6 giờ sáng xếp hàng mua bó rau: Người Sài thành quen nếp mới
Người dân tại TP.HCM đang dần quen với việc dậy sớm để đi chợ. Việc xếp hàng sớm đảm bảo cho họ có thể lựa chọn được chủng loại thực phẩm đa dạng và tươi hơn tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi.
Ngày 29/7, Quỳnh Trang, chủ một nhà trọ gồm 10 phòng khép kín tại quận Bình Thạnh, đặt tập phiếu đi chợ ở kệ để giầy tầng trệt và nhắn tin thông báo trên nhóm chat cho các thành viên thuê trọ.
6h30 ngày 30/7, Thanh Cường, nhân viên văn phòng đang thuê trọ tại đây xuống lấy phiếu, nhanh chóng xếp hàng đi siêu thị gần nhà. Đây là lần đầu tiên, Cường dậy sớm như vậy đi mua thực phẩm.
“Tôi ra mà siêu thị đã có cả chục người đứng chờ. Phiếu đi chợ chỉ có giá trị trong ngày hôm nay nên phải đi sớm. Bình thường tôi không có thói quen này”, Cường nói.
Xếp hàng đi chợ từ sớm (ảnh chụp lúc 6h30 ngày 30/7 tại quận Bình Thạnh)
Cũng có mặt tại siêu thị từ sớm để mua đồ, bà Phạm Kim Hoa (quận Bình Thạnh), cho biết, nếu đi sớm thì mới mua được đồ tươi và có nhiều sự lựa chọn. Nhiều người không biết, đến tầm 9-10h mới ra các siêu thị nhỏ lẻ thì có thể rau xanh không còn hoặc còn rất ít. Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi sẽ phân theo phường chứ không phải người dân muốn vào siêu thị nào cũng được.
Bà Hoa ví dụ, người dân ở phường 1 chỉ được đi mua đồ ở các cửa hàng nằm trên địa bàn phường 1. Nhân viên cửa hàng sẽ kiểm tra phiếu, nếu người dân phường 2 đến sẽ không thể vào mua, mặc dù là phường giáp ranh.
Theo ghi nhận của PV. VietNamNet trong các ngày từ 28-30/7, các siêu thị, cửa hàng tiện lợi tuân thủ khá chặt yêu cầu từ chính quyền địa phương. Theo đó, sẽ kiểm soát người mua thực phẩm theo giấy được cấp, trên giấy có ghi rõ ngày đi chợ và địa bàn được mua. Lực lượng chức năng cùng với nhân viên tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi thường xuyên kiểm tra giấy mà người dân mang theo.
Phiếu đi chợ được người dân cầm trên tay
Video đang HOT
“Tôi thấy việc kiểm soát và phân phối theo ngày như thế này khá hay. Giảm thiểu số người ra đường, tập trung mua sắm tại cùng thời điểm”, Phan Phương (quận 3) nhận xét.
Tuy nhiên, một số người lại cho rằng, nhiều khi quy định quá cứng nhắc. Những người xếp hàng sớm, vào trước mua khá nhiều rau xanh thì những người đến sau không có nhiều lựa chọn. Đi nơi khác mua thì không được vào.
“Tôi đi Vinmart lúc 9h30 thì không còn rau, sau đó ra siêu thị Bách Hóa Xanh cách đó không xa để mua bổ sung. Nhưng vì siêu thị Bách Hóa Xanh nằm ở phường khác nên tôi không được vào. Mà tôi chỉ cần thêm mỗi bó rau”, chị Khánh Hòa (quận Bình Thạnh) nói.
Trong khi đó, nhiều bà nội trợ nhanh trí, “lách luật” bằng việc nhờ người có phiếu mua hộ thêm đồ và thanh toán tiền theo hóa đơn riêng.
Hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi đã điều chỉnh giờ bán hàng theo quy định của chính quyền thành phố. Phần lớn các địa điểm phân phối thực phẩm, hàng hóa sẽ mở sớm vào buổi sáng và đóng cửa từ khoảng 17h để đảm bảo yêu cầu hạn chế tối đa người dân ra đường sau 18h.
