái thế giới này, người trẻ sẽ thấy con người mình không toàn vẹn, mình trôi dạt, và có thể gặp bất ổn trong các lĩnh vực khác nhau trong cuộc sống người lớn sau này.
Hành trình đi tìm mình, xây dựng một bản thể mà họ có thể tự chấp nhận, là vất vả, phức tạp và thách thức – người trẻ không phải “chỉ có mỗi chuyện học” như nhiều phụ huynh thường nghĩ.
Quá trình tạo dựng căn tính ở người trẻ bao gồm hai yếu tố: Khám phá và cá nhân hóa. Ở quá trình khám phá, người trẻ xem xét, tìm hiểu các quan điểm, ý kiến, giá trị khác nhau, thử nghiệm, so sánh, khước từ, chấp nhận, để tiến đến cam kết với những lựa chọn nhất định.
Các nhà tâm lý học cho rằng người trẻ cần đi qua quá trình này một cách thấu đáo, thay vì vội vàng quyết định (ví dụ dưới ảnh hưởng của thầy cô hay môi trường xung quanh), hoặc bị ép buộc (ví dụ bởi gia đình) bước vào một lựa chọn nào đó.
Trong quá trình thứ hai, cá nhân hóa, người trẻ dần tách khỏi cha mẹ, ý thức của họ về sự riêng biệt và độc nhất của mình dần rõ rệt lên. Họ hướng tới quyền được tự lựa chọn và ra quyết định riêng, đó là tự chủ về hành vi.
Mặt khác, nếu như trẻ nhỏ thường cho rằng bố mẹ mình hoàn hảo và luôn đúng, người trẻ nhận thức được rằng cha mẹ có thể sai, và bắt đầu có xu hướng đặt câu hỏi về quan điểm, ý kiến của cha mẹ – đó là tự chủ về giá trị.
Tiếp nối các nghiên cứu của Erik Erikson, nhà tâm lý học James Marcia đưa ra bốn trạng thái căn tính mà người trẻ nói riêng và mỗi cá nhân nói chung có thể rơi vào.
Ở trạng thái mờ nhạt về căn tính (identity diffused), cá nhân không có cam kết rõ ràng và cũng không có nhu cầu tìm kiếm, tạo dựng căn tính. Họ trôi nổi qua ngày và trì hoãn việc đối mặt các câu hỏi cơ bản trong cuộc sống.
Ở trạng thái nhận sẵn căn tính (identity foreclosed), cá nhân có thể cam kết về nghề nghiệp, quan điểm hôn nhân, hay hệ giá trị, nhưng những lựa chọn này được họ tiếp nhận một cách máy móc (có thể từ rất sớm) từ cha mẹ hay những người có quyền lực khác trong môi trường sống của họ. Chúng không thực sự là của chính họ. Họ đã chấp nhận chúng mà không đi qua một quá trình khám phá và thử nghiệm.
Với thời gian, một người trẻ ở trạng thái mờ nhạt có thể quay ra chấp nhận một cách thụ động các ý tưởng của cha mẹ và chuyển sang trạng thái nhận sẵn.
Video đang HOT
Ngược lại, một người đang ở trạng thái nhận sẵn có thể trở nên nghi ngờ các quan điểm mà anh ta tiếp nhận từ cha mẹ, và cuối cùng rũ bỏ chúng, nhưng lại không có nhu cầu thay thế bằng những cam kết mới. Trong trường hợp này, anh ta dịch chuyển từ trạng thái nhận sẵn sang trạng thái mờ nhạt.
Mặt khác, người trẻ có thể rơi vào một trạng thái khủng hoảng mà James Marcia gọi là chơi vơi về căn tính (identity moratorium). Đây là lúc người nhận sẵn bắt đầu đặt câu hỏi về những gì mình đã tiếp nhận từ cha mẹ, với mong muốn tìm cho mình những lựa chọn mới.
Hoặc đây là lúc người mờ nhạt trở nên tích cực để trả lời cho các câu hỏi tôi là ai, tôi muốn gì. Người chơi vơi không hài lòng nữa với trạng thái hiện có của mình. Anh ta tìm tòi, khám phá, nhưng chưa tìm được con đường mới, những giá trị mới cho mình.
Trạng thái chơi vơi có thể có hai lối ra. Ở lối ra tích cực, cá nhân giải quyết được khủng hoảng bản sắc, tìm được đường đi và vai trò xã hội của mình.
Sau một quá trình vật lộn nội tại, họ bước sang trạng thái thành đạt về căn tính (identity achieved). Những lựa chọn của họ có thể cuối cùng không khác so với mong muốn của cha mẹ, nhưng họ đạt được kết quả này không qua sự áp đặt hay tiếp nhận máy móc, mà qua quá trình khám phá của riêng mình.
