50 nước đến Việt Nam bàn về công nghệ di động sau 4G
Ngày 11/2/2014 tại TP Hồ Chí Minh, Bộ TT&TT phối hợp với Liên minh Viễn thông quốc tế ( ITU) đã tổ chức Hội thảo khu vực Châu Á Thái Bình Dương về công nghệ vô tuyến băng rộng sau 4G.
Hội nghị nhóm nghiên cứu quốc tế WP 5D, Hội thảo khu vực Châu Á Thái Bình Dương về công nghệ vô tuyến băng rộng sau 4G được tổ chức tại TP HCM.
Hội thảo này đã thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới về thông tin di động băng rộng đến từ trên 50 nước, tổ chức quốc tế và doanh nghiệp trên thế giới.
Được diễn ra ngay trước Hội nghị nhóm nghiên cứu quốc tế WP 5D, Hội thảo khu vực Châu Á Thái Bình Dương về công nghệ vô tuyến băng rộng sau 4G làm nổi bật tầm quan trọng của vô tuyến băng rộng đối với sự phát triển của thông tin và truyền thông, nhấn mạnh sự cần thiết phải có những giải pháp hài hòa về công nghệ và phổ tần cho các hệ thống di động băng rộng trong tương lai. Những nội dung của Hội thảo có ý nghĩa đặc biệt quan trọng quyết định đến xu hướng phát triển của các hệ thống thông tin di động băng rộng trong tương lai.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Đoàn Quang Hoan, Cục Trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện đã nhấn mạnh vai trò của các dịch vụ di động băng rộng đối với sự phát triển của kinh tế – xã hội. Sự phát triển đa dạng của các dịch vụ nội dung và ứng dụng di động đang cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của các hệ thống băng rộng. Yêu cầu phát triển của các hệ thống di động thế hệ tiếp theo đặt ra đòi hỏi ngày càng cao về nguồn tài nguyên tần số. Các nghiên cứu quốc tế cho thấy cần thiết bổ sung lượng phổ tần ít nhất là 500 MHz cho hệ thống vô tuyến băng rộng đến năm 2020. Do đó, nhu cầu về phổ tần cho di động băng rộng tiếp tục là thách thức tại hầu hết các quốc gia. Đặc biệt tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương có khoảng cách phát triển giữa các nước trong khu vực dẫn đến sự khác nhau lớn về nhu cầu phổ tần và chính sách lựa chọn băng tần phù hợp. Với những khác biệt trên, câu hỏi đặt ra đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương là công nghệ, băng tần và thời điểm nào phù hợp để triển khai các hệ thống thông tin băng rộng sau 4G để mang lại lợi ích chung cho khu vực.
Các diễn giả tham gia trình bày tại Hội thảo là chuyên gia đến từ nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp uy tín trên thế giới gồm ITU, Cục Tần số Vô tuyến điện, Samsung, Huawei, Ericsson, Qualcomm, INTEL, NSN, NTT Docomo và ALU. Tham dự hội thảo, Cục Tần số Vô tuyến điện chủ trì điều hành phiên làm việc về phổ tần cho các hệ thống thông tin di động sau 4G và trình bày cập nhật tình hình về cộng nghệ và phổ tần tại Việt Nam.
Là thành viên của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam luôn thể hiện vai trò là một cơ quan quản lý uy tín có đóng góp tích cực vào các hoạt động chung của quốc tế và khu vực. Các nội dung của Hội thảo đã đề cập đến nhiều vấn đề nóng liên quan đến các hệ thống thông tin di động thế hệ tiếp theo như công nghệ, thị trường, dự báo tăng trưởng, độ sẵn sàng của phổ tần và tần số phù hợp cho hệ thống thông tin di động sau 4G, cũng như các giải pháp hài hòa tần số trong khu vực và quốc tế. Các thông tin, kinh nghiệm và nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo giúp cơ quan quản lý tần số các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà khai thác thông tin di động toàn cầu xây dựng định hướng chiến lược cho những hệ thống di động băng rộng sau 4G.