Thông báo thời gian hoạt động của một siêu thị
Áp lực lên hệ thống phân phối hiện đại
Thống kê từ Sở Công Thương TP.HCM, tính đến ngày 26/7, thành phố có 3 chợ đầu mối và 202/234 chợ truyền thống tạm ngưng hoạt động, 12/22 địa phương tạm ngưng toàn bộ hoạt động của chợ truyền thống trên địa bàn. Do vậy, việc cung ứng hàng hóa, lương thực thực phẩm thiết yếu hiện được thực hiện chủ yếu bởi hệ thống phân phối hiện đại làm gia tăng áp lực và gây ra nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao.
Bằng chứng, đã có 8/106 siêu thị, 137/2.895 cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Cùng với việc hạn chế lưu thông giữa các quận – huyện, việc cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu tại địa phương sẽ do hệ thống phân phối trên địa bàn đảm trách.
Như vậy, đối với các quận, huyện tại TP.HCM đang tạm ngưng hoạt động toàn bộ các chợ truyền thống sẽ khó khăn khi hệ thống phân phối hiện đại trên địa bàn có vấn đề sự cố (phát sinh ca nhiễm/ca nghi nhiễm và các tình huống phát sinh khác).
Trước tình hình trên, Sở Công Thương cho rằng, việc nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương với phương thức phù hợp trên cơ sở rà soát, khôi phục và đưa vào hoạt động trở lại các điểm bán hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại các chợ truyền thống trong điều kiện an toàn là hết sức cần thiết, đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.
Mua sắm, giao hàng cùng đóng trước 18h
Các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán thực phẩm ở TP.HCM sẽ mở cửa từ 6h đến trước 18h từ ngày 26-7, tuân theo quy định mới của TP.HCM.
Một siêu thị ở quận 3, TP.HCM đóng cửa trước 17h ngày 26-7 Ảnh: QUANG ĐỊNH
Nhiều băn khoăn đã có trả lời. Mọi hoạt động giao nhận hàng và giao hàng online cũng sẽ chỉ diễn ra trong thời gian siêu thị hoạt động.
Sau 18h: siêu thị đóng cửa, xe công nghệ tắt ứng dụng
Gần cuối chiều 26-7, anh Thế, một shipper công nghệ, kết thúc chuyến hàng cuối ngày. Anh cho biết từ 17h, ứng dụng đặt xe đã tắt chức năng nhận cuốc đến 6h sáng hôm sau. Quy định mới này cũng phù hợp vì trong ngày đồng loạt các siêu thị, cửa hàng trên địa bàn TP.HCM thông báo đóng cửa trước 18h.
Hệ thống bán lẻ Satra bao gồm 3 Satramart siêu thị Sài Gòn và chuỗi các cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods tại TP.HCM cho biết khung giờ hoạt động mới sẽ bắt đầu từ 7h và đóng cửa lúc 16h30.
Đại diện chuỗi siêu thị BigC, GO! và TopS Market cho hay các siêu thị của hệ thống tại TP.HCM áp dụng giờ mở cửa từ 7h đến 17h nhằm đảm bảo thời gian cho nhân viên bán hàng kết sổ và về nhà. Riêng siêu thị BigC An Lạc mở cửa đến 14h, siêu thị MM Mega Market Việt Nam đóng cửa trước 17h30.
Đại diện Saigon Co.op cho biết Co.opXtra, Co.op Food... cũng sẽ hoạt động trong khung giờ từ 7h sáng đến 17h để tuân thủ theo quy định mới của TP.HCM. Hiện hệ thống đang làm việc, xử lý các vấn đề giao nhận, phối hợp áp dụng phiếu, đơn hàng online để có phương án đưa hàng hóa đến tay người dùng tối ưu.
Chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi VinMart, VinMart khẳng định thời gian phục vụ khách hàng từ 7h đến 17h áp dụng từ 26-7. Bình thường các siêu thị của hệ thống này hoạt động từ 8h đến 22h, cửa hàng VinMart hoạt động từ 6h đến 22h. Tương tự, các cửa hàng MEATDeli ở TP.HCM cũng điều chỉnh khung giờ hoạt động từ 7h đến 17h.
Chuỗi cung ứng, giao nhận cũng thay đổi
Việc điều chỉnh thời gian hoạt động của siêu thị, cửa hàng thực phẩm không chỉ tác động đến thời gian đi mua sắm của người dân mà chuỗi cung ứng cũng sẽ thay đổi. VinMart/VinMart cho biết khâu cung ứng, giao nhận hàng của đơn vị sẽ từ 6h. Mọi hoạt động sẽ ngừng lúc 18h.
Trong khi đó, đại diện MM Mega Market Việt Nam cho biết với đặc thù phân phối bán sỉ cho các nhà hàng, doanh nghiệp nên thời gian nhập hàng của hệ thống khá sớm, bắt đầu từ 3h sáng. Tuy nhiên, với quy định mới của UBND TP, thời gian nhập hàng như rau củ quả, thịt... sẽ bắt đầu từ 4h sáng và đóng trước 17h30.
"Chúng tôi áp dụng 3 tại chỗ, nhân viên ở lại sau giờ làm nên đây là thời gian để châm hàng lên kệ cho ngày hôm sau. Để đáp ứng nhu cầu mua sắm, siêu thị đang tăng cường kênh online và đến nay tốc độ xử lý đơn hàng online được cải thiện rất nhiều. Các đơn hàng sau 17h sẽ được giải quyết giao vào ngày kế tiếp", đại diện siêu thị này cho biết.
Đã có nhiều lo lắng người dân sẽ đổ dồn đến siêu thị mua sắm trong giờ mở cửa, tuy nhiên theo các nhà bán lẻ, hiện sức mua đã giảm nhẹ sau thời gian người dân tích trữ lớn.
Bà Nguyễn Thị Bích Vân, giám đốc đối ngoại Central Group, cho biết không chỉ hoạt động bán hàng sẽ ngừng sau 18h tuân thủ theo chỉ thị của thành phố mà các đơn hàng online giao cũng chỉ xử lý giao trong thời gian 7h - 17h. "Chúng tôi đã tính toán lại thời gian giao nhận hàng, xếp hàng lên kệ để phù hợp giờ mua sắm mới", đại diện Central Group cho biết.
Nhiều nơi dừng bán online
Tuy nhiên, theo các nhà bán lẻ, hiện đơn hàng online đang gặp khó do các công ty quản lý shipper công nghệ phải giảm 10% số lượng nhân viên so với thời điểm trước ngày 22-7.
Đại diện AEON Việt Nam cho biết do số lượng đơn hàng trước đây còn khá lớn, trong khi tìm người giao hàng khó khăn, vì vậy siêu thị quyết định tạm dừng bán hàng online từ ngày 26-7, kể cả qua các ứng dụng Grab, Now.
Trong ngày 26-7, nhiều cửa hàng kinh doanh thực phẩm cũng tắt app, ngưng nhận đơn hàng do không tìm được shipper. Trên một số ứng dụng đa dịch vụ như Grab, Now... số gian hàng thông báo đóng cửa tăng vọt, đơn hàng giảm chỉ bằng 20-30% trong khi hàng nhập về khá dồi dào.
Nhiều nhà phân phối cho biết đang làm việc với Sở Công thương TP.HCM để đảm bảo hàng hóa được đến tay người dân thuận lợi hơn trong những ngày tới.
Đồng Nai phong tỏa phường có 40.000 công nhân thuê trọ Phường Long Bình, TP Biên Hoà, với hơn 123.000 người, trong đó khoảng 40.000 công nhân thuê trọ, bị phong toả từ 0h ngày 24/7. Động thái trên được UBND TP Biên Hòa đưa ra chiều nay khi các ca nhiễm tại phường Long Bình liên tục tăng, diễn biến phức tạp, lan rộng vào các khu nhà trọ và doanh nghiệp trên...