5 ngành học kiếm tiền tốt nhất ở Mỹ
Kỹ thuật kiến trúc, Dịch vụ xây dựng là những ngành có tỷ lệ thất nghiệp thấp, thu nhập cao trong thị trường lao động Mỹ.
Việc lấy bằng đại học ở Mỹ ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Theo Education Data Initiative – một nhóm nghiên cứu chuyên công bố các dữ liệu về giáo dục, chi phí trung bình để học tại một trường tư, chương trình kéo dài 4 năm, là gần 54.000 USD một năm. Ngay cả với những chương trình hai năm trong bang tại một trường công lập, chi phí cũng là hơn 16.000 USD một năm. Điều đó có nghĩa, bạn có thể phải chi từ 32.000 đến 215.800 USD cho việc học đại học.
Bankrate, nhà xuất bản và cung cấp các công cụ để so sánh sản phẩm tài chính, đưa ra danh sách chuyên ngành đại học có thể giúp bạn kiếm được nhiều tiền nhất theo thứ hạng từ cao xuống thấp. Bankrate dựa vào 3 yếu tố gồm thu nhập trung bình (chiếm 70% điểm đánh giá); tỷ lệ thất nghiệp (20%); phần trăm số người có bằng cấp cao hơn, tức là bạn có cần học thêm sau đại học hay không (10%).
1. Architectural Engineering (Kỹ thuật kiến trúc)
Với mức lương trung bình 90.000 USD một năm, tỷ lệ thất nghiệp là 1,3% và tỷ lệ người có bằng cấp cao hơn là 29,3%, bằng cử nhân ngành kỹ thuật kiến trúc có giá trị nhất.
Theo Penn State Engineering, các kỹ sư kiến trúc thực hiện việc thiết kế các tòa nhà và những hệ thống phức tạp. Chuyên ngành này bao gồm các kỹ năng liên ngành trong kỹ thuật kết cấu, cơ khí, điện, chiếu sáng, âm học và kỹ thuật thiết kế. Nếu bạn thích những thử thách liên quan đến việc xây dựng các hệ thống lớn và kết hợp các kỹ năng liên ngành, đây có thể là một lựa chọn tốt.
2. Construction Services (Dịch vụ xây dựng)
Với thu nhập trung bình 80.000 USD, tỷ lệ thất nghiệp 1% và tỷ lệ có bằng cấp cao hơn là 12,1%, dịch vụ xây dựng là ngành được đánh giá cao thứ hai.
Theo TalentDesk – một nền tảng môi giới nhà thầu và người làm nghề tự do, những người chuyên về dịch vụ xây dựng có thể làm việc với tư cách là người quản lý xây dựng, người ước tính chi phí và kỹ sư dân dụng cho các dự án xây dựng lớn. Đặc biệt, hầu hết mọi người đều có thể kiếm được một mức lương cao ở ngành này mà không cần phải có bằng cấp sau đại học.
Video đang HOT
3. Computer Engineering (Kỹ thuật máy tính)
Người có bằng cấp ở ngành này có mức lương trung bình cao nhất với 101.000 USD, tuy nhiên chỉ xếp thứ ba trong danh sách những ngành bằng cấp có giá trị nhất do tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2,3% và tỷ lệ người tiếp tục học cao hơn lên tới 39,7%.
College Board – công ty quản lý những kỳ thi như SAT, cho biết chuyên ngành kỹ thuật máy tính sẽ cung cấp những kiến thức liên quan đến toán học, vật lý và khoa học máy tính, từ đó, người học có thể phát triển phần cứng và phần mềm máy tính.
Ảnh: EACSP
4. Aerospace Engineering (Kỹ thuật hàng không vũ trụ)
Các kỹ sư hàng không vũ trụ có thu nhập trung bình 100.000 USD. Tỷ lệ thất nghiệp là 1,9%. Khoảng 50,7% có bằng sau đại học. Theo Georgia Tech, nếu bạn có ước mơ tạo ra máy bay hoặc một ngày nào đó sẽ vào vũ trụ, đây là chuyên ngành dành cho bạn.
5. Transportation Sciences and Technologies (Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải)
Cuối cùng trong danh sách là ngành Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải, với mức lương trung bình là 86.000 USD, tỷ lệ thất nghiệp là 1,8% và tỷ lệ có bằng cấp cao hơn là 21,1%. Theo Đại học Florida, khi các thành phố ngày càng đô thị hóa và đẩy mạnh xây dựng mạng lưới giao thông, các kỹ sư giao thông vận tải đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề di chuyển của mọi người.
Nhìn chung, bằng cấp ở các chuyên ngành kỹ thuật có nhiều giá trị nhất, theo Bankrate. Nhiều người trong số họ tập trung vào việc xây dựng các hệ thống lớn và phức tạp như các tòa nhà, mạng lưới giao thông.
Để làm nghiên cứu và đưa ra thứ hạng chuyên ngành, Bankrate đã sử dụng dữ liệu từ khảo sát với sự tham gia của hơn 2 triệu người Mỹ của Cục điều tra dân số cũng như dữ liệu năm 2019 từ IPUMS USA của Đại học Minnesota.
