80% thí sinh nói có gian lận thi cử
Phần lớn thí sinh thừa nhận đã có rất nhiều hình thức gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, từ hỏi bài nhau, mang tài liệu vào phòng thi cho đến tổ chức giải bài tập thể…
Và giám thị dường như làm ngơ trước những trò gian lận ấy.
Cuộc thăm dò trên 500 thí sinh từ 36 tỉnh thành về tính nghiêm túc ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, kết quả: 84,6% thí sinh trong số đó thừa nhận có xuất hiện hiện tượng tiêu cực tại nơi các bạn dự thi.
Thí sinh chuẩn bị “phao” trước khi vào phòng thi tốt nghiệp THPT 2012
Cuộc thăm dò xuất phát từ trăn trở của một số nhà xã hội học khi theo dõi tình hình giáo dục nước nhà. Một vị trong nhóm này băn khoăn: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012 có tỉ lệ đỗ tốt nghiệp rất cao với gần 98% học sinh”.
Việc thăm dò được thực hiện theo hình thức phát phiếu ngẫu nhiên sau buổi thi đầu tiên tại nhiều điểm thi trong đợt thi tuyển sinh ĐH thứ hai và đợt thi CĐ vừa qua trên địa bàn TP.HCM. Do thực hiện theo hình thức ngẫu nhiên tại TP.HCM nên kết quả thăm dò thu nhận được chủ yếu là của các thí sinh phía Nam. Cụ thể, thí sinh được hỏi đến từ các vùng, miền như Đông Nam bộ (233 thí sinh), Tây Nam bộ (105 thí sinh), miền Trung (99 thí sinh), Tây nguyên (61 thí sinh).
Từ “hỏi bài” đến… “ nhìn bài”
Khi được hỏi về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, có đến 84,6% (423/500) số thí sinh được hỏi cho biết có diễn ra hiện tượng tiêu cực dưới nhiều hình thức khác nhau tại nơi các bạn dự thi.
Trong đó, phổ biến nhất là các hiện tượng như nhìn bài của nhau, trao đổi bài cùng nhau trong khi thi. Thậm chí thí sinh cũng cho biết có cả việc giám thị làm ngơ khi thí sinh hỏi bài, xem tài liệu và kể cả việc… tổ chức giải bài thi tập thể nơi các bạn dự thi.
Những hiện tượng tiêu cực cụ thể được thí sinh cho rằng có diễn ra tại nơi mình dự thi với những mức độ gần như phổ biến như sau: có đến 84,2% cho biết có hiện tượng “hỏi bài nhau trong khi thi”. Còn hiện tượng “nhìn bài của nhau trong khi thi” cũng có đến 83,5% cho biết có diễn ra.
Video đang HOT
“Giải bài tập thể”
Ngoài ra, một số hiện tượng tiêu cực khác tuy có tỉ lệ thấp hơn nhưng cũng được thí sinh nhìn nhận có diễn ra trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay tại nơi các bạn dự thi như “giám thị làm ngơ khi thí sinh hỏi bài nhau” với 36,4%. Hay như hiện tượng “trao đổi tài liệu trong khi thi” cũng có 23,4%, “mang tài liệu vào phòng thi” có 20,6% cho biết có diễn ra.
Đáng chú ý, những hiện tượng tiêu cực nghiêm trọng hơn như “giám thị làm ngơ cho thí sinh xem tài liệu”, “giám thị gợi ý giải bài cho thí sinh”, “mang điện thoại di động vào phòng thi” và “mang tài liệu vào phòng thi để xem”… cũng lần lượt có 13,5%, 10,4%, 13,7% và 11,8% thí sinh khi được hỏi cho biết có diễn ra nơi mình dự thi. Thậm chí 11,3% số thí sinh được hỏi còn cho biết hiện tượng tổ chức “giải bài tập thể” diễn ra tại nơi mình dự thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Về mức độ, các hành vi tiêu cực theo từng địa phương, thí sinh từ 36 tỉnh, thành thuộc khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, miền Trung, Tây Nguyên… đều nhìn nhận nơi mình dự thi tốt nghiệp THPT năm nay có xảy ra tiêu cực.
