5 ngòi nổ có thể khiến căng thẳng Mỹ – Trung bùng phát
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc dưới thời Tổng thống Donald Trump tồn tại nhiều ngòi nổ khiến căng thẳng có thể bùng phát bất cứ thời điểm nào.
Lập trường của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump cùng các thành viên nội các tương lai của ông đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc gây nhiều tranh cãi. Bình luận viên Robert Farley của National Interest đưa ra 5 vấn đề tiềm ẩn nguy cơ khiến quan hệ Mỹ-Trung leo thang căng thẳng trong thời gian tới.
Tàu khu trục Mỹ USS Decatur tại Biển Đông. Ảnh: America’s Navy
Biển Đông và biển Hoa Đông
Vấn đề Biển Đông và Biển Hoa Đông gần đây luôn là tâm điểm cho căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh.
Trên Biển Đông, Mỹ đang hỗ trợ một số nước phản đối tham vọng bành trướng lãnh thổ của Trung Quốc, còn tại biển Hoa Đông, Mỹ đang rơi vào tình cảnh khó xử khi phải phân vân xem xét nên giúp đỡ Nhật Bản bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ ở mức độ nào.
Bất chấp những tuyên bố phản đối chính sách bao bọc các nước đồng minh, lập trường chống Trung Quốc của Tổng thống đắc cử Mỹ có thể khiến Washington tiếp tục đẩy mạnh can dự vào Biển Đông và biển Hoa Đông, biến hai vùng biển này thành nơi đối đầu giữa hai cường quốc, đặc biệt trong bối cảnh Bắc Kinh không ngừng tăng cường sức mạnh hải quân, thể hiện rõ tham vọng kiểm soát biển.
Thương mại
Nhiều năm qua, cả Mỹ và Trung Quốc đều nỗ lực duy trì mối quan hệ thương mại ổn định, vốn giúp nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng đáng kể từ cuối những năm 1980, đặt vấn đề kinh tế ra ngoài mối quan tâm chính trị và chiến lược.
Video đang HOT
Tuy nhiên, đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống đắc cử Mỹ cam kết sẽ thay đổi tất cả. Ông Trump đã lên kế hoạch để thách thức Trung Quốc trên hàng loạt lĩnh vực thương mại, bao gồm nhiều vấn đề cốt lõi có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ này.
Dù Washington và Bắc Kinh vẫn cần nhau, những tuyên bố đối đầu của ông Trump có khả năng châm ngòi cho một cuộc chiến tranh thương mại, có nguy cơ làm rối loạn nền kinh tế thế giới.
Triều Tiên
Triều Tiên từ lâu luôn là cơ hội và cũng là rắc rối đối với Trung Quốc.
Trong khi sự tồn tại của Triều Tiên ngăn chặn sự mở rộng của Hàn Quốc xuống gần biên giới Trung Quốc, chương trình hạt nhân và những hành động “khiêu khích” của nước này khiến Mỹ có cơ hội tái khẳng định vị trí ở Đông Bắc Á, tiếp tục triển khai nhiều khí tài quân sự.
Việc Trung Quốc, gần đây, ít quan tâm và hỗ trợ Triều Tiên hơn có thể khiến Bình Nhưỡng có những động thái mang tính thử nghiệm với cả Bắc Kinh và Washington, đẩy hai nước vào một cuộc xung đột khó lường.
Cách đây 45 năm, Pakistan từng giữ vai trò là cầu nối cho việc cải thiện quan hệ Mỹ – Trung. Tuy nhiên mối quan hệ giữa Islamabad và Washington gần đây đã trở nên căng thẳng.
Việc Mỹ và Ấn Độ tăng cường hợp tác quốc phòng nhằm tạo thế cân bằng với Trung Quốc khiến Pakistan phật lòng và tỏ thái độ cảnh giác. Ngoài ra, những nghi ngờ về việc Pakistan hỗ trợ khủng bố ở Ấn Độ và Afghanistan cũng khiến Mỹ thận trọng trong quan hệ với nước này.
Một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Pakistan chắc chắn sẽ khiến căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh leo thang.
