9 điểm có thể đỗ đại học và nỗi lo kiểm định chất lượng
Một số chuyên gia đề xuất chỉ bỏ điểm sàn với trường đại học đã qua kiểm định chất lượng, tránh trường hợp thí sinh đạt 9 điểm ba môn cũng trúng tuyển.
Trước thông tin Bộ GD&ĐT dự kiến bỏ điểm sàn đại học trong năm tuyển sinh 2017, nhiều chuyên gia lo ngại thí sinh đạt 9 điểm tổ hợp 3 môn xét tuyển vẫn đỗ đại học.
Trong khi đó, công tác kiểm định chất lượng giáo dục, siết đầu ra chưa được thực hiện nghiêm túc. Nhiều người băn khoăn với chất lượng đầu vào như vậy, chất lượng giáo dục rồi tương lai của sinh viên khi ra trường sẽ đi về đâu.
Kiểm định chất lượng không hiệu quả
Hiện nay, cả nước có 4 trung tâm kiểm định chất lượng tại ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, ĐH Đà Nẵng và trung tâm của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.
Với gần 500 trường ĐH, CĐ theo chu kỳ 5 năm kiểm định một lần, bình quân mỗi năm, những tổ chức này sẽ phải kiểm định khoảng 70 trường.
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên thứ trưởng GD&ĐT – bày tỏ băn khoăn về vấn đề tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” của kiểm định chất lượng giáo dục đại học.
Ông thông tin trong số 4 trung tâm, chỉ trung tâm của Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam hoạt động độc lập. Các trung tâm còn lại thuộc trường đại học nên có thể thiếu khách quan.
Khi trường lo chỗ làm việc, lương bổng cho kiểm định viên, việc kiểm định có thể thiên vị, thậm chí tiêu cực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học bị đánh giá vẫn mang tính hình thức.
Ông Nhĩ nêu quan điểm: “Việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học phải độc lập, khách quan, minh bạch và không tiêu cực mới đánh giá đúng chất lượng của các trường”.
Bỏ điểm sàn phải gắn với kiểm định chất lượng và siết đầu ra. Ảnh: Anh Tuấn.
Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ, với số lượng trường đại học như hiện nay, mỗi năm, một trung tâm phải kiểm định hàng chục trường. Tuy nhiên, trên thực tế, một trung tâm đánh giá 20 trường trong một năm đã rất khó.
Cho rằng việc kiểm định chất lượng giáo dục đại học quá tải, ông Nhĩ đề nghị Bộ GD&ĐT lên kế hoạch để các trung tâm mở lớp đào tạo, bồi dưỡng kiểm định viên cho các trường để họ tự kiểm định rồi mới đến lượt các trung tâm kiểm định lại.
Bộ GD&ĐT cũng cần tìm ra giải pháp cân đối, tránh tình trạng khi cần thì mở trung tâm kiểm định ồ ạt, đánh giá xong, các kiểm định viên lại thất nghiệp.
Video đang HOT
Ở một góc nhìn khác, GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội – cho rằng vấn đề không nằm ở số lượng trung tâm kiểm định.
Hiện tại, cả nước có khoảng 500 người có thẻ hành nghề hoặc chứng chỉ kiểm định viên, mỗi đoàn kiểm định chỉ cần 5 người. Do đó, công tác kiểm định phụ thuộc việc các trường có đăng ký kiểm định chất lượng hay không.
Luật Giáo dục Đại học 2012 quy định bắt buộc kiểm định nhưng không bắt buộc các trường đăng ký kiểm định tại đâu, không có sức ép để các trường phải thực hiện.
Trước đây, các trường lấy lý do chưa có trung tâm, kiểm định viên. Hiện tại, trung tâm, nhân lực, công cụ, phương pháp, quy trình, văn bản đã có sẵn, vấn đề là có làm hay không.
Ông Thanh thông tin thêm Bộ GD&ĐT đang bàn bạc để đưa ra những biện pháp như gắn tự chủ đại học và quy hoạch mạng lưới với kiểm định chất lượng nhằm đảm bảo kiểm định chất lượng giáo dục thực sự đi vào cuộc sống, triển khai có hiệu quả.
Một trong những biện pháp đó có thể liên quan tự chủ tuyển sinh, cụ thể là điểm sàn – vấn đề được dư luận quan tâm trong thời gian gần đây.
‘Không thể để 9 điểm đỗ đại học’
Theo một số chuyên gia giáo dục, nếu Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn, một số trường sẽ hạ điểm chuẩn để thu hút sinh viên. Chất lượng đầu vào thấp sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn về chất lượng đào tạo, nguồn nhân lực và vấn đề thất nghiệp.
GS Nguyễn Quý Thanh cho rằng Bộ GD&ĐT nên quy định điểm sàn với những trường chưa đạt chuẩn. Đồ họa: Ngọc Châu.
