9X tốt nghiệp xuất sắc từng áp lực tại ‘lò đào tạo hoa hậu’
Phùng Ngọc Bảo Vân tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, Hà Nội, với điểm số 3,8/4. Người đẹp cho hay cô luôn xem học tập là ưu tiên hàng đầu.
Phùng Ngọc Bảo Vân lọt vào top 10 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016. Năm 2019, cô tốt nghiệp ĐH Ngoại thương với điểm số 3,8/4, loại xuất sắc. Điểm tổng kết cao nhất của Vân đạt từ 9,7 đến 9,8. Trong năm 2020, Vân có kế hoạch học thạc sĩ.
Chia sẻ với Zing.vn, Bảo Vân cho rằng – học tập cần có định hướng rõ ràng trong suốt 4 năm.
Thoát khỏi sự rụt rè và “chỉ biết học”
- Chào Bảo Vân. Năm mới Canh Tý 2020 đến rồi, Bảo Vân đón Tết năm nay như thế nào?
- Cảm giác thích thú nhất trong những ngày Tết của mình là khoảnh khắc cả gia đình sum họp. Năm nào cũng vậy, cả gia đình cùng quây quần bên mâm cơm tất niên, ngắm nhìn cành đào, mai, hít hà mùi thơm của những thức quả và món ăn truyền thống, cùng nhau trò chuyện. Những khoảnh khắc đó bình dị mà ấm áp.
Giây phút chuẩn bị giao thừa, nghe nhạc dương cầm là khoảnh khắc mà mình luôn trân trọng và muốn duy trì trong nhiều năm sau này.
Ngày Tết trong Vân luôn gắn liền gia đình. Sẽ thật tuyệt nếu cả gia đình được sum vầy bên nhau trong thời khắc giao thừa. Dù ở đâu, Tết sẽ rất vui, ý nghĩa nếu được ở bên những người thân yêu sau một năm bận rộn, vội vã và áp lực.
- Năm 2019 đã qua để lại cho bạn ấn tượng như thế nào? Bí quyết nào giúp Vân đạt được thành tích học tập xuất sắc?
- Nhìn lại 2019, đây là năm khá đặc biệt khi Vân nhận bằng tốt nghiệp Ngoại thương, được đi tới một vài đất nước rất xinh đẹp và có một vị trí nhỏ trong tập đoàn lớn.
Trong năm 2020, Vân tiếp tục dành thời gian cho công việc và học thêm, có thể ở một đất nước khác để trải nghiệm và tích lũy kinh nghiệm cho tuổi trẻ của mình.
Khi trở thành tân sinh viên ĐH Ngoại thương, mình thấy xung quanh quá nhiều người tài năng, xinh đẹp và nổi tiếng. Bản thân Vân lại là cô gái hướng nội, học phổ thông tại lớp chuyên Toán, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội – nơi mọi người thường trêu là “chỉ biết học” – nên rất rụt rè.
Để đạt điểm số tốt nghiệp loại xuất sắc, mình cho rằng cần có kế hoạch và định hướng học tập rõ ràng trong suốt 4 năm, xem mình cần gì, muốn thực hiện gì.
Phùng Ngọc Bảo Vân là cô gái vừa xinh đẹp, vừa học giỏi. Ảnh: NVCC.
Cụ thể, sinh viên cần xác định mức GPA (kết quả học tập trung bình) mong muốn, lập bảng tính xem cần ít nhất bao nhiêu môn đạt điểm A, cho phép bao nhiêu môn B, C.
Nếu môn nào không phải sở trường, không được kết quả như dự tính, bạn cần cố gắng nhiều hơn ở các môn khác, để chắc chắn mức “GPA thiên thần” không lọt khỏi tầm với.
ĐH Ngoại thương chia năm học thành 2 học kỳ chính và một học kỳ nghỉ hè (tổng 5 giai đoạn). Phương pháp học tập của Vân là đăng ký học cả 5 giai đoạn, giảm bớt số môn cần học trong năm chính.
Video đang HOT
Giai đoạn nào có nhiều hoạt động bên ngoài, Vân sẽ đăng ký ít môn hơn và là các môn sở trường để tránh bị điểm kém. Giai đoạn tiếp theo, mình sẽ học nhiều môn khó, để giảm bớt công việc và tập trung cao độ.
Với cách sắp xếp liên tục như vậy, Bảo Vân vừa dễ đạt điểm như mong muốn, vừa có thể đi làm thêm, tham gia câu lạc bộ, sự kiện.
- Là nữ sinh Ngoại thương, ngôi trường được ví “Harvard Việt Nam” hay “ Lò đào tạo hoa hậu”, Vân có gặp khó khăn, áp lực lớn không?
- Đôi khi mình cảm thấy áp lực nhưng nó lại giúp bản thân nỗ lực hơn vì các anh chị đi trước đã cố gắng hết mình để có được thành quả, tạo nên thương hiệu tích cực. Những người đi sau cần phải cố gắng phấn đấu sao cho xứng đáng với điều đó.