Video đang HOT
Theo ICTnews
'Đại gia' smartphone Trung Quốc trên đường chinh phục Mỹ
Nổi trội với sức mạnh cung cấp mạng viễn thông hơn là sản xuất những chiếc điện thoại thông minh siêu mỏng, tập đoàn công nghệ Huawei (Hoa Vỹ) của Trung Quốc đang bắt đầu nhìn thấy ánh hào quang trong kinh doanh mặt hàng điện thoại thông minh, cho dẫu Huawei vẫn là một công ty hầu như "vô danh" tại một thị trường quan trọng như Mỹ.
Sản phẩm của Huawei.
Năm ngoái, Huawei trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ ba thế giới, phần lớn dựa vào thị trường tăng trưởng nhanh chóng trong nước. Việc này đã tạo ra tấm lá chắn giúp hạn chế tác động của sự giảm sút toàn cầu trong chi tiêu cho các thiết bị mạng, cho dẫu tập đoàn Huawei cũng không tránh khỏi việc không đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu.
Bên cạnh đó, những chiếc điện thoại thông minh cũng sẽ giúp Huawei "cầm cự" trong khi chờ đợi việc nâng cấp hệ thống mạng 4G ở Trung Quốc tạo ra nhiều đơn hàng hơn với các thiết bị viễn thông.
Cũng như các đối thủ nội địa, những dự án sản xuất điện thoại thông minh của Huawei cho đến nay vẫn tập trung vào các dòng sản phẩm có giá ở mức thấp và trung bình tiêu thụ tại các thị trường mới nổi; và vẫn chưa đạt được một vị trí nhất định trong phân khúc sản phẩm xa xỉ tại các thị trường phát triển hứa hẹn tạo ra lợi nhuận cao hơn như Mỹ.
Trong khi đó, tại Mỹ, thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới, các nhà làm luật đã "tuýt còi" với các thiết bị viễn thông của Trung Quốc vì xem đó là những mối nguy an ninh tiềm tàng; còn cái tên Huawei thì hầu như vẫn chưa được biết đến và nếu biết, người tiêu dùng vẫn "quá rối bời" không biết phải phát âm nó như thế nào.
Theo Duncan Clark, chủ tịch của công ty cố vấn BDA có trụ sở ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), dẫu rất muốn nhưng Huawei vẫn không có chân tại thị trường Mỹ. Và theo ông, có lẽ sẽ tốt hơn nếu tập đoàn này ở vào thế "thèm muốn" hơn là cái thế "bị xem như thể van xin". Mặc dù vậy, ông Ducan vẫn cho rằng "Huawei có thể thành công ở thị trường Mỹ trong thế giới sản phẩm điện tử nơi chính khách hàng, chứ không phải các công ty viễn thông, có thể lựa chọn mua sản phẩm".
* Điện thoại thông minh
Giám đốc tài chính của Huawei bà Cathy Meng cho hay các thiết bị điện tử chiếm 23% tổng doanh thu của tập đoàn trong năm 2013, tăng từ mức 22% trong năm 2012. Điều này đã giúp nâng tổng doanh thu chưa kiểm toán của tập đoàn từ 238 tỉ NDT lên mức 240 tỉ NDT.
Theo Stategy Analytics, một tổ chức toàn cầu chuyên theo dõi, phân tích và dự báo các thị trường, tập đoàn Huawei nắm giữ 5,1% cổ phần trên thị trường điện thoại thông minh toàn cầu trong quý bốn năm 2013, xếp thứ ba và cách khá xa hai gã khổng lồ là Apple nắm giữ 13,4% và Samsung 35,2%.
Ông Duncan cho biết Huawei từng có một số quan điểm trái chiều đối với các sản phẩm điện thoại thông minh, và đã có thời điểm tập đoàn này nghĩ đến việc "bán tống bán tháo" loại sản phẩm này, nhưng cũng chính Huawei đã quyết định đẩy mạnh mặt hàng này. So với các lĩnh vực khác thì kinh doanh điện thoại thông minh dù mang lại lợi nhuận thấp hơn nhưng cho thấy tầm nhìn của nhà đầu tư vì đây sẽ là "một phần của tương lai".