Tuy nhiên, hành vi và mức độ tiêu cực ở mỗi nơi khác nhau. Chẳng hạn với hành vi “giám thị làm ngơ cho thí sinh hỏi bài nhau”, có nơi 51,1% thí sinh được hỏi nhìn nhận có diễn ra nhưng cũng có nơi chỉ có 15,6% thí sinh nhìn nhận. Hay như hành vi “giải bài tập thể” có nơi 14,8% thí sinh được hỏi nhìn nhận có xảy ra và ở nơi khác là 13,0%… Tỉ lệ này được thống kê căn cứ trên tỉnh thành mà thí sinh cho biết mình dự thi tốt nghiệp THPT năm nay.
Sau khi thực hiện xong cuộc thăm dò, nhà xã hội học này kết luận: “Tôi không nghĩ kết quả cuộc thăm dò này mang tính chất đại diện cho toàn thể thí sinh đã dự thi tốt nghiệp THPT ở các tỉnh thành trên cả nước. Nhưng tôi cho rằng kết quả này là một cơ sở ban đầu để lý giải vì sao tỉ lệ tốt nghiệp THPT của chúng ta lại cao ngất ngưởng như đã thấy”.
TS Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học): 500 phiếu là con số không nhỏ Để làm cuộc thăm dò xã hội học thì dung lượng mẫu khảo sát tối thiểu phải là 30 và số mẫu càng nhiều, độ chính xác càng cao. Ngoài ra, độ chính xác của vấn đề cần thăm dò còn lệ thuộc vào phương pháp khảo sát. Trong bối cảnh thực trạng tiêu cực thi cử như hiện nay, việc thực hiện phương pháp thăm dò khách quan để tìm hiểu sự thật về tính nghiêm túc hay không nghiêm túc của kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng là cách làm tốt. Tôi cho rằng 500 phiếu khảo sát được phát ra là con số không nhỏ. Mẫu câu hỏi của khảo sát cũng đa dạng. Việc chọn thí sinh là đối tượng chính để thăm dò ý kiến cũng phù hợp vì so với các đối tượng khác như nhà quản lý, cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi thì thí sinh là đối tượng có thể trả lời khách quan hơn. Tuy nhiên số tỉnh thành được thực hiện việc thăm dò khá nhiều (36 tỉnh thành), với 500 mẫu khảo sát thì trung bình mỗi tỉnh thành chỉ thăm dò 13-14 phiếu. Nếu có thể tăng số phiếu thăm dò nhiều lên nữa sẽ thuyết phục hơn. Ngoài đối tượng thăm dò là thí sinh, cũng nên tiếp cận những nhóm đối tượng đa dạng khác. GS Phạm Minh Hạc (chủ tịch Hội Cựu giáo chức Việt Nam): Các em đã nói thật Tôi cho rằng các em được hỏi đã nói thật về những hiện tượng gian dối, không trung thực, quay cóp… diễn ra tràn lan, phổ biến trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay. Qua đó thấy được có cơ quan đưa ra tuyên bố này, tuyên bố khác về kỳ thi nghiêm túc chỉ dựa vào báo cáo chung mà thôi. Nghiên cứu về xã hội học giáo dục, tôi được biết những trường như THPT chuyên, trường tương đương chuyên mới có thể có tỉ lệ tốt nghiệp 100%. Các trường THPT dưới chuyên một chút cao nhất là có tỉ lệ tốt nghiệp 90% và trường trung bình khoảng 70-80%. Tôi có hỏi các cháu của tôi học ở Mỹ về nghỉ hè, các cháu cũng nói trường xuất sắc lắm ở Mỹ mới có thể tốt nghiệp 100%. Những trường trung bình khoảng 80%. Như vậy trong tình hình giáo dục của nước ra như hiện nay, không thể nào có tỉ lệ tốt nghiệp THPT của cả nước lên đến trên 97% được. TS Vũ Thị Phương Anh (phó giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng và hỗ trợ chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập): Mỗi địa phương “hành xử” một kiểu Là kỳ thi quốc gia nhưng qua cuộc thăm dò, tôi thấy cách “hành xử” của nhiều địa phương có khác nhau trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này thể hiện qua thăm dò, thí sinh nhìn nhận về hành vi, mức độ tiêu cực ở các địa phương, vùng miền có chênh lệch lớn. Chẳng hạn hành vi tiêu cực “giám thị làm ngơ khi thí sinh hỏi bài nhau” có nơi gấp ba lần nơi khác. Như vậy, vấn đề đặt ra là nên khen hay chê địa phương có tỉ lệ tốt nghiệp thấp nhưng thực chất? TS Hồ Thiệu Hùng (nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM): Kết luận xác đáng Các kết luận rút ra từ cuộc thăm dò đều xác đáng, nhất là các nhận định từ dữ liệu phân theo vùng. Qua đó, chúng ta cũng thấy tiêu cực “giải bài tập thể” không phải là cá biệt. Đây là lỗi nặng của thí sinh lẫn giám thị và thường mang tính tổ chức, được chuẩn bị sẵn chứ không phải ngẫu nhiên mà vi phạm.