Việc trông chờ vào khả năng tự chủ suy nghĩ, tự quyết định và chịu trách nhiệm của thí sinh có vẻ thiếu khả thi vì thực tế những năm trước cho thấy bộ có điểm sàn, các trường vẫn tìm cách hút học sinh yếu bằng phương pháp tuyển sinh khác như xét hồ sơ.
Nhiều chuyên gia đề xuất không vội vàng bỏ điểm sàn khi chất lượng đào tạo chưa đảm bảo và vấn đề siết chặt đầu ra chưa triệt để.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm định chất lượng giáo dục đại học được xem là một trong những biện pháp để giải quyết tình trạng trên, tránh trường hợp những thí sinh chỉ đạt 8, 9 điểm tổ hợp 3 môn vẫn trúng tuyển.
Theo GS Nguyễn Quý Thanh, các trường đã qua kiểm định có thể tự quyết tiêu chí tuyển sinh, bao gồm cả điểm sàn. Những trường chưa được kiểm định, chưa chứng minh cho xã hội thấy họ đủ năng lực đào tạo, cơ quan quản lý sẽ quyết định thay.
Ông nêu quan điểm muốn tự quyết, trường phải đủ năng lực đào tạo. “Với những trường không đủ năng lực, bộ nên quy định mức sàn, không thể để trường hợp 8, 9 điểm cũng có thể vào đại học”, GS Thanh đề nghị.
PGS Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng bỏ điểm sàn phải đi kèm việc đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng và siết đầu ra.
“Thương sinh viên không phải cứ cho tốt nghiệp hết mà làm thế nào để các em đáp ứng được nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Những em chưa đủ năng lực thì ở lại học tiếp. Thương sinh viên kiểu dễ dãi, tống ra hết là không được”, ông Nhĩ khẳng định.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng cần có một số biện pháp khác để tạo tính tự chủ cho học sinh, hạn chế lối suy nghĩ vào đại học bằng mọi giá.
Hiện tại, bộ yêu cầu các trường công bố tỷ lệ việc làm theo ngành và thu nhập trung bình của sinh viên sau khi ra trường. Các trường phải chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo và điều chỉnh cho phù hợp xu thế xã hội.
Giám đốc Trung tâm Kiểm định Chất lượng Giáo dục – ĐH Quốc gia Hà Nội – cũng cho rằng các trường nên công khai những yếu tố đảm bảo chất lượng như số lượng tiến sĩ, trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo cũng như tỷ lệ việc làm, là căn cứ cho thí sinh chọn ngành, trường đăng ký xét tuyển.
Theo ông, ngoài việc đảm bảo chất lượng đào tạo khi bỏ điểm sàn, kiểm định chất lượng sẽ hỗ trợ sinh viên trong học tập.
Ở nước ngoài, sinh viên các trường đã qua kiểm định có thể chuyển trường trong quá trình học. Nếu việc kiểm định được đẩy mạnh, Việt Nam cũng có thể thực hiện chính sách tương tự.
Theo Zing
Chưa quyết bỏ điểm sàn đại học
Trước nhiều ý kiến phản đối quy định bỏ điểm sàn, Bộ GD&ĐT cho biết đang tìm phương án xác định điểm sàn phù hợp.
Ngày 27/12, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga giải đáp nhiều băn khoăn liên quan ngân hàng đề thi THPT quốc gia 2017, cũng như dự kiến bỏ điểm sàn trong kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2017.
Mục tiêu hàng đầu: Chất lượng
Quy định bỏ điểm sàn trong dự thảo Quy chế tuyển sinh chính quy ĐH, CĐ đang khiến nhiều chuyên gia tuyển sinh lo lắng vì sẽ thả nổi chất lượng đầu vào.
Trước nhiều ý kiến phản đối quy định bỏ điểm sàn, Thứ trưởng Bùi Văn Ga thừa nhận khi đưa quy định này vào dự thảo quy chế, Bộ GD&ĐT cũng dự đoán được băn khoăn của dư luận liệu khi bỏ điểm sàn chung thì chất lượng đào tạo có bảo đảm không, nhất là với những trường chưa xây dựng được uy tín chất lượng.
"Kinh nghiệm 2 năm qua cho thấy đại bộ phận thí sinh đã có suy nghĩ chín chắn khi chọn trường, chọn ngành; đa số các trường đã xây dựng được văn hóa chất lượng nhưng kinh nghiệm, năng lực quản lý và thực hiện tự chủ của các trường vẫn còn khác xa nhau; tâm lý sính bằng cấp vẫn nặng.
Thí sinh thi môn năng khiếu vào Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM năm 201. Ảnh: Hoàng Triều/Người Lao Động.