Bảo Vân cho biết cô sẽ học tiếp thạc sĩ. Ảnh: NVCC.
Học tiếp thạc sĩ
- Khi tham gia Hoa hậu Việt Nam, Bảo Vân làm thế nào để hoàn thành tốt chương trình học?
- Khi vừa kết thúc cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, mình đang là sinh viên năm thứ hai, giai đoạn bắt đầu kỳ học mới. Thời điểm đó, Vân bắt đầu học những môn cơ sở, tiên quyết cho chuyên ngành sau này. Vân phải thi bù một số môn đã hoãn trước đó.
Cùng thời điểm, mình nhận được nhiều lời mời đi sự kiện, chụp hình quảng cáo, hoạt động thiện nguyện. Vân quyết định xin nghỉ một tuần tại trường để sắp xếp lại thời gian sao cho hợp lý.
Ở giai đoạn 1, mình đăng ký khá ít môn và tranh thủ thực hiện dự án thiện nguyện tại Đắk Lắk. Giai đoạn tiếp theo, mình đăng ký gấp đôi số môn để tiến độ học theo kịp các bạn và giảm bớt thời gian tham gia các sự kiện.
Vân thấy mình may mắn vì được học trong môi trường mở, có thể tự đăng ký môn học theo lịch mong muốn. Đây cũng là môi trường năng động có nhiều câu lạc bộ để sinh viên tham gia, phát triển kỹ năng mềm. Nhiều thế hệ giỏi đã tốt nghiệp ĐH Ngoại thương, luôn sẵn sàng về trường hướng dẫn, hỗ trợ sinh viên về marketing, MC hay start up.
- Bảo Vân làm thế nào để cân bằng giữa học tập và tham gia showbiz?
- Showbiz là môi trường thú vị đối với mình – một người yêu nghệ thuật, thích cái đẹp. Tuy nhiên, hiện giờ có khá nhiều cuộc thi hoa hậu, sắc đẹp, đồng nghĩa việc có nhiều hơn những á hậu, hoa hậu.
Đứng ở góc nhìn của kinh tế, môi trường showbiz đang ngày càng có thêm sự cạnh tranh và đôi khi, “cung” lớn hơn “cầu”. Chính vì thế, mỗi hoa hậu, á hậu và người đẹp, ngoài lợi thế về ngoại hình và danh hiệu, cần lựa chọn cho mình giá trị và một con đường sự nghiệp nhất định.
Đối với cá nhân Bảo Vân, việc học tập là nền tảng cơ bản để phát triển sự nghiệp ổn định sau này. Vì vậy, sau khi tốt nghiệp đại học, mình sẽ học tiếp thạc sĩ.
Một số thành tích của Phùng Ngọc Bảo Vân
- Giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp trường – ĐH Ngoại thương 2017.
- Giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học cấp bộ 2017.
- Nhận bằng khen của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.
- Giải thưởng Kova hạng mục Triển vọng dành cho sinh viên có thành tích học tập xuất sắc và có thành tích nghiên cứu khoa học.
- Nhận một số học bổng doanh nghiệp dành cho sinh viên FTU có kết quả học tập tốt & có hoạt động ngoại khoá nổi bật.
- Nhận giấy khen của Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương dành cho sinh viên có đóng góp hiệu quả cho phong trào sinh viên.
Theo Zing
Nhiều người học thạc sĩ sợ... đóng tiền quỹ lớp
Nếu như các cán bộ, học viên lớn tuổi hăng hái, nhiệt tình đóng góp quỹ lớp để lo cho thầy cô bao nhiêu thì các học viên trẻ lại lo lắng, sợ hãi bấy nhiêu.
Bây giờ, nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học, cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc nhà nước có nhu cầu đi học thạc sĩ.
Các lớp thạc sĩ mở ra ở khắp nơi. Một lớp, thường có một nửa là các bạn trẻ, sinh viên mới ra trường; một nửa là cán bộ, công chức, viên chức nhà nước.
Lúc đi thi đầu vào thạc sĩ, lợi thế luôn thuộc về em sinh viên, do kiến thức còn mới nguyên, thao tác, làm bài khá nhanh. Nhưng đến đi học thì lợi thế lại nghiêng hẳn về các học viên lớn tuổi, có thâm niên.
Các thầy, cô giáo chủ nhiệm lớp thạc sĩ luôn chọn các học viên lớn tuổi làm cán sự lớp, lớp trưởng, lớp phó, thủ quỹ...
Ngay cả điểm số các bài kiểm tra, bài luận văn của nhóm sinh viên cũng khó khi nào "vượt mặt" điểm số các bài kiểm tra, bài luận văn của các đàn anh, chị lớn tuổi, nhất là thành phần cán sự lớp, thường xuyên gần gũi, tiếp xúc với các thầy cô giáo.