Người thành đạt đã trải qua một quá trình “tổng hợp bản thể” (ego synthesis, theo chữ của Erikson) và cảm thấy mình nhất quán với bản thân, mình có sự tiếp nối từ quá khứ và có thể tự tin nhìn vào tương lai.
Thú vị là Marcia dùng chữ thành đạt để chỉ một kết cục thành công của quá trình đi tìm mình, trong khi xã hội hay dùng chữ đó để chỉ sự tích lũy vật chất hay địa vị xã hội. Sự dịch chuyển từ chơi vơi sang thành đạt được gọi là quá trình phát triển tiến bộ.
Ở lối ra tiêu cực, người trẻ từ bỏ công cuộc tìm kiếm của mình và rơi ngược trở lại trạng thái mờ nhạt (lưu ý là một khi đã ở trong chơi vơi, người ta không quay lại trạng thái chọn sẵn được nữa). Marcia gọi đây là phát triển thụt lùi. Ông gọi trạng thái mờ nhạt hay nhận sẵn kéo dài là trạng thái trì trệ.
Tuy trạng thái thành đạt khá bền vững, nó không ổn định mãi mãi. Một sự kiện lớn, một trải nghiệm mới, một giai đoạn mới của cuộc đời, có thể khiến người ta hoài nghi về cách sống hiện tại, lại rơi vào trạng thái chơi vơi, và có thể ở tuổi trung niên hoặc thậm chí muộn hơn, lại một lần nữa bước vào quá trình tìm kiếm bản thân.
Các lĩnh vực khác nhau của căn tính cũng có thể ở trong các trạng thái khác nhau, chúng không đồng bộ. Ví dụ, một cá nhân có thể biết rõ mình muốn gì trong nghề nghiệp, nhưng lại không chắc chắn về xu hướng tình dục hay quan điểm hôn nhân. Trong trường hợp này, trạng thái của lĩnh vực mà cá nhân cho là quan trọng nhất với mình sẽ được coi là trạng thái căn tính chính của cá nhân đó.
Chân dung của bốn trạng thái khác nhau như thế nào?
Trong bốn nhóm, những người trẻ nhận sẵn thường có mức độ tư duy độc tài và thành kiến cao nhất. Trong các mối quan hệ, họ hay phụ thuộc vào người khác và đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài mà không chịu trách nhiệm cá nhân.
Theo Marcia, thoạt nhìn những người nhận sẵn có vẻ hài lòng và vững vàng, giống nhóm thành đạt, nhưng sự cứng nhắc và thái độ tự vệ của họ nhanh chóng lộ ra.
Họ thường phục tùng quyền lực và các chuẩn mực, và có xu hướng đi theo những quan điểm của cha mẹ hay những nhà lãnh đạo cứng rắn với niềm tin rằng mình được dẫn dắt vào con đường đúng đắn duy nhất.
Người nhận sẵn hay tìm đến sự tán thành và tán thưởng của người khác, họ có mức độ tự chủ thấp, hành động dựa vào ý kiến bên ngoài, và hay được coi là “ngoan ngoãn.”
Đây cũng là nhóm ít cởi mở nhất trước các trải nghiệm mới. Người ở nhóm này cũng có những phong cách nhận thức đơn giản, thô sơ và khả năng suy ngẫm về lẽ phải (theo lý thuyết của Kohlberg được trình bày bên trên) ít phát triển.
Giống nhóm mờ nhạt về căn tính, các chọn lựa bạn bè của họ đơn điệu. Ranh giới bản thể giữa họ và cha mẹ thường không được xác lập rõ ràng. Họ lớn lên trong các gia đình mà cha mẹ coi việc chấp thuận và tuân thủ chuẩn mực và giá trị của gia đình là rất quan trọng.
Bìa sách “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của tác giả Đặng Hoàng Giang, Nhã Nam phát hành 2020.
Có thể không tạo ra khủng hoảng trước mắt, nhưng trạng thái nhận sẵn ngăn cản sự sáng tạo và nảy nở của người trẻ. Một lúc nào đó trong cuộc đời, có thể người ta sẽ bị chiếm đoạt bởi cảm giác mình sống một cuộc đời xa lạ, mình sống hộ, mình bị lạ lẫm trong chính con người mình, mình không thống nhất với bản thân. Và họ sẽ tuyệt vọng hay giận dữ về thời gian và những cơ hội đã mất.