Theo Tuổi Trẻ
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT: 'Coi thi chưa nghiêm túc'
Ngoài nhận định như trên về kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển còn cho rằng nếu coi thi chặt chẽ hơn, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp hơn.
- Ông đánh giá thế nào về kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi?
- Cơ bản là nghiêm túc. Tất cả các khâu được chuẩn bị chu đáo. Năm nay, Bộ GD-ĐT phân cấp cho địa phương nhiều hơn nên các tỉnh có trách nhiệm hơn. Tuy nhiên, nói một cách công bằng, khâu coi thi vẫn chưa thật sự nghiêm túc. Nếu coi thi chặt chẽ hơn, tỉ lệ đỗ tốt nghiệp sẽ thấp hơn.
Mấy năm trở lại đây, thi cử đã được siết chặt hơn, không còn hiện tượng trèo tường ném đề ra, ném bài vào như trước. Tất nhiên, vẫn chưa làm tốt việc không cho thí sinh sử dụng phao, trao đổi trong phòng thi. Những tiêu cực này không thể giải quyết trong một sớm một chiều. "Hai không" vẫn có tác dụng chứ không phải không, chúng tôi mong các địa phương làm nghiêm từng bước một. Vụ tiêu cực tại Trường THPT Dân lập Đồi Ngô là "rất cá biệt".
Hình ảnh giám thị để mặc thí sinh quay cóp tại hội đồng trường THPT Dân lập Đồi Ngô. (ảnh cắt ra từ clip).
- Vậy, bao giờ mới có kỳ thi thực sự nghiêm túc, thưa ông?
- Câu hỏi này rất khó trả lời. Có phải chỉ mình mình làm được đâu. Nói gì thì nói, cũng phải công nhận là có sức ép về tỉ lệ tốt nghiệp. Giải quyết sức ép thì chỉ có cách là phải dạy tốt, học tốt.
- Có một thực tế là lãnh đạo địa phương "giao tỉ lệ tốt nghiệp" cho giám đốc Sở GD-ĐT, ông nghĩ sao về việc này?
- Việc địa phương muốn có tỉ lệ tốt nghiệp cao là điều không trách được. Chỉ trách là yêu cầu đó không tính đến thực tế chất lượng đào tạo. Theo tôi, địa phương không nên gây áp lực cho nhà trường. Chỉ vì trước mắt muốn có tỉ lệ tốt nghiệp cao mà phải giả dối thì chất lượng đào tạo chắc chắn sẽ đi xuống.
Còn một điều tôi muốn nói, đó là sự nương tay của giáo viên đối với học sinh.
Học sinh Trường THPT Hùng Vương (quận 5 - TP.HCM) xem điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2012.
- Bộ GD-ĐT có chịu áp lực về tỉ lệ đỗ tốt nghiệp không? Tỉ lệ tốt nghiệp hệ THPT năm nay lên đến 98,97%. Ông thấy thế nào với con số này?
- Không. Chúng tôi không chịu áp lực nào cả. Nói thật, tỉ lệ cao nhưng tôi không hẳn vui vì kỳ thi chưa thực sự nghiêm túc, cho dù chất lượng học sinh có tốt hơn.
- Với tỉ lệ cao như vậy, liệu có nên tồn tại một kỳ thi mà ai thi cũng đỗ?
- Tâm lý của học sinh là không thi không học, nếu không thi chất lượng sẽ ra sao?
- Bộ có hướng đổi mới thi cử trong những năm tới?
