6 hệ điều hành có thể… thế chỗ iOS và Android
Sailfish OS, Ubuntu, Tizen, Firefox hay Windows Phone đều là những phiên bản hệ điều hành có thể thế chỗ iOS và Android trong tương lai.
Theo số liệu công bố bởi IDC, hiện nay thị phần tổng của iOS và Android đã lên tới con số 94%, tức là chỉ còn đúng 6% miếng bánh còn lại để các hệ điều hành khác giành giật. Tuy nhiên, như chúng ta đều biết, công nghệ là một trong những lĩnh vực có tốc độ đào thải nhanh chóng. Chỉ cần một nước đi sai lầm và một khoảnh khắc chộp đúng thời cơ là mọi thứ đã có thể đổi chiều. Nếu đặt giả thiết hai ông lớn iOS và Android thất thế trong tương lai gần, nền tảng nào có nhiều khả năng lên ngôi?
1. CyanogenMod
Mới đây, Oppo N1 đã vượt qua bài kiểm tra của Google để trở thành thiết bị đầu tiên được Google cấp phép chạy CyanogenMod chính thức. Theo đó, đây là một bước ngoặt quan trọng của CyanogenMod.
CyanogenMod trước đây được biết đến như một bản ROM mang lại khả năng “chế” tốt nhất cho người dùng Android. Tuy nhiên, về sau thì đội dự án CyanogenMod đã nâng tầm chiến lược và mong muốn biến nó trở thành một nền tảng có thể cạnh tranh với các hệ điều hành khác.
CyanogenMod mang lại cho người dùng quyền kiểm soát thiết bị toàn diện hơn đồng thời loại bỏ toàn bộ các ứng dụng không cần thiết được nhà sản xuất phần cứng thêm vào thiết bị. Mới đây, thậm chí CyanogenMod đã tuyên bố họ đang có trong tay 10 triệu người dùng, một con số không hề nhỏ nếu nhìn trên phương diện một bản ROM mặc cho việc Google đã gỡ CyanogenMod ra khỏi Google Play. Tuần vừa qua, CyanogenMod cũng đã nhận được khoản đầu tư lên đến 23 triệu USD để phát triển các dự án sắp tới của mình.
2. Sailfish OS
Chân dung Jolla, smartphone đầu tiên chạy Sailfish OS. Máy có màn hình 4,5 inch độ phân giải 540 x 960 cùng với đó là vi xử lý lõi đôi Snapdragon 1,4 GHz.
Được xem là sản phẩm bị bỏ rơi của Nokia, Sailfish OS chính là một biến thể của hệ điều hành MeeGo. Giờ đây, khi thương vụ Microsoft và Nokia đã gần đi đến hồi kết, nhóm kĩ sư làm việc trong dự án MeeGo trước kia đã quyết định tách ra để phát triển tiếp, biến hóa MeeGo thành một hệ điều hành độc lập mang tên Sailfish.
Thú vị hơn, giữa tuần trước, thiết bị vận hành trên nền tảng Sailfish đầu tiên mang tên Jolla đã lên kệ tại thị trường Anh cùng một số nước Châu Âu khác với mức giá vào khoảng 331 Bảng Anh. Được biết, thiết bị sử dụng hệ điều hành Sailfish có thể chạy được cả ứng dụng của Android. Tuy nhiên, những ứng dụng này cần được tải về từ cửa hàng ứng dụng của Nga Yandex. Bên cạnh những ứng dụng này, kha khá phần mềm khác được viết riêng cho Sailfish OS cũng đang lần lượt ra đời.
Video đang HOT
3. Windows Phone
Việc Microsoft có trong tay Nokia, cái tên chủ chốt của thị trường Windows Phone, sẽ giúp họ cải thiện trải nghiệm của người dùng tốt hơn.
Có vẻ như nền tảng Windows Phone đã có một năm 2013 không tệ khi thị phần của hệ điều hành này khá khả quan ở khu vực Mỹ Latinh đồng thời mở rộng được tập khách hàng tại thị trường quan trọng Châu Âu. Bên cạnh đó, hàng loạt các ứng dụng ăn khách cũng bắt đầu xuất hiện trên Windows Phone chứng tỏ nỗ lực lấp đầy lỗ hổng ứng dụng của ông lớn vùng Redmond đang bước đầu mang lại những kết quả tốt đẹp. Năm sau, khi mảng thiết bị của Nokia chính thức về tay Microsoft, hãng sẽ có nhiều cơ hội để tối ưu hóa song song cả phần mềm và phần cứng, đồng thời giành giật thêm những miếng bánh thị phần lớn hơn.
4. Ubuntu Touch OS
Với tầm nhìn đồng bộ hoàn hảo giữa smartphone, tablet và desktop, Ubuntu Touch OS đang đi đúng theo lộ trình xu hướng nhiều khả năng sẽ được yêu thích trong tương lai không xa.