Thực tế, có trường chạy theo số lượng, thiếu sàng lọc trong quá trình đào tạo dẫn đến chất lượng đào tạo có thể bị giảm sút nếu chất lượng đầu vào không được kiểm soát kỹ", ông Ga nói.
Thứ trưởng GD&ĐT cho biết Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo nhất quán phương châm lấy chất lượng đào tạo làm mục tiêu hàng đầu cho mọi hoạt động.
Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào là một trong những yếu tố liên quan chất lượng đào tạo nên Bộ GD&ĐT vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá tác động của các phương án khác nhau theo hướng giao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường phù hợp với năng lực thực hiện tự chủ.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng cho rằng thực tế điểm sàn mặc nhiên hoàn toàn không có ý nghĩa đối với những trường, ngành có uy tín và tính cạnh tranh cao (chiếm khoảng 30% tổng số các trường ĐH).
Những trường, ngành khác nếu đã được các tổ chức kiểm định trong nước hay thế giới công nhận đạt chuẩn chất lượng, những trường đang thực hiện thí điểm tự chủ... thì xã hội cũng có thể yên tâm về tự chủ tuyển sinh (trong đó có tự chủ xác định điểm sàn).
Vì thế, Bộ GD&ĐT sẽ trao đổi thống nhất với các trường tại cuộc họp hiệu trưởng các trường ĐH sắp tới để quyết định phương án xác định điểm sàn phù hợp.
Đã có 60.000 câu hỏi thô
Trước những ý kiến băn khoăn về việc xây dựng ngân hàng câu hỏi thi và sự đồng đều về mức độ khó - dễ của đề thi THPT quốc gia 2017, ông Ga cho hay ngay đầu tháng 9/2016, Bộ GD&ĐT đã thành lập Ban chỉ đạo công tác đề thi và xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện công tác đề thi theo quy trình khoa học, chặt chẽ.
Quy trình này gồm 9 bước từ tổ chức biên soạn câu hỏi thô, thử nghiệm chuẩn hóa đến lựa chọn các câu hỏi thi đưa vào phần mềm quản lý ngân hàng câu hỏi thi chính thức để bảo đảm mức độ tương đương giữa các đề thi.
Từ tháng 10/2016, Bộ GD&ĐT đã gấp rút thực hiện bổ sung, chuẩn hóa ngân hàng câu trắc nghiệm đã có tại Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng bằng nhiều nguồn khác nhau, tổ chức 10 đợt biên soạn câu hỏi thô, huy động giáo viên THPT giỏi của tất cả 63 tỉnh thành, các giảng viên ĐH có chuyên môn tốt, nắm vững chương trình THPT, nhiều kinh nghiệm về thi, kiểm tra, đánh giá tham gia.
Kết quả đã biên soạn được hơn 60.000 câu hỏi thô, cơ bản đáp ứng đúng quy trình xây dựng câu hỏi thi chuẩn hóa của lý thuyết khảo thí hiện đại. Số câu hỏi thô đã chuẩn bị hiện đạt gấp đôi so với dự kiến ban đầu.
Theo ông Ga, 7 đợt biên tập được triển khai để thẩm định theo tiến độ biên soạn, khoảng 45.000 câu hỏi đã được biên tập, khoảng 80% số lượng câu hỏi thô của 10 đợt biên soạn đạt chất lượng có thể sử dụng cho xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa.
Tháng 5/2017, công bố các dạng đề thi
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, đầu tháng 10/2016, Bộ GD&ĐT đã công bố 14 đề thi minh họa của các môn thi năm 2017, cuối tháng 1/2017 sẽ tiếp tục công bố 14 đề thi thử nghiệm tiếp theo để thí sinh và các trường có thêm cơ sở tham khảo, vận dụng trong dạy học và ôn tập.
Bộ GD&ĐT đang tích cực triển khai xây dựng bộ đề thi thử nghiệm theo 5 bài thi. Bộ đề thi theo bài thi này sẽ được công bố rộng rãi ngay sau khi học sinh lớp 12 hoàn thành chương trình năm học 2016-2017 (dự kiến giữa tháng 5/2017), giúp các cơ sở giáo dục và thí sinh tập dượt, làm quen với định dạng đề thi và phương thức thi theo bài để tiếp tục ôn luyện, chuẩn bị tốt cả về kiến thức, tâm thế và kỹ năng để tham gia kỳ thi đạt kết quả cao.
Theo Yến Anh / Người Lao Động
Tuyển sinh 2017: Điểm cỡ nào cũng đậu đại học? Điểm sàn được duy trì từ nhiều năm qua, nay bộ chủ quản định bỏ, khiến nỗi lo chất lượng đào tạo đại học giảm sút vì đầu vào không còn chuẩn chung. Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đưa ra dự thảo quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) nhóm sư phạm năm 2017 với nhiều...