- Chưa cụ thể nhưng tôi có thể nói việc đánh giá, thi cử sẽ được đổi mới theo 3 hướng. Thứ nhất, nâng cao năng lực đánh giá học sinh trong quá trình dạy học, đồng thời đa dạng các hình thức đánh giá.
Thứ hai, kết hợp đánh giá trong quá trình dạy học với đánh giá tổng kết cuối năm, cuối cấp. Việc bỏ thi tốt nghiệp tiểu học, đặc biệt là bỏ thi tốt nghiệp THCS lẽ ra phải được bù lại bằng việc đánh giá trong quá trình dạy thì mình làm chưa tốt, chưa bù được việc bỏ một kỳ thi.
Thứ ba, sẽ đánh giá trên diện rộng, trong toàn quốc để thấy được mặt bằng chất lượng đào tạo. Qua đó, sẽ đề xuất, kiến nghị các giải pháp, chính sách phù hợp. Khi có chương trình và sách giáo khoa mới, bộ sẽ triển khai việc thay đổi đánh giá và lúc ấy, kỳ thi tốt nghiệp sẽ nhẹ nhàng hơn bây giờ rất nhiều.
Có lọt người lọt tội trong vụ Đồi Ngô? Trong kết luận thanh tra vụ tiêu cực thi cử ở hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô, Sở GD-ĐT Bắc Giang chỉ cho rằng lãnh đạo hội đồng coi thi buông lỏng công tác quản lý, thiếu trách nhiệm trong việc điều hành, giám sát kỳ thi, không phát hiện tiêu cực. Thế nhưng, trước đó, Công an tỉnh Bắc Giang cho biết đã thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật do có hiện tượng làm lộ đề, đưa đề ra khỏi khu vực thi và gian lận thi cử có tổ chức. Trước đó, trong công văn ngày 11/6, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định qua xem xét ban đầu cho thấy trong quá trình tổ chức thi, một số cán bộ nhà trường và hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô đã vi phạm nghiêm trọng quy chế, để thí sinh quay cóp, nhìn bài của nhau và có dấu hiệu giải bài từ ngoài đưa vào. Liên quan đến vụ này, mới đây, ông Nguyễn Văn Bảy, Trưởng Phòng Bảo vệ An ninh Nội bộ và Văn hóa Tư tưởng Công an tỉnh Bắc Giang, cho biết do các clip được cung cấp nhỏ giọt nên công tác điều tra gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này, vụ việc chưa có căn cứ xác định có hành vi vi phạm pháp luật, chỉ do một số giáo viên làm với tư cách cá nhân. Tuy nhiên, cách trả lời của ông Bảy khiến nhiều người không đồng ý. Nhà giáo Đỗ Việt Khoa phân tích người sắp xếp vụ việc trước khi thi ở hội đồng này là hiệu trưởng, hiệu phó Trường THPT Dân lập Đồi Ngô. Không có việc giáo viên và nhân viên tự ý làm khi chưa có sự phân công của lãnh đạo trường. Trong khi 6 giáo viên vi phạm bị kiến nghị sa thải thì hiệu trưởng, hiệu phó của trường lại chỉ bị kiến nghị "không công nhận chức vụ quản lý" là quá vô lý. Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng ở hội đồng thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô rõ ràng là có tổ chức đưa bài giải từ ngoài vào cho thí sinh, điều này không chỉ vi phạm quy chế thi mà còn làm lộ bí mật đề thi, vốn được coi là bí mật quốc gia. Vì vậy, phải xử thật nghiêm người đứng ra tổ chức gian lận chứ không chỉ xử giáo viên. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết bộ sẽ xem xét kết luận của thanh tra Sở GD-ĐT Bắc Giang và nếu cần thiết sẽ có ý kiến với Sở GD-ĐT cũng như UBND tỉnh Bắc Giang.
Theo Người Lao động
Phao thi dài 11 m với 25.000 đáp án Một học sinh trung học ở Kazakhstan bị đuổi khỏi phòng thi trong kỳ thi tuyển sinh đại học sau khi bị giám thị phát hiện "phao thi" dài gần 11 m quấn xung quanh người. Hôm 10/6, các giám thị đã phát hiện nam sinh này ngồi không yên, thường xuyên đưa tay vào trong áo giả vờ gãi ngứa, nhưng thật...