Đài Loan
Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm 2/12 có cuộc điện đàm 10 phút với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Ảnh: Wall Street Journal
Mặc dù Đài Loan từ lâu đã là điểm gắn bó quan trọng nhất trong quan hệ Mỹ-Trung, cuộc điện đàm mới đây giữa Tổng thống đắc cử Trump và lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn đã khiến vấn đề này tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bất ổn trong quan hệ hai nước.
Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất, kể cả bằng vũ lực nếu cần thiết. Tôn trọng nguyên tắc trên, Washington từ năm 1979 cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Bắc.
Ông Trump, trong cuộc điện đàm và trên các phương tiện truyền thông, lại tuyên bố sẽ xem xét lại chính sách dài hạn mơ hồ đối với Đài Loan.
Hiện chưa chắc chắn liệu Tổng thống đắc cử Mỹ có mạnh tay sử dụng Đài Loan để ép Trung Quốc nhượng bộ trong hàng loạt lĩnh vực khác hay không, hay đơn giản chỉ dừng lại ở mức độ “đánh tiếng” cho Bắc Kinh nhận thức được khả năng này.
Giới lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn phải suy nghĩ nghiêm túc về chủ đề này để đưa ra phản ứng phù hợp với hành động được Bắc Kinh đánh giá là vi phạm “giới hạn đỏ”. Bất cứ tính toán sai lầm nào của cả hai bên đều có thể dẫn đến một cuộc xung đột khủng khiếp.
Nguyễn Hoàng
Theo VNE
Trump chọn nhà chỉ trích Trung Quốc làm đại diện thương mại Mỹ
Donald Trump hôm nay chọn Robert Lighthizer, người chỉ trích mạnh mẽ hoạt động thương mại của Trung Quốc, làm đại diện thương mại Mỹ.
Robert Lighthizer. Ảnh: FT.
"Ông ấy dày dạn kinh nghiệm trong việc mang lại những thỏa thuận giúp bảo vệ một số lĩnh vực quan trọng nhất trong nền kinh tế của chúng ta. Ông từng nhiều lần đấu tranh trong lĩnh vực tư nhân, ngăn các thỏa thuận tồi tệ ảnh hưởng người dân Mỹ", Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nói về Robert Lighthizer trong thông báo bổ nhiệm hôm nay, theo AFP.
Lighthizer từng là phó đại diện thương mại Mỹ dưới thời tổng thống Ronald Reagan vào những năm 1980. Ông Trump cho rằng Lighthizer sẽ giúp đảo ngược những chính sách thương mại thất bại đã khiến Mỹ mất đi sự thịnh vượng.
"Tôi xin cam kết hành động vì người lao động Mỹ và tạo ra chính sách thương mại tốt hơn, mang lại lợi ích cho toàn bộ người Mỹ", Lighthizer cho biết trong một thông báo.
Lighthizer tố Trung Quốc không thực hiện theo cam kết năm 2001, khi nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), và tranh luận rằng cần có chiến thuật cứng rắn hơn để thay đổi hệ thống, dù nó đi sai hướng với các quy tắc của WTO.
"Nhiều năm thụ động và buông thả trong giới hoạch định chính sách đã khiến thâm hụt thương mại Mỹ - Trung Quốc tăng đến mức trở thành mối đe dọa lớn đối với nền kinh tế của chúng ta", Lighthizer viết trong bản khai gửi quốc hội Mỹ năm 2010. "Giới hoạch định chính sách Mỹ cần nghiêm túc hơn và có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc".
Trump chọn Lighthizer cho thấy ông tính triển khai những chính sách thương mại cứng rắn nêu ra khi tranh cử. Trump phản đối Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Tổng thống Barack Obama và Thỏa thuận Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) với Canada, Mexico. Ông cho rằng chúng cướp đi việc làm tại Mỹ và chỉ trích cái gọi là hoạt động thương mại không công bằng của Trung Quốc.
Như Tâm
Theo VNE
Dự án khách sạn bộc lộ thế bí của Trump ở Trung Quốc Donald Trump từng gọi Trung Quốc là "kẻ thù" hay mối đe dọa nhưng trong ít nhất 8 năm qua, chuỗi kinh doanh khách sạn của ông vẫn tìm cách vào thị trường tiềm năng này. Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: AP Mặc dù các cuộc đàm phán vẫn chưa cho kết quả, Trump Hotels, phân nhánh phụ trách kinh...