Tuy Huawei hy vọng có thể thách thức hai gã khổng lồ Samsung và Apple cũng như đặt chân vào thị trường Mỹ nhưng sự ghi nhận thương hiệu của công chúng với Huawei hầu như chưa có. Thêm vào đó, tại Mỹ, Huawei lại bị cáo buộc có liên quan đến hoạt động do thám và tập đoàn nay cũng chỉ có một mối quan hệ mờ nhạt với các công ty viễn thông Mỹ phân phối sản phẩm ra thị trường.
Dẫu vậy, đầu năm nay Huawei đã có động thái cho thấy quyết tâm "xoay chuyển càn khôn" khi đã tung tiền ra chiếm một vị trí đắc địa để quảng bá sản phẩm trong cuộc triển lãm điện tử tiêu dùng CES diễn ra đầu tháng 1 năm nay ở Las Vegas, Mỹ.
Không chỉ gặp trắc trở tìm đường vào thị trường Mỹ, việc kinh doanh của Huawei tại châu Âu, dẫu doanh số bán hàng vẫn đạt mức cao, cũng không hoàn toàn suôn sẻ bởi Ủy ban châu Âu đã sẵn sàng mở cuộc điều tra về hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà sản xuất Trung Quốc trong lĩnh vực thiết bị viễn thông.
Niềm an ủi lớn nhất của Huawei có lẽ là thị trường nội địa khi trong năm qua, thị trường Trung Quốc đóng góp khoảng 50% tăng trưởng trong kinh doanh thiết bị điện tử của tập đoàn. Năm 2013, Huawei đặt mục tiêu tiêu thụ 60 triệu sản phẩm hàng điện thoại thông minh và tập đoàn này thông báo con số thực tế là 52 triệu sản phẩm. Theo tính toán của hãng tin Reuters, hoạt động kinh doanh thiết bị điện tử của Huawei tăng 13,2% mỗi năm.
* Mạng
Huawei là nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn thứ hai thế giới sau tập đoàn Ericsson của Thụy Điển. Năm 2013, hoạt động kinh doanh mạng chiếm 70% doanh thu chưa kiểm toán của Huawei và theo tính toán của Reuters, chỉ tăng 4,1% bất chấp việc Trung Quốc và một loạt quốc gia ký hợp đồng với Huawei để xây dựng các mạng di động thế hệ thứ tư 4G.
Một lần nữa, Huawei cũng không thể xâm nhập vào thị trường Mỹ và Australia vì những nghi kị có liên quan đến chính phủ Trung Quốc, điều mà dĩ nhiên Huawei đã bác bỏ hoàn toàn. Trong khi đó tại Anh, Huawei cũng bị giám sát chặt chẽ vì các vấn đề an ninh mạng.
Tình hình trong nước cũng không quá khả quan khi các chuyên gia cho rằng việc triển khai mạng 4G ở Trung Quốc không diễn ra nhanh như được kỳ vọng, do đó doanh thu sẽ không "xuất đầu lộ diện" cho tới nửa đầu năm nay.
Phần doanh thu chiếm khoảng 7% còn lại của Huawei đến từ phân khúc doanh nghiệp, cung ứng các thiết bị viễn thông cho doanh nghiệp và tổ chức. Nhưng theo bà Meng, đây là phân khúc không mang lại lợi nhuận.
Nói về các vấn đề an ninh mạng ở Mỹ và các thị trường khác, bà Meng cho biết tất cả mọi chuyện "sẽ được thị trường định đoạt". "Chúng tôi chưa thấy sự cố nào trong các hệ thống mạng liên quan đến các vấn đề an ninh. Nhiều bài báo cho rằng thiết bị của Huawei có nhiều điểm yếu hoặc dễ bị xâm phạm nhưng không hề có cơ sở", bà nói.
Theo VNE
Microsoft : đổi miễn phí iPhone 4/4s, Galaxy S2 lấy Lumia 1020/1520 Microsoft công bố chính sách đổi miễn phí điện thoại Apple iPhone 4/4s và Samsung Galaxy S2 cũ của Samsung để lấy điện thoại Lumia 1020 hoặc Lumia 1520 từ nhà mạng AT&T. ảnh minh họa Tuy nhiên, để có thể đổi được thì khách hàng cần phải đáp ứng một số điều kiện củaMicrosoft, bao gồm: Điện thoại phải còn đang hoạt...