Tân sinh viên "khóc hận" vì lỡ chọn trường mà không quan tâm ngành phù hợp
Đỗ vào trường danh tiếng ở Hà Nội nhưng tân sinh viên thấy hối hận vì sau một tháng học không có chút hứng thú với ngành "lỡ" trúng tuyển.
Mới đây, Quỳnh Thi (tên nhân vật đã đổi) - tân sinh viên ĐH Kinh tế Quốc dân khổ sở "cầu cứu" trên một diễn đàn học tập, sau khi mới học được hơn một tháng bởi lý do: "cứng đầu không chịu nghe lời tư vấn nên vẫn quyết định chọn trường mà không chọn ngành".
Đỗ trường top, chỉ cần cái tên của trường cũng giúp đỡ rất nhiều cho Thi khi đi xin việc sau này, nhưng em lại không hứng thú với ngành Quản trị Du lịch mà mình trúng tuyển.
Nhiều tân sinh viên đại học chật vật khi mới vào học năm đầu (Ảnh minh họa: Lê Phương).
"Đến giờ em rất hối hận. Từ hôm biết mình đỗ em vẫn chưa thể có hứng thú học và cảm thấy rất nản. Em còn có ý nghĩ cứ học thử một học kì, nếu vẫn không thích được thì năm sau thi lại. Nhưng em biết việc thi lại là không dễ dàng và kèm theo rất nhiều vấn đề. Em vẫn xác định sẽ cố gắng học vì kì đầu chỉ là các môn đại cương, chưa liên quan đến chuyên ngành nên em vẫn có thể học được nhưng về tương lai em rất mông lung", nữ sinh này than thở.
Câu chuyện của Quỳnh Thi nhận được hàng trăm ý kiến phản hồi, chia sẻ đồng cảm của nhiều sinh viên.
Tân sinh viên Hương Giang đồng cảnh ngộ cho biết: "Mình cũng thực sự muốn từ bỏ vì lúc đăng ký xét tuyển chỉ nghĩ chọn trường thôi, nhưng giờ học ngành mình không muốn lại khiến cho bản thân khổ sở vậy".
Đã trải qua tình cảnh tương tự, Minh Phương- một sinh viên năm 2 kể "mình đăng ký xét tuyển đại học cùng lúc 5 ngành vào một trường vì nghĩ điểm số đạt an toàn trúng tuyển nguyện vọng đầu, nhưng rốt cuộc lại trúng ngay ngành mình chọn bừa. Mình trải qua năm đầu đại học trong tình trạng mất phương hướng, không chút động lực để cố gắng nên không thể theo kịp chương trình học".
Kết quả cuối năm nhất khiến Phương không khỏi "sốc" vì thi trượt 5/9 môn học và phải học lại cả mấy tháng hè. Rút ra bài học từ bản thân, Minh Phương khuyên Thi "tránh vết xe đổ" của mình bằng cách tìm hiểu thật rõ ngành yêu thích càng sớm càng tốt để thay đổi.
Chia sẻ những lo lắng của tân sinh viên, Ths Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh của một trường ĐH tại TPHCM khuyên, các em hãy bình tĩnh và đừng vội buông bỏ ngành mới trúng tuyển.
Các em đừng suy nghĩ nhiều, cứ học tiếp vì năm nhất vẫn còn học nhiều môn đại cương. Khi nào học những môn cơ sở hay chuyên ngành mới biết mình hợp với ngành nghề hay không. Lúc đó, nếu vẫn thấy không hợp với ngành nghề có thể chuyển sang ngành nghề khác ở trong trường bởi đa phần các ĐH giờ đây cho sinh viên được học 2 ngành.
"Nếu trường đó không có ngành các em yêu thích thì em có thể chuyển trường, lúc đó cũng chưa muộn", ông Sơn nhắn nhủ.
Ông Sơn khuyên học sinh lớp 12 chuẩn bị xét tuyển vào đại học nên sớm tìm hiểu ngành nghề sẽ theo đuổi trong tương lai và tránh chọn trường mà chỉ nên chọn ngành theo sở thích.
"Chúng tôi hay ví von rằng các em hãy chọn ngành như chọn người tình trăm năm vậy. Phải phù hợp với sở thích bản thân, phù hợp với nhu cầu nhân lực trong tương lai, phù hợp với chi phí của bản thân trong hiện tại thì mới có thể thành công. Tất nhiên để thành công vẫn cần thêm yếu tố siêng năng và một chút may mắn nữa", ông Sơn nhấn mạnh.
Đây là ngành học dự đoán sẽ bùng nổ sau đại dịch: Cơ hội việc làm thì "sum suê", mức lương ổn định lại ê hề khoản thưởng Ngành học này hiện đình trệ vì yêu cầu phòng dịch chứ không phải do giảm nhu cầu. Dịch Covid-19 đã khiến nhiều ngành nghề ảnh hưởng, trong đó có những ngành liên quan đến du lịch, dịch vụ khách sạn. Cụ thể doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 4,5 nghìn tỷ đồng, giảm 51,8% so với cùng...