50 ca đột quỵ nhập viện mỗi ngày, chuyên gia chỉ 3 cách phòng ngừa
Mỗi ngày Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân đột quỵ, trong đó chỉ 20% tận dụng được thời gian vàng.
Thông tin trên được nêu ra tại sự kiện Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khánh thành công trình cải tạo Trung tâm Đột quỵ vào chiều 6-5.
Theo các chuyên gia, đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỉ lệ bị khuyết tật ở mức cao.
Chỉ 20% tận dụng được thời gian vàng
Theo PGS Mai Duy Tôn – Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, mỗi ngày nơi đây tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân đột quỵ, trong đó chỉ 20% tận dụng được thời gian vàng. Tỉ lệ này đã tăng lên so với trước đó, nhưng so với nhiều trung tâm trên thế giới thì vẫn còn thấp.
PGS Mai Duy Tôn cho biết thêm, thời gian qua Trung tâm Đột quỵ đã triển khai và thúc đẩy mạnh mẽ cấp cứu đột quỵ cấp, phối hợp với các viện, trung tâm, khoa phòng trong bệnh viện để phát triển nhiều kỹ thuật cao về can thiệp đột quỵ hiện nay đã trở thành thường quy.
Các kỹ thuật được thực hiện thường quy như tiêu huyết khối, lấy huyết khối cơ học, mở sọ giảm áp cho người bệnh đột quỵ thiếu máu não, các phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, các kỹ thuật hồi sức sọ não chuyên sâu như dẫn lưu não thất, theo dõi áp lực nội sọ, đo oxy não…
Đặc biệt, có những phương pháp mới, cho phép mở rộng thời gian can thiệp mạch để tái thông mạch cho bệnh nhân đột quỵ trong 24 giờ đầu.
Mỗi ngày, Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận khoảng 50 bệnh nhân. Ảnh: TT
3 khuyến cáo tầm soát, phòng ngừa đột quỵ
Video đang HOT
Theo PGS Mai Duy Tôn, hiện nay nhiều người vẫn tin các kinh nghiệm truyền miệng, sơ cứu bệnh nhân đột quỵ sai cách như chích máu đầu ngón tay, chích máu tai, cho người bệnh dùng các loại thuốc an cung… mà bỏ qua thời gian vàng đến viện.
Với những yếu tố như huyết áp, mỡ máu, tiểu đường, béo phì, thói quen hút thuốc… bệnh đột quỵ hiện đang có xu hướng trẻ hóa.
Để tầm soát và phòng ngừa đột quỵ, nhất là ở người trẻ, bác sĩ Tôn khuyến cáo người dân nên thường xuyên tập luyện, vận động, kiểm soát cân nặng, từ bỏ thói quen hút thuốc và thói quen ăn uống không lành mạnh.
Cạnh đó, lưu ý tầm soát các yếu tố nguy cơ của đột quỵ như tim mạch, huyết áp, mỡ máu, tiểu đường…
Khi có một trong các biểu hiện của đột quỵ (giảm thị lực, yếu tay chân, nói ngọng, nói khó, đau đầu, chóng mặt) cần đến ngay các đơn vị điều trị đột quỵ để được chẩn đoán, điều trị kịp thời.
Bác sĩ Tôn cho biết thêm, mới đây Trung tâm Đột quỵ đã trình Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị đột quỵ. Đây là hướng dẫn cập nhật mới nhất những tiến bộ của thế giới về chẩn đoán, điều trị đột đột, giúp cho việc điều trị đột quỵ tại Việt Nam tiếp cận với thế giới.
Khi được ban hành, hướng dẫn này sẽ là tài liệu hướng dẫn kỹ thuật chuyên môn cho y bác sĩ chuyên ngành đột quỵ các tuyến, đồng thời đây cũng là cơ sở pháp lý cho BHYT thanh toán trong thăm khám, triển khai kỹ thuật, thủ thuật về đột quỵ.
9 điều nằm lòng dành cho bệnh nhân đột quỵ
PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đã đưa ra 9 khuyến cáo về 6 điều nên làm và 3 điều nên tránh dành cho bệnh nhân đột quỵ, nhất là khi thời tiết chuyển lạnh.