Có học viên từng bức xúc và khiếu nại về kết quả điểm số của mình với một số cán sự trong lớp, vì cho rằng giảng viên chấm bài chưa chính xác, có dấu hiệu nâng đỡ các học viên lớn tuổi.
Sau khi phòng đào tạo nhà trường cho kiểm tra, chấm lại toàn bộ bài kiểm tra của lớp đó thì sự thật đúng như học viên đã "tố".
Nếu như các cán bộ, học viên lớn tuổi hăng hái, nhiệt tình đóng góp quỹ lớp để lo cho thầy cô bao nhiêu thì các học viên trẻ lại lo lắng, sợ hãi bấy nhiêu, vì số tiền mỗi lần nộp cả triệu đồng.
Em T. học viên một lớp thạc sĩ ở Đà Nẵng chia sẻ: "Tụi em là sinh viên ra trường được 2 năm, đang thất nghiệp, chưa tìm được việc làm ổn định nên mới học tiếp thạc sĩ.
Cha mẹ làm nông ở quê vẫn phải tằn tiện từng đồng lo cho em ăn học.
Các chú, các anh chị cán bộ, công chức, viên chức nhà nước đã có lương, việc nộp quỹ lớp lúc nào cũng khá nhẹ nhàng, thoải mái chứ sinh viên như tụi em, mỗi lần nộp quỹ lớp là mỗi lần lo lắng, chỉ còn cách xin tiền gia đình...".
Có lớp thì tiền quỹ cứ "đếm đầu chia xôi", chẳng phân biệt lớn, nhỏ, hoàn cảnh, đã đi làm hay đang thất nghiệp.
Có lớp, cán bộ, công chức, viên chức thì nộp quỹ nhiều, còn các em sinh viên thì nộp ở mức thấp.
Trúng lớp đông học viên, các thầy cô giáo ít đòi hỏi nọ, kia...số tiền đóng quỹ của mỗi người ở mức vừa phải.
Gặp lớp ít học viên, một số giảng viên ở xa đến hoặc hay có nhu cầu đi đó đây, ăn nhậu nhiều, số tiền đóng quỹ của mỗi người không hề nhỏ, có tháng lên tới vài triệu đồng, hết gần một nửa tháng tiền lương.
Một số người học thạc sĩ sợ đóng tiền quỹ lớp (Ảnh minh họa: vtc.vn).
Một đồng nghiệp của tôi đang học lớp thạc sĩ khi nay hay than thở về chuyện túng tiền, với lý do cán sự lớp đó yêu cầu các học viên nộp quỹ quá dày.
Các cán sự lớp cũng đâu có sung sướng gì, mỗi lần các thầy cô ở Hà Nội, Thành phố Chí Minh đến dạy phải lo cắm đầu, nào là ra sân bay đón đưa, nào là lo chỗ nghỉ ngơi, ăn uống, nào là quà cáp lúc về, lúc tổ chức kiểm tra, thi cử...
Nhiều người từng biết, lo cho thầy, cô giáo là không cần thiết, các giảng viên đi dạy đều có chế độ chi trả, thanh toán của nhà trường rồi. Song thấy các lớp đi trước đều làm thế cả, chẳng lẽ đến lớp mình lại thôi?
Có một tâm lý khác, nếu mình thiếu niềm nở, chu toàn với thầy cô giáo, nhỡ họ phật lòng, gây khó khăn, ra đề cương, đề thi thật khó, chấm bài thật căng thì "chết" cả nút.
Cứ theo "con đường đi" các lớp đàn, đàn chị là "thượng sách".
Tiền quỹ lớp vài, ba triệu đồng/lần đối với người khấm khá, lương bổng cao, chẳng có vấn đề gì, nhưng đối với các viên chức lương thấp, nhất là các em sinh viên nhà nghèo, ở quê, đang thất nghiệp, học tiếp thạc sĩ để dễ tìm việc, quả là một nỗi lo.
Có ai thấu hiểu cho hoàn cảnh, "thế khó" của các em không?
Tại sao nhiều lớp, cán sự lớp hay bày vẽ chuyện nộp quỹ lớp để lo cho thầy cô giáo mình? Đây có phải là điều mà tất cả giảng viên mong muốn hay không?
Những câu hỏi ấy, người viết bài này rất mong nhận được nhiều ý kiến trao đổi, phản hồi của bạn đọc, của những người trong cuộc.
SÔNG TRÀ
Theo giaoduc.net
Trả tiền mời gọi người học thạc sĩ: Thầy không phải 'cò' GS.TSKH Phạm Phố, nguyên Hiệu trưởng Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Sài Gòn không tán thành đề xuất trả tiền giảng viên để mời gọi người học thạc sĩ. Trước thực trạng lượng số lượng tuyển sinh mới trình độ thạc sĩ vào các trường đại học công lập giảm, trong khi trường tư thục tăng mạnh, có ý kiến đề xuất...