Agribank và Vietinbank bị hạn chế cho vay vì khó tăng vốn
Theo NHNN, việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng có vốn Nhà nước bị hạn chế do gặp khó khăn trong việc tăng vốn, đặc biệt là trường hợp của Agribank và Vietinbank.
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã cập nhật thông tin về tình hình tái cơ cấu lại hệ thống các TCTD trong đó có nhấn mạnh việc tăng vốn đối với hệ thống các ngân hàng.
11 ngân hàng được chấp thuận Basel II
Theo cơ quan quản lý, năng lực tài chính của các TCTD thời gia qua đã được cải thiện đáng kể. Trong đó, vốn điều lệ các tổ chức đã tăng dần qua các năm, đến cuối tháng 8 năm nay tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 591.800 tỷ đồng, tăng 2,57% so với cuối năm 2018, tăng 15,5% so với năm 2017.
Cùng thời điểm, vốn chủ sở hữu của toàn hệ thống cũng đạt 856.100 tỷ đồng, tăng lần lượt 12,3% so với 2018, và 29,7% so với 2017. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) ở mức 11,9%.
Theo kế hoạch trước đó, NHNN đặt mục tiêu có ít nhất 12-15 ngân hàng thương mại áp dụng thành công Basel II (phương pháp tiêu chuẩn trở lên). Đến nay, đã có 17 ngân hàng (15 trong nước và 2 ngân hàng 100% vốn nước ngoài) có văn bản đăng ký áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN trước thời hạn.
Trong đó, có 11 ngân hàng được chấp thuận áp dụng gồm Vietcombank, VIB, OCB, MBBank, VPBank, TPBank, ACB, Techcombank, MSB, HDBank, và ShinhanBank.
Video đang HOT
Cùng với quy mô vốn, quy mô tài sản các TCTD cũng tăng lên đạt 11,81 triệu tỷ đồng vào cuối tháng 8 vừa qua, tăng 6,7% so với năm 2018.
Khó mở rộng tín dụng do khó tăng vốn
Báo cáo lần này cũng cho biết nhóm các ngân hàng cỡ lớn trong hệ thống đang gặp khó trong việc tăng vốn dẫn tới tình trạng khó mở rộng tín dụng.
Theo đó, đến cuối tháng 8 năm nay, tổng vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại có vốn nhà nước trên 50% gồm Agribank, Vietcombank, Vietinbank CTG -1.62%, BIDV đạt 139.000 tỷ đồng, tăng 0,8%. Tổng tài sản nhóm ngân hàng này cũng đã tăng 5,29%, đạt 5,081 triệu tỷ đồng, chiếm 43,01% toàn hệ thống.
Tuy nhiên, NHNN cho biết việc mở rộng tín dụng của nhóm ngân hàng này bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ chậm tăng trưởng, đặc biệt là Agribank và Vietinbank.
Nguyên nhân do tăng trưởng tín dụng sẽ làm tăng tài sản có rủi ro, trong khi vốn điều lệ chậm tăng trưởng có thể dẫn đến việc vi phạm quy định về tỷ lệ an toàn vốn.
Theo đó, để tăng năng lực tài chính cho các nhà băng này, NHNN cho biết đang phối hợp với Bộ Tài chính xử lý vấn đề tăng vốn cho các ngân hàng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Trong đó, tập trung chỉ đạo Agribank và các đơn vị liên quan đẩy nhanh việc cổ phần hóa.
Với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, NHNN cho biết đã phê duyệt phương án cơ cấu trong đó tập trung chấn chỉnh các mặt tài chính, quản trị, xử lý nợ xấu, tăng cường các biện pháp kiểm soát nhằm nâng cao chất lượng tín dụng.
Đến cuối tháng 8, vốn điều lệ của nhóm ngân hàng này đạt 270.000 tỷ đồng, tăng 1,3%; tổng tài sản có toàn nhóm đạt 4,918 triệu tỷ đồng, tăng 8%.
Còn một ngân hàng có sở hữu chéo
NHNN cũng cho biết, sau thời gian xử lý tình trạng sở hữu chéo trong các TCTD, đến nay toàn hệ thống chỉ còn một ngân hàng với 1 cặp sở hữu cổ phần lẫn nhau là ACB và Công ty Cổ phần Bất động sản Hòa Phát – Á Châu. Trong đó, tỷ lệ sở hữu của ACB tại Bất động sản Hòa Phát – Á Châu là 2,86% và ngược lại là 0,046%.
Số lượng này đã giảm rất nhiều so với thời điểm tháng 6/2012 với 56 cặp. Ngoài ra, số cặp TCTD sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau hồi năm 2012 là 7 cặp đến nay cũng cơ bản đã khắc phục xong.