PGS.TS. Mai Duy Tôn - Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai đang thăm khám cho bệnh nhân
Theo thống kê của Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Bạch Mai, trong những ngày thời tiết chuyển lạnh, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận 50 - 55 người bệnh bị đột quỵ, trong số đó khoảng 8% là người trẻ và bệnh nhân đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa.
"Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đột quy cao nhất, với khoảng 200.000 người bị đột quỵ mỗi năm. Đột quỵ là nguyên nhân thường gặp thứ hai gây tử vong tại Việt Nam. Trong số người sống sót sau đột quỵ, tỷ lệ bị khuyết tật do đột quỵ ở mức cao. Những năm gần đây, nhờ công tác truyền thông nên số người dân bị đột quỵ đến viện sớm đạt khoảng 20%. Tuy nhiên, con số này vẫn là rất thấp so với thế giới"- PGS.TS. Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho hay.
Cũng theo PGS.TS. Mai Duy Tôn, việc nâng cao nhận thức để người dân đến viện sớm trong "giờ vàng" là rất quan trọng, chính vì vậy người bệnh và người nhà bệnh nhân cần lưu 6 điều cần làm và 3 điều không nên làm khi nghi ngờ đột quỵ não.
6 điều nên làm
PGS.TS. Mai Duy Tôn cho biết, đột quỵ não có thể đe dọa đến tính mạng và dẫn đến tàn tật vĩnh viễn. Vì vậy, điều quan trọng nhất khi phát hiện người thân có dấu hiệu đột quỵ là cần hành động nhanh để kịp đến viện trong giờ vàng.
Thứ nhất, lập tức gọi xe cứu thương (gọi 115) để các bác sĩ chuyên khoa có thể cấp cứu kịp thời bệnh nhân đột quỵ đúng đắn, nhanh nhất và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có thể thực hiện kỹ thuật cấp cứu tốt nhất. Thêm vào đó, nhân viên y tế của 115 được trang bị kiến thức y tế để xử lý các tình huống khẩn cấp khác nhau, họ có thể hỗ trợ cứu sống bệnh nhân trên đường đến bệnh viện và có khả năng làm giảm các tác động của đột quỵ não.
Thứ hai, khi gọi cấp cứu, phải nói rõ tình trạng bệnh của người nhà là "đột quỵ não" với cấp cứu 115. Bởi khi gọi 115 và yêu cầu trợ giúp nhân viên cấp cứu 115 sẽ được chuẩn bị phương tiện y tế phù hợp và chọn bệnh viện chuyên điều trị đột quỵ não trước khi họ chuyển bệnh nhân.
Thứ ba, phải theo dõi các triệu chứng và hỏi chuyện người bệnh. Vì bệnh nhân có thể không thể giao tiếp được tại bệnh viện, nên trong khi chờ xe cứu thương, người nhà nên hỏi người bệnh càng nhiều thông tin càng tốt. Hỏi về tất cả các loại thuốc mà người bệnh đang dùng, tình trạng sức khỏe, có dị ứng gì không? Ghi lại tất cả các triệu chứng bao gồm: thời điểm đột quỵ, tiền sử bệnh tật của người bệnh như tăng huyết áp, bệnh tim, ngừng thở khi ngủ, tiểu đường... Những thông tin này rất hữu ích khi bác sĩ khai thác bệnh sử và có giải pháp điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Thứ tư, khuyến khích người bệnh nằm xuống với tư thế đầu cao, bởi vì tư thế này giúp tăng cường lưu lượng máu đến não. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngã thì đừng cố di chuyển mà phải giữ nguyên và tạo sự thoải mái cho người bệnh bằng cách nới lỏng quần áo và giữa thoáng khí.
Thứ năm, cần thực hiện hồi sinh tim phổi (CPR). Một số người bệnh có thể bất tỉnh trong cơn đột quỵ não. Nếu điều này xảy, hãy đánh giá tình trạng hô hấp của người bệnh, xem người bệnh có còn thở không. Nếu bạn không thể bắt được mạch, hãy bắt đầu thực hiện hồi sinh tim phổi...
Thứ sáu, cần phải giữ bình tĩnh trong suốt quá trình chờ cứu thương 115 đến.
3 điều nên tránh
Bên cạnh những việc cần làm để cấp cứu bệnh nhân thì PGS.TS Mai Duy Tôn cũng khuyến cáo 3 điều không nên làm đối với bệnh nhân đột quỵ não.
Khi có những dấu hiệu của đột quỵ não, cần gọi cho cứu thương 115
Thứ nhất, không nên cố cho người bệnh uống thuốc. Mặc dù aspirin là chất làm loãng máu, tuy nhiên không được cho người bệnh uống aspirin hay bất kỳ một loại thuốc nào khác, bởi các cục máu đông chỉ là một trong vô số nguyên nhân dẫn đến đột quỵ não. Đột quỵ não cũng có thể do một mạch máu vỡ trong não gây ra. Vì vậy, khi không biết người thân bị mắc loại đột quỵ nào thì tuyệt đối không cho họ uống bất kỳ loại thuốc nào.
Thứ hai, không nên cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì. Tránh đưa thức ăn hoặc nước uống cho người bị đột quỵ não. Bởi vì bệnh nhân đột quỵ não thường không tỉnh táo và có thể có rối loạn nuốt. Do đó, cho người bệnh ăn hoặc uống có thể dẫn đến tình trạng nghẹn, gây sặc dẫn đến suy hô hấp và hệ quả là viêm phổi.
Thứ ba, không cho người bệnh tự đi xe đến bệnh viện. Các triệu chứng đột quỵ não rất khó để nhận biết ngay từ đầu. Người bệnh có thể nhận ra có gì đó không ổn, nhưng không nghi ngờ đột quỵ não. Nếu có thể phán đoán người bệnh đang bị đột quỵ não thì tuyệt đối không để người bệnh tự đi xe đến viện mà hãy gọi 115 và chờ sự giúp đỡ.
Hiểu về "thời gian vàng" trong đột quỵ não
Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, chúng ta phải chạy đua với thời gian để tới viện sớm nhất có thể khi có triệu chứng nghi ngờ. Đó là méo miệng một bên, nói ngọng, thất ngôn, yếu liệt hoặc tê bì tay chân một bên, mất thị lực đột ngột một hoặc hai mắt...
Chúng ta không được phép để mất một giây phút nào để nằm bất động đợi chờ tự hồi phục hay tự điều trị theo "phương pháp dân gian truyền miệng". Cơ hội để dùng thuốc tiêu sợi huyết chỉ có 4,5 giờ từ khi khởi phát. Cơ hội để can thiệp lấy huyết khối chỉ có 6 giờ đầu, ngoài ra một số trường hợp đặc biệt có thể tới 24 giờ. Nếu càng đến sớm bao nhiêu thì tỉ lệ điều trị thành công càng cao bấy nhiêu.
"Thời gian vàng trong đột quỵ não hay 'thời gian là não' là cụm từ để nhấn mạnh rằng càng trì hoãn đột quỵ não thì càng có nhiều thiệt hại cho người bệnh. Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy. Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não bị chết. Cứ mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường (đó là trong trường hợp người bệnh may mắn sống sót)" - PGS.TS Mai Duy Tôn phân tích.
Thời gian vàng trong đột quỵ thiếu máu não là 270 phút nếu sử dụng thuốc tiêu huyết khối làm tan cục máu đông hoặc trong 6 - 8 giờ nếu lấy huyết khối cơ học trong trường hợp tắc động mạch lớn trong não. Tuy nhiên, nếu người bệnh được điều trị càng sớm trong khoảng thời gian này thì cơ hội phục hồi, ít để lại di chứng càng cao. Ngược lại, nếu điều trị càng muộn trong "cửa sổ thời gian" này cơ hội phục hồi sẽ thấp đi. Do vậy, khi phát hiện bệnh nhân đột quỵ não, chúng ta cần đưa người bệnh vào viện ngay để điều trị càng sớm càng hiệu quả.
Nguy cơ đột quỵ ở người trẻ khi trời nóng, nhiệt độ thay đổi Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ thay đổi liên tục như hiện nay khiến nhiều người rất dễ có nguy cơ bị đột quỵ. Đặc biệt thời gian gần đây, các ca đột quỵ xuất hiện nhiều ở người trẻ. Các ca đột quỵ xuất hiện nhiều ở người trẻ trong thời gian gần đây. Ảnh minh họa: Freepik. Các nghiên cứu mới...