Ubuntu có một tầm nhìn trở thành một hệ điều hành dựa trên nền tảng Linux mã nguồn mở có thể hoạt động đồng nhất trên cả điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính để bàn và hiện nay bản Ubuntu cho smartphone đã có phiên bản preview. Mới đây, tin vui cho hệ điều hành còn rất non trẻ này đó là việc nó đã tìm được đối tác phần cứng đầu tiên. Theo đó, Canonical vừa hoàn thành việc kí kết thỏa thuận sẽ cung cấp smartphone chạy nền tảng này. Dự kiến trong năm 2014 những thiết bị di động đầu tiên chạy Ubuntu Touch OS sẽ chính thức lên kệ.
5. Tizen
Tizen bản thử nghiệm đã được giới thiệu không ít lần và thế giới đang nóng lòng chờ đợi sự xuất hiện của nền tảng này cùng những chiêu trò của cái tên khá thế lực trong làng di động Samsung.
Tương tự Ubuntu, Tizen cũng là một nền tảng được phát triển dựa trên mã nguồn của Linux. Điểm khác biệt nằm ở chỗ Tizen sẽ có khởi đầu thuận buồm xuôi gió hơn rất nhiều khi nó nhận được sự hỗ trợ của một trong những nhà sản xuất phần cứng lớn nhất thế giới, Samsung đồng thời từ một vài cái tên khác như LG hay Huawei. Hệ điều hành này đã lỗi hẹn với cộng đồng quan tâm rất nhiều lần và nhiều khả năng ở sự kiện MWC được tổ chức vào tháng 2 năm sau nó mới được chính thức ra mắt. Không hiểu với sự hậu thuẫn khổng lồ từ ông lớn công nghệ Hàn Quốc Samsung, Tizen có để lại được một điểm nhấn thú vị năm tới hay không?
6. Firefox OS
Ứng dụng nền tảng web là một hướng đi hoàn toàn khác biệt mà Firefox OS lựa chọn.
Đúng như tên gọi của mình, Firefox OS được phát triển bởi chính đội ngũ tạo ra trình duyệt web nổi tiếng Firefox. Điểm thú vị tạo ra sự khác biệt cho Firefox OS nằm ở chỗ nó hoạt động dựa trên hầu như toàn bộ các ứng dụng web mà bạn có thể hiểu đơn giản là “những website vận hành chức năng như ứng dụng”. Lợi thế này sẽ tạo ra sự thoải mái, nhanh chóng và thuận tiện cho các nhà phát triển ứng dụng từ đó thúc đẩy hệ sinh thái của Firefox OS phát triển nhanh hơn nếu có những phương hướng đúng đắn. Ở thời điểm hiện tại, Firefox OS cũng đã tìm kiếm được khá nhiều đối tác phần cứng. Một số công ty như Twitter, Facebook, EA Games… cũng đã cam kết phát triển ứng dụng cho nền tảng này.
iOS và Android vẫn còn phải "cầu bại" dài dài
BlackBerry, Windows Phone, Firefox, Tizen, Ubuntu: Những cái tên hấp dẫn chờ đợi người dùng đến từ Android và iOS. Tuy vậy, sự đón nhận hờ hững từ ngành sản xuất smartphone cũng như ngành viễn thông có thể báo trước kết cục không mấy tốt đẹp cho các hệ điều hành mới nổi này.
Hiện tại, trong ngành công nghiệp di động không có một cuộc đấu nào căng thẳng hơn cuộc đấu giành ngôi vị hệ điều hành phổ biến thứ 3 (sau iOS và Android). Rõ ràng, cho dù năm nay tại Hội nghị Thế giới Di động (MWC), một số mẫu smartphone và tablet đã thu hút được sự chú ý, ánh đèn chính vẫn thuộc về các hệ điều hành mới nổi: Firefox, Tizen và Ubuntu.
Không chỉ có vậy, CEO Marc Dillon của Jolla cũng đã dành thời gian để quảng bá hệ điều hành Sailfish - vốn xuất hiện từ "đống tro tàn" Meego. Nokia tiếp tục tung ra các mẫu Windows Phone mới, trong khi tất cả mọi người đều chờ đợi sự xuất hiện của BlackBerry Z10 tại Hoa Kỳ vào tháng này
Tất cả những sự kiện trên đây đều là rất hợp lý: Android và Apple chiếm tới 91% thị phần hệ điều hành di động, do đó, theo một cách rất tự nhiên, thị trường phải tung ra các sản phẩm mới để cạnh tranh.