Người trẻ mờ nhạt thường có mức độ phát triển nhận thức cũng như khả năng suy ngẫm đạo đức thấp. Họ thường có suy nghĩ đơn giản và kém trong việc cộng tác, phối hợp người khác. Nhóm này không đồng nhất như ba nhóm còn lại, có người thì sống qua ngày một cách vô tâm, vô tư, có người thì lại rất cô đơn.
Những người này thường không ở trong những quan hệ gần gũi. Họ thiếu một cảm giác về cái tôi để có thể đóng góp tích cực vào một quan hệ tay đôi hay vào một nhóm nào đó, và hay thu mình.
Nhìn chung, dường như người mờ nhạt không có một cái lõi ở bên trong mình. Họ thiếu tự tin và thiếu tự chủ. Ở tuổi thơ, họ thường bị cha mẹ xa cách và chối bỏ.
Những cá nhân chơi vơi có thể hoặc hoang mang, lo lắng, hoặc lặng lẽ, suy ngẫm. Những người này không dễ tuân thủ, phục tùng và có một cảm nhận ổn định về giá trị bản thân.
Theo kinh nghiệm của Marcia, họ hay biến cuộc phỏng vấn về căn tính thành một buổi trị liệu để giải mã những xung đột và sự vật vã nội tâm của mình. Các quan hệ người với người của họ thường dữ dội và chao đảo.
Nhóm này có khả năng nhận thức và suy ngẫm đạo đức cao. Họ hoài nghi hơn hai nhóm trên, cởi mở trước các trải nghiệm mới và có xu hướng tự chủ trong quá trình ra quyết định. Cha mẹ của họ cũng có xu hướng nhấn mạnh sự độc lập của trẻ trong thực hành nuôi dạy con của mình.
Các nhà tâm lý học thấy rằng những cá nhân thành đạt thường có khả năng nhận thức, cũng như năng lực suy ngẫm về đạo đức cao nhất. Họ chịu trách nhiệm về bản thân mà không đổ lỗi cho các yếu tố bên ngoài. Họ vững tin về giá trị của mình và có thể hoạt động trong stress mà không bị phá hủy. Trong tương tác, người thành đạt vừa uyển chuyển vừa vững vàng, có được sự gần gũi trong các quan hệ cá nhân.
Đây là những người nhiều suy tư, chiêm nghiệm, nhưng lại cởi mở trước các trải nghiệm mới. Họ đánh giá sự việc theo quan điểm riêng và dùng logic khi ra quyết định chứ không bị phụ thuộc hay bị thao túng bởi người khác, và cũng không bị sa vào các định kiến.
Người thành đạt gắn bó với người thân của mình mà vẫn nhận biết được điểm mạnh và điểm yếu của họ. Họ thường được nuôi dưỡng trong môi trường gia đình hỗ trợ sự phát triển độc lập của trẻ.
Cuối cùng và quan trọng nhất, người trẻ thành đạt về căn tính có một cảm giác vững vàng, bình an (well-being). Trong các lĩnh vực quan trọng của cuộc sống, họ đã xác định được điều mình muốn và tin tưởng rằng các lựa chọn đó phù hợp khả năng và nhu cầu của mình. Họ có cảm giác thống nhất với bản thân, “ở nhà” trong cơ thể của mình, họ biết mình đang đi đâu.
Như vậy, cái đích của quá trình trưởng thành của người trẻ đã rõ ràng, đó là việc xây dựng thành công cho mình một căn tính. Gia đình có thể làm gì để hỗ trợ người trẻ trong hành trình khó khăn và quan trọng này?
Ngược với quan điểm “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” và kỳ vọng của nhiều cha mẹ Việt muốn con cái đi theo hình dung của mình về thế nào là một cuộc sống hạnh phúc, các nhà chuyên môn khuyên rằng gia đình nên cho người trẻ cơ hội để đi qua trạng thái chơi vơi, và cho phép, thậm chí khuyến khích họ thử nghiệm các vai khác nhau.
Người trẻ được giúp đỡ tốt nhất nếu cha mẹ ghi nhận và hỗ trợ mong muốn trở nên độc lập của họ, nhưng cùng lúc gia đình vẫn là điểm tựa hậu phương để họ có thể trở về nghỉ ngơi khi mệt mỏi và được an ủi khi vấp ngã.
Quan hệ giữa cha mẹ và con cái là lành mạnh khi nó không níu kéo người trẻ, khiến họ mặc cảm có lỗi vì muốn đi con đường riêng của mình, cũng không khiến họ muốn cắt đứt mọi sợi dây với gia đình trong sự oán hận, mà khi nó cho họ sự yên tâm rằng họ được thấu hiểu và chấp nhận, họ có chỗ đứng trong gia đình, bất kể tương lai họ có ra sao. Đó mới là một quan hệ yêu thương đích thực.
