Ai Cập sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống nào liên quan Đập thủy điện Đại phục hưng
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Bộ trưởng Thủy lợi và Tài nguyên nước Ai Cập Mohamed Abdel-Aty ngày 26/2 cho biết, nước này sẵn sàng đối phó với bất kỳ tình huống nào liên quan đến Đập thủy điện Đại phục hưng ( GERD) do Ethiopia xây dựng trên sông Nile Xanh, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ Ai Cập sẽ không cho phép một khủng hoảng nước xảy ra.
Đập thủy điện Đại Phục Hưng ở Guba, Ethiopia, ngày 19/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Abdel-Aty nói rằng Chính phủ Ai Cập đang thúc đẩy một số giải pháp chính trị và pháp lý liên quan đến GERD. Theo Bộ trưởng Thủy lợi và Tài nguyên nước Ai Cập, GERD là đập thủy điện có quy mô lớn, do đó Ai Cập muốn đạt được một thỏa thuận có tính ràng buộc về mặt pháp lý với Ethiopia nhằm đảm bảo lợi ích của các bên, thay vì hành động đơn phương.
Ngày 20/2, Ethiopia thông báo bắt đầu sản xuất điện lần đầu tiên từ GERD, bất chấp sự phản đối của các quốc gia hạ nguồn là Ai Cập và Sudan. Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed chính thức khai mạc buổi lễ phát điện từ tuabin đầu tiên của GERD. Bộ Ngoại giao Ai Cập ra tuyên bố chỉ trích hành động đơn phương của Ethiopia, gọi đây là hành vi phạm vi các cam kết theo Tuyên bố Nguyên tắc năm 2015 mà Thủ tướng Ethiopia đã ký kết. Ngày 25/2, Ai Cập cũng đã gửi thư kiến nghị đến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) sau khi Ethiopia thông báo bắt đầu phát điện từ GERD. Trong văn bản kiến nghị có tựa đề “Hòa bình và An ninh ở châu Phi”, Cairo cho rằng động thái mới nhất của Ethiopia vi phạm Tuyên bố Nguyên tắc năm 2025 giữa các bên.
Các cuộc đàm phán về GERD đã chính thức dừng lại từ tháng 4/2021, sau khi Ai Cập, Sudan và Ethiopia không đạt được tiếng nói chung trước khi Ethiopia bắt đầu tiến hành đợt trữ nước lần hai vào tháng 7/2021. Cairo và Khartoum đã phản đối việc Ethiopia cố tình tiến hành trữ nước cho đập mà không có bất kỳ thỏa thuận mang tính ràng buộc pháp lý nào liên quan đến việc trữ nước và vận hành GERD.
Là quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào nước ngọt từ sông Nile, Ai Cập lo ngại GERD sẽ tác động tiêu cực đến nguồn cung cấp nước của nước này. Ai Cập cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có biện pháp để bảo vệ các nước hạ nguồn trong trường hợp xảy ra hạn hán do quá trình trữ nước cho đập gây ra.
Ai Cập và Sudan nêu rõ họ muốn có một thỏa thuận mang tính ràng buộc về pháp lý, trong khi Ethiopia nói rằng bất kỳ thỏa thuận nào cũng chỉ nên mang tính tư vấn. Cairo và Khartoum coi GERD là mối đe dọa đối với nguồn cung cấp nước quan trọng của họ, trong khi Ethiopia coi con đập này là cần thiết để thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng gấp đôi sản lượng điện. GERD là dự án thủy điện lớn nhất ở châu Phi, với tổng kinh phí hơn 4 tỷ USD. Dự án bắt đầu được triển khai vào năm 2011.
Sudan phản đối việc Ethiopia sản xuất điện từ đập Đại Phục Hưng
Ngày 21/2, Sudan đã bác bỏ "bước đi đơn phương" của Ethiopia khi khởi động sản xuất điện từ đập thủy điện Đại Phục Hưng (GERD).
Đập thủy điện Đại Phục Hưng ở Guba, Ethiopia, ngày 19/2/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trong tuyên bố, quyền Bộ trưởng Thủy lợi và Nguồn nước Sudan Daw Al-Bait Abdul-Rahman cho rằng quyết định đơn phương bắt đầu vận hành GERD của Ethiopia đã vi phạm Tuyên bố Nguyên tắc (DoP) được ký giữa Ai Cập, Sudan và Ethiopia vào năm 2015. Trước khi triển khai hành động, phía Ethiopia cần cung cấp đủ thông tin cho các bên còn lại như lưu lượng nước sẽ thoát ra từ sau đập, để biết liệu các hồ chứa của Sudan có khả năng tiếp nhận nhằm thực thi các biện pháp phòng ngừa cần thiết. Quan chức này nhấn mạnh Ethiopia chưa từng thông báo cho Sudan về việc bắt đầu sản xuất điện năng, coi đây là hành động đơn phương không thể chấp nhận được dù vì lý do gì. Bên cạnh đó, quyền Bộ trưởng Abdul-Rahman cũng nêu bật tầm quan trọng của việc tất cả các bên đàm phán nhằm đạt được tầm nhìn chung về GERD.
Cuối tuần qua, Ethiopia đã bắt đầu sản xuất điện năng từ GERD trên sông Nile, đánh dấu một cột mốc quan trọng với dự án thủy điện trị giá nhiều tỷ USD nhưng gây không ít tranh cãi này. Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 20/2 ra tuyên bố cho rằng hành động trên đã vi phạm DoP và được Ethiopia công bố "đơn phương" giống như những gì nước này đã thực hiện trong các đợt tích trữ nước cho GERD vào năm 2020 và 2021.
GERD sau khi hoàn thiện và đi vào hoạt động đầy đủ sẽ là đập thủy điện lớn nhất ở châu Phi. Tuy nhiên, dự án này đã trở thành tâm điểm tranh cãi của các nước trong khu vực suốt từ khi khởi công vào năm 2011. Các nước láng giềng của Ethiopia ở hạ nguồn sông Nile, gồm Ai Cập và Sudan, đều lo ngại dự án này gây nguy cơ đe dọa nguồn nước sông Nile, nguồn cung nước quan trọng cho các nước này. Tháng 3/2015, Ai Cập, Sudan và Ethiopia đã ký DoP nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng GERD, theo đó Cairo và Khartoum đồng ý để Addis Ababa xây dựng con đập, đổi lấy cam kết từ Ethiopia không gây ra bất kỳ thiệt hại nào đối với các nước hạ nguồn sông Nile.
Sudan tiếp tục phản đối Ethiopia tích nước cho đập Đại Phục hưng Ngày 20/7, Sudan một lần nữa phản đối hoạt động tích nước lần thứ hai cho đập Đại Phục hưng (GERD) của Ethiopia. Công trình xây dựng đập thủy điện Đại Phục Hưng ở Guba, Ethiopia ngày 20/7/2020. Ảnh: AFP/TTXVN Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Phi, trong tuyên bố, Bộ Thủy lợi và Tài nguyên nước Sudan tái khẳng định lập trường...