Tuy vậy, theo các biên tập viên của trang công nghệ Cnet, các hệ điều hành mới đã "chết từ trong trứng nước". Điều này không phải là do các hệ điều hành này là các sản phẩm tệ (ngoại trừ Tizen), mà là do đằng sau mỗi hệ điều hành không có sự ủng hộ tập trung của ngành sản xuất smartphone cũng như ngành viễn thông. Mặt khác, Android và iOS sở hữu hàng triệu người dùng, hàng nghìn nhà mạng cũng như kho ứng dụng phong phú. Điều đó đảm bảo cho Android và iOS tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
"Thị trường sẽ không thể có 3 ông lớn nếu như các hệ điều hành mới bị phân mảnh như hiện nay", trích lời Rajeev Chand, một nhà phân tích tại công ty Rutberg.
Ví dụ điển hình là 2 ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí số 3: Microsoft và BlackBerry. Cả 2 đều có tiềm năng rất lớn, nhưng các công ty viễn thông xem ra không dành cho họ sự ủng hộ nhiều như mong đợi. Tại Hoa Kỳ, chỉ có AT&T là hứng thú với các mẫu Windows 8, trong khi các nhà mạng lớn khác hoàn toàn thờ ơ. BlackBerry cho tới giờ vẫn chưa có ngày phát hành chính thức tại Hoa Kỳ.
Với các tên tuổi nhỏ hơn, mọi thậm chí còn tệ hơn nữa. Firefox có 18 nhà mạng cam kết sẽ hỗ trợ trên toàn thế giới, nhưng gần như chưa có nhà mạng nào khẳng định chắc chắn sẽ bán ra các sản phẩm sử dụng hệ điều hành này. Một số các nhà mạng khác ủng hộ Tizen - vốn được cho là sẽ chạy trên các máy cao cấp. Như vậy, rõ ràng là thị trường các hệ điều hành mới đang bị phân mảnh một cách tồi tệ.
Một vấn đề nữa là kể cả nếu ngành viễn thông ủng hộ sự phát triển của một hệ điều hành lớn thứ 3, liệu đó có phải là điều mà người dùng cần? Rõ ràng là các nhà mạng và các nhà bán lẻ cần một sản phẩm thay thế cho Android và iOS nhằm giảm sự phụ thuộc lên 2 cái tên lớn này, nhưng người dùng cuối liệu có thực sự quan tâm tới điều đó? Hiện tại, hầu hết tất cả mọi người đều cảm thấy hạnh phúc với chiếc điện thoại Android và iOS của họ.
CEO Raph de la Vega của AT&T cho biết ông tin rằng trên thị trường có đủ chỗ cho hơn 3 hệ điều hành di động, và thậm chí cũng không loại trừ khả năng sẽ phát hành một sản phẩm chạy Firefox OS - miễn là người tiêu dùng có nhu cầu. Tuy vậy, trong khi người tiêu dùng nên có nhiều lựa chọn, có quá nhiều lựa chọn sẽ là không tốt.
Theo Chand, "Có quá nhiều sản phẩm sẽ gây rối tâm lý của người tiêu dùng. Nếu bạn tới một cửa hàng bán lẻ và có quá nhiều sản phẩm, bạn sẽ bị rối."
Thực tế, chúng ta vẫn có cơ sở để tin rằng người tiêu dùng sẽ muốn có nhiều lựa chọn khác nhau. Hiện tượng "chán iPhone" đã xuất hiện, nhất là khi Apple chỉ thay đổi rất ít với mỗi đời sản phẩm. Điều này tạo ra khoảng trống để một sản phẩm thật khác biệt xuất hiện.
Tuy vậy, không thể khẳng định được rằng các hệ điều hành mới nổi sẽ chiếm được khoảng trống đó. Cuộc chiến hệ điều hành di động năm nay có thể được ví như việc đem rất nhiều đồ vật ném lên tường để xem thứ gì sẽ dính lại. Khó có thể nói năm nay, một cái tên lớn thứ 3 sẽ xuất hiện bên cạnh Android và iOS.
Người dùng chỉ có thể hi vọng ngành sản xuất điện thoại và ngành viễn thông sẽ tập trung hỗ trợ một hệ điều hành mới nào đó. Nếu không, một hệ điều hành lớn thứ 3 sẽ không bao giờ xuất hiện.
Theo Vnreview
Vì sao Facebook "không thèm" sản xuất điện thoại Mấy ngày trước sự kiện Facebook, tin đồn về điện thoại Facebook càng nóng lên. Đó là câu chuyện hấp dẫn tới mức mọi người đều tin là thật. Việc CEO Mark Zuckerberg liên tiếp phủ nhận việc dấn thân vào mảng di động dường như không có ý nghĩa gì tới người dùng. Tuy nhiên, sự kiện Facebook hôm 16/1 chứng minh...