(Trích từ “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”, tác giả Đặng Hoàng Giang, Nhã Nam phát hành 2020)
Tại sao cha mẹ ở Đức muốn con vào lớp 1 muộn một năm?
Trong khi một số bố mẹ có tâm lý muốn cho con đi học lớp 1 sớm so với độ tuổi thì cha mẹ ở Đức lại có xu hướng cho con đi học muộn một năm.
Ở Đức, theo quy định, trẻ phải đủ 6 tuổi mới được vào lớp 1. Trẻ dưới 6 tuổi nếu muốn nhập học thì cha mẹ bé phải chứng minh trẻ thực sự trưởng thành và đủ điều kiện.
Nhưng chưa có phụ huynh Đức nào chọn cách cho con đi học sớm. Trái lại hầu hết họ đều mong con mình được học muộn hơn 1 năm, thay vì 6 tuổi thì 7 tuổi mới vào lớp 1.
Cha mẹ Đức muốn con đi học lớp 1 muộn hơn một năm là có lý do.
Thực tế, trì hoãn việc nhập học lớp 1 ở Đức rất khó bởi luật pháp nước này quy định trẻ đủ 6 tuổi phải nhập học. Nếu muốn con đi học muộn hơn, bố mẹ phải có giấy của bác sĩ, xác nhận con chưa đủ khả năng vào lớp 1.
Ở Đức, bạn sẽ chỉ nghe thấy các mẹ phàn nàn con mình còn nhỏ quá so với các bạn cùng lứa và hi vọng con được đi học lớp 1 muộn hơn một năm, chứ không có bà mẹ nào cảm thấy vui, mãn nguyện khi con mình được đi học sớm hơn các bạn.
Theo thống kế, tuổi trung bình vào lớp 1 ở Đức là 6,8, lớn hơn nhiều so với trung bình thế giới. Tại sao người Đức lại muốn cho con đi học lớp 1 muộn hơn một năm? Có hai lý do sau:
Các bậc phụ huynh Đức muốn con được hưởng thêm thời gian thơ ấu vô tư.
Các bà mẹ muốn con tận hưởng tuổi thơ
Trong các trường mẫu giáo Đức, các bé không có áp lực học hành, hầu hết thời gian ở trường chỉ chơi và chơi. Vì khi vào tiểu học, cuộc cạnh tranh học hành bắt đầu, nên cha mẹ Đức muốn con có thêm thời gian vui chơi, muốn con tận hưởng thêm tuổi thơ vô tư.
Cha mẹ Đức tin rằng những năm học mầm non là những năm quý giá của tuổi thơ. Khi bước chân vào tiểu học rồi trung học, đại học, con sẽ phải đối mặt với bài vở, trách nhiệm và khi đó, con không còn thời gian chơi nhiều như lúc mẫu giáo nữa.
Mong con đi học muộn để có lợi thế trong lớp
Nhiều bậc cha mẹ cho rằng, khi so sánh hai đứa trẻ sinh cùng một năm, nhưng đứa sinh trước các bạn khác nửa năm trở lên sẽ có sự khác biệt rõ ràng về phát triển thể chất, mức độ thông minh, khả năng tự chăm sóc bản thân.
Phụ huynh Đức cho rằng, khi con đi học muộn hơn các bạn một năm sẽ có lợi thế hơn các bạn cùng lớp về khả năng nhận thức và sẽ nổi bật hơn trong lớp. Cảm giác vượt trội hơn sẽ cho con sự tự tin.
Cha mẹ Đức cho rằng con đi học muộn sẽ có nhiều lợi thế hơn.
Ý kiến chuyên gia
Trong khi đó, các chuyên gia tâm lý lại cho rằng, nếu một đứa trẻ có khả năng nhận thức, ngôn ngữ, xã hội... thấp hơn các bạn cùng lứa, cha mẹ hãy nghĩ tới chuyện cho con nhập học lớp 1 muộn hơn một năm.
Khi đứa trẻ đến tuổi vào lớp 1, mọi khả năng của bé đều phát triển bình thường, thì cha mẹ không cần phải cho con đi học muộn lại một năm.
GIA AN (Nguồn: Sohu)
Gặp gỡ "Sao tháng Giêng" cháy hết mình với hoạt động tình nguyện - Không chỉ sở hữu bảng thành tích học tập đáng nể mà "Sao tháng Giêng" Minh Huyền còn nổi bật với nhiều hoạt động tình nguyện. Vừa nhận giải thưởng "Sao tháng Giêng" năm 2019 do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam trao tặng từ Hà Nội trở về thì Lê Thị Minh Huyền (sinh viên khóa khoa Du lịch -...