Theo News.zing.vn
Ngân hàng nỗ lực tăng vốn theo tiêu chuẩn mới
"Nếu áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN có hiệu lực từ đầu năm 2020, nhiều khả năng hệ số an toàn vốn (CAR) của không ít ngân hàng sẽ giảm xuống thấp hơn 8% - tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu. Điều này khiến các ngân hàng đang phải rất nỗ lực để tăng được vốn", chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Hầu hết ngân hàng nếu muốn đáp ứng chuẩn mực Basel II thì phải tăng vốn điều lệ. Ảnh: H.Oanh.
Trên thực tế, nhiều ngân hàng đã bắt đầu hoạt động tăng vốn. VietinBank đã chính thức thông báo phát hành ra trái phiếu năm 2019 với tổng trị giá lên tới 5.000 tỷ đồng theo mệnh giá. BIDV cũng vừa phát hành 3.000 tỷ đồng trái phiếu. Ngân hàng NCB đã hoạch định chiến lược tăng vốn điều lệ lên trên 7.000 tỷ đồng ngay trong năm nay và sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ lên trên 10.000 tỷ đồng đến năm 2020. Tại VIB, ngân hàng này cũng được NHNN chấp thuận điều chỉnh từ mức 7.834 tỷ đồng lên 9.245 tỷ đồng, tăng thêm hơn 1.400 tỷ đồng. Trước đó, ngân hàng này đã phát hành thành công 141 triệu cổ phiếu cho các cổ đông hiện hữu, tương ứng tỷ lệ phát hành 18% nhằm tăng vốn điều lệ.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, đại diện SeABank cho biết ngân hàng này vừa hoàn thành tăng vốn điều lệ từ 7.688 tỷ đồng lên 9.369 tỷ đồng. Với vốn điều lệ mới, SeABank nằm trong nhóm 15 ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Việc các NHTM trong nước đồng loạt tăng vốn còn nằm trong kế hoạch áp dụng tiêu chuẩn Basel II. Theo lộ trình của NHNN, đến năm 2020, cơ bản các NHTM phải có mức vốn tự có đáp ứng chuẩn mực của Basel II, trong đó, ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II.
Basel II là phiên bản thứ hai của Hiệp ước Basel, trong đó đưa ra các nguyên tắc chung và các luật ngân hàng của ủy ban Basel về giám sát ngân hàng.
Với tiêu chuẩn này, các NHTM phải duy trì hệ số CAR tối thiểu là 8%. Hiện tại, hệ số CAR của nhiều ngân hàng đã đạt trên 9% nhưng nếu áp dụng theo Thông tư 41, con số này chỉ khoảng 6 - 7%. Vì vậy, hầu hết ngân hàng nếu muốn đáp ứng chuẩn mực Basel II thì phải tăng vốn điều lệ.
"Nếu một ngân hàng không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 8% trong một thời gian dài, phía NHNN có thể đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Nếu tỷ lệ xuống đến một mức rất thấp, NHNN có thể tìm cách xử lý với những biện pháp đặc biệt được quy định trong Luật sửa đổi Luật các Tổ chức tín dụng, bao gồm cho vay đặc biệt, sáp nhập và cuối cùng là có thể cho phá sản", ông Hiếu nói.
TS Nguyễn Văn Thuận, chuyên gia ngân hàng cho rằng: Tiêu chuẩn Basel II được đặt ra là cần thiết để xây dựng quy trình, quy tắc quản trị rủi ro cho ngân hàng, tuy nhiên với năng lực của một số ngân hàng Việt Nam thì yêu cầu của Basel II khá cao. Vì vậy, việc áp dụng cần có thời gian. Trong nỗ lực tái cơ cấu và xử lý nợ xấu thời gian qua, các ngân hàng đã phải tự cải thiện lợi nhuận để có nguồn xử lý nợ xấu. Điều quan trọng là để hệ thống ngân hàng lành mạnh hơn, các ngân hàng phải tăng vốn chủ sở hữu để nâng tỷ lệ an toàn vốn.
"Việc tuân thủ theo Thông tư 41 là không dễ dàng nhưng lợi ích khi thực hiện Thông tư 41 là hiện hữu do bắt buộc sổ sách của các ngân hàng phải minh bạch hơn, bảo đảm các ngân hàng có vốn chủ sở hữu thích hợp để hoạt động", TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Minh Phương
Theo Báo Tin tức
NHNN: Đã xử lý được 236,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu, sẽ cổ phần hóa Agribank Tính trung bình từ 15/8/2017 đến 31/8/2019, mỗi tháng toàn hệ thống xử lý được khoảng 9,6 nghìn tỷ đồng, cao hơn 4,7 nghìn tỷ đồng so với kết quả xử lý nợ xấu trung bình từ 2012-2017 trước khi Nghị quyết 42 có hiệu lực. Ngày 